Featured Image: Erika Groeschel
Nhà bạn có chuột không? Không sao, bạn cứ cười cho câu hỏi có phần ngớ ngẩn của tôi đi. Là vì có những ngôi nhà sạch sẽ tiện nghi, chủ nhà sẽ kinh khiếp mà nghe nhắc đến tên loài vật này. Còn những ngôi nhà ẩm thấp, hở trước trống sau, thì chắc thế nào cũng có, chỉ là nhiều hoặc ít. Nhà tôi không cao sang, cũng chẳng đến độ toang hoác trước sau, ấy thế mà thỉnh thoảng lại có vài chú mon men ở nhờ.
Tôi đọc đâu đó rằng, những ai sống chung một mái nhà, chắc chắn là có mối quan hệ nào đó với nhau, do họ có duyên với nhau từ muôn nghìn năm trước, như mối dây ràng buộc giữa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu… Các bạn thử ngẫm mà xem, ngoại trừ những mối quan hệ giữa người với người, đôi khi, người ta còn nói chú chó này, cô mèo nọ, có duyên mới được vào ở nhà chủ này chủ kia; chứ chưa có ai nói, lũ chuột này kia, có duyên với nhà này nhà nọ. Tôi lại nghĩ như thế đó. Tại sao lại không? Chúng ta cứ quen nghĩ chuột là chuột, nhiều lắm là chuột to chuột nhỏ, ngoại trừ những chàng và nàng chuột bạch xinh đẹp, ai biết được trong thế giới của chúng cũng có chuột A, chuột B, chuột C… gì đó.
Tại sao con chuột này nó vào nhà tôi mà không vào nhà bên cạnh, tại sao nhà khác có con chuột khác chứ không phải là con chuột đã vào nhà tôi? Tóm lại, sự gặp gỡ giao thoa, nhìn thấy nhau giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, kể cả con người với động vật, đều là căn duyên cả. Ồ, tôi không rành về thuyết lý tôn giáo gì đó đâu. Nhưng bạn hãy trả lời tôi, bạn sẽ làm gì khi chuột vào nhà bạn? Ngớ ngẩn. Ai chả biết chuột là lũ phá phách, có hại, mầm mống bệnh dịch, phải bẫy chúng đi. Than ôi, tôi rất yếu tay, gan lại nhỏ, nên khi một chú chuột rột rẹt trên gác mái, tôi đã lắc đầu, đêm đêm cho ít thức ăn vào cái chén đặt góc nhà, nghĩ nó đói cũng tội. Chắc vì tôi cầm tinh con chuột nên tôi nhân từ với nó chăng? Tôi không biết.
Có thể tôi đã sai khi làm chuyện đó. Vì “đất lành chim đậu”. Chẳng bao lâu sau, tôi thấy chúng lừng lựng đi ra đi vào, rất là đủng đỉnh nhé, như tôi là kẻ ở trọ chứ không phải là chúng vậy. Không biết bao nhiêu đứa, mà đêm nào chúng cũng rần rật đuổi nhau trên nóc mái nhà. Chẳng đặng đừng, để bảo vệ cuộc sống của mình, tôi phải đi chợ mua cái bẫy.
Đến đây, tôi lại có câu hỏi, bạn sẽ xử trí thế nào với những chú chuột đã lọt bẫy? Sẽ không ít bạn bảo tôi rằng: “Hâm à, cái thứ có hại thì giết đi, để làm gì.” Đúng quá. Chúng ăn tất tật thức ăn mà bạn để hở, chúng gặm nhấm áo quần, có hôm tôi gài hộp thức ăn bằng xốp để thử xem chúng sẽ ăn bằng cách nào, lọ mọ mà không ăn được, thế là nửa đêm chúng mò lên cắn vào ngón tay tôi một nhát, nhói đến tận tim. Chín mươi chín phần trăm chúng là lũ phá hoại, chỉ một phần trăm tôi phát hiện ra, là khi có chuột thì nhà tôi không có con gián nào nữa. Nhưng không thể bênh vực được, chín mươi chín phần trăm là xác suất quá lớn. Phải tiêu diệt chúng, nhưng bằng cách nào đây.
Trong ba ngày, tôi bẫy được năm chuột con (mà ba lần bẫy thôi đấy nhé, vì chúng rủ nhau chui vào một lần hai đứa), hé nắp bẫy dồn lần lượt chúng vào cái xô to, cho vào mấy miếng vải làm nệm, kèm thêm cơm và bánh mì, chờ chuột lớn vào luôn rồi tính. Các bạn ạ, không phải người mộ đạo nhưng tôi biết tôn giáo bảo đừng sát sinh. Dĩ nhiên, kẻ gan nhỏ như tôi không muốn sát sinh. nhưng người ta thả chim, thả cá, có ai thả chuột bao giờ. Vả chăng, thả ra đường, chúng vào nhà khác phá phách, thì rõ tôi là cái đứa đem rắc rối của mình giao cho người khác rồi. Còn thả ra thùng rác công cộng hay mương cống gì đó, mặc chúng ngắc ngỏm sống chết thì cái sự “thả” ấy, cái sự nhân đạo dỏm đó thành ra phũ phàng.
Tôi lại bâng quơ nghĩ, những linh hồn sinh ra trong những hình hài khác nhau, thế tại sao ta không mạnh tay tận diệt để những linh hồn trong xác chuột ấy có thể mất đi rồi lại bắt đầu tiếp tục tồn tại trong thân xác khác, biết đâu là thân xác con người chẳng hạn. Nghĩa là khi loại bỏ một sinh mệnh nào đó, là bạn đã hóa kiếp cho sinh mệnh đó. Ậy, đừng lôi những chuyện phạm pháp vào đây mà biện minh, tôi chỉ nói về chuột thôi đấy nhé.
Ấy thế nhưng, tôi không đủ lòng tốt (nếu có thể gọi việc hóa kiếp đó là lòng tốt) để hóa kiếp cho những chú chuột đó, tôi xách chiếc xô có năm chú chuột bé xíu bằng hai ngón tay, xách chiếc bẫy có chú chuột to ra bờ suối, một con suối to thoát nước ngay giữa lòng thành phố, thả đi kèm thêm mấy miếng vải và một nồi cơm, để chúng tự giải quyết cuộc đời của chúng. Tôi không biết chúng sẽ ra sao. Để chúng sống, có hại cho loài người chúng ta quá, nhưng hóa kiếp để cho chúng một bắt đầu khác, thì tôi không làm được, tôi không đủ dũng cảm. Hóa ra, lòng tốt cũng cần, rất cần sự dũng cảm, mạnh mẽ, và dứt khoát. Nhưng bạn ạ, tôi cứ băn khoăn, mặc kệ chúng sống chết, thì khác gì sát sinh?!
Rốt cuộc, khi bẫy được chuột, bạn sẽ làm gì? Thả đi là nhân từ, đúng hay không đúng? Giết đi là giúp linh hồn ấy hóa kiếp, sai hay không sai?
Hay là chúng ta nuôi mèo nhé, để tạo hóa tự phân xử trò vui cuộc đời mà Ngài đã tạo ra?! Thế nhưng (lại “nhưng”), với những người bệnh dị ứng lông thú thì phải làm sao?
Gold
Có thể nói là em bị bài viết này “ám ảnh”, đặc biệt là lời văn rất hay và bị ấn tượng cả câu “chữ ký” trên kia nữa. Em muốn kết bạn với tác giả bài viết. Nếu tác giả đồng ý thì cho em xin địa chỉ mail hoặc Facebook nha 🙂
Nhà tôi thường bẫy chuột bằng lồng sắt, xong tối tối đem ra bờ kênh thả đồng thời dặn rằng đừng quay lại nữa nhé. Có lần bẫy được một chú chuột, vì là ban ngày nên ba tôi chưa kịp đem thả. Vậy mà đến tối, có 1 chú chuột khác lại chiếc bẫy, cố gắng dùng hết sức mình để cắn khung sắt cứu chú chuột nhỏ kia ra. Có lẽ chúng cũng sống, cũng yêu thương như con người.
Cảm ơn bạn đã đồng cảm với mình. Xưa có lần có chú chuột bị mắc vào sợi len treo tòn teng trên máy đan len của mẹ mình, mẹ mình nhờ bác hàng xóm gỡ ra rồi thả đi, rất nhiều năm sau đó nhà mình không có chuột, loài vật cũng có tình lắm đó bạn.