22 C
Nha Trang
Thứ Tư, 29 Tháng 1, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thời đại chúng ta sống, viết cho một thế hệ mất mát

*Featured Image: Christian Als

 

Bài viết này hoàn toàn là những ý kiến, cảm nhận chủ quan của bản thân tôi chứ không phải là một nghiên cứu hay đánh giá gì cả. Bài viết có hơi lan man nhưng tôi nghĩ đây cũng là suy nghĩ của nhiều người chứ không phải của riêng mình tôi.

Tôi mượn thuật ngữ “thế hệ mất mát” này để nói về những con người trẻ tuổi Việt Nam nói chung đang sống ở thời đại này, đó là những con người ở độ tuổi từ đầu 8x cho đến gần cuối 9x hay nói cách khác là từ những người đã ở điểm cuối của tuổi trẻ cho đến những học sinh còn đang ngồi ở ghế trường cấp 3. Nói về nguồn gốc của thuật ngữ “thế hệ mất mát” hay còn gọi là “thế hệ bỏ đi” (tiếng Anh: Lost Generation) là một thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ những người đến tuổi trưởng thành trong suốt thời gian xảy ra thế chiến thứ nhất, những người trẻ tuổi đã đánh rơi tuổi thanh xuân của mình tham gia cuộc chiến và trở về không lành lặn kể cả và thân thể lẫn tinh thần.

Thuật ngữ này đã được phổ biến rộng rãi nhờ nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway, ông đã dùng nó làm một trong hai từ tương phản giới thiệu cho tiểu thuyết Mặt Trời Vẫn Mọc của mình. Trong tác phẩm này, Hemingway đã cho rằng thuật ngữ này là của Getrude Stein, người sau này đã dìu dắt và bảo trợ cho ông. Sau này thuật ngữ “thế hệ mất mát” lại được sử dụng cho thế hệ binh sĩ không lành lặn trở về sau thế chiến thứ hai.

Và sau đó thuật ngữ này lại được báo chí và văn học Mỹ sử dụng nhiều để ám chỉ về thế hệ binh sĩ trở về sau chiến tranh Việt Nam với những thương tật nặng nề về thể xác, tâm hồn và mang theo những tệ nạn xã hội nặng nề như nghiện ma túy, hiếp dâm,… Hiện tại thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi để ám chỉ những con người trẻ tuổi sống tạm bợ, không mục đích rõ ràng hay định hướng tương lai trong thời đại kinh tế suy thoái kinh tế ở nhiều nước.

Cách đây chưa lâu, một người anh vừa xin thôi việc đã ngồi tâm sự với tôi rất nhiều. Anh thấy cuộc sống chỉ toàn có màu xám vì giờ đây anh đã hơn 30 tuổi mà công việc anh làm suốt mấy năm trời thật nhàm chán, lương chỉ ba cọc ba đồng và không có sự thăng tiến nào trong sự nghiệp, anh còn nói về cả những tình yêu đã mất thời anh còn đôi mươi, do những sai lầm, bồng bột khi còn trẻ mà những tình yêu đó không thành và giờ đây anh cảm thấy thật cô đơn vì không có người con gái nào bên cạnh anh.

Ngoài ra anh còn cảm thấy thật có lỗi với mẹ của mình vì anh đã không kịp đền đáp công sức sinh thành của mẹ thì mẹ anh đã mất rồi. Anh tiếc nuối cho ngày tháng tuổi trẻ của mình vì chỉ biết lao đầu vào những điều vô bổ như chuyện trai gái, những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, những bữa ngồi chém gió không mệt mỏi hay là lao đầu vào chơi game để rồi vứt bỏ đam mê và quên đi tương lai của mình. Anh nói ước gì anh đã sống khác, lúc đó tôi chỉ biết khẽ cười mà cũng không biết an ủi thế nào.

Nghĩ về bản thân và không ít người khác, khi chúng ta học xong cấp 3 đa số chúng ta đều chọn con đường đại học vì nghĩ đó là con đường duy nhất để tương lai của mình tốt đẹp hơn và cũng như chiều lòng bố mẹ mình. Nghĩ về những ngày khi mới bước vào giảng đường đại học, tôi và nhiều người khác đã từng nghĩ học chỉ để cho đỗ hết các môn, cốt lấy được tấm bằng đại học để sau đi xin việc; thời gian còn lại để lê la ở những nơi vô bổ với bạn bè hay thậm chí lang thang không mục đích ở thế giới ảo còn hơn cứ suốt ngày tiếp thu những bài học khô cứng, chán chường ở giảng đường.

Chúng ta chỉ là những đứa con sống trong một gia đình bình thường, trong một nước thế giới thứ ba; không tiền bạc, không kỹ năng sống, không định hướng và còn không còn nhiếu thứ nữa, tuyệt vọng như hét vào khoảng không rồi đợi chờ được đáp lại, chúng ta đã chọn làm những điều nổi loạn, nông nổi của tuổi trẻ để tìm một lối thoát. Nhiều người muốn trốn tránh hiện thực tàn nhẫn đó đã chọn những lối thoát như đập phá với nhạc rock, đi “phượt” khắp chốn hay viết những câu chuyện lãng mạn rẻ tiền,… Còn lại đa số đã chọn cách sống tạm bợ cho qua ngày và để cuộc đời mình trôi như phù du để cho xã hội định đoạt. Và rồi chúng ta cứ để những ngày tháng tuổi trẻ trôi qua một cách vô nghĩa như thế cho đến lúc tốt nghiệp và bắt đầu tự mình đối mặt với cuộc đời.

Có một điều tôi thấy rất đúng là dường như xã hội và nền giáo dục hiện tại đã dạy cho những con người trẻ tuổi rằng cuộc sống phải thật thực dụng và cũng làm cho con người trở nên trì trệ, ít sáng tạo hơn trước. Khi bắt đầu bước ra đời, đa số chúng ta lại chọn những ngành nghề ít trở ngại, lương cao nhưng chúng ta đã quên mất một điều là khi còn trẻ chúng ta đâu có chịu học hành hay làm việc cho đến nơi đến chốn mà lại chọn làm những điều vô bổ, sống tạm bợ qua ngày. Vì thế lúc này bản thân đâu có một chút chuyên môn, kinh nghiệm hay kỹ năng sống nào để xã hội chấp nhận.

Nhìn vào hiện thực có hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp và không biết tương lai sẽ đi về đâu, vì bản thân họ chẳng có gì ngoài tấm bằng đại học vô nghĩa và chả chứng tỏ gì cho bản thân cả. Khi mất phương hướng như vậy họ lại vùi đầu vào những trò vô bổ và mải miết đi tìm một công việc để phục vụ một điều duy nhất cho bản thân là tiền bạc, mặc cho bản thân có thích hay hợp với công việc đó không, vô định về mục đích sống và con đường tương lai. Cũng có nhiều người đã vứt bỏ đam mê của mình để chọn những điều mình không thích vì gánh nặng của cơm áo gạo tiền hay những định kiến của gia đình và xã hội.

Trong số những con người trẻ tuổi có không ít người đã có được thành công trong cuộc sống hay có thể sống hết mình với đam mê nhưng những con người đó là không quá nhiều trong xã hội hiện tại. Thực ra chúng ta có rất nhiều cơ hội để có thế giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai, nhưng để bước trên con đường đó chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ trong cuộc sống bình lặng mà chúng ta đang có.

Và hầu hết chúng ta chọn con đường dễ dàng giống những người khác để cho cuộc đời cứ thế trôi qua lững lờ, vô định như phù du vậy vì chúng ta sợ phải đối mặt với khó khăn và sự đánh đổi. Để rồi về sau chúng ta chỉ biết ngưỡng mộ hay thậm chí ghen tị với những người có được thành công trong cuộc sống hay sống được với đam mê của mình. Khi tuổi trẻ dần đi qua, ta nhìn lại những điều ta đã làm khi còn trẻ và tự tiếc cho bản thân vì mình đã không cố gắng, không sống tích cực hơn.

Mỗi cá nhân đều phải đối mặt với sự “mất mát” của thế hệ mình như một cách để sinh tồn nhưng sự “mất mát” ngày càng trở nên đáng sợ như một bệnh dịch lây lan khiến cho xã hội càng lúc càng trở nên xấu xí, xù xì.

 

 

Đạt Lê

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

11 BÌNH LUẬN

  1. Có thể vài bạn thích hợp với con đường xã hội vạch ra cho các bạn: Đi học hành chăm chỉ, tốt nghiệp tốt, kiến thức vững, xin việc dễ dàng. Đó là con đường chuẩn. Nhưng đa phần thì các bạn khác không như thế, đơn giản là họ không thích hợp với con đường đó. Tác giả đang viết rất chân thực. Đây là hiện trạng thật đang diễn ra ngoài kia. Nếu điều đó không đúng với bạn thì nó lại đang diễn ra với rất đông những người khác. Nguyên nhân ư ? Tôi không nghĩ là xã hội không có trách nhiệm gì trong này. Tại sao giới trẻ ở các nước khác không rơi vào tình trạng này ?

  2. Tiếc cho thế hệ mất mát này quá!

    Nhớ thế hệ của tôi, sống có lý tưởng Cộng Sản, có thần tượng là các lãnh tụ Cộng Sản như Bác Hồ, như Polpot … nghèo, đói rã họng ra nhưng cũng cố gào “Bác Hồ vĩ đại”, ăn bo bo mờ mắt mà “lòng phơi phới dậy tương lai .

    Ôi, một thời sống quá đẹp, với những đam mê về những bữa cơm có thịt!

    Seriously, you didn’t miss anything.

  3. Xã hội chúng ta đào tạo ra những con người thiếu chính kiến,thích nghe những lời khen , sợ thay đổi, lỗi là do xã hội tuy nhiên muốn thay đổi thì lại đòi hỏi nỗ lực của bản thân mỗi người làm sao để thoát ra khỏi cái dòng chảy mà biết bao nhiêu người đang bị cuốn vào 🙂

  4. Bạn có thể nhìn thấy niềm vui sống ở khắp mọi nơi, từ hình ảnh một vị tỉ phú làm từ thiện, tới hình ảnh cô bé 8 tuổi người Trung Quốc nọ đã từng nói trước khi lên thiên đàng “Con đã đến với thế giới này và con rất ngoan”, hay chỉ là hình ảnh một chiếc lá vàng bay trong gió. Tất cả điều đó mang ý nghĩa: được sống đã là một may mắn.
    Ai tuổi trẻ cũng có lúc từng nghĩ: mình sống vì điều gì nhỉ? Nhưng rồi chúng ta sẽ vượt qua được những hoang mang tuổi trẻ ấy, tin tôi đi! 🙂
    Chúc bạn may mắn và luôn mỉm cười!

  5. Bạn đang viết sự thật. Nhưng tôi rất tiếc, hiện nay không ai muốn nghe sự thật cả. Dù gì cũng cảm ơn vì 1 bài viết nói hộ cho nhiều người đang ngụp lặn trong xã hội trước mắt họ

  6. Thất nghiệp là do các bạn thôi, vẫn biết là giáo dục nó thế nhưng các bạn ngồi im chờ chết à ? Sao không tự tìm lấy đam mê của bản thân và biến nó thành sự nghiệp đi.? Kỹ năng, kinh nghiệm đào đâu ra ,cứ xông ra đời và va vấp đi ,kinh nghiệm đấy .Suốt ngày kêu ca học ĐH không được gì cả, nhưng thật sự các bạn đã hiểu hết những thứ đấy chưa? Với mình ,kiến thức ĐH xây móng rất chắc cho bản thân mình, giờ mình có thể tự học và tiếp thu các vấn đề gì mới. Kêu ca làm quái gì, làm đi, đợi chờ ai nữa ,không lẽ lại đợi siêu nhân đến giải cứu à?

    • Nếu đọc kỹ, bạn sẽ thấy tác giả lạc lối, học đại học theo ý bố mẹ, ko đi theo đam mê từ thuở cấp 3. Bài viết này có khía cạnh tiêu cực, nhưng nhìn chung nó đang nói về những con người lạc lối, không tìm thấy con đường mình đi ngay từ đầu, rồi càng ngày càng trật ray. Còn như bạn nói, nếu đã đam mê học tập ở bậc đại học, cố gắng hết mình, háo hức đi làm và ko làm điều gì hối tiếc, thế thì khi đó, sẽ không có một bài viết hay cảm nhận thế này. Đây là cảm nhận của những bạn trẻ đã lạc lối từ đầu, và cứ trượt dài theo nó. Mình thấy khi đọc xong bài viết này, mình nhận ra tác giả đang muốn thay đổi đấy, và muốn những bạn trẻ từng như anh cần thay đổi.

    • Đúng, thất nghiệp là do mình. Nhưng phần lớn là do giáo dục, trong 3 năm học cấp III, thử hỏi có bao nhiều bạn biết ước mơ, đam mê của mình là gì. Chúng ta học đã quá quan trọng về điểm số, về những phần chúng ta nhận được khi chúng ta làm được điều gì, để rồi lên ĐH cũng vậy, cứ học, học, với mong muốn qua môn. Mà họ không biết rằng đó là con đường duy nhất nếu KHÔNG CÓ MỤC TIÊU CỤ THỂ. Nói đến đây ta lại quay về đam mê, đôi khi ta đi nhiều nơi, chúng ta thấy thích công việc này, công việc kia, nhưng không biết đó có phải là đam mê của mình không, rất nhiều lần như vậy thì mất bao nhiều thời gian rồi! Chưa kể đến nhưng ảnh hưởng của xã hội, bạn bè, người thân…và rất nhiều thứ hỗn độn bên ngoài ảnh hưởng đến chúng ta nếu chúng ta không mạnh mẽ lên. Theo đuổi đam mê thật khó, nhưng muốn vậy chúng ta phải tìm được đam mê thật sự, mà điều đó lại càng khó hơn.

  7. Mới hơn 30t thôi mà, vẫn còn trẻ chán. Tuổi trẻ vẫn kéo dài khi chúng ta vẫn nghĩ là chúng ta còn trẻ. Anh đó 30t mà suy nghĩ như ông cụ 70 – 80. Những người thầy của mình, họ bắt đầu vào chuyên ngành của họ đa phần là lúc họ gần 40. Sau 20 năm, học tập rèn luyện và đi làm thì giờ họ cũng đã có thành công cho riêng mình. Theo mình thì không có gì là muộn cả, chủ yếu do bản thân mình mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,950Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI