28 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 10 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Và tôi cúi đầu im lặng!

Featured Image: Ðariusz

 

Trước tiên, tôi xin nói với các bạn đây là câu chuyện từ chính trải nghiệm của sếp tôi, một người nước ngoài “trăm phần trăm”, nhưng lại được nhìn nhận qua con mắt của tôi và suy nghĩ bằng cái đầu của tôi.

Tại sao lại là “trăm phần trăm” à? Bởi vì cô ấy chỉ vừa đến Việt Nam chưa đầy năm, và cô ấy có thể sẽ sống tại đây một thời gian dài. Mà người nước ngoài sống lâu ở nước mình thì không còn là “trăm phần trăm” nữa mà phần nào đã bị Việt hóa để có thể tồn tại rồi, còn ai mà chỉ vừa mới thì nhiều khi họ chỉ định ở vài tháng rồi thôi thì cũng coi như là một cuộc viếng thăm. Còn cái nghĩa của tôi ở đây là người nước ngoài vừa đến nhưng kế hoạch là họ buộc phải sống lâu dài ở đây.

Tôi cũng chỉ vừa vào làm cùng cô chỉ mới 4 tháng, nhưng cảm giác bị nước lạnh tạt vào mặt thì hầu như ngày nào tôi cũng trải qua. Đến nỗi bạn tôi nói rằng: “Chắc bà ấy đang tiêm thuốc chống nhục cho mày.” Tại sao à? Vì cách làm việc của họ khác lắm các bạn à. Cách sống, suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề nữa, và quan trọng hơn là chính những hoàn cảnh “trời ơi đất hỡi” mà cô ấy gặp phải cứ luôn xảy ra, và cái câu hỏi “Why? Why?” cứ lảng vảng trước mặt tôi. Nhưng tôi chỉ im thin thít, và ước gì có thể lặn luôn thì hay quá.

Chúng tôi làm việc dựa trên nguyên tắc là không đi trễ, đúng giờ làm việc, sau công việc, vứt tất cả tại văn phòng và không liên lạc trong ngày nghỉ trừ phi có trường hợp khẩn cấp. Từ hành động đến quyết định cần nhanh và quyết đoán, không do dự và dây dưa. Cả văn phòng chỉ có hai người phụ nữ nhưng ngày nào cũng có âm thanh của sự tranh luận. Thời gian đầu đương nhiên là tôi chỉ im lặng, nghe câu nào câu nấy thấm vào tận tim. Chưa bao giờ tôi thấy xấu hổ khi nhận lương cho đến khi tôi làm ở đây, dù tôi đã cố gắng hết sức.

Và lúc nào đi làm tôi cũng mong một điều duy nhất, hôm nay tôi sẽ được yên thân, đừng ai nói gì tôi. Nhưng mà nào có được vậy, riết rồi từ một kẻ chỉ biết im lặng, tôi mạnh dạn đáp trả, nói lên những gì tôi nghĩ và mạnh dạn nói rằng tôi không như thế. Khi đó, tôi nhận ra, một nụ cười trên gương mặt cô ấy, và cô ấy kết luận rằng: ”Ít nhất bây giờ mày đã hiểu nên làm gì ở đây.”

Ôi trời! Thì ra đây là cái cô ấy muốn, cô ấy muốn tôi phải mạnh mẽ, phải kiểm soát tất cả những thứ mà cuộc sống này có thể quẳng vào tôi và mong rằng tôi có thể đấu tranh cho chính cái cuộc sống của mình. Cô ấy đã dạy tôi biết rằng sự phản kháng không hẳn là sai, nếu tôi phản kháng nhưng không thay đổi, có thể tôi đã nghỉ việc từ tuần đầu tiên, nhưng cô ấy thấy tôi có sự thay đổi dù là rất ít qua mỗi ngày của tôi ở đó, điều này có nghĩa là tôi “có hy vọng”.

Thế nhưng, có những chuyện rất kỳ lạ xảy ra đối với tôi, những việc mà có lẽ khi tôi nói ra không người Việt nào lại không biết đến nó. Thế nhưng, đối với sếp tôi, đương nhiên là mới mẻ rồi, nhưng đối với tôi, sao tự nhiên nó cũng trở nên… mới đến nỗi tôi chỉ biết im lặng.

Người cùng một nước nhưng không tin tưởng nhau sao?

Vì công việc của tôi là bán hàng, tôi thường xuyên trò chuyện với khách hàng, qua điện thoại có, gặp trực tiếp có. Thế nhưng, có cái khó là khi tôi gọi, hầu hết receptionist không muốn chuyển máy vì họ được dặn là không tiếp điện thoại chào hàng. Nhưng nếu là sếp tôi, một người nước ngoài thì họ nhanh nhảu chuyển máy. Có thể, một số không hiểu tiếng Anh, có thể một số nghe người nước ngoài thì thấy vấn đề chắc nghiêm trọng nên sẽ chuyển. Đến khi gặp khách hàng cũng thế, nếu họ nghe từ tôi, họ sẽ ngờ vực, nhưng nếu họ nghe từ sếp tôi, hay thậm chí không cần nói chuyện, chỉ cần nhìn cô ấy, thì họ sẽ tin.

Họ thường xuyên nói dối với tôi những lý do trời ơi đất hỡi và bị tôi phát hiện ra, tôi phải mất rất lâu mới thuyết phục họ đồng ý gặp mặt hay hợp tác. Nhưng nếu là sếp tôi gọi thì họ có bao nhiêu sự thật đều nói hết và chỉ chừng hai câu như: “Can I see you on…” hay “We would like to invite you to go to…” là y như rằng câu trả lời là “Yes”. Do đó, cô ấy kết luận rằng: “Tại sao người Việt và người Việt không muốn cùng nhau làm việc, không nói sự thật với nhau?” Vì thế, khi gặp một khách hàng có bản lĩnh, có kiến thức, lại nói tốt tiếng Anh, và quan trọng là biết chừng mực thì tôi cảm thấy rất cảm kích. Ít nhất thì dù không bán được hàng nhưng tôi vẫn thoải mái vì ít nhất người Việt ta có thể làm chủ được tình thế, và không để người nước ngoài xem thường như thế. Nhưng, được bao nhiêu người như thế?

Hoa hồng – Loài hoa giúp giải quyết tất cả vấn đề?

Đó là gì à? À, đơn giản lắm. Cái đầu tiên là tiền hoa hồng. Lần đầu tiên tôi làm Sale và cũng là lần đầu tiên có người nhìn thẳng mặt tôi và nói rằng, nếu không có hoa hồng, họ không làm việc. Tôi đứng chết trân, trong khi cô sếp bên cạnh liên tục hỏi: ”Cái gì? Cái gì?” Tôi nói lại thì bạn biết tôi nghe được gì không? “Tại sao lại cần hoa hồng, công ty không trả tiền lương cho họ à? Vậy họ đến với chúng ta vì cái gì? Vì mong muốn cho chất lượng sản phẩm hay chỉ vì tiền của chúng ta?” – Làm sao tôi trả lời câu hỏi đó đây, nhưng bà ấy cứ hỏi mãi một câu đó suốt ngày hôm đó kèm theo cái lắc đầu và tặc lưỡi.

Tôi vốn thấy nó cũng bình thường, ở nước mình thì điều này là dễ hiểu mà. Nhưng cô ấy nói rằng: “Nó không dễ hiểu tí nào cả, nó là một nỗi nhục, mày biết không? Ở Singapore không hề có điều đó.” Vâng nhưng nhập gia tùy tục. Tôi đã nói như thế, và cô ta hất văng cái ghế và nói rằng: “Thảo nào đất nước của mày không bao giờ khá nỗi – never, never.” Tôi muốn hất luôn cái bàn nữa kìa, nhưng lại tự chủ và suy nghĩ lại. Họ nói đúng không? Đúng hay sai? Và tôi im lặng nghĩa là tôi thừa nhận, nhưng tôi cãi như thế nào, làm sao để cãi đây? Rõ ràng nếu có hoa hồng, chúng tôi sẽ kinh doanh tốt hơn, nhưng trước khi tôi nói câu đó, tôi cần động não để trả lời cái câu hỏi lớn kia cùng cái câu kết luận hất văng ghế kia nữa.

Khi nào thì gọi là “cướp”, mà khi nào thì gọi là “ăn trộm”?

Đó là câu hỏi của cô ấy sau khi trải qua một vài cú sốc mà cô ấy bảo rằng tất cả đều là lần đầu tiên của cô ấy trong đời.

Cô ấy bị giật túi, nhưng may mắn là không mất gì vì tên cướp chỉ có một mình, và nó còn gan đến mức ngừng xe, quay đầu lại nhìn thẳng vào mặt cô. Và theo cô nói thì những người đàn ông ngồi bên đường vẫn thản nhiên uống cà phê và chẳng ai thèm tóm hắn giúp cô. Đương nhiên rồi, cô nói tiếng Anh nên họ không hiểu điều gì xảy ra. Lúc ấy cô ấy tạt vào mặt tôi một câu: “C0hẳng lẽ không có mắt để nhìn sao? Tao không thể nói tiếng Việt nhưng tao đã la lên rất to, và họ đều nhìn thấy cái gì xảy ra, nhưng không ai giúp tao cả, và tên cướp vẫn có thời gian ngừng lại, nhìn thẳng vào mặt tao. Tại sao? Mọi người vô cảm thế? Tại sao?”

Tôi chỉ biết im lặng. Một lát sau tôi dạy cô nói từ “cướp”, và dặn rằng lần sau nếu có hoàn cảnh tương tự hãy nói to từ đó lên, sẽ có người giúp cô. Và đó là từ đầu tiên cô ấy học sau mấy từ như “xin chào hay xin lỗi, cảm ơn”. Trời ạ! Vì mấy từ này cô ấy tự học chứ chẳng cần tôi dạy.

Thế nhưng, tôi lại được học một từ khác đó là “burglary” là để chỉ kẻ đột nhập vào nhà, hay chúng ta hay gọi là “ăn trộm”. Không biết bạn tin hay không, nhưng đó là từ thứ hai tôi dạy cô ấy. Vì khu văn phòng của chúng tôi bị trộm nhập nha, chúng đột nhập hơn mười hai văn phòng trong khu và đương nhiên phòng chúng tôi cũng có. May mắn là chúng tôi không mất gì, vì sếp của tôi kỹ đến mức dùng cả hai ổ khóa và thêm một ổ phụ, nhưng tất cả đều bị nạy hết. Hay thật, bọn trộm xem ra đã mất thời gian với cái văn phòng nhỏ của chúng tôi nhiều nhất, nhưng chúng chẳng thể trộm được gì, có thể vì hai người phụ nữ chúng tôi ngăn nắp quá chăng?

Và cô cứ ngồi hỏi tôi: “Tại sao không thấy cảnh sát, chúng ta đã đợi hơn 30 phút rồi?” Tôi muốn nói rằng từ từ sẽ có, thì một chú cảnh sát khu vực, nhẹ nhàng cắp tập tài liệu đi vào, xem xét qua loa, rồi đi loanh quanh. Cô ấy lại hỏi tôi: “Anh ta là ai? Sao lại được đi vào thế?” Khi biết đó là cảnh sát cô lại hỏi: ”Sao chỉ có một cảnh sát? Lại còn từ từ, đủng đỉnh trong khi chúng ta đang lo lắng không biết chúng ta có mất gì không? Hôm nay chúng ta không thể làm việc?”

Vâng, và tôi lại…im lặng. Tôi làm sao trả lời được chứ, không lẽ tôi nói rằng ở Việt Nam việc mất trộm là bình thường. Hay tôi phải nói rằng vì đến đông thì cũng có bắt được kẻ trộm đâu, chỉ điều tra thôi thì từ từ cũng được. Nhưng nói sao cũng không được, nên tôi giữ yên lặng cho khỏi nghe cái từ “Why” nữa. Ấy vậy mà, hai giờ sau thì cả đống cảnh sát, người chụp hình, người lấy lời khai, làm tùm lum thứ đến hết buổi sáng, và coi như công việc ngày hôm đó của tôi bắt đầu sau giờ cơm trưa.

Và cô ấy vẫn tiếp tục hỏi: “Tại sao lại chậm chạp như thế? Ở Singapore, chỉ cần 15 phút, cảnh sát sẽ đến và làm nhanh chóng những gì cần làm và tạo điều kiện cho chúng ta tiếp tục làm việc.” Tôi muốn nói rằng đây không phải Singapore, nếu thích đến thế thì về nơi đấy mà sống. Nhưng, có cái gì cứ nghẹn ở cổ làm tôi không nói được. Và ngày hôm ấy tôi phải giải thích rằng không thể gọi là “cướp” mà nên gọi là “ăn trộm”. Và tôi biết đến từ “burglary”.

Không có lối thoát hiểm sao?

Bạn biết đấy, ở Việt Nam, cúp điện là chuyện bình thường. Nhưng thật nguy hiểm cho người nước ngoài nếu họ không được dạy điều đó. Câu chuyện dở khóc dở cười là sáng hôm ấy, cô ấy không thể đến chỗ làm đúng giờ vì cúp điện, và lúc cúp điện, cô ấy đang ở trong… thang máy. Cô ấy không biết nên đã không mang điện thoại, không mang bất cứ cái gì để có thể gọi ra bên ngoài. Vì cô chỉ định đi thang máy xuống để ra ngoài hút thuốc. Kết quả là cô sợ hãi đập cửa, kêu gào và, ơn trời, có người nghe thấy. Họ kéo cô ra và hỡi ôi, cái cửa cuốn vì cúp điện nên không thể mở ra được.

Mọi người không ai ra ngoài được, họ không thể chạy ra ban công mà nhảy xuống vì khá cao, và hầu hết đều là người nước ngoài với tùm lum các thứ ngôn ngữ được phát ra, mà đương nhiên là người chủ Việt Nam không thể hiểu, vì họ chỉ là người được thuê ở đây để trông nom và phụ giúp chứ cũng chẳng phải là chủ nhà thật sự. Phải mất hơn một giờ mới tạo được một khe hở cho cửa cuốn và mọi người cùng nhau đẩy nó lên. Khi sếp tôi đến công ty, thi cũng gần hết buổi sáng, và cô lại hỏi: “Sao không có bình điện dự trữ? Đối với loại cửa đó, luôn có bình điện dự trữ kia mà? Tại sao cái chuông khẩn cấp trong thang máy không thể sử dụng? Và tại sao không có lối thoát hiểm, nếu xảy ra cháy thì sẽ như thế nào, tất cả sẽ chết như gà nướng à?”

Và lần này tôi trả lời được, câu hỏi này dễ quá mà. Tôi nói rằng bình điện dự trữ rất tốn kém, và các ông bà chủ thì tiết kiệm chi phí nên không muốn lắp đặt. Thang máy thì chắc chuông khẩn cấp bị hỏng. Lối thoát hiểm à? Tôi không chắc nhưng nhà ở Việt Nam không có nó. Và ngay sau câu trả lời của tôi, tôi nhận ra mình trả lời thật tệ. Vì “cái gì? Tốn kém à, vậy hôm nay hơn mười người không thể ra ngoài đi làm đúng giờ, mỗi người sẽ bị trừ lương hoặc ngày phép, thử hỏi cái nào tốn kém hơn, nếu vì vậy mà hết mười người này dọn đi nơi khác thì sao? How? Rồi thang máy không bảo trì định kỳ à, không biết nó hư chuông à? Hay chuông đó chưa từng được lắp đặt để hoạt động? Vậy nếu tao chết ở đó vì thiếu oxy thì sao? Lối thoát hiểm à? Vậy các ngôi nhà ở Việt Nam không có, vậy khi xây nhà xong không có người của chính phủ đến kiểm tra độ an toàn à? Hay chỉ cần đưa hoa hồng thì mọi việc đều OK hết?” À, lần này tôi lại… im nữa. Tôi chỉ dặn cô là nên đem theo điện thoại để đề phòng bất cứ trường hợp nào có thể xảy ra.

Thế nhưng những điều trên đây có là gì so với bài học bự mà tôi sắp nói đây. Và có lẽ cái này là cái phiền muộn nhất. Khi câu hỏi là…

Nghèo và tự trọng, cái nào quan trọng hơn?

Một buổi sáng tháng sáu, tôi bước vào văn phòng, tôi thấy gương mặt đăm chiêu của sếp mình. Chắc lại đang có cú sốc mới rồi. Nhưng lần này khác, cô không dồn dập hay bất bình nữa, mà nhẹ nhàng từ tốn, chậm rãi kể với tôi và sau câu chuyện, có lẽ cô cảm thấy buồn nhiều hơn là bất bình như những lần trước đó.

Cô nói rằng cô rất yêu quý hai vợ chồng giữ nhà nơi cô ở. Họ chỉ làm công cho chủ nhà, họ thay chủ nhà trông nom hết mọi thứ, như là dọn dẹp, giữ xe, bảo vệ. Chủ nhà thì ở nơi khác và mỗi tháng ghé qua để lấy tiền nhà. Cô thấy họ rất nghèo, nhưng tốt bụng và hay giúp đỡ cô. Tôi đã thấy có chút vui khi cô nhận xét về họ vì ít nhất người Việt chúng ta không hẳn để lại ấn tượng xấu trong cô. Nhưng, sáng nay, cô nói rằng cô đã lầm, hoàn toàn lầm. Cô nói rằng đêm hôm qua, một người bạn của cô đang bệnh và họ cần cô giúp đỡ. Vì đã rất trễ, khoảng gần 11 giờ tối, cô lò mò đi trong bóng tối bởi ở bên dưới cửa cuốn đã đóng và đèn tắt hết. Nhưng có một thứ ánh sáng le lói khiến cô phải chú ý, ánh sáng từ chiếc điện thoại di động. Cô đi theo ánh sáng đó, và khi mắt cô dần quen với bóng tối, cô đã thấy người đàn ông hằng ngày vẫn dắt xe, giữ nhà cho mọi người đang… trộm xăng trong những chiếc xe của mọi người sống ở đây.

Khoan đã, tôi biết các bạn mong muốn biết tiếp theo sẽ như thế nào, nhưng xin hãy bình tĩnh. Hãy khoan nói đến diễn biến tiếp theo, mà hãy nói đến phản ứng của tôi. Đôi mắt buồn ngủ của tôi tỉnh hẳn, mở to, và miệng tôi cứng như người bị tai biến. Cô nói rằng mặt người đàn ông thảng thốt, và ông ta gần như chết đứng ở đó. Nhưng vì cô cần phải đến giúp bạn mình nên cô đi ngay khi ông ta mở cửa giúp cô. Và tôi đã hỏi sau đó thế nào? Cô nói rằng cô đi thẳng lên phòng mình. Lát sau, cả hai vợ chồng họ cùng đến gõ cửa phòng cô và nắm lấy tay cô nói gì đấy nhưng cô không hiểu gì ngoài từ “xin lỗi”. Cô nói với tôi rằng cô đối với họ không tệ, hằng tháng ngoài tiền thuê nhà, và tiền giặt ủi, lần nào cô cũng đưa dư khoảng một trăm đến hai trăm và thường mua thêm thịt, cá cho họ nếu cô đi siêu thị. Vì cô chỉ sống một mình nên thỉnh thoảng cô mua luôn cho cả họ một ít thức ăn hay rau. Cô không nghĩ rằng họ lại như thế, họ đang trộm từ chính những khách hàng của họ, những người gián tiếp tác động đến tiền lương của họ và cô tự hỏi đây là lần thứ bao nhiêu họ làm điều này.

Và cô lại hỏi tôi, nhưng nhẹ nhàng hơn và không gắt gỏng như trước: “Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Tôi có nên nói cho người chủ nhà thật sự, người đã đứng ra ký hợp đồng với tôi. Nếu tôi nói, có lẽ họ sẽ mất việc, và tôi hoàn toàn không muốn điều đó. Nhưng nếu tôi tiếp tục ở lại, tôi e mình sẽ chết vì mất ngủ, vì tôi không thể tin họ nữa khi mà chính mắt tôi nhìn thấy họ trộm cắp, và làm sao tôi có thể im lặng với tất cả hàng xóm của mình, những người mỗi ngày đều bị lấy trộm như thế. Họ cùng là người nước ngoài đến nơi xa lạ để sống, làm việc như tôi, chỉ có chúng tôi mới hiểu sự khó khăn khi sống ở một quốc gia khác như thế nào? Tôi phải làm sao? Làm sao đây? Xin hãy cho tôi lời khuyên?”

Lần này câu hỏi của cô ấy lại vang lên, không gắt gỏng như mọi khi, rất nhẹ nhàng, lại mang một chút van lơn. Nhưng sao tôi lại thấy nặng lòng thế này. Thà cứ như những lần khác, cứ phàn nàn, la lối um xùm, hỏi tôi gắt gỏng, có lẽ tôi còn thấy dễ chịu hơn lần này. Không biết nỗi buồn có lây lan hay không mà sau đó hai chúng tôi ngồi cạnh nhau nhưng đều im lặng, đâu đó vang lên tiếng thở dài.

“Thất vọng” là từ tôi hỏi cô ấy có cần tôi dạy cách nói bằng tiếng Việt hay không. Nhưng cô nói cô không cần, vì cảm giác của cô giờ đây hơn cả từ đó, cô muốn bỏ việc và quay về Singapore, cô muốn nói với bạn bè mình rằng không nên đến Việt Nam nữa vì nó đã làm cô quá thất vọng. Tôi chợt giật mình, lo sợ và nhanh chóng biện minh theo lối xuẩn ngốc nhất mà tôi từng làm. Tôi đã nói rằng hãy hiểu cho họ, vì có lẽ, chỉ là có lẽ thôi vì tôi không chắc. Vì họ nghèo quá, vì họ ở miền quê xa xôi, có thể họ còn có con, hay cha mẹ già. Tôi nói rằng trong cái nghèo, nó có rất nhiều điều phức tạp, và tôi hy vọng cô có thể hiểu cho họ, và đừng đánh giá người Việt chúng tôi qua tất cả những cái đó. Thế nhưng, câu trả lời tôi nhận được là..

“Tôi biết, tôi hiểu rằng nghèo không phải là một tội lỗi, thậm chí tôi đã rất thương họ khi thấy họ làm việc chăm chỉ mỗi ngày. Nhưng bạn có biết đến lòng tự trọng không? Nếu bạn dùng nghèo để biện minh, vậy lòng tự trọng bạn để đâu? Nó là cái bạn giữ lại cho chính mình, nếu nghèo mà không có lòng tự trọng, đất nước của bạn sẽ mãi như thế này, sẽ mãi không thể khá nổi. Đừng dùng cái nghèo để nói thay tất cả, bạn nghĩ rằng tôi giàu có à, không đâu, tôi cũng chỉ là người làm thuê, có khác chăng vì tôi đến từ nơi phát triển hơn với mệnh giá đồng tiền cao hơn mà thôi, tôi vẫn phải chăm chỉ mỗi ngày nếu không muốn bị đói. Vậy thì tại sao? Tôi coi họ như người nhà, vì chúng tôi cùng sống với nhau, thế nhưng họ lại trộm của tôi, người nhà của họ sao? Làm sao tôi có thể tin tưởng khi tôi đi làm mỗi ngày 10 giờ ở bên ngoài, làm sao tôi ngủ yên khi họ làm những việc đó?

Vấn đề không phải là tiền nữa, mà là sự nguy hiểm, bạn có chắc rằng họ làm thế sẽ không gây hỏa hoạn hay tai nạn? Bạn có chắc rằng nó chỉ là vấn đề nghèo thôi? Ở đây chính là con người, giữa người và người đấy. Hãy nhìn nước Nhật, họ đã từng nghèo, từng đói, từng bệnh tật. Bạn nghĩ nỗi đau của họ là đã nguôi ngoai? Không đâu, đến nay, họ vẫn chưa thể thống kê được bao nhiêu người chết từ hậu quả của hai quả bom nguyên tử và họ đã làm gì để họ được như ngày nay? Đó là nhờ lòng tự trọng đấy.”

Và lần này thì, tôi đã thật sự im lặng hoàn toàn, tôi không tỏ thái độ gì, tôi chỉ nhìn ra cửa sổ, và tôi thấy mặt tôi lạnh toát. Lần này gáo nước lạnh như bắc cực tạt vào mặt tôi, cả người tôi như run lên. Và tôi thở dài, thở dài cho một chuyện chẳng liên quan gì đến tôi nhưng lòng tôi nặng thế này.

Ngày hôm nay tôi đã hỏi rằng cô ấy định sẽ thế nào. Cô ấy bảo rằng cô sẽ tha thứ cho họ, cô không nói với người chủ nhà, nhưng cũng sẽ dọn đi ngay khi cô tìm được nơi ở mới, và cô đã kể cho một vài người bạn của mình đang làm việc tại đây về điều này. Cô nói rằng nếu cô muốn sống ở đây thì cô cần phải quen với những việc này, cô chỉ muốn truyền đạt kinh nghiệm của chính mình lại cho bạn bè của cô, và hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp họ không bị sốc với những điều này.

Tôi cũng chỉ biết im lặng khi nghe như thế, vì tôi đang nghĩ đến số lượng khách du lịch mỗi năm chúng ta bị mất đi. Số lượng người nước ngoài không thể làm việc được và quay về nước, hay số người Việt trẻ ra đi và không muốn quay trở lại vì họ tìm thấy một nơi mà họ cho là tốt hơn.

Thật ra trước đây tôi cũng từng bảo thủ và thầm trách một vài người mà tôi biết rằng họ tài giỏi và tư duy rộng mở nhưng lại ra đi và không muốn quay về. Tôi cho rằng họ ích kỷ, họ không biết cống hiến. Nhưng sao giờ đây tôi lại cảm thấy họ không hề như thế, có chăng họ đã tiếp cận với một môi trường mà ở đó cái tư duy của họ không bị hạn chế, cái nhân sinh quan của họ phù hợp. Bởi theo như tôi thấy thì ở thời điểm này, ngay tại đây, nhân sinh quan của cô sếp tôi không hề phù hợp với điều kiện đất nước ta. Thế nhưng, cái gì cũng phải thay đổi, nhưng quan trọng là thay đổi như thế nào. Một là đất nước ta thay đổi và khiến nhân sinh quan của cô ấy trở nên phù hợp. Hay cô ấy thay đổi để phù hợp với đất nước ta?

Bằng chứng cụ thể là giờ đây cô ấy có thể thoải mái hút thuốc và quăng tàn thuốc xuống chân mà đạp đạp, không thua gì người Việt chúng ta. Trong khi thời gian đầu, tôi thấy cô ấy mang theo cái túi nhỏ, cho tàn vụng vào đấy, rồi tìm thùng rác mà đổ. Nhưng giờ đây, cô thoải mái hút thuốc ở quán cà phê hay một vài nhà hàng có để gạt tàn trên bàn. Đấy, giờ cô ấy có thể như thế, và tôi hỏi, nếu cô ấy quay về Singapore, liệu có “dám” như thế? Câu trả lời là:”Of couse, no.”

Và tôi cúi đầu im lặng…

 

Kachi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

154 BÌNH LUẬN

  1. tôi đang nghe phải làm chứng như thế nào tôi đã trở lại chồng tôi, chúng tôi kết hôn hơn 9 năm và đã nhận hai trẻ em. điều đã diễn ra tốt đẹp với chúng tôi và chúng tôi luôn hạnh phúc. cho đến một ngày chồng tôi bắt đầu hành xử một cách tôi không thể hiểu, tôi đã rất bối rối bởi cách anh đối xử với tôi và những đứa trẻ. cuối tháng đó anh không về nhà một lần nữa và ông gọi tôi là anh ấy muốn ly hôn, tôi hỏi anh ta những gì đã tôi làm sai để xứng đáng với điều này từ anh ấy, tất cả các ông đã nói là ông muốn ly hôn rằng anh ghét tôi và không muốn nhìn thấy tôi một lần nữa trong cuộc đời mình, tôi đã tức giận và thất vọng cũng không biết phải làm gì, tôi bị ốm hơn 2 tuần vì việc ly hôn. tôi yêu anh ấy rất nhiều ông tất cả mọi thứ với tôi mà không có anh cuộc sống của tôi là không đầy đủ. tôi đã nói với em gái tôi và cô ấy nói với tôi liên hệ với một thần chú, tôi không bao giờ tin vào tất cả đúc này chính tả của một điều. tôi chỉ muốn thử một cái gì đó nếu sẽ đi ra khỏi nó. tôi liên lạc với Tiến sĩ okojie cho sự trở lại của chồng tôi với tôi, họ nói với tôi rằng chồng tôi đã được thực hiện bởi một người phụ nữ, cô ấy bỏ bùa anh đó là lý do tại sao anh ghét tôi và cũng muốn chúng tôi ly hôn. sau đó họ nói với tôi rằng họ phải bỏ bùa anh rằng sẽ làm cho anh ta trở về với tôi và những đứa trẻ, họ địa vị chính tả và sau 1 tuần chồng tôi gọi tôi và anh nói với tôi rằng tôi nên tha thứ cho anh, anh bắt đầu để xin lỗi trên điện thoại và nói rằng anh vẫn sống với tôi rằng ông không biết những gì xảy ra với anh rằng anh để lại cho tôi. đó là câu thần chú mà ông Tiến sĩ okojie đẳng cấp trên ông rằng làm cho anh ta trở lại với tôi ngày hôm nay, tôi và gia đình của tôi bây giờ là hạnh phúc ngày hôm nay. cảm ơn bạn Tiến sĩ okojie cho những gì bạn đã làm cho tôi tôi sẽ có được gì ngày hôm nay nếu không cho phép tuyệt vời của bạn. tôi muốn bạn bè tôi, những người đang đi qua tất cả các loại tình yêu này vấn đề của việc trở lại của chồng, vợ, hoặc bạn trai cũ và bạn gái liên hệ với drokojiehealinghome@gmail.com. và bạn sẽ thấy rằng vấn đề của bạn sẽ được giải quyết mà không cần bất kỳ sự chậm trễ. ông là chuyên ngành trong giải quyết các vấn đề khác bao gồm:
    (1) Nếu bạn muốn cũ của bạn trở lại.
    (2) nếu bạn luôn luôn có những giấc mơ xấu.
    (3) Bạn muốn thăng tiến trong văn phòng của bạn.
    (4) Bạn muốn phụ nữ / đàn ông chạy sau khi bạn.
    (5) Nếu bạn muốn có một đứa trẻ.
    (6) Nếu bạn cần hỗ trợ tài chính.
    (7) Nếu bạn muốn chữa bệnh HIV AIDS
    liên lạc với anh ngay bây giờ cho giải pháp trước mắt của bạn
    vấn đề trên Drokojiehealinghome@gmail.com
    cảm ơn bạn

  2. Tôi đồng ý với tác giả.Khi con người ta đã không có lòng tự trọng thì đừng mong chờ người đó có một thành tích gì(dù thành tích đó nhỏ bé tới tới mức tầm thường)

  3. Tôi đã đọc bài viết – Đọc xong bài viết tôi cũng chỉ biết
    Và tôi cúi đầu im lặng!

    Không biết nói gì hơn – chính chúng ta không biết làm gì hơn thực sự của vấn đề. Trừ khi có một sự cải cách nào đó hơn cả từ biến đổi.

  4. Mình làm về nhân sự, cũng làm việc với người nước ngoài rất nhiều, những điều như tác giả nói mình gặp phải nói là thường xuyên, có những ng chê bôi, dè bỉu, có những người lại mong muốn đóng góp để đất nước mình tốt hơn,… dù thế nào, quan trọng nhất là chúng ta nhận thức được rằng VN còn nhiều điều cần sửa đổi, cần phải tiếp thu để tốt hơn, và bắt đầu từ chính bản thân mỗi người, chứ không phải là công nhận những điểm yếu đó một cách hiển nhiên, rằng như kiểu là VN thì nó tất nhiên phải thế… cám ơn tác giả nhiều :)))))))

  5. Bạn hãy cứ sống,cứ làm đúng đắn,đừng than vãn,đừng đổ thừa mọi chuyện cho xã hội,cho cơ chế….mỗi người góp phần 1 ít để làm cho xã hội Việt Nam mình ngày 1 tốt hơn.

  6. Cảm ơn bài viết chân thật của bạn.

    Tiêu đề bài viết “Cúi đầu im lặng” cho thấy bạn có cái nhìn hơi tiêu cực về vấn đề.
    Đúng là thực trạng nước ta có những hiện tượng nhiêu khê như trên. Nhưng bạn đã bỏ qua mặt tích cực thể hiện ngay trong bài viết của bạn, Đó là việc bạn đã nhận ra được bản chất và nguyên nhân vấn đề. Và nhiều người khác cũng đã nhận ra được những điều này.
    Vậy là ta đã làm được bước đầu tiên trong tiến trình phát triển, đó là “biết sai”. Bước tiếp theo là “sửa sai”. Nhiều người nghĩ bước “sửa sai” mới khó và bỏ qua bước “biết sai”. Nhưng theo mình thì bước đầu tiên rất quan trọng, có biết sai thì mới có thể sửa được. Như đội vợ chồng kia liệu có biết họ thực sự sai ở đâu không? Hay những người hôi bia ở Biên Hoà có biết việc họ đang làm là sai vẫn nghĩ đó là đúng vì bao nhiêu người vẫn làm vậy. Rõ ràng nếu ta biết sai thì ta mới biết phương hướng mà sửa.

    Trở lại bài viết, mình có lời khuyên là nên có cái nhìn tích cực hay về vấn đề. Bạn thấy vấn đề, hãy đào sâu thêm về nguyên nhân và giải pháp cho nó. Sếp của bạn không hiểu ư? Có lẽ vì cô ấy không dành nhiều thời gian để tìm hiểu về lịch sử, xã hội và tâm lý. Phải thừa nhận người Việt chúng ta có những tật xấu, tuy nhiên đều hình thành trên quy luật tự nhiên. Nếu ta nhận ra những quy luật đó, thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, thay đổi cách giáo dục thệ hệ sau. Thì thế hệ sau chúng ta sẽ khác, xã hội tương lai sẽ khác.

    Bản thân mình thấy giờ nhiều bạn trẻ Việt đã có nhận thức sâu sắc về các vấn đề xã hội (ko phủ nhận mặt đi xuống của giới trẻ hiện nay), nếu các bạn dùng kiến thức của mình tác động tích cực tới mọi người xung quanh, thì mình chắc góp gió thành bão, xã hội rồi sẽ đi lên.

  7. Trong bộ phận những người có học vấn (không tính những con vẹt nha), thì ai cũng biết nguyên nhân tại sao VN lại ra nông nổi của ngày hôm nay. Thôi thì cứ mặc kệ nó đi, những người có tri thức nhưng thấp cổ bé họng thì cũng không thể tạo nên những thay đổi trên diện rộng dc, cố gắng lắm thì cũng chỉ làm cho bản thân mình đừng xấu đi thôi (xin đừng viện dẫn “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, nếu có dịp thì sẽ có 1 tranh luận khác về tính vô nghĩa của câu nói này), chứ để bản thân tốt lên thì chúng ta cần một môi trường khác trong sạch hơn. Hoặc là tìm cách thoát ly khỏi xã hội này, hoặc là ở lại và tập cách làm quen với nó (như cô người Singapore đã làm). Những người có quyền lực, có khả năng để tạo sự thay đổi lớn thì họ lại không muốn thay dổi (thay đổi làm gì khi tình hình hiện tại có lợi cho họ).

    • “Những người có quyền lực, có khả năng để tạo sự thay đổi lớn thì họ lại không muốn thay dổi (thay đổi làm gì khi tình hình hiện tại có lợi cho họ)”

      Trông chờ vào sự tự nhận thức và tự thay đổi của giới cầm quyền là rất cải lương, mặc dù tôi thấy nhiều người vẫn lên tiếng kêu gọi họ. Có một cái gọi là “cơ chế điều hành ngược”. Có những người thoạt nhìn tưởng họ không có quyền lực, nhưng thật ra không phải. Tôi còn nhớ clip “Sự trăn trở của kẻ lười biếng” trên Youtube của bạn Châu Chấu. Cá nhân tôi không dám cho rằng hành động đó của Châu Chấu không có ích gì.

      Bài viết này của Kachi rất hay. “Giờ đây cô ấy có thể thoải mái hút thuốc và quăng tàn thuốc xuống chân mà đạp đạp, không thua gì người Việt chúng ta”. Hình ảnh này theo tôi là rất sinh động thực tế, rất con người. Bạn Susu chê nhân vật này vì bạn ấy có những suy nghĩ rất mô phạm, có lẽ bạn ấy chưa hiểu về con người nhiều lắm.

  8. Bài viết của bạn thể hiện bạn là 1 người trẻ có trách nhiệm , trăn trở tới tương lai đất nước. Bởi cũng ở trong hoàn cảnh đó,nhiều bạn khác có thể lờ đi hoặc chẳng mảy may bận tâm. Cảm ơn bạn rất nhiều! Bởi bạn đã nhắc nhở người đọc phải có 1 phần trách nhiệm nhằm thay đổi những tiêu cực đang tồn tại trong xã hội như một điều hiển nhiên. Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân, nhưng nhiều cánh én sẽ khác…

  9. tôi hiểu ý định gây xúc động cho người đọc để mỗi người đọc sẽ sống có ý thức hơn của tác giả….thế nhưng tôi nghĩ bài viết này sẽ chẳng có tác dụng đâu….nó chỉ làm tôi và những người đọc thấy buồn hơn thôi. mỗi người chúng ta đang sống trong xã hội, chúng ta không thể thay đổi nó bằng ý muốn của mình hay lời nói của mình thậm chí cả hành động cũng vô dụng. xã hội vận hành theo cách thức của nó, chi phối nó là hàng trăm các quy luật kinh tế, xã hội, lịch sử. các quy luật này đan xen và chi phối lẫn nhau. tất nhiên vẫn có thể sử dụng các quy luật này để làm được điều đó tuy nhiên hệ quả lại không phải bạn hay tôi gánh được. vd nhé: muốn không có trộm đặt án tử hình cho trộm cướp là được. tịch biên gia sản và sử tù trung thân những ai xả rác ra đường, tòa nhà không có cửa thoát hiểm phải tháo dỡ làm lại..v..v.
    ở khía cạnh khác tôi đồng ý là việt nam không bằng các nước phát triển……đã đồng ý thế thì so sánh làm đếch gì, kém thì kém có cái gì mà bảo nhục….. phú quý sinh lễ nghĩa, khi con người ta còn phải dành nhau cái mảnh chăn hẹp mang tên là “đủ sống” ý thì đừng nghĩ đến “muốn mặt mũi” làm gì.
    tôi nhớ hồi còn học cấp 2 tôi đã từng bị 6 con 1 kiểm tra miệng môn văn…..nếu hỏi có nhục không thì….thật sự là có…nhục từng lần một, mỗi lần bị sỉ vả mắng từ lớp về nhà…câu hỏi là nhục sao vẫn cứ như thế???….trả lời là chẳng vì sao cả! nếu chỉ vì nhục một người mà một người khá lên thế thì xã hội sẽ cần có một loạt các vị “làm nhục sư”, nghành “làm nhục”, môn “làm nhục học” sẽ thay cho “quản trị học…..tóm lại 1 điều. nếu có ai đó nghĩ rằng mình rất tốt rồi rất lịch thiệp rồi rất có học rồi cái gì cũng có rồi thế thì bạn nên cố gắng giúp cho người ngay bên cạnh của mình có cuộc sống tốt hơn đi, giúp càng nhiều càng tốt. khi nào những người bạn giúp + những người được giúp bởi những người bạn giúp +…….=70 triệu thì việt nam sẽ tốt đẹp như là các nước phát triển thôi.

    • bạn này là kiểu không thay đổi được thì im lặng và sống thích nghi đi nè 🙂 vậy thì còn gì là triết học và sự phát triển sâu xa trong nhận thức nữa….thôi bạn lo sống cho phù hợp đi, người nào đọc và lĩnh hội được thì cứ đọc….

  10. Tất cả mọi sự tập trung dù vào khía cạnh nào của vấn đề này đều sai hết. Sai toàn bộ. Ngay cả câu hỏi cũng sai luôn và mình không hề thấy rằng có bất kỳ comment nào mà mình đọc qua bên dưới là đúng cả.

    Nếu các bạn muốn phát triển thì hãy đồng loạt ngưng kiếm tiền, nghỉ làm hết về quê sống. Còn không thì các bạn sẽ mãi mãi không bao giờ phát triển nổi. Bởi vì cho dù là cúi đầu hay nghênh ngang thì tất cả mọi vấn đề như thê này đều là do đồng tiền mà các bạn kiếm ra, do thói quen sống bằng tiền và do tham vọng làm giàu mà ra hết. Không phải vấn đề là văn hoá, hay nước giàu nước nghèo, không phải vấn đề ở người nước ngoài hay người Việt Nam, không phải vấn đề là giải pháp hay không giải pháp. Vấn đề là ở cội nguồn của tất cả việc này: MỘT XÃ HỘI TIỀN BẠC.

    Nhiều người sẽ không thể tưởng tượng nổi nhưng những ai có thể, xin hãy dành ra vài phút mỗi ngày tưởng tượng rằng nếu thế giới này không có tiền bạc thì sẽ thế nào. Hãy xây dựng những hình ảnh về thực tại mà các bạn mong muốn, loại bỏ yếu tố tiền bạc ra khỏi đó. Sau đó, hãy cùng mình thảo luận để có thêm phương hướng gắn thực tế này với cái thực tại mà bạn mong muốn đó.

    Một khi các bạn còn đi làm, còn kiếm tiền, còn làm giàu, sẽ không bao giờ có giải pháp cho bất cứ vấn đề nào của xã hội. Nếu muốn làm điều gì đó thì hãy chung tay loại bỏ xã hội tiền bạc này đi.

      • Mình cũng nhận diện nó như là một công cụ và đáng lẽ ra nó phải như thế. Nhưng mỗi khi nhìn vào từng con người, với những vấn đề hoàn toàn khác nhau, mà mình gặp trong xã hội này, mình thấy tiền bạc nó là thực thể sống ký sinh ở trong họ. Khi một người bị quỷ ám thì ta không đánh người đó vì người đó không phải là nguyên nhân, mà ta loại bỏ con quỷ trong họ ra.

        Tiền bạc cũng vậy, ta không cần phải phỉ báng người giàu và cứu giúp người nghèo bởi vì đó không phải là nguyên nhân. Mà nguyên nhân là thứ công cụ mà ta quá ngây thơ cứ chứa chấp mãi: Tiền Bạc. Nếu ta loại bỏ được thứ đó ra, thì mọi thứ sẽ trở nên trong sạch và bình đẳng.

        • bạn nói kiểu như triết học thâm sâu, tiền bạc chả có tội gì mà phải loại ra cả…có chăng thì loại đi tư tưởng ấu trĩ và long tham thôi, nói vậy phải dễ hiểu hơn không…chém gió to quá ai đỡ nổi.

          • Lạ nhỉ. Mình đã sử dụng ngôn ngữ và ví dụ rất dễ hiểu mà sao bạn lại không hiểu? Bạn loại bỏ tư tưởng ấu trĩ và lòng tham bằng cách nào? Bằng cách giết hết những kẻ tham lam đi hay sao? Hay là bằng giáo dục? Bạn ạ, xưa nay nền giáo dục của con người kể cả giáo lý tôn giáo chưa bao giờ dạy con người ta không được tham lam ích kỷ hay sao? Bạn hãy tỉnh táo lại mà suy xét. Mình tin chắc rằng bạn sẽ không thể loại bỏ nổi tư tưởng ấu trĩ khi chính bạn không thể tưởng tượng ra nổi một thế giới không có tiền bạc. Loại bỏ tiền bạc là một cách rất cụ thể và thực tế, mặc dù nó mang ý nghĩa xã hội học sâu sắc nhưng chẳng có gì là trừu tượng khó hiểu cả.

            Ở những nước phát triển và những phần nào đó của Việt Nam đã quán triệt tư tưởng này rồi và họ nghĩ đến việc loại bỏ tiền bạc như là một cách thức cụ thể. Ngay cả mình cũng đang tình nguyện tham gia vào một dự án loại bỏ tiền bạc ra khỏi xã hội dựa trên lý thuyết Nền Kinh Tế Cội Nguồn (Resource Based Economy), tên là The Venus Project. Và để cho bạn hiểu rõ hơn, lý thuyết này đang có rất nhiều nhóm dự án trên thế giới theo đuổi, như là New Earth Nation, The Zeitgeist Movement, Hybrid RBE community, Ubuntu, và các cộng đồng living off-grid khác. Bạn cứ tìm hiểu đi rồi hãy phán xét.

            Nếu bạn nghĩ rằng triethocduongpho là nơi để thiên hạ vào chém gió thì xin lỗi bạn đã đánh giá sai nơi bạn đang đứng rồi đấy. Mình tin rằng xung quanh đây có rất nhiều bộ óc trí thức đang hoạt động vì một thế giới tốt đẹp hơn.

          • Phát minh ra tiền bạc rồi lại bỏ tiền bạc, cũng chẳng sao. Nhưng vấn đề là vẫn phải thực hiện trao đổi vật chất, chứ nếu cứ co cụm lại với nhau tự cung tự cấp thì giao lưu với thế giới bằng cách nào?

          • Tại xã hội lý tưởng RBE của TVP, không có trao đổi vật chất, tất cả mọi thứ đều miễn phí và dễ dàng đạt được. Còn trước đó trong thời kì chuyển tiếp, không ai biết chắc là nó sẽ như thế nào khi không dùng tiền để định giá, nhưng khi làm cách mạng vấn đề không nằm ở chỗ khó khăn lúc khởi điểm, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có đồng loạt thống nhất và dám làm hay không. Khi đã bắt đầu thì mọi thứ đều sẽ có kết quả và việc gì cũng sẽ có hướng giải quyết cả. Trên hết là đã có những cộng đồng thử nghiệm rồi, tại sao họ làm được mà chúng ta thì lại không?

    • Bình luận của bạn đầy cảm hứng khiến tôi phì cười. Bạn nói ở đây thôi chứ đừng nói với người nhà quê nhé. Tôi rất vui vẻ về quê ở, nhưng nông dân lại đang lo không có đủ đất làm nông nghiệp chứ họ không lo thiếu người làm, vì thế tôi từ biệt họ, thấy tôi đi họ thở phào. Thực tế như vậy đấy. Hu hu…

      Tất nhiên thực tế nông thôn mà tôi nói không đúng ở mọi chỗ. Tôi có khả năng đi lang thang để ở với những người nông dân. Chẳng qua là tôi chưa đủ phước để sống cuộc sống như vậy, cho nên khi tôi sống với họ thì họ chưa cảm thấy yên tâm, vì họ chưa yên tâm nên tôi cũng chưa thể yên tâm. Để tôi tu thêm một thời gian đã.

      Tiền bạc là phát minh lớn của nhân loại đấy bạn ạ, nó vẫn còn phát triển để trở thành hoàn thiện hơn. Vấn đề không phải là loại bỏ tiền bạc, mà là loại bỏ nỗi lo thái quá về tiền bạc ra khỏi đầu óc con người.

      • Tốt. Mình rất mong là bạn sẽ không bỏ cuộc. Tất cả mọi phát minh đều là thành tựu của con người bạn ạ nhưng nếu cứ bám riết vào nó mà không phát triển thì có vẻ như thế hệ đi sau đã thất bại. Tiền bạc đã phục vụ hết cái thời của nó, và vì sự đeo bám dai dẳng của những con người tham quyền lực khiến nó cứ còn đến giờ và bắt đầu có những hệ quả tồi tệ trong quá trình chết đi.

        Hiện giờ khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở vào giai đoạn rất tệ hại. Các nước đang cố gắng chuyển tiền tệ sang vàng bạc để dự trữ như là một cách cố níu vớt. Bạn nghĩ khi không Nga và Trung Quốc lại gây chiến cho vui hay sao? Họ đơn giản là lưu trữ quá nhiều tiền và họ sợ bị phá sản nên muốn chuyển biến tiền bạc họ có thành 1 cuộc chiến để ít nhất chiếm được những vùng đất “thực sự” trong tay và sống qua cơn khủng hoảng, chứ tiền không ăn được ở được khi nó mất giá trị đâu bạn. Ngày nào chúng ta còn kiếm tiền thay vì học cách trồng rau thì ta sẽ chết đói.

        Sự phát triển của tiền bạc đã lên tầm mức giao dịch tiền ảo Bitcoin để loại bỏ sự kiểm soát của ngân hàng và chính phủ. Đó là mức cao nhất mà nó còn có thể vớt vát cho số phận của mình nhưng tuần vừa rồi lỗi trong mỏ khai thác Bitcoin đã đưa một tập đoàn nắm 51% tổng lực khai thác của toàn bộ hệ thống này trên thế giới khiến cho họ có được những “quyền lực” thần thánh” và chắc chắn tạo ra bất bình đẳng khủng khiếp và chỉ có hại người chứ không thê cứu được xã hội này.

        Mình biết dân trí của nông dân Việt Nam cần được cải thiện nhiều nên không thể bắt đầu công cuộc này ở đó được mà là phải từ những bộ óc tư duy học rộng của người thành thị, tốt nhất là những người đã từng ra nước ngoài học. Trong khi đó, ở Châu Âu, Mỹ và Úc một bộ phận đang nổi thay đổi tư duy và học cách sống bằng văn hoá canh tác vĩnh cữu (permaculture), họ là những giới trẻ từ thành thị trở về nông thôn chứ họ không có gốc gác là nông thôn. Nếu bạn kiên trì theo đuổi giấc mơ rong ruổi của mình, mình tin chắc có ngày bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

        • Tôi thích con người lý tưởng của bạn. Tuy nhiên có lẽ cách mà bạn bày tỏ ý mình còn khó hiểu cho nên mới có người bảo là bạn “chém gió”. Người phương Tây có câu: “Đồng tiền là nô lệ tốt nhưng là ông chủ tồi”. Bản thân đồng tiền thì không có tội vạ gì, nó giúp con người trao đổi hàng hóa tiện lợi hơn. Vấn đề là con người đang nhầm lẫn về mức giá trị của những loại vật chất hữu hình mà đồng tiền đang đại diện, tức là thay vì đối xử với nó như là phương tiện (nô lệ) thôi thì lại xem nó như mục đích (ông chủ).

          Sự thay đổi bắt đầu từ đâu thì là tùy cơ duyên, nó diễn ra mọi lúc mọi chỗ chứ không dứt khoát là từ “những bộ óc tư duy học rộng của người thành thị”. Nói thật với bạn, tiếp xúc với nông dân nhiều, tôi thấy có lẽ họ còn thực tế và thông thái hơn người thành thị về nhiều mặt đấy. Người thành thị và người nông thôn cần trao đổi chia sẻ những hiểu biết của mình với nhau thật lòng, chứ không ai dạy được ai đâu.

          • Lúc mình nói câu đó mình không hề suy nghĩ tiêu cực chút nào về người nông thôn cả, chỉ muốn đưa mọi thứ vào logic để có tầm nhìn dễ dàng hơn về điều gì đang thực sự xảy ra. Người nông thôn khi có thể tự cung tự cấp, nuôi được bản thân, gia đình, giúp được người hàng xóm, có thể như vậy là đã đủ tốt, nhưng đó chỉ là lý do thứ cấp của cá nhân chứ không phải bắt nguồn từ nguyện vọng đổi mới xã hội. Đó sẽ là một yếu tố mấu chốt khiến cho người ta co cụm lại với nhau, không giao lưu với thế giới. Mình hoàn toàn đồng ý rằng 2 bên cần chia sẻ hiểu biết để tạo ra một thực tế đúng đắn nhất mà không có sự áp đặt.

            Mình chia sẻ thêm hiểu biết của mình về sự khác nhau giữa VN và các nước phát triển ở phương tây khi ta nhắc đến “về vườn”. Cái khác biệt nằm ở vấn đề văn hoá, ở phương tây văn hoá đi học xa nhà từ năm 18 tuổi hay sớm hơn là rất phổ biến, có nghĩa là giới trẻ nông thôn tủa đi khắp các thành phố lớn và ra nước ngoài học, mà một phần lớn trong số đó thậm chí còn sống tự lập hoặc bằng các chính sách trợ cấp và vay mượn của chính phủ. Nghĩa là khi bạn đến một vùng nông thôn ở phương tây, luôn có những con người đã đi một ngày đàng và giờ họ về lại quê nhà để tiếp quản trang trại của gia đình mà có truyền thống cả trăm năm, và hiện nay, có những con người vì lý tưởng thay đổi xã hội mà muốn rời bỏ lối sống hệ thống ở thành thị. Đó là khởi điểm của chốn nông thôn ở phương tây.

            Còn văn hoá của người VN hay người Á Đông là sống với gia đình là chính. Những ai đi học xa nhà và thành công họ sẽ không về, những người về thường là những người chưa tìm được con đường sống tốt nơi thành thị chứ đừng nói là đã xây dựng lý tưởng hoặc ra nước ngoài đủ nhiều (mình chỉ nói chuyện về văn hoá chứ không chê bai gì đâu). Nghĩa là khi bạn về nông thôn ở Việt Nam, rất hiếm gặp những con người vì lý tưởng mà sống ở đó, vì hoàn cảnh thì nhiều hơn. Thậm chí trong người thành thị bây giờ, người vì lý tưởng chung của xã hội Việt Nam còn chẳng là mấy huống chi vì lý tưởng chung của toàn thế giới. Đó chính là khởi điểm của chốn nông thôn tại Việt Nam, một nước đang phát triển với dân số quá đông, có quá ít phúc lợi xã hội và khả năng tương thích về mặt văn hoá để người dân tìm tòi, phát hiện và theo đuổi lý tưởng của mình.

            Trong khi ở VN, lý tưởng lớn là được giàu mạnh sánh vai với các cường quốc thế giới thì ở các cường quốc thế giới lý tưởng là tự do. Họ định vị chính phủ và hệ thống tiền bạc là những cản trở bậc nhất cho lý tưởng này và họ đang hướng tới việc sống ngoài mạng lưới (living off-grid). Tất nhiên họ nhận thức được họ không thể co cụm lại và biệt giao với thế giới bên ngoài nên họ mới có những hoạt động viên toàn cầu, ví dụ như mình (người Việt duy nhất) làm tình nguyện cho The Venus Project vậy, một kết nối cực kỳ mỏng manh chẳng biết khi nào sẽ vỡ nhưng đó là cả một hy vọng, của mình và họ và tất cả những người muốn một thế giới tốt đẹp hơn.

          • Những người sẵn sàng chấp nhận cái mới thoạt nghe có vẻ khác thường như bạn chưa phải là nhiều. Chúng ta có thể trao đổi nhiều hơn và cụ thể hơn không phải ở đây được không? Tôi muốn biết nhiều hơn về cái “kết nối cực kỳ mỏng manh” ấy của bạn. Biết đâu chúng ta có thể bổ sung cho nhau vài hiểu biết nào đó.
            Email của tôi: ainu.vh@gmail.com

  11. Mình cảm thất người Việt bị lệ thuộc, coi câu “Giàu – Sang, Nghèo – Hèn” như 1 cái lệ chung, 1 điều quá hiển nhiên để rồi sống mà cứ lấy câu đấy ra ngụy biện cho sự lười, không cố gắng của bản thân. Không biết đúng hay sai nhưng thấy người Việt coi trọng chữ “sỹ” trong sỹ diện hơn là lòng tự trọng. Khi còn trong nước, chuyện người chuyện mình rất phân minh nhưng khi ra nước ngoài rồi, không phân biệt người nào, cứ đơn giản là chuyện của người Việt Nam lại thấy nó trở thành chuyện nhà mình.

  12. Khi chúng ta thấy một điều xấu nhưng lại không dám đấu tranh cho nó và tệ hơn là đổ lỗi cho cái này, cái kia. Nguy hiểm hơn nữa đó là làm theo những tật xấu đó, để cho nó thay đổi bản thân mình. Qủa có đáng không?
    Một người không làm nên tất cả nhưng sẽ là tia sáng cho cái xấu. Nếu cô gái trong câu chuyện không tốt liệu hai người giữ xe có tỏ ra tội lỗi, ăn năn và đến xin lỗi cô gái! Cô gái đã có thể lay chuyển hai người đó?!
    Chúng ta đều hỏi tại sao? rồi tức giận hoặc im lặng và mặc cho nó diễn ra như thế? Có bao giờ chúng ta tự hỏi mình phải làm gì cho tốt hơn không? và dám thực hiện cho tới cùng?! hay lại cứ để cho dòng đời của điều xấu cuốn đi và dần đánh mất bản thân mình!
    – Được giáo dục tốt là một chuyện nhưng dám đứng lên thay đổi cho nó tốt hơn là một chuyện khác.

    – Nhìn ra điểm xấu là một chuyện cực dễ nhưng nghĩ ra cách giải quyết nó thì lại cực khó.
    Một câu chuyện rất hay để mọi người dám nhìn thẳng vào bản thân trong đó có cả mình nữa.
    Hi vọng mỗi người sẽ dám đối diện với vấn đề và sẽ có cách thay đổi cho cuộc sống xung quanh mỗi người tốt đẹp hơn.
    Chúc một ngày thật vui. 🙂

  13. Một bài viết khá thực tế nhưng nói thật tôi không thích những bài viết như thế này vì tôi băn khoăn mục đích của tác giả là gì? Nêu ra những vấn đề bức xúc trong xã hội? Những vấn đề này thì nói cả năm cả tháng cũng không hết. Và tác giả có nêu ra được hướng đi nào không? Không. Đơn giản chỉ là bế tắc, rằng con người ta, đất nước ta là thế và tất cả những gì ta có thể làm là cúi đầu hổ thẹn. Chưa cần đọc comment tôi cũng đoán được những bình luận bên dưới nói cái gì (vì những bài viết như thế này đã quá nhiều): thật xấu hổ và nhục nhã, tất cả là do lãnh đạo, bộ giáo dục thật bất tài, tư tưởng thế hệ đi trước đã bóp nghẹt tương lai của chúng ta blah, blah, blah…Mỗi đất nước đều trải qua giai đoạn khó khăn cả, tôi không nghĩ lúc nào Singapore cũng được một nhà lãnh đạo tốt, một bộ giáo dục tốt. Bây giờ đang là giai đoạn khó khăn của đất nước, tôi nghĩ chúng ta có nhiều việc phải làm hơn là cúi đầu, sai thì sửa, khó đấy nhưng không phải không làm được. Ai ăn cắp, ăn trộm thì hãy cúi đầu xấu hổ, còn tôi, xin lỗi, không dư hơi mà xấu hổ thay cho họ. Về những ý kiến trong bài viết, tôi thấy một số điểm theo ý tôi là không hợp lý:
    – Tác giả lấy ví dụ về việc bạn và sếp gọi điện thoại cho đối tác để thể hiện sự tin tưởng giữa người Việt với nhau: Sếp gọi sẽ có trọng lượng hơn nhân viên là tất nhiên. Một giám đốc hay trưởng phòng của một công ty gọi điện đến một công ty khác lẽ bình thường người nghe máy sẽ cảm thấy nhiều khả năng đây là một công việc rất quan trọng và nhanh chóng chuyển máy. Tác giả gặp đối tác và không được họ tin tưởng, có thật là lý do vì tác giả là người Việt hay chính tác giả có vấn đề trong phong cách giao tiếp, thuyết phục khách hàng?
    – Nghèo và tự trọng cái nào quan trọng hơn? Dựa vào hành động của một cá nhân để kết luận người Việt nghèo thì mất hết tự trọng? Như vậy có quá nông cạn và hời hợt? Tôi biết nhiều người nghèo rồi sinh ra trộm cắp nhưng tôi cũng biết nhiều người “đói cho sạch,rách cho thơm”. Một lần khi sếp tôi hỏi vui các nhân viên bán hàng ở chỗ tôi:”Khi em đi mua hàng mà người bán hàng đưa thừa tiền, em làm gì?” Và tôi thấy mọi người nói “Trả lại chứ làm gì nữa”, không phải kiểu trả lời phải suy nghĩ đắn đo, mọi người nói và cười vì nghĩ đó là chuyện quá hiển nhiên. Chúng tôi bán hàng chủ yếu cho khách nước ngoài và người ta do không quen tiền mình nên đưa nhầm tiền rất nhiều, có lần khách Trung Quốc còn đưa ví để nhân viên bán hàng lấy giúp.Chúng tôi có thể lấy dễ dàng lấy vài trăm mà khách không biết nhưng chúng tôi không làm thế. Đó là những nhân viên bán hàng sống thuê trọ và lương tháng chỉ tầm 2tr.
    – Đoạn cuối cô sếp trong bài thực làm tôi thất vọng. Tưởng cô ấy thế nào hóa ra sang Việt Nam được ít lâu đã học theo tính xấu của người Việt. Đó có phải là thích nghi không? Đừng bôi xấu từ “thích nghi” như thế. Sao tôi gặp một người Ba Lan đã sống ở VN mười mấy năm, đã cưới vợ người Việt và đang làm giáo viên tại Sài Gòn, tôi thấy người ta vẫn tìm chỗ để bỏ rác vào thùng. Thực ra cô sếp cũng đâu hay ho gì, nơi nào cấm thì cô sợ cô không dám làm, nơi dễ dãi như nước ta người ta không cấm, không phạt roi như Singapore thì cô làm tới. Vậy mà đọc phần đầu tôi cứ nghĩ cô được giáo dục tốt, có ý thức cao. Tôi nghĩ đến lúc này cô mới là người nên cúi đầu.
    Cuối cùng câu tiếng Anh mà tác giả ghi “Of couse, no” làm tôi khá ngạc nhiên.

    • Trong phần bình luận bạn có đưa ra 1 nhận xét và 3 điều bạn thấy ko hài lòng về bài viết, nhưng thật sự mình ko thể đồng ý được vì cách phản biện rất phiến diện
      1. Từ đầu và xuyên suốt bài viết, tác giả đã thể hiện chủ đề của bài viết là sẽ nêu những vấn đề mà đã bao đời nay người vn gặp phải, nhưng điểm nổi bật là đây là những thứ đã tồn tại từ rất lâu và người việt đang coi nó như một sự thật hiển nhiên, vậy dụng ý của tác giả là nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề dể mn thấy dc nhu cầu pải giải quyết nó, trước khi tìm cách giải quyết!
      2. Ở đây là bạn đưa quan điểm của bạn và áp đặt cho vấn đề
      3. Bạn ko sử dụng nhiều lí lẽ mà nổi bật nhất là một ví dụ, nên nhớ ví dụ ko thể như một bằng chứng nói lên bản chất của sự vật vì ngoài kia còn hàng ngàn vd trái lại vd lẻ loi bạn vưa nêu
      4. Môi trường tạo con người chứ con người ko chống lại môi trường, hành động của chị sếp trong hoàn cảnh này là hoàn toàn dễ hiểu, đừng mong con người biến thành bụt sống giữa đoi chứ!

        • người việt cũng có câu “bần cùng sinh đạo tắc, phú quí sinh lễ nghĩa” bạn à….muốn ví dụ thì hằng hà sa số….tốt nhất nên cúi đầu ít nhất cho bản thân mình và dẹp cái “tự hào dân tộc” qua 1 bên đi đã để phát triển nhé.

    • Ở Nhật, một người sai thì cả đám đông cúi đầu xin lỗi, dù không phải lỗi của họ. Mỗi việc làm của từng cá nhân đều có ảnh hưởng đến chung xã hội. Bạn Susu không dư hơi để thấy xấu hổ thay cho người khác, vậy bạn có quá cá nhân không ?

      Mục đích của những bài viết thế này là để nhắc nhở người Việt hiểu về hiện trạng thực sự của chúng ta. VN vẫn còn thích “tự hào” lắm, còn nhiều người ảo tưởng hoặc an phận lắm. Về việc đưa ra hướng đi, tôi thấy có nhiều người nghĩ ra từ lâu nay rồi, nhưng vì những lí do gì mà những giải pháp đó không được lắng nghe ( chứ chưa nói đến thực hiện ), chắc tôi không cần nói.

      “Cúi đầu” không phải là hành động cúi đầu mà là việc ý thức mình đang như thế nào, và phải cảm thấy xấu hổ, nhục nhã và lấy đó để làm động lực khắc phục, vươn lên.

      • theo tôi nghĩ, bản thân mỗi người nếu có nhận thức hoặc có kiến thức, quan điểm gì hay thì có thể chia sẽ với mọi người thoải mái, nhưng tiếp nhận hay không là vấn đề của người khác, vấn đề của mình chỉ là nói sao cho người ta hiểu ý mình nói.người ta không hiểu là lỗi ở mình, không do họ. không ai có thể làm việc gì thay người khác như việc xấu hổ thay được. có thể người Nhật với cách suy nghĩ mình là người thân của người phạm lỗi, người thân phạm lỗi là do mình không giúp đỡ, quan tâm họ, nên họ cảm thấy họ có lỗi, chứ thực ra cũng không xấu hổ với hành động của anh ta theo kiểu cảm thấy nhục nhã vì có anh ta đâu.nhận thấy sai thì tự sửa bản thân trước khi mong muốn sửa người khác.theo mình hiểu bài viết thì bạn này bạn ấy thấy xấu hổ về cái môi trường bạn ấy ở, và nhận ra cái sai của xã hội, của người khác, mà không nói rằng cái sai đó xuất phát từ chính bạn ấy, việc sửa sai duy nhất chính là bạn ấy phải thay đổi, phải sống khác, phải lan tỏa giá trị tốt đẹp, chứ không phải chăm chăm soi hành động của người khác. ta sẽ chẳng bao giờ thay đổi được ai ngoài chính mình. có lẽ chính tôi cũng chưa hiểu ý của bài viết, tôi cần tự chịu trách nhiệm về sự hiểu của mình, chứ cũng không do ai cả. cảm ơn bạn đã chia sẽ quan điểm.

    • công nhận quá chuẩn, thời đại này là thời đại công dân toàn cầu, tiếp thu và hành xử văn minh, văn hóa là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. trách nhiệm về những hành động cách nhìn nhận ứng xử trong cuộc sống là thuộc về cá nhân chứ không do môi trường. đổ lỗi thì chỉ có đi xuống, không tiến bộ và thích nghi được.

    • Ở nước ngoài đi làm trả lương theo năm, dự án tới làm chưa kịp deadline thì đừng có nói tới cuối tuần chứ ngày đêm gì cũng phải làm hết. Có cái loại sếp nào mà suốt ngày đem nhân viên ra chê bai về người dân đất nước cái kiểu đó. Nếu ở Mỹ thì cô sếp đó đã mất việc và bị kiện vì cái tội Phân Biệt Đối xử rồi. Còn cái việc nhân viên tiếp thị gọi điện tới chào hàng mà muốn người ta chuyển máy tới nói chuyện với sếp thì có mà dễ quá. Còn nếu sếp của công ty này gọi điện muốn chuyển máy để nói chuyện với sếp của công ty khác thì đương nhiên là một việc khác, cái đó cũng đem ra so sánh đâu có được. Nói chung bài viết này thì đúng được tầm 60% nhưng mà chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.

      • À, comment của bạn thú vị đấy. Bạn nói “Nếu ở Mỹ thì cô ấy sẽ mất việc” chứ gì, vậy thì xin nói luôn cho thẳng là nếu ở Mỹ thì cô ấy đã không phải than vãn về những vấn đề như trong bài viết!

        Một người Việt có thể chấp nhận và cam chịu với những gì đang diễn ra ở nước mình nhưng người nước ngoài thì không! Họ không chấp nhận những điều như thế tồn tại trên đất nước họ cho nên họ cũng không thể chấp nhận điều đó ở một nước mà họ sẽ sống và làm việc lâu dài.

        Có nhiều ý kiến cho rằng những bài viết như thế này không giải quyết được điều gì, bởi vì những người nêu ra những ý kiến đó vẫn tiếp tục sống và hành xử chính xác như trước khi họ đọc bài viết. Riêng cá nhân tôi, tôi không chấp nhận điều đó tiếp tục tồn tại trong không gian xung quanh tôi sống và làm việc. Trong khả năng có thể tôi không để những điều đó xảy ra! Đó là cách giải quyết, anh có dám làm như thế không? Có dám đi ngược lại dòng nước xung quanh anh không? Hay vẫn chấp nhận tặc lưỡi cho mọi thứ diễn ra và công kênh cái mặt phản bác những ai chỉ trích những thứ bất hợp lý diễn ra trên đất Việt?

        • chuyện sống và hành xử có thay đổi hay không nó không phản ánh gì cả…cứ đọc và nhận thức nó xuất phát từ bên trong đi đã rồi hãy nghĩ tiếp mình làm được hay không..comment kiểu đánh đồng lấy ý kiến chủ quan phủ định…

      • có thể những ví dụ đó là chưa sát với nội dung, nhưng bạn nên đọc kỹ lại và rút ra bài học, đừng phản biện bằng cách lôi 1 ví dụ cỏn con mà phán xét..bài viết mang tính góc nhìn, và ví dụ thì hàng trăm ngàn điều có thể dùng, ví dụ chỉ mang tính tương đối cho người đọc suy ngẫm, còn không hiểu được thì do khả năng lĩnh hội của bạn thôi…tôi không phán xét bài viết mà tôi chỉ biết những điều bài viết thể hiện là 1 thực trạng rất đông tại VN và cần phải được nhìn nhận và tự thay đổi.

    • Mình ko đọc hết cmt của bạn vì mình đọc câu đầu đã ko muốn đọc nữa rồi. Viết là viết, viết những điều mắt thấy tai nghe, còn lĩnh hội như thế nào thì tùy từng người, nhận thức con ngừoi nó khác nhau lắm:v. Thân

    • bạn này phản biện bằng cách vạch lá tìm sâu. Muốn thay đổi thì phải biết nhìn nhận, muốn nhìn nhận ra vấn đề thì phải có những bài viết thế này. Ý nghĩa bài viết không đánh đồng mà là ý kiến của 1 góc nhìn, nhưng cũng là thực trạng chung của xã hội, những điều cần phê phán để mọi người nào đang hoặc đã trong hoàn cảnh đó có thể nhìn ra bản thân. Còn phản biện kiểu như chạm vào lòng tự ái như bạn thì công đồng mạng gọi nôm na là “anh hùng bàn phím”.

    • Mình xin nêu ý kiến của cá nhân.
      “Một bài viết khá thực tế nhưng nói thật tôi không thích những bài viết như thế này vì tôi băn khoăn mục đích của tác giả là gì? Nêu ra những vấn đề bức xúc trong xã hội? Những vấn đề này thì nói cả năm cả tháng cũng không hết.” Theo mình mục đích của tác giả trước tiên là được chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của mình, cảm nhận của mình; tất nhiên là nêu ra cả những bức xúc trong xã hội.
      Còn câu hỏi “Và tác giả có nêu ra được hướng đi nào không?” thì tác giả không nêu ra được định hướng nào. Tác giả đang là người gợi mở cho người đọc thấy được những vấn đề và mong muốn mọi người tìm được hướng giải quyết. Có thể bạn đã quá kì vọng vào việc tác giả có thể nêu lên được hướng giải quyết.
      Điểm không hợp lý đầu tiên mà bạn nhắc đến rất hữu ích cho tác giả. “Có thể” đó là vấn đề trong phong cách giao tiếp, thuyết phục khách hàng.
      Nghèo và tự trọng, bạn không thể biết được sếp của tác giả đã gặp bao nhiêu người, chứng kiến bao nhiêu sự việc để minh chứng cho ý kiến “nghèo mà mất hết tự trọng” của cô ấy. Bạn đã áp đặt rằng cô ấy gặp ít người mà đánh giá như vậy. Còn về ví dụ của bạn về việc sếp hỏi nhân viên, mình nói thật theo ý kiến cá nhân thì những người trả lời nhanh nhảu kia có thể là những người muốn lấy lòng sếp của họ thôi.
      Nhận xét của bạn về cô sếp thì tôi khá đồng ý. Việc học theo tính xấu khi ở trong môi trường không tốt thì không đẹp.

    • Đồng ý với Su Su .Cố đọc hết bài viết xog cuối cùng thất vọng tràn trề vì suy nghĩ kiểu ‘ra đi và không trở về ‘ vì không phù hợp ,hoặc thích nghi với cái xấu .Tôi tin người Sing, người Mĩ ,người Nhật cũng từng có nhiều khuyết điểm ,và thậm chí nếu so sánh khách quan thì xã hội của họ chưa hẳn tốt bằng các nước Đông Âu như Na Uy ,Thụy Sĩ …Ai cũng nhân sinh quan không phù hợp rồi thích nghi cái xấu thì chắc đã ko có nước Nhật ,nước Mĩ ngày nay.

  14. mình thấy tất cả đều ở con người, cô ấy cũng chả cần thay đổi để thích nghi gì cả, cô ấy tự từ bỏ lòng tự trọng trước những cái tiêu cực mà cô ấy thấy, đó là việc của cô ấy, không do môi trường nào cả, môi trường nào cũng có những cái bất cập, quan trọng là cá nhân đó có cái nhìn và phong độ vững vàng thế nào. tôi cũng là người VN, tôi sống trong cái môi trường mà cô gái đó cho là tệ hại, nhưng cách sống của tôi chả khác gì cô ta khi sống ở xingapo cả, luôn nói thật, ý thức cộng đồng, ăn 1 cái kẹo cũng tìm nơi bỏ rác hoặc không có thì tự bỏ vào túi mình về nhà tìm sọt rác để bỏ vào. luôn yêu thương, có niềm tin và giúp đỡ người khác, rèn luyện để hòa nhập dù có ở môi trường nào, tôi tin mình tốt thì môi trường đó tốt theo mình, vậy thôi, mỗi người tự chịu trách nhiệm thế giới quan của mình, chả do ai hay vùng đất nào cả, xin đừng đổ lỗi ^^

  15. Nếu ở địa vị của tác giả, mình cũng không thể trả lời nhiều hơn những gì bạn đã trả lời cô sếp ngoại quốc kia. Câu hỏi “Chúng ta cứ thế này thì làm sao phát triển được?” đối với mình là quá lớn…

  16. Con người ta sống ở đâu vào thời điểm nào là do cơ duyên. Chính vì sự giao lưu qua lại này mà thế giới dần dần thay đổi. Thật tốt nếu chúng ta luôn được ở những nơi tốt đẹp, nhưng tiếc rằng chẳng thể có sẵn những nơi tốt đẹp cho ta đến. Nếu con người chúng ta không tốt đẹp, đi đến đâu cũng làm hỏng sự tốt đẹp ở nơi đó.

      • Dĩ nhiên. Cái gì cũng có ít nhất là hai chiều. Nếu chúng ta may mắn rơi vào một môi trường phù hợp với cá nhân mình thì có thể phát triển tốt. Nhưng môi trường nào là môi trường phù hợp? Làm sao chúng ta biết trước? Như cô sếp trong bài này có biết trước được không? Thực tế là chúng ta bắt buộc phải tìm hiểu và thích nghi với môi trường trước khi thoát được nó hoặc thay đổi được nó. Trước khi thoát được hoặc đủ mạnh để thay đổi được thì chúng ta chỉ có cách “cúi đầu im lặng”. Đó là lý do tôi thích bài viết này.

        Không có khó khăn bế tắc thì người ta không biết đến những điều kỳ diệu. Những anh hùng thường được biết đến trong thời loạn. Có những con người im lặng bền bỉ lo việc của mình và một lúc nào đó chúng ta sẽ biết đến họ. Còn trong khi chúng ta chưa thể trở thành anh hùng, chúng ta “cúi đầu im lặng” và cố gắng để khỏi trở thành xấu hơn. Trong đất nước này, dân tộc này vẫn tiềm ẩn những yếu tố tốt đẹp thật sự, nếu không thì đã chẳng có bài viết trên và chuyện bài viết được rất nhiều người ủng hộ.

  17. :((((((. Nỗi buồn ấy cứ nặng trĩu mãi. Tôi biết đó là sự thực và cả một thế hệ này rất nhiều người như thế. Nhưng, buồn và thấy nhục nhã thì làm được gì? Đó là một cảm xúc luôn sẵn có trong suy nghĩ rồi, không cần bới móc nó lên đâu, dìm nó xuống thành một nỗi đau, âm ỉ, để thúc dục ta hành động thôi. Tôi đang cố gắng không làm theo những đám đông ấy dù có bị cho là kẻ lập dị hay dở hơi, vì đơn giản tôi nghĩ rằng, muốn thay đổi cả đất nước, trước tiên hãy thay đổi chính bản thân mình đã…

  18. Thực ra các bạn đã đi học 1 thời gian >4 năm ở nước ngoài thì nên ở lại sẽ tốt hơn vì sẽ rất khó để thích nghi lại với môi trường xã hội (tốn vài năm để thích nghi lại), trừ khi đã lên kế hoạch trở về từ trước đó rất lâu. Nếu về hiện giờ thì phải chấp nhận sự thật, còn muốn có điều kiện phát triển mới về thì chịu khó chờ vậy 🙂

  19. Mới từ nhỏ trẻ con đã được dạy là học giỏi để trở thành ông nọ bà kia, Nhiều ba mẹ không chú trọng trong việc dạy con cái họ cách sống mà chỉ lấy những cái từ ngày xưa cũ ra dạy mà k hợp thời, để rồi chúng ta- bộ phận giới trẻ ngày nay đang sống trong những điều kiện giáo dục như vậy bị ảnh hưởng rất nhiều. Hỏi thì làm sao đất nước phát triển được 🙁

  20. cái chính là giáo dục. nên giáo dục VIệt Nam nó hỏng rồi. nó chỉ chăm chăm dạy cho trẻ con thành ông này bà nọ mà không chịu dạy cho chúng trước hết phải là một con người bình thường trước đã. haizaa… rồi còn bao nhiêu chuyện. nói chung là nhiều khi nhìn thấy mà bất lực. chả biết nói làm sao. chỉ biết tâm niệm là sau này sinh con ra thì rán dạy chúng những điều tốt thôi. chứ k phải là một vĩ nhân nên không đủ để thay đổi cả đất nước :v

    • cái chính, nên giáo dục VIệt Nam không hỏng, mà do lãnh đạo VN, không dám thay đổi.

      Nước nghèo VN, muốn ddie lên, phải có công nghiệp, tức là phải dùng người kỹ trị (kỹ thuật trị vì), như Singapor.. Bộ trưởng giáo dục Luận, là dân Thương mại, tức là không biết đến bản chất của sản xuất công nghiệp, nên không hiểu được bản chất nội dung sinh viên cần học và cái cần của các công ty công nghiệp (thị trường lao động).

      Ông Nhân trước đây cũng vậy. Ông TS Nhân, vốn là giáo viên khoa điện điện tử, rồi lên Thành đoàn, rồi sang quản lý Đoàn thanh niên bên CHDC Đức, học thêm 2 năm Kinh tế, và có thêm bằng kỹ sư kinh tế … rồi giáo sư Kinh tế (không có bằng Tiến sỹ kinh tế, nhưng có bằng Tiến sỹ kỹ thuật điện).

    • giáo dục Vn không hỏng, mà nó được thiết lập ra tuân theo nhưng qui tắc của tư tưởng XHCN, đào tạo ra những con người biết nghe theo, nhưng cái bánh in đều nhau và tôn thờ dân tộc huy hoàng 🙂

  21. Thật khó hiểu khi bài của bạn chỉ có 2 like ( 1 trong đó là tôi ) :v
    Bài này nói lên rất nhiều điều mà có lẽ vài người sẽ vỡ lẽ khi đọc nó :3
    ~baka~

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,890Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI