26 C
Nha Trang
Thứ hai, 14 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Lười biếng có được xem là bản chất?

Photo: Searle, Ronald William Fordham

 

Chắc hắn mọi người ai cũng đều đã nghe chữ “lười biếng” đến vô vàn lần không đếm xuể trong đời. Chúng ta gọi ai đó là lười biếng hoặc ai đó gọi chúng ta như vậy. Nhưng thật lạ lùng thay, không ai hiểu như thế nào là lười biếng. Cũng giống rất nhiều từ ngữ khác có tính chất mơ hồ như: Đẹp – xấu, khách quan – chủ quan, đúng – sai, hay và dở, vân vân…

Tại sao chúng ta dùng từ lười biếng thường xuyên đến vậy? Hàng ngày, hàng tuần, hàng năm, hàng trăm năm, hàng ngàn năm, nó mọc ở đâu ra vậy?

Trước tiên hết để nghiên cứu một vấn đề gì, chúng ta phải bỏ lại hết mọi khái niệm, định kiến, chuẩn mực mà chúng ta đã từng tạo nên, vì rất có thể nó chỉ là ảo tưởng. Vậy sau khi trút bỏ đi rồi, chúng ta hãy tự cho phép mình trở thành một kẻ ngốc để khám phá một vấn đề bằng trí óc của mình; có thể không cần phải thừa nhận lời của người viết hay bất cứ người nào cả.

Bây giờ, nên bắt đầu từ câu hỏi: Tại sao chúng ta gọi một người là lười biếng? Hay khác hơn, tại sao người ta gọi mình là kẻ lười biếng? Tốt hơn hết chúng ta nên đi tìm những hình thái mà con người dễ dàng bắt chẹt và phán xét nhau là lười biếng, có thể ta sẽ biết tại sao từ điều đó.

Trường hợp dễ thấy nhất của nhất, một người bị gọi là lười biếng khi anh ta không làm một điều mà người khác nghĩ là tốt. Nếu không tin, thử tưởng tượng loài người xung quanh ta biến mất, và ta là Tarzan thì ai sẽ nói đến hai từ “lười biếng”? Chẳng ai biết nó là gì cho đến khi có người sáng chế ra và rồi được lưu truyền và bảo tồn rộng rãi một cách ngớ ngẩn.

Một thằng nhóc nằm phơi nắng dưới gốc cây ớt không biết như thế nào là lười biếng cho đến khi nó được một người đến và cài đặt tư duy: NẰM PHƠI NẮNG LÀ KHÔNG TỐT, ĐỌC SÁCH MỚI LÀ TỐT – chẳng hạn vậy. Những so sánh như vậy dường như chẳng có một điểm chung nào ngoài việc nó cũng là một “HÀNH ĐỘNG”! Nó giống như việc so sánh lá của một cây dừa và lá của một cây ớt, rồi bảo là lá cây dừa đẹp hơn, và trái ớt thì đẹp hơn trái dừa. Nói cho rõ ràng, nó có tính chất “CẢM TÍNH”.

Nhưng tại sao người ta dùng cảm tính của mình để áp đặt lên một sự vật, sự việc? Đó là cảm giác sâu thẳm của việc muốn được đồng tình. Tôi sẽ dạy anh cách HÀNH ĐỘNG như thế nào là không lười biếng, và nhớ là tôi và mọi người cũng làm vậy đấy nhé. Và thế là, khi anh ta tiêm vào não ta điều đó, bằng bất cứ lý luận mê hoặc nào, ta tự nhiên tưởng chừng như mình thoắt ngộ ra và đồng ý nghĩ đó. Kết quả là anh ta được an toàn, không có ai làm gì khác biệt với anh ta, không có ai gọi anh ta là khùng điên, thay vào đó người ta gọi anh ta là chăm chỉ, anh ta được lên mây xanh. Hơn thế nữa, nó sẽ đáp ứng được nhu cầu cảm xúc cao nhất của con người mà nhiều nhà tâm lý học đã thừa nhận của ngài Maslow: Nhu cầu được thể hiện bản thân. Nói một cách khác, anh ta muốn được thỏa mãn những gì anh ta cho hoặc nghĩ rằng nó là đúng.

Con người nghĩ cái gì là tốt? Cái này cực kỳ khó nói, thẳng thắn luôn thì nó không có gì để nói. Mỗi người theo mỗi cảm nghĩ của mình sẽ tự mặc nhiên cho một điều gì đó là đúng hay sai thông qua tiềm thức mà hồi bé anh ta đã góp nhặt. Một cậu bé quý tộc đi về vùng quê, thấy tụi con nít vác cuốc ra đồng đào một cái lỗ rồi phóng uế ngay tại chỗ đến tởm, ngay tức khắc cho đó là gớm ghiếc, là sai, là không khoa học. Một cậu bé trong một gia đình tri thức, suốt ngày đọc sách, thấy bọn trẻ ở quê ăn rồi đi câu cá, thá diều, nhảy múa, hát hò là vô bổ. Vậy những gì mà một cá nhân nghĩ là đúng, nó chỉ có nghĩa là phù hợp với cá nhân đó, bởi vì những gì mà cá nhân đó đã trải nghiệm, đã ngộ ra mà thôi. Nó cũng giống như việc đất tốt để trồng cây cà phê không có nghĩa nó sẽ tốt cho cây lúa.

Theo lối đó, trong sự phát triển tất nhiên của xã hội, một đứa trẻ khoái ngồi bấm điện tử chắc chắn sẽ bị gọi là lười biếng; một đứa trẻ ngồi một chỗ suy tư về triết học dưới gốc cây mít cũng rất có thể bị xem là lười biếng. Victor Hugo đã từng nói:

“Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghĩ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên thiên đường là sáng tạo.”

Với con người thời hiện đại, một là bạn phải lao động tay chân, hai là bạn phải làm gì đó mà ít nhất là ngay hiện tại hoặc trong tương lai có thể kiếm ra tiền, có thể làm mọi người tán dương, có thể đem lại danh dự và sự tự hào. Nếu bạn chỉ thích đi câu cá đến cuối đời, người ta sẽ chỉ thẳng vào mặt bạn và bảo rằng bạn là một đứa không có ý chí, lười tư duy.

Nhưng tất cả những gì người ta nghĩ là đúng, không có nghĩa rằng nó chắc chắn là đúng. Anh ta ngồi im như chết suy tưởng về triết học không có nghĩa là anh ta lười biếng. Anh ta nhìn lá rơi và suy nghĩ về gia tốc không có nghĩa là anh ta lười biếng. Cậu ta bấm điện tử, lướt facebook, chơi điện thoại không có nghĩa là cậu ta lười biếng. Không thể nói một người “ĐANG HOẠT ĐỘNG” là lười biếng được. Có thể anh ta không làm đúng như những gì người khác nghĩ là tốt, nhưng việc anh ta làm không liên quan gì tới sự lười biếng.

Nếu xét sâu hơn, đến mức độ tâm lý của con người, thì càng lại vô vọng trong việc chứng minh họ là lười biếng. Một người cảm thấy cô đơn khi không có ai chơi cùng, rõ ràng là anh ta đang khao khát để được hoạt động, được tương tác với người khác, được kể chuyện, được cười nói, và như vậy, anh ta không hề lười, nếu lười thì anh ta đã chẳng mong như vậy.

Giới trẻ thường cảm thấy nhàm chán, bởi vì họ không biết phải làm gì, đây lại là một điều cực kỳ quan trọng chứng minh là loài người không lười biếng. Khi người ta chán, là người ta muốn làm một điều gì đó, nhưng chưa có gì làm cho họ hứng thú cả. Rõ ràng, bạn có thể bắt gặp 99,99% con người ngoài việc ngủ luôn làm điều gì đó; đôi lúc họ nằm phè, nhưng không nhiều, thường thì họ sẽ làm điều gì đó dù có thể là ngớ ngẩn đi nữa.

Theo góc độ sinh học của các nghiên cứu trước đây cho rằng người ta cảm thấy tích cực hơn sau khi tập thể dục vì hoạt động này giải phóng nhiều endorphin – chất giảm đau và cải thiện tâm trạng – ở trong não. Điều này chỉ ra, nếu hoạt động, đổ mồ hôi, con người sẽ cảm thấy sướng nhờ giải tỏa được cái chất chết tiệt mang tên Edorphin. Mà con người thử hỏi có ai không thích vui, thích hạnh phúc, thích sướng?

Vậy đó! Trên đời này có những tội ác xảy ra, cũng chẳng phải vì họ lười biếng. Có thể là họ tham lam nên tàn ác, nhưng sau cùng cũng có một ước muốn là được sung sướng. Nếu họ lười biếng, loài người đã chẳng gặp phải đau khổ nào. Ngay cả những tên nát rượu và nghiện ngập, bọn chúng cũng chẳng lười biếng gì cả, bọn chúng thích chơi, thậm chí là quậy phá người khác, như vậy thì chúng ta cũng phải cắn răng xét họ vào loại “CÓ HÀNH ĐỘNG”. Như đã nói ở trên, dù là hành động ngớ ngẩn, vô bổ, xấu xa, bỉ ổi hay tốt lành, thánh thiện, người ta vẫn không hề lười biếng. Vậy vấn đề chính là ở chỗ, mỗi người thấy điều gì là quan trọng mà thôi.

Đó là những gì tôi muốn nói. Và từ nay, hễ ai mà còn chỉ thẳng vào mặt bạn bảo bạn là một kẻ lười biếng, hãy chộp cổ hắn và bắt hắn đọc bài viết này. Nếu hắn còn chưa chịu ngộ ra, thì cứ kệ hắn. Còn nếu hắn lỳ lợm cứng đầu thì cứ dần cho một trận ra trò để giải phóng Edorphin cũng không phải là một ý tưởng tồi đâu!

Tôi chỉ hy vọng, ai đọc xong bài này sẽ không nghĩ là mình lười nữa nếu trước nay từng có nghĩ thế và tốt hơn chút thì cũng đừng nói ai là lười biếng dù là sau lưng họ. Có thể chúng ta chưa tìm được chuyện làm mình hứng thú, cảm thấy phấn khích, cảm thấy vui vì được sống nên đôi khi ta làm những việc ngớ ngẩn, thì đó cũng không phải là lười. Tất cả những gì chúng ta cần, chỉ là tìm ra điều mình cảm thấy vui khi sống cùng nó, mặc kệ ai nghĩ gì là đúng hay sai, ta vẫn ở bên nó mỗi ngày. Thiết nghĩ vậy là tốt lắm rồi.

Nếu bạn thích ngồi im suy nghĩ thì cứ suy nghĩ đi, nhưng đừng quên là phải vui với điều đó, còn nếu buồn thì đừng. Nếu bạn thích câu cá và sống ở vùng quê yên tĩnh, thì bạn cứ câu cá đi, cưỡi ngựa đi, miễn là bạn thấy vui vì điều đó, mặc kệ người ta chỉ thẳng vào mặt bạn và bảo bạn là một kẻ lười tư duy. Nhưng ai quan tâm điều đó chứ? Chẳng có gì là lười hay không lười, mà chỉ có bạn và niềm vui của bạn mà thôi.

 

Lục Phong

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

48 BÌNH LUẬN

  1. Mình đồng ý quan điểm chung bài viết nhg thấy các luận điểm bị đánh tráo khái niệm hơi nhiều. Ví dụ không thể lấy luận điểm nghiện ngập, nát rượu ra để CM rằng ng ta k lười biếng dc. Nát rượu là nát rượu, còn lười biếng là lười biếng. Lol. Dù sao cg hiểu dc ý tưowngr chg của bài viết

  2. tất cả đều là phương tiện, hãy làm những gì bạn hài lòng và cảm thấy hạnh phúc, trên cõi đời này, không có cái gì gọi là ích kỉ, nếu tận thế xảy ra, mọi người sẽ hiểu bắt chẹt nhau chỉ là vô nghĩa, k ai biết ngày mai mình còn sống, hãy sống để đơn giản bạn thấy hạnh phúc và k làm ai khó xử 1

  3. Lục Phong viết nhiều bài cùng hướng với suy nghĩ của tôi nhưng tôi không thích bài viết này. Có vẻ như định nghĩa của tác giả về “sự lười biếng” khác với tôi, và hình như cũng khác với nhiều người cmt nữa.

  4. giống như yêu một cô gái đừng nên tin 100%, đọc bài này (hay các bài khác) cũng đừng nên tin 100%. Tuy nhiên, mình thích bài này của tác giả. Nhưng mình sẽ ko tin 100% đâu 😀

  5. Tôi nghĩ vấn đề này, chủ yếu nằm ở chỗ: Góc nhìn nhận về 1 đối tượng, đó là góc nhìn nào?
    Ví dụ 1 người đang cắm tai phone. có người nhìn thấy, cho rằng anh ta đang nghe nhạc. Có người đa nghi thì lại bảo anh này đang nghe lén cái gì đó (vì lúc đó mặt anh ta có vẻ đăm chiêu). Có người thì lại cho rằng anh ta làm bộ thế để người ta đừng động đến mình v.v….
    Nhưng thực sự anh ta đang làm gì? Rất có thể anh ta đang giả bộ như thế, để kiểm chứng xem mọi người ĐANG NGHĨ GÌ VỀ HÀNH ĐỘNG CỦA MÌNH. Như kiểu khảo sát xã hội ấy.
    Cách nhìn nhận Lười biếng theo tôi cũng từa tựa vậy.Nghĩa là mỗi người có 1 cách nhìn khác nhau, có thể đúng có thể sai, nhưng như thế lại tạo ra thành kiến cho người bị đem ra xem xét.
    Thực sự, người ta có định nghĩa Lười biếng và Chăm chỉ từ khi người ta nhận thức được mình muốn gì và cần làm gì, và đó là 2 tính từ căn bản mô tả thái độ làm việc của 1 người. Vậy nên theo tôi, Lười biếng đơn giản là 1 người đã biết mình muốn gì, làm gì nhưng lại không Hành động để đạt được kết quả đó.

  6. đó chỉ là một góc nhìn về sự lười biếng mà thôi tôi đồng ý với bạn không quan trọng người ta đánh giá bạn lười biếng hay không mà bạn tự nhận biết mình có lười biếng hay không, cái đó cũng khó bởi ta luôn bị ảnh hưởng bởi những định kiến, những chuẩn mực mà xã hội này đặt ra ít ai tự ngồi lại và tự hỏi :” tôi là ai , tôi thực sự khao khát trải nghiệm gì ,tôi muốn trở thành ai , cuộc sống này có ý nghĩa gì ?” , đối với tôi điều gì tự tận sâu bên trong trái tim đang thúc giục tôi làm,nhưng tôi lại ngó lơ nó , tôi không làm theo nó , tôi sợ chông gai thay vào đó tôi tìm cách làm nó im lặng bằng game bằng tiểu thuyết, bằng phim … đó là lười biếng

  7. mình cảm thấy tác giả đang tách rời bản chất của “hành động” và “kết quả”
    với hành động này và hành động kia, cái nào khiến cho bạn trở lên xứng đáng hơn (kết quả) thì cái còn lại tức là lười biếng.

  8. Đọc bài viết mình cảm tưởng có thể hình dung ngay ra lý do bạn viết bài này. Việc một người không nhận ra được người khác đang làm việc hay ý nghĩa việc người khác đang làm là một hiểu lầm hết sức thông thường. Sự phức tạp hóa vấn đề đôi khi làm nó chệch hướng thay vì làm rõ nó, ví dụ như trong bài này.
    Tác giả sai lầm ngay từ đầu khi đánh đồng một vấn đề với biểu hiện của vấn đề đó. Sự lười biếng là nét tính cách không phải là biểu hiện “không làm gì có ích” của nó. Tiếp đến, tác giả lại tách biểu hiện ra khỏi hoàn cảnh để biện bác là cái biếu hiện đấy không đáng tin để suy ra bản thân vấn đề không tồn tại là cái sai thứ 2. Giống như nói rằng việc giết người trong chiến tranh có thể được coi là anh hùng nên không tồn tại thứ gọi là độc ác vậy.
    Về lười biếng, bản thân nó là việc “không nỗ lực hết mình” hay là không tận dụng toàn bộ năng lực trí tuệ và thể chất vốn có của cá nhân. Người chây lười kể cả khi làm việc vẫn lộ rõ sự chây ỳ của họ. Giống như việc 1 người chả thiết làm gì ngoài chơi game nhưng vẫn không có sự luyện tập, đào sâu như 1 game thủ chuyên nghiệp mà chỉ chơi vật vờ cho qua ngày thôi vậy.

    • Mình thích phản biện của bạn này. Rất hợp lý. Mới đầu đọc bài của tác giả có vẻ như là hợp lý. Nhưng đọc phản biện của bạn thấy rằng nếu lí luận như kiểu tác giả thì cuối cùng mọi khái niệm trên thế giới này đều mất đi. Và cuối cùng chúng ta quay về thời mông muội.

    • Đôi lần tôi cũng đã cmt như thế, nhưng rồi tôi phát hiện ra : việc tôi làm không có lợi ích gì cả cho loài người, nên tôi đã tôi ! bạn có lẽ đúng, nhưng tất cả chỉ là phương tiện, điều gì làm bạn vui chưa hẳn làm người khác vui, bắt chẹt ai đó làm bạn thoả thích, nhưng điều đó trong thế giới này lại rất vô nghĩa, bởi vì nó nữa mùa và hết sức “bất nhân” .. đúng hay sai là do bạn và học thuật của bạn, điều bạn được nhồi sọ, bản chất không có đúng sai ở đây, không nước – không trăng ! chỉ là phương tiện thôi !

      • Bạn bắt đầu với việc xem xét lợi ích và tác động của hành vi của mình thay vì chỉ thuần túy dựa trên 1 chuẩn mực nào đó. Khởi đầu thế là tốt. Tuy nhiên phạm vi tác động của hành vi của bạn lại chưa được xét đến.
        Tại sao việc đưa thêm cái nhìn thứ 2 để làm phong phú cho vấn đề lại ít có lợi cho độc giả hơn việc đưa cái nhìn thứ 1 cho vấn đề.
        Việc có nhiều ý kiến không chỉ đơn giản là việc có thêm lựa chọn cho đáp án đúng mà tác động chính của nó là khiến cho người đọc buộc phải tự mình suy xét xem cái nào đúng hay cả 2 đều sai ở đâu.
        Không những đối với độc giả, mà ngay với tác giả, nếu những phản biện của tôi không đi đúng ý mà họ muốn diễn đạt thì họ cũng sẽ tự rút ra được bài học về cách trình bày vấn đề để mọi người hiểu chính xác hơn.
        Còn cái hại của comment của mình, có thể có, nhưng là đối với từng cá nhân khi không nắm bắt được tinh thần của việc thảo luận. Khi đó thì bài viết, hay comment nào cũng có hại mà thôi.
        “Khi tôi học đã ngộ thiền thì núi lại là núi mà sông lại là sông”.

  9. Đâu phải lúc nào cũng được làm điều mình cảm thấy thích đâu.
    – Bạn đi học và không làm BT về nhà -> cô giáo sẽ phàn nàn với phụ huynh là cháu nhà anh chị lười làm bài tập.
    – Bạn đi làm và đến cuối ngày bạn chưa hoàn thành công việc vì mải suy nghĩ về vấn đề gi đó chẳng hạn -> sếp sẽ phàn nàn là bạn thiếu tập trung và lười làm việc.
    – Bạn lên lịch sáng chạy bộ nhưng không muốn ra khỏi giường lúc 6h -> bạn lười.

    Đó là khi việc chúng ta lẽ ra phải làm nhưng vì lý do nào đó – lý do thì luôn có lý – mà nó không được thực hiện trong khi việc đó hoàn toàn có khả năng. Mình nghĩ vậy là lười.

    Có lẽ khi đã già mình sẽ suy nghĩ về việc về quê, sáng đi đánh cờ, chiều đi câu cá, tối nằm nghe tiếng cuộc sống. Thế nhưng chẳng có chiến tranh thì chẳng có hòa bình, muốn làm việc mình thích thì trước tiên phải làm những việc mình không thích. Ta đâu chỉ sống cho bản thân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,860Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI