29 C
Nha Trang
Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Rời bàn phím và xỏ giày vào

Photo: Steve Garner

 

Haruki Murakami từng viết, đại ý rằng: mỗi khi phiền muộn, hay bị người khác chỉ trích, hay cảm thấy căng thẳng, ông thường chạy bộ. Khi đọc tới câu này, mình nghĩ, kiểu hơi AQ tí, ồ, hóa ra mình có cùng sở thích với nhà văn nổi tiếng.

Trong tất cả các môn thể thao, thì chạy bộ và bơi là hai môn mình thường xuyên tập nhất. Mặc dù với bản tính ham hố, mình còn thích tập võ, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá,… nhưng chiều cao giới hạn và chưa có điều kiện tập hết. Chạy bộ trở thành môn thể dục gần như bắt buộc đối với mình, vì nó có tác dụng điều trị chứng viêm xoang kinh niên của mình. Chuyện thật như bịa, nhưng đó không phải là phát minh của mình. Người đưa ra ý kiến này lý luận rằng bệnh viêm xoang kéo dài thường là do lớp niêm mạc mũi phù nề, ứ dịch lâu ngày, gây ngạt và viêm nhiễm. Khi chạy bộ, các niêm mạc mũi trở nên thông thoáng và khô ráo, giúp mũi không bị ngạt nữa. Mặt khác, việc chạy bộ giúp nâng cao sức khỏe và tăng đề kháng cho hệ miễn dịch, nên viêm xoang và các bệnh lặt vặt khác cũng ít có cơ hội tấn công. Mình đã bắt đầu thói quen chạy bộ từ trước, nhưng khi tình cờ đọc bài báo này, mới để ý và thấy đúng. Mỗi khi chạy bộ, nhiệt độ cơ thể tăng, cảm giác các niêm mạc trong mũi mình dãn nở và khô xốp hơn. Chạy xong thấy chất dịch trôi từ khoang mũi xuống cổ (ghê nhưng thực tế là thế) và mũi hoạt động mạnh mẽ vì cứ thở hồng hộc. Những ngày bỏ tập, ra đường gặp khí lạnh hoặc vào văn phòng nhiệt độ hơi thấp tí là mình lại hắt hơi, nước mũi tèm nhem và đầu nhức như búa bổ. Vài lần như thế, mình phát hiện ra nếu bỏ tập thì thể nào viêm xoang cũng ghé thăm trở lại. Thế nên phải ký bản án chung thân với chạy bộ.

Ưu điểm lớn nhất của môn chạy bộ là bạn không cần phải tập chơi, vì người không có chấn thương hay khuyết tật đều có thể chạy được. Khi bắt đầu, chỉ cần điều chỉnh cách chạy sao cho đem lại hiệu quả cao nhất. Sau một thời gian dài chạy bộ và nghiên cứu các tài liệu về sức khỏe, mình rút ra cách chạy phù hợp nhất cho bản thân:

– Đầu tiên, thóp bụng thật sâu, ép rốn vào xương sườn, ưỡn ngực ra phía trước.
– Khởi động bằng cách đi bộ, rồi tăng tốc độ lên tí, và chuyển sang chạy từng bước nhỏ chậm rãi.
– Chạy quá sức sẽ gây sức ép lên khớp gối, dễ gây thương tổn. Nên chạy bộ không phải là running, mà chỉ cần jogging, nhẹ nhàng, đều đặn.
– Để tay ở một góc 90 độ so với vai, hai bàn tay nắm hờ, không xoay người nhiều và đẩy chân quá cao, giữ cơ thể thăng bằng giúp việc chạy không mất quá nhiều sức lực một cách vô ích.

– Thở theo nhịp chạy. Phật Thích Ca và các khất sĩ thường hành thiền. Còn mình vừa chạy vừa thở cũng là một cách thiền. Vừa thở vừa đếm bước. Hít vào, một hai ba bốn năm sáu bảy tám. Thở ra, một hai ba bốn năm sáu bảy tám. Nếu tám nhịp quá dài thì có thể bắt đầu bằng bốn nhịp, sau đó tăng lên dần.
– Lúc bắt đầu, đi bộ 90m cho ấm người, sau đó chạy 45m, sau đó lại đi 90m, rồi lại chạy 45m.
Cứ như thế một ngày 30 phút, 7 buổi một tuần. Chỉ cần sau 21 ngày chạy liên tục, cân nặng sẽ giảm đi trông thấy, và cơ thể trở nên nhẹ nhõm hơn hẳn. Thực ra thì đây là cách giảm cân nhanh nhất mà mình biết. Cũng thực ra thì việc chạy bộ không có gì khó, cái khó là duy trì thói quen chạy bộ. Mà không chỉ chạy, bất kỳ việc gì khác như viết, học ngoại ngữ hay tập một kỹ năng mới, duy trì việc rèn luyện là việc khó thực hiện nhất.

Chạy bộ cũng có nhiều chuyện thú vị. Ngày trước ở Bình Quới, cạnh một tu viện, nằm sát bờ sông. Con đường vòng quanh tu viện trải nhựa láng mướt, cây xanh bao phủ hai bên, ít người qua lại, rất lý tưởng để tập thể dục. Buổi sáng mình thường dậy sớm học anh văn rồi chạy bộ. Bốn giờ sáng thức dậy, trời còn tối thui, thi thoảng chỉ nghe tiếng chó cắn đêm. Bốn giờ rưỡi, gà bắt đầu gáy, chuông nhà thờ ngân lên, báo giờ đọc kinh sáng. Năm giờ, bên ngoài đã nghe tiếng chim sẻ ríu rít. Mình gấp sách lại, xỏ giày bước ra ngoài. Trời vẫn lờ mờ tối, mấy cái lá dây leo trên bờ rào còn đẫm sương đêm, mình hít thở không khí tinh khiết và bắt đầu chạy. Từ bên nhà thờ, tiếng các cha hát lễ vang vọng trong buổi sáng sớm, trầm ấm và trang nghiêm. Gần sáu giờ, các em học sinh bắt đầu lượn lờ xe đạp, tíu tít chở nhau rẽ vào ngôi trường ở cuối đường. Mình kết thúc buổi chạy, về nhà tắm rửa và đi làm. Cứ đều đặn như thế. Không ở trong tu viện mà cũng như đi tu.

Quãng đường chạy tuy ngắn mà thơ mộng. Thi thoảng mình hay nghịch mấy cái cây điệp nhỏ ở hàng rào, nghiêng một lá rồi nhìn từng giọt sương chụm lại rồi chảy xuống, nhớ câu nói trong chiếc lá là cả vũ trụ. Ở một đoạn quanh khúc cua, có dòng suối nhỏ tiếng chảy róc rách, dẫn nước từ sông Thanh Đa vào cái hồ nuôi ba ba của ông hàng xóm. Đường đi ngang qua một cái nghĩa địa, lúc nào đến chỗ đó mình cũng quay đầu lại, không dám chạy qua. Trên đường có vài cây bàng rất sai trái, cứ rớt chi chít quanh khúc cây. Hồi còn nhỏ, mấy đứa em họ của mình hay hái bàng ăn và đập lấy nhân. Một hôm đang đi nghe bàng rụng đánh bộp, nhòm lại thấy trái bàng đực bự tổ chảng, mình ngó nghiêng rồi lấy về. Rửa sạch, cắn thử một miếng, vị ngòn ngọt, chan chát, rất vui. Vui vì trái bàng thì ít mà vui vì tuổi thơ thì nhiều. Nhớ về tuổi thơ, lúc nào cũng vui cả.

Hồi mới chuyển qua chỗ ở hiện tại, mình hơi bức bí vì không có đường chạy. Nhà gần chợ, đường đi ra toàn mấy người bán đồ ăn sáng, rau củ, người chạy xe thồ và xe taxi. Bức quá rồi cũng đành chạy đại, mỗi lần chạy qua chỗ bán cơm tấm phải né khói nướng thịt đang bay mù trời, nghẹt hết cả thở. Nhưng chỗ này cũng có cái thú của nó. Ông già chạy xe thồ ở đầu hẻm, lúc nào mình đi qua cũng móm mém cười: “Chào con gái buổi sáng”. Ở gần đường lớn, có bác xe thồ mỗi lần thấy mình đều hỏi: “Mấy dzòng rầu?”. Chạy được ba buổi thì một hôm giật mình thấy bác cởi trần, chân đất, chạy hùng hục phía bên kia đường, tay vung vẩy như người đi chợ. Buồn cười nghĩ, hóa ra mình cũng tạo động lực cho người khác, theo một cách nào đó. Bác bảo ở bên đường Nguyên Hồng người ta đi bộ đông lắm. Mình lội qua thử, mới à lên, phát hiện ra những người cùng chí hướng. Người già, người trẻ, người mập, người gầy, có cả gia đình nhiều thành viên, cùng nối đuôi nhau đi bộ quanh công viên nhỏ. Dòng người lũ lượt vòng quanh như đang tham gia một nghi thức tụng niệm huyền bí. Một góc công viên, có mấy bác đang tập dưỡng sinh, góc khác là đám thanh niên đang đá cầu, chính giữa là các chị phụ nữ cùng tập thể dục nhịp điệu. Thế là đã tìm ra chỗ của mình. Buổi sáng, vừa chạy bộ vừa nhìn các anh đá cầu, nhìn các chị nhảy nhót, cười vu vơ. Đi qua cái cây ven đường, ngước lên nhìn cái bóng vĩ đại bao trùm lấy mình, thấy nó như đang tỏa xuống mình nguồn năng lượng mát rượi. Lúc nào ngang qua cũng thấy thanh thản đến kỳ lạ.

Trong một truyện mà mình từng đọc, người cô của nhân vật chính là một doanh nhân rất thành đạt, và rất thích chạy bộ. Những người muốn bàn chuyện kinh doanh đều phải cùng cô làm một cuộc chạy dài hơn một tiếng đồng hồ, rồi mới ngồi vào nói chuyện. Lâu dần thành quen, sau này hễ cần thương lượng gì đó, mỗi người đều mang giày chạy bộ đến gặp cô ấy. Cả quyển truyện mình ấn tượng nhất đoạn này, tự nhủ sau này chắc cũng làm vậy. Bạn cũ gặp nhau nói chuyện, thay vì ngồi cafe thì cùng chạy bộ ở công viên, vừa vui vừa khỏe.

Chạy là một cách chuẩn bị thể lực rất tốt cho các chuyến đi bụi. Dân đi bụi thường phải cuốc bộ khá nhiều. Có lần mình đi bộ gần mười cây số một buổi trời, lang thang khắp hang cùng ngỏ hẻm với ba lô trên vai. Nhờ chạy bộ mà thấy mình dẻo dai, năng lượng sống dồi dào, có thể làm những điều tưởng chừng quá sức. Cũng nhờ thích chạy mà đôi khi khám phá ra những điều thú vị. Lần đầu ở Singapore, mình hạnh phúc muốn vỡ tim khi thấy có nguyên một con đường riêng cho dân chạy bộ, dài 9km. Ôi, họ lát những con đường này dành riêng cho dân chạy bộ sao? Ôi, những mái hiên bằng hoa leo này cũng cho dân chạy bộ sao? Ôi, cả cái cầu bằng gỗ đi qua những ngọn cây, những bước chân vẽ chỉ đường, tòa lâu đài bên đường chạy bộ, và cả những view point nhìn ra toàn cảnh đảo quốc này nữa. Mình dành nguyên ngày để đi gần hết con đường đó, vừa chạy vừa nhìn ngắm Singapore xanh tươi trù phú, khác xa với trí tưởng tượng về một nơi chỉ toàn nhà cao tầng và khu mua sắm. Thấy ngây ngất vì dân chạy bộ được ưu ái đến thế. Nghe mình kể chuyện, thằng bạn cười bảo, chắc đó là lần đầu mày biết đến thế giới văn minh, bảo tồn thiên nhiên giữa môi trường hiện đại là một phần không thể thiếu ở các nước phát triển. Ôi.

Lâu lâu, mình nghĩ về câu nói của Haruki Murakami, vậy bất ngờ thấy mình đang làm y vậy. Khi ai đó chỉ trích, khi bị hiểu nhầm, cũng không cần thanh minh. Chạy hùng hục, bơi ào ào, rồi lại ngồi vào bàn làm tiếp việc mình thích. Biết rằng vẫn luôn có rất nhiều yêu thương trên đời, biết rằng những điều tốt đẹp, tử tế luôn tồn tại, miễn mình có đủ niềm tin.

Cuối tuần, hãy rời bàn phím, và xỏ giày vào 🙂

 

Rosie Nguyen

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. hi, phải nói e thích chạy bộ vào khung giờ của chị, trong bài này lại còn có cả nhà văn Murakami một tiểu thuyết gia chạy bộ.
    Có một trích dẫn mà e khá thích của Haruki Murakami :
    "Mọi người đôi khi cười khẩy những người chạy bộ mỗi ngày, tuyên bố là họ sẽ làm bất cứ gì có thể để sống thọ hơn. Nhưng tôi không nghĩ đó là lý do để hầu hết người ta chạy. Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó. Cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ, và là một ẩn dụ cho cuộc sống – cho tôi, và cả cho viết lách."

    (trích trong cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,850Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI