32 C
Nha Trang
Thứ Ba, 30 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Phật giáo và Ấn Độ giáo giống và “khác” nhau như thế nào?

Dẫn nhập – Phật giáo và Ấn Độ giáo

Tôn giáo nói chung hay Phật giáo và Ấn Độ giáo (Hinduism) nói riêng là những đại dương thông tin triết lý kiến thức khổng lồ mà một người có học tập, nghiên cứu suốt đời hay thậm chí nhiều đời cũng không thể thông tỏ mọi ngõ ngách chi tiết.

Phật giáo và Ấn Độ giáo là hai tôn giáo khổng lồ, bên trong mỗi tôn giáo lại có rất nhiều tông phái, chi nhánh khác nhau, nên bài viết này chỉ nhắm đến những điểm cơ bản và nền tảng. Trong khuôn khổ một bài viết khoảng 3000 chữ đăng trên Triết Học Đường Phố tôi chỉ xin phép được tóm tắt những điểm quan trọng chính yếu.

Những thông tin trong bài viết này là kết quả từ những nghiên cứu học thuật trong ít nhất 3 năm của cá nhân tôi, được tham khảo và đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau, tất nhiên không chắc chắn sẽ trọn vẹn đầy đủ hoàn toàn. Tuy nhiên tôi vẫn sẽ cố gắng trình bày mọi thứ một cách chính xác và khách quan nhất có thể, nếu có gì sai/sót cũng hy vọng được các cao nhân tiền bối thông cảm và chỉ bảo.

phật giáo và ấn độ giáo

💎 [THĐP Translation] Cộng đồng mạng thế giới nghĩ gì về Phật giáo và Ấn Độ giáo

Các danh nhân nói gì về Phật giáo và Ấn Độ giáo

“Những phần giáo lý quan trọng của đức Phật hình thành nên một phần tích hợp của Ấn Độ giáo, bởi Thích Ca là một Hindu của những Hindu. Đức Phật chưa bao giờ từ chối Ấn Độ giáo, ngài chỉ nới rộng nền móng của nó. Ngài đã cho nó một sự sống mới và một cách diễn giải mới.” — Gandhi

“Phật giáo là Ấn Độ giáo được lược bớt cho xuất khẩu.” — Alan Watts

“Một người càng nghiên cứu hời hợt Phật giáo, thì nó dường như càng khác biệt so với Bà La Môn giáo (Ấn Độ giáo), nguồn gốc của Phật giáo; càng đi sâu vào nghiên cứu thì càng khó phân biệt được cả hai.” — Ananda Coomaraswamy

Source: https://en.m.wikiquote.org/wiki/Buddhism_and_Hinduism

Lịch sử Phật giáo

Trước khi so sánh hai tôn giáo vĩ đại này có lẽ chúng ta nên tìm về cội nguồn của nó. Trong khi Ấn Độ giáo không có một cá nhân đại diện sáng lập ra thì nhân vật có thật trong lịch sử đã khai sinh ra Phật giáo có tên Sĩ-Đa-Tha Cồ-đàm (Siddhartha Gautama) (sự khác biệt thứ nhất).

Ngoài cái tên này ra thì Ngài còn có nhiều tên gọi, danh hiệu khác đơn cử như Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni), nghĩa là Bậc thức giả tộc Thích Ca, hoặc chỉ gọi đơn giản là Phật, tức một người đã giác ngộ, toàn giác, biết tất cả mọi thứ. Theo trang Wiki thì Gautama được sinh ra vào khoảng năm 624 TCN tại một tiểu quốc nằm gần biên giới Nepal-Ấn Độ; Ngài mất vào khoảng năm 544 TCN.

phật giáo và ấn độ giáo

Sau khi Phật qua đời khoảng 400 năm thì các kinh sách mới bắt đầu được đặt bút ghi chép lại, còn trước đó thì các tăng đoàn chỉ có truyền thống truyền miệng những lời Phật nói. Một người có thể đặt ra nghi vấn liệu tất cả những kinh sách Phật giáo có đầy đủ hay chính xác 100% không thêm bớt chỉnh sửa hay không? Đó cũng là lý do vì sao trong Phật giáo có rất nhiều tông phái khác nhau với 3 nhánh lớn: Nam Tông (Tiểu Thừa), Bắc Tông (Đại Thừa), và Kim Cương Thừa; trong những nhánh lớn này lại còn có phân chia ra những nhánh nhỏ hơn.

Chúng ta chỉ có thể trau dồi đức tin vào kinh sách và tự vận dụng trí não của mình và tìm ra những gì phù hợp với bản thân. Trăm sông đổ về một biển. Đại dương chân lý không từ chối một con sông nào. Mọi con đường đều dẫn tới cùng một chân lý, vấn đề chỉ là nhanh chậm thế nào và có phù hợp với mình hay không.

Cuộc đời của Gautama không những trùng hợp với thời kỳ phát triển của Ấn Độ giáo, mà còn trùng với sự phát triển của trường phái tu khổ hạnh (Sramana) như Kỳ-na giáo, Ājīvika, Ajñana, Cārvāka (triết học duy vật khoái lạc). Phật Thích Ca đã đề xướng con đường Trung đạo (Majjhimāpaṭipadā), vừa từ bỏ đời sống vật chất lạc thú và cũng vừa từ bỏ lối tu ép xác khổ hạnh đang thịnh hành thời đó.

Thích Ca xuất thân là một chàng hoàng tử của một vương quốc nhỏ, sống trong nhung lụa, ăn sung mặc sướng. Năm 29 tuổi anh quyết định từ bỏ mọi vinh hoa phú quý để chập chững bước chân vào con đường đạo, hầu tìm kiếm và giác ngộ chân lý, bản chất của thực tại, của sự tồn tại.

Trong 6 năm anh đã khổ luyện những phương pháp thực hành tâm linh của Ấn Độ giáo như ngồi thiền và yoga với 2 người thầy và đã đạt tới những tầm mức trình độ đáng kể. Tuy nhiên nó vẫn không mang lại được thỏa mãn cho Gautama; anh thấy mình vẫn chưa chứng thực giác ngộ.

Có một chuyện cần lưu ý ở đây. Nhiều người căn cứ vào chi tiết này để lý luận rằng Ấn Độ giáo thua kém Phật giáo, và Ấn Độ giáo không thể mang tới giác ngộ, trong khi Phật giáo thì có thể! Đây là một quan niệm hết sức ngây thơ, sai lầm, vô minh. Bởi vì nếu chịu khó suy nghĩ kỹ hơn, sâu hơn thì sẽ thấy nó không đơn giản như vậy.

Có một số nghi vấn cần được trả lời ở đây trước khi chúng ta phán xét: Chúng ta phải biết được 2 vị thầy của Gautama đã dạy anh những gì? Nó có đại diện được cho toàn bộ Ấn Độ giáo không? Và bản thân Gautama đã hiểu được những gì? Nếu gặp một người thầy thứ ba giỏi hơn hai người trước thì sao? Tại sao Gautama không thể chứng đắc được với những thứ đã được học trong khi nhiều người khác trong quá khứ cũng như tương lai thì có thể?

Có khi nào con đường này không phù hợp với chàng hoàng tử Gautama nhưng lại phù hợp với những người khác? Theo tôi đây mới là câu trả lời chính xác nhất.

Thích Ca sau khi giác ngộ tới khi lìa trần là 45 năm đã dành thời gian đó để đi khắp nơi có thể để rao giảng những đạo lý của Ngài. Thời đó Ấn Độ giáo đang thịnh hành trong dân gian tại vùng đất Nepal – Ấn Độ. Ra đời trong một hoàn cảnh như thế nên nó có thể được nói rằng nguồn gốc của Phật giáo là Ấn Độ giáo, hay nói cách khác là nếu Ấn Độ giáo là mẹ thì Phật giáo là (một trong những người) con trai.

“Khi tôi nói rằng Phật giáo là một phần của Ấn Độ giáo, một số người phê phán tôi. Nhưng nếu tôi nói rằng Ấn Độ giáo và Phật giáo là hoàn toàn khác nhau, nó sẽ không đúng với sự thật.” — Đạt Lai Lạt Ma

Một số điểm giống nhau cơ bản giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo

  • Cả hai đều dạy về bản chất hư ảo của thế giới vật chất (maya).
  • Advaita Vedanta rất giống Đại Thừa ở triết lý duy tâm: Ý thức tạo ra vật chất (không có chuyện ngược lại). Vũ trụ, thực tại là một mạng lưới tâm thức, ý thức thông minh khổng lồ, không phải như một cỗ máy vô tri vô giác. ([THĐP Vietsub] Vật lý lượng tử – Thí nghiệm hai khe hở)
  • Tin vào vai trò của nghiệp quả (karma) trong việc trói buộc một người đắm chìm trong mê cung luân hồi, tái sinh hết kiếp này tới kiếp khác.
  • Mục đích cuối cùng của 2 tôn giáo: giác ngộ, giải thoát.
  • Vô minh, ham muốn, níu bám là nguồn gốc chính của đau khổ. Bhagavad Gita (Chí Tôn Ca) của Ấn Độ giáo dạy rằng một người hành động nhưng không trông mong vào kết quả sẽ dẫn tới giải thoát.
  • Buông bỏ, từ bỏ những níu bám là điều kiện cần thiết trên con đường tâm linh.
  • Từ bi với mọi chúng sanh, không sát sanh, bất bạo lực.
  • Ăn chay.
  • Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trinh khiết, tuyệt dục (lưu tinh, nofap, no sex) cho những hành giả, tu sĩ.
  • nhiều tầng địa ngục và thiên đàng.
  • Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành thiền và những phương pháp thực hành khác, vd: tụng kinh, trì chú, linh chú (mantra), yoga, kỷ luật…
  • Kết quả, hiệu ứng của việc tu tập: Bình an, phúc lạc, viên mãn, thoát khổ, thoát luân hồi…
  • Tin vào sự tồn tại của thần linh ở những cõi giới khác nhau.
  • Bắt nguồn từ Ấn Độ.
  • Phạn ngữ đóng vai trò quan trọng.
  • Có cùng một Diêm Vương.
  • Dùng hoa sen làm biểu tượng cho sự giác ngộ.

Những điểm “khác nhau” giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo

1. “God” – Thượng Đế

Nói về khái niệm “God” trong Phật giáo thật sự rất phức tạp, vì có những cách hiểu khác nhau về khái niệm đặc biệt và cũng mơ hồ này. Nhưng nhìn chung thì “God” không đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo, thường bị phủ nhận.

Cá nhân tôi tôi hiểu rằng Phật giáo không dùng danh từ để nói về “God”, mà dùng những tính từ như niết bàn, “vô ngã” (dịch sai, dẫn tới hiểu sai, dịch đúng phải là Phi Ngã—xem bài viết “Vô Ngã” vs. Chân Ngã), tính không, Phật tánh, chân như, Chân Tâm (Citta)…

Cá nhân tôi nhận định rằng lịch sử Phật giáo mấy trăm năm đầu cũng bị phân chia thành hai nhóm: Vô thần (không có đức tin, non-believers) và hữu thần (có đức tin, believers). Tin vào cái gì? Tin vào sự tồn tại của một năng lực siêu hình đứng sau mọi thứ, nguồn gốc của mọi thứ: “God.” Jesus bảo, “Phúc cho những ai không thấy mà tin.”

Niềm tin không nhất thiết phải luôn đi kèm với tính từ mù quáng (sai lầm); có những niềm tin được chúc phúc, như Jesus đã nói. Nhóm vô thần dần dần phát triển thành Tiểu thừa ngày nay, nhóm hữu thần – Đại thừa, Kim Cương thừa.

>>> [THĐP Translation™] “Vô Ngã” vs. Chân Ngã

Tôi cho rằng bản thân Thích Ca cũng là một người vô thần, bởi ông đã không tin, không chấp nhận thẩm quyền tối cao của bộ kinh Vệ Đà (Vedas), trong khi bộ kinh này chính là nền tảng chung của Ấn Độ giáo (khác biệt thứ hai.) Ông là người của lý trí, logic, muốn tự mình chứng thực sự thật mà không cần phải cậy dựa vào bất kỳ ông thần ông thánh nào trong lịch sử.

Trực giác tôi mách bảo rằng con đường lý trí logic này cũng sẽ đạt được mục đích, nhưng sẽ khó khăn và chậm hơn con đường của đức tin và sự quy phục; bởi đức tin đòi hỏi sự quy phục của bản ngã, tâm trí.

Vấn đề chỉ là sự lựa chọn: Một là chấp nhận kinh nghiệm, trí tuệ từ những bậc tiền bối, những người đi trước, hoặc hai là tự mình thí nghiệm thử nghiệm mọi thứ để nhận ra chân lý và sẽ vấp ngã nhiều lần trong quá trình đó. Con đường thứ nhất tất nhiên sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn, giống như một người tin theo bản đồ dẫn đường, còn một người thì không tin, tự mò mẫm đường đi.

>>> Personal God (cá nhân) vs. Impersonal God (phi cá nhân) | Huy Nguyen

Thích Nhất Hạnh đã nói, “Chúng ta có mặt ở đây là để thức tỉnh khỏi ảo tưởng về sự tách biệt.” Không có sự tách biệt giữa Thượng Đế và loài người. Khi bạn nhận ra sự mầu nhiệm của sự sống, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng rằng mọi thứ, mọi người đều là những biểu hiện của God, đều là God. Không dư không thiếu; mọi thứ trong vũ trụ đều đang vận hành một cách hoàn hảo, tuyệt đối. “Kinh ngạc là phản ứng thích hợp dành cho thực tại,” Terence McKenna đã thốt lên.

phật giáo và ấn độ giáo

Một trong những câu đại ngôn, triết lý cốt lõi trong Upanishads (Áo Nghĩa Thư), Advaita Vedanta đó là: Tat Tvam Asi – tạm dịch: Bạn chính là Nó (Brahman). Advaita Vedanta cho rằng chỉ có Brahman là thật, còn thực tại chúng ta đang sống chỉ là một sự phóng chiếu của Brahman.

Ngoài lề, tôi nghĩ Đạo giáo (Taoism) gọi God là “Đạo.”

“Đạo có thuộc tính và biểu hiện, nhưng nó không có hành động và hình dạng. Nó có thể được luân chuyển, nhưng không thể thu nhận được. Nó có thể được nắm bắt, nhưng không thể nhìn thấy. Từ gốc, từ nguồn, đã ở đó trước cả trời và đất, nó thật sự tồn tại vĩnh viễn. Nó tạo hồn cho thiên thần và quỷ dữ, nó sinh ra trời và đất. Nó ở trên đỉnh trời nhưng không cao, nó ở dưới đáy đất nhưng không sâu. Nó có trước trời đất, nhưng không xưa; nó cổ hơn ngày xưa, nhưng không già.” – Lão Tử

>> Nếu Phật Thích Ca và Adi Shankara (tổ sư của Advaita Vedanta) có một cuộc tranh luận, ai sẽ thắng?

2. Những “khác biệt” còn lại

• Kinh sách Ấn Độ giáo có ghi chép rằng Phật Thích Ca chính là hiện thân thứ 9 của Thần Vishnu, một trong 3 vị Đại Thần (tương đương danh vị Thượng Đế) trong Ấn Độ giáo. Kinh sách Phật giáo cũng có ghi chép về các vị thần thánh, tuy nhiên không ai ngang hàng hay đỉnh cao hơn Phật.
• Ấn Độ giáo chia cuộc đời một người thành 4 giai đoạn, “ashramas”, đối với Phật giáo thì một người có thể nhập thất bất cứ lúc nào:

Brahmacharya (học sinh): Dưới 24 tuổi
◦ Grihastha (gia đình): 24-48 tuổi
◦ Vanaprastha (về hưu): 48-72 tuổi
◦ Sannyasa (tu hành): Trên 72 tuổi (hoặc bất cứ lúc nào sau khi đã hoàn thành giai đoạn Brahmacharya)

• Ấn Độ giáo không có khái niệm Bồ Tát như của Đại Thừa.
• Phật giáo sử dụng những thuật ngữ “Niết Bàn”, “giác ngộ”, “bồ-đề” (bodhi) để nói về mục tiêu tối hậu, Ấn Độ giáo dùng chữ “Moksha”, “Mukti” (giải thoát). Cá nhân tôi cho rằng cả hai đều như nhau, chỉ là một sự khác biệt trong cách dùng từ.

Tác giả: Huy Nguyen

spot_img
Nguyễn Hoàng Huy
Nguyễn Hoàng Huy
"Chỉ khi hướng nội, thì người ta mới thực sự tiến hoá. Tiến hoá là càng ngày mình càng lớn hơn, trưởng thành hơn về tâm thức. Khi ấy sự ảnh hưởng với người khác là tự nhiên chứ không cần nỗ lực." — Nguyễn Minh Thành

BÀI LIÊN QUAN

7 BÌNH LUẬN

  1. Thứ đơn giản nhất để thấy Phật Giáo chỉ là một hệ tư tưởng không chính thống từ Ấn giáo (ng Ấn luôn đánh giá như thế) : sau khi ngộ được đạo thì Gautama giảng Hoa Nghiêm (khác với Diệu Pháp Liên Hoa) dựa vào nền tảng Indra Net và kinh này được cho là giữ ở Long Cung tức Nagar world (Patala). Thế nên khoa học luôn công giảng về đạo Phật khi nói về lý thuyết dây, fractal v.v… thực ra chỉ đang dùng tầm nhìn của Gautama để cắt nghĩa nền tảng đồ sộ không thể bàn cãi của Ấn giáo.
    Việc sau nữa : mục tiêu giải thoát là mục tiêu tối thượng của Ấn giáo và Gautama là một trong vạn tỉ sinh linh đã thống nhất được chìa khoá chánh đẳng chánh giác, còn rất nhiều người khác và phương cách khác. Tâm ý này ông đã để lại trong Diệu Pháp Liên Hoa – bộ kinh cuối cùng được truyền đạt.
    Điểm trọng yếu nhất : Gautama không phủ định Ấn giáo, ông dùng phủ định để vạch trần những lớp vỏ bọc giả tạo được tưởng lầm là Tự Ngã – Atman. Ông chủ đích siêu thực : cái gì chưa thấy thì không diễn tả. Diễn tả cái giả dối thì sự thật sẽ tự nó thắng, đó cũng là chân ngôn của Ấn Độ. Hiểu được điều này thì mới hiểu về Diệu Pháp Liên Hoa được. Và những lời răn cuối cùng của Gautama cũng đầy hàm ý về thế giới trùng trùng duyên khởi, phải tự tìm đc phương cách của mình.

    The Cannabian

  2. Ấn độ là xứ của những người tìm kiếm, mục đích quan trọng là tìm cách đạt đến bản chất tối thượng chứ không phải đi tranh luận bằng những niềm tin cứng nhắc, phật giáo thời buddha gotama còn tại thế bản chất cũng là một phong trào tâm linh như bao phong trào khác mà thôi,…

  3. “Phật giáo là con của Ấn giáo” =)))))))
    – Đi học Ấn giáo ko được cái gì, nên mới phải tự mò mẫm mà chứng đạo. “Tự thắp đuốc lên mà đi”, đã nghe bao giờ chưa? Cái giở của Đại thừa là bị Ấn giáo lai tạp, lồng nghép tinh vi vào mà ko biết, để giờ nghĩ ra được mệnh đề dở dở ương ương như này.
    Đọc kỹ, tìm hiểu saau đạo Phật nguyên thủy, rồi hãng quay lại viết bài cho tử tế.
    Đúng là ngáo đại thừa nên bảo sao giống nhau. haiz mạt pháp để ngoại đạo tung hoành, xong ngoại đạo lại còn ảo tưởng mình có đủ tri kiến để hơn người nữa, đáng thương thay.

    • Quan trọng là tinh thần tâm linh thực, khao khát đạt đến bản chất tối thượng cho đến khi thỏa mãn thì con đường nào cũng được. Nếu không tự ông có thể tạo ra tôn giáo riêng của mình, mục đích tối cao là để đạt được bản chất tối thượng của mình

    • Nghe là biết bạn k học 1 cái gì kể cả Phật giáo nguyên thuỷ 🙂 về mà nghe thử Gautama dạy cái gì, về cái gì lại đi. Nếu đọc Hán ngữ và Phạn Ngữ không nổi thì bỏ đi, bởi càng hấp thụ bạn chỉ chuyển nó thành chất độc trong óc bạn mà thôi. 😂

  4. Bài rất hay Huy ơi.
    Sự nhầm lẫn khủng khiếp nhất chính là sự bám chấp vào ngôn từ. Một người đã trải nghiệm được nhận thức không lời, thì chả quan trọng gọi nó là cái gì 😊

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,570Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI