Photo by Bill Couch
Văn Hoá
Trẻ tuổi như tôi, viết về văn hóa hay văn minh nhiều người sẽ cho là chưa đủ trải nghiệm, nặng hơn thì cho tôi là kẻ lộng ngôn. Bản thân tôi cho rằng, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, để có một lối sống văn minh thì thời nào, tuổi nào cũng có, hơn nữa tôi đang sống trong đất nước tự do ngôn luận (dù sự tự do ấy vẫn nằm trong chừng mực nào đó), kết nối hai suy nghĩ đó, tôi vững tin để viết.
Văn hóa là một lĩnh vực cực kỳ phong phú, phức tạp. Khi đề cập đến nó mỗi người có một cách hiểu khác nhau, tùy thuộc vào góc độ tiếp cận, và hệ tư tưởng của từng người. Có một luận điểm chung mà nhiều nhà nghiên cứu đều đồng tình khi bàn về văn hoá, đó là: Văn hoá phải lấy con người làm trung tâm, phải gắn liền sâu sát với đời sống vật chất, tinh thần của con người.
Với một tập thể, cộng đồng, dân tộc… Văn hóa theo tôi là những gì tinh hoa còn lại sau quá trình chu du, chọn lọc của lịch sử. Trải qua từng giai đoạn phát triển, giá trị văn hóa sẽ thay đổi chứ không bất biến. Gía trị đó giúp người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, cộng đồng này với cộng đồng khác. Ví dụ như đời sống tâm linh phong phú, tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên, chén trà đon đả mời khách, gốc đa, phiên chợ… là những nét văn hóa đặc sắc của người Việt ta.
Nhiều quan điểm cho rằng nên tách bạch văn hóa vật thể và phi vật thể, theo tôi điều đó chỉ đúng một nửa, nếu xét trên góc độ định tính. Suy cho cùng, những cái còn đọng lại mãi mãi của Văn Hóa đều qui về giá trị tinh thần dành cho con người. Giá trị tinh thần, bản sắc mới là cái sau cùng, và là cái đáng bàn nếu viết về văn hóa.
Văn Hoá Nhân Cách
Chịu ảnh hưởng từ văn hóa cộng đồng, bản thể mỗi con người cũng tự hình thành những nét văn hóa khác nhau, tôi tạm gọi đấy là văn hóa nhân cách. Hình thành văn hóa nhân cách là một quá dài, thậm chí liên tục thành đổi trong tư tưởng mỗi con người. Bản thân một con người không tự hình thành, mà phải học hỏi, chọn lọc từ môi trường sống.
Mỗi cá nhân sẽ học hỏi, được giáo dục từ bốn nhóm giáo dục cơ bản là gia đình, trường học, xã hội và tự giáo dục.
Nếu bạn không xuất thân từ một gia đình gia giáo, trường học không cho bạn biết phải ứng xử với cuộc sống phức tạp ra sao, đoàn thể, xã hội không dạy bạn gì khác ngoài việc kiếm sống, thì có thể coi quá trình tự học chính là quá trình giúp bạn hình thành văn hóa nhân cách và là cơ sở quý trọng nhất tạo ra một con người văn hóa.
Ngày trước, điều kiện tự học còn khó khăn, chúng ta ít có khả năng tiếp cận kiến thức, còn bây giờ mọi thứ giản tiện hơn rất nhiều. Nhịn vài buổi cà phê, ta có thể mua được một cuốn sách quý, giảm đi vài chục phút tán gẫu mỗi ngày, ta có thể dành thời gian tìm hiểu thêm các vấn đề ta quan tâm qua internet, giá một đĩa nhạc đĩa phim gốc giờ cũng chỉ bằng một bữa cơm văn phòng. Hay nhất là các chương trình đào tạo từ xa, ngồi nhà bạn vẫn có thể học tại một quốc gia tiên tiến nào đấy và có bằng cấp chứng minh hẳn hoi. Có cơ hội nào cởi mở hơn việc này?
Thế nhưng việc tự học cũng cần lắm thái độ cầu thị và tư duy cởi mở, biết chọn lọc. Thế giới phẳng về mặt thông tin, tri thức giúp khai sinh nhiều giá trị nhân văn và cũng tạo điều kiện cho các giá trị giả, giá trị ảo, giá trị vội vã ra đời. Ta cần chuẩn bị một thái độ cầu thị, sẵn sàng học hỏi để chấp nhận cái tân tiến, và cũng cần chọn lọc, định hướng để không bị cuốn theo các cơn bão giá trị ảo, giá trị vội vã. Làm được như vậy, con người sẽ trở thành một chiêc ăng-ten thần kì, lưu giữ lại những giá trị tinh tế trong cuộc sống, làm tiền đề cho quá trình tự học bền vững.
Từ Văn Hoá đến Văn Minh
Những con người có tri thức, văn hóa sống trong một xã hội có bản sắc quả là một điều lí tưởng, trong mơ của nhiều dân tộc. Đây cũng là điều kiện cần để chuyển đổi từ văn hóa đến văn minh.
Cần nhưng chưa đủ. Để có được yếu tố Văn Minh, cần phải đưa các yếu tố của quản trị, quy hoạch, khoa học và công nghệ kết hợp hài hòa với văn hóa xã hội, trên cơ sở lấy con người làm nền tảng trung tâm.
Một xã hội văn minh, trước hết phải là một xã hội hài hòa về mặt cảnh quan, nhà cửa được chung sống với cây xanh trong sự quy hoạch thân thiện và tôn trọng lẫn nhau. Nhiều người nói, khách du lịch nước ngoài thích đi bộ giữa lòng Saigon hay Hanoi vì đây là hai thành phố nhiều cây xanh, tôi thì nghĩ ngược lại, họ thấy lạ vì vẻ hỗn độn “chiến đấu” của nhà của với cây cối thì đúng hơn.
Xã hội văn minh, phải là xã hội ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật phục vụ đời sống công cộng. Cứ nhìn vào hệ thống giao thông công cộng, hệ thống quy hoạch các biển báo… của một thành phố là thấy ngay được mức độ văn minh.
Xã hội văn minh, còn biểu hiện ở cách quy hoạch “xử sự” với thiên nhiên, với truyền thống ra sao? Làm sao để tổ chức không gian sống và vẻ mỹ quan đô thị theo khuynh hướng hiện đại nhưng có bản sắc riêng, dung hòa giữa cá thể và cộng đồng? Làm sao để ta thấy được ở một đô thị cả ba yếu tố quá khứ – hiện đại và cả tương lai?
Đang viết những dòng này, tôi lục lại các email của anh bạn vong niên đang sống ở Berlin. Anh Minh Châu đã ngoài 50, tâm hồn anh trẻ trung và rất biết cách viết để cho người đọc cảm thấy “thèm thuồng”
“Nghiện thanh bình như em, phải ghé chỗ anh chơi. Quán anh đang ngồi, nằm trong một khu vườn, lũ bồ câu thường ưu ái đến thăm. Chúng đang hay sà xuống, nhặt đồ ăn thừa trong đĩa, trong lúc thực khách vẫn đều đặn lật trang nhật báo. Nhà thờ, công trình cổ được bảo vệ. Bức tường Berlin vẫn còn ngổn ngang đá chờ du khách đến nhặt về làm kỷ niệm.
Ở đây hoa được trồng nhiều vô kể, ở mọi diện tích trống trong chung cư, biệt thự, văn phòng, vườn hoa công cộng. Lẵng hoa được treo dọc cái dãy phố, trên ban công… ở phần lớn các ngôi nhà. Các cô gái châu Âu nữa, họ xinh đẹp, quí phái trong ánh nắng mùa hè nhẹ dịu của Berlin. Em nhất định phải thấy mới được…”
Tôi nghĩ nên dừng lại ở đây, trước khi bạn đọc cho tôi là một kẻ mơ mộng. Cũng đúng mà, cách nhanh nhất để con người tìm thấy sự hài lòng là mơ ước, là “giá như…”
Tôi thì nghĩ, khi yêu quí một thứ gì đó, ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng. Để có được sự văn minh, cần nhiều thứ, nhưng con người luôn phải cho thấy vai trò trung tâm, giữ quyền chủ động.
Hãy tin vào sự thay đổi tích cực, và bắt đầu, từ chính bản thân bạn.
Hồ Thụ
Saigon – 26.5.2013
Nghiện thanh bình như em, phải ghé chỗ anh chơi. Quán anh đang ngồi, nằm trong một khu vườn, lũ bồ câu thường ưu ái đến thăm. Chúng đang hay sà xuống, nhặt đồ ăn thừa trong đĩa, trong lúc thực khách vẫn đều đặn lật trang nhật báo. Nhà thờ, công trình cổ được bảo vệ…
Thật là hình ảnh đẹp lý tưởng…
Nhìn lại Hà Nội mà thấy khiếp! Các ngôi chùa cổ bị đập phá rồi sửa lại theo nhu cầu kiếm chác! Cái đẹp bị tàn phá bởi óc hám lợi!!! Có hiểu gì về kiến trúc Phật giáo đâu. Càng sửa càng xây lại trông càng kệch cỡm, phô của!