29 C
Nha Trang
Thứ Tư, 1 Tháng Năm, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tự chủ, kỷ luật hơn liệu có hạnh phúc hơn?

thdp translation 3

(Trích) Sự tự chủ, kỷ luật, có vẻ như là một cái giá quá đắt để đổi lấy một cuộc sống hạnh phúc về sau, khi chúng ta phải cam chịu trước những thú vui không được thỏa mãn ở hiện tại.

• • •

3 lý do vì sao sự tự chủ khiến cuộc sống bạn trở nên tốt đẹp hơn

Sau đây là lí do vì sao biết kiểm soát bản thân, hay còn gọi là tính tự chủ, sẽ khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và cách thức để đưa bản thân vào khuôn khổ đó.

  • Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có mức độ tự chủ cao thường hạnh phúc hơn trong cả cuộc sống hiện tại lẫn sau này.
  • Mức độ tự chủ cao cũng giúp chúng ta có thêm nhiều kiến thức hơn, cơ hội nghề nghiệp cao hơn và thành công hơn trong xã hội.
  • Những người có khả năng làm chủ bản thân ở mức cao nhất sẽ tránh được những cám dỗ, thay vì phải kháng cự mỗi khi chúng xuất hiện.

Sự tự chủ, kỷ luật, có vẻ như là một cái giá quá đắt để đổi lấy một cuộc sống hạnh phúc về sau, khi chúng ta phải cam chịu trước những thú vui không được thỏa mãn ở hiện tại. Nhắc đến những người kỷ luật, ta thường liên tưởng đến hình ảnh một người vô cùng khắt khe về đạo đức và luôn tập trung hoàn thành công việc mà không bao giờ vui chơi. Rèn luyện tính tự chủ dường như là một mục tiêu xa với phần thưởng chẳng gì ngoài một đức tính tốt đẹp.

Tuy nhiên, đó có thể là một quan điểm sai lầm dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng sau này.

1245x700
Từ trước đến nay, người Thanh giáo luôn được xem các bậc thầy của sự giữ giới và siêng năng. Liệu ý tưởng hy sinh niềm vui để đánh đổi thành quả bằng sự tự chủ có đúng không? (Ảnh minh họa của Richard Taylor từ The Illustrated London News)

3 cuộc thử nghiệm

Năm 2013, một nghiên cứu bởi giáo sư William Hofmann cùng các cộng sự đã được xuất bản trong Tạp chí Tính cách (Journal of Personality) đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa hạnh phúc và khả năng kiểm soát bản thân. Bằng cách định nghĩa sự tự chủ như “khả năng vượt qua hay thay đổi các phản ứng bên trong, cũng như can thiệp vào các xu hướng hành vi không mong muốn (chẳng hạn như những thôi thúc) và ngăn chặn chúng xảy ra,” các nhà nghiên cứu đã hy vọng tìm hiểu xem thành kiến hình mẫu của chúng ta về những người Thanh giáo tự chủ khắc khổ có đúng hay không.

Quá trình nghiên cứu bao gồm 3 cuộc thử nghiệm được lập ra để thấy được yếu tố hạnh phúc bị tác động như thế nào bởi tính tự chủ trong cả thời gian ngắn và dài.

Bài kiểm tra đầu tiên yêu cầu 414 đối tượng tham gia quyết định xem họ phù hợp như thế nào với những nhận xét (ví dụ: “Tôi có thể làm điều gì đó gây hại cho bản thân miễn là tôi cảm thấy vui) và điền vào một bản báo cáo để lý giải cụ thể hơn về mức độ hạnh phúc hiện tại, cũng như mức độ hài lòng về cuộc sống của họ.

Câu trả lời của các đối tượng cho thấy có một sự liên quan không chỉ giữa sự tự chủ với mức độ hài lòng về cuộc sống, mà còn với “những ảnh hưởng tích cực” ở các khía cạnh như cảm xúc, tình cảm, và trải nghiệm diễn ra hằng ngày.

Nghiên cứu trên cho thấy quan điểm về việc kiểm soát bản thân khiến chúng ta không hạnh phúc là không đúng.

Thử nghiệm thứ hai, với ít người tham gia hơn, trong đó các đối tượng mang theo một chiếc điện thoại thông minh đã được lập trình đặc biệt, để đưa ra những câu hỏi vào thời điểm bất kì nhằm xác định liệu họ có đang cảm thấy ham muốn gì không.

Nếu câu trả lời là “có” thì sẽ có thêm nhiều câu hỏi được đặt ra. Những câu hỏi này tập trung vào chi tiết của ham muốn đó như: mức độ ham muốn là như thế nào; đối tượng có thực hiện ham muốn đó không; ham muốn này có xung đột với mục tiêu nào khác hay không, và mức độ căng thẳng mà nó gây ra cho họ.

Những kết quả đã củng cố cho ý niệm rằng “những người có tính tự chủ cao thường có nhiều cảm xúc tích cực và ít xuất hiện cảm xúc tiêu cực hơn.”

Từ phát hiện của một nghiên cứu về việc xung đột giữa ham muốn và mục tiêu sẽ gây căng thẳng cho những người có khả năng tự chủ thấp, các nhà nghiên cứu tiếp tục đi sâu vào khám phá hiện tượng này với thử nghiệm thứ ba.

Bài kiểm tra cuối cùng yêu cầu người tham dự trả lời các câu hỏi về ba xung đột thường gặp giữa ham muốn và mục tiêu trong cuộc sống. Câu hỏi đỏi hỏi thông tin chi tiết về ba yếu tố của xung đột: mức độ trầm trọng, tần suất xảy ra, tính đúng sai đạo đức trong các phương án lựa chọn tại thời điểm đó. Tiếp theo, họ được yêu cầu điền vào bảng khảo sát về mức độ hài lòng về cuộc sống và xu hướng tự chủ của bản thân.

Kết quả nhận được thật đáng ngạc nhiên: Những người có tính tự chủ cao hơn thường có ít xung đột giữa ham muốn và mục tiêu hơn so với những người tự chủ kém. Các xung đột họ gặp phải cũng ít khi rơi vào trường hợp phải chọn lựa giữa việc cư xử có đạo đức hay sa ngã vào các hành vi trác táng. Bên cạnh đó, khi xảy ra xung đột, tỷ lệ lựa chọn hành động đúng cũng cao hơn so với nhóm tự chủ thấp.

tự chủ

Vậy tất cả điều này có nghĩa gì?

Mỗi bài kiểm tra đều chỉ ra rằng những người có tính tự chủ cao không chỉ hài lòng hơn với cuộc sống, mà còn có nhiều cảm xúc tích cực hơn mỗi ngày. Theo lời nhóm nghiên cứu đã khẳng định: “Khả năng tự chủ cao sẽ khiến bạn hạnh phúc.”

Mặc cho các kiểu hạnh phúc giữa hai nhóm trải nghiệm có thể khác nhau, nhưng về lâu dài thì kết quả chỉ có một: Cuộc sống sẽ viên mãn hơn nếu chúng ta biết kiểm soát bản thân.

Tôi cần làm gì để cải thiện khả năng tự chủ của bản thân?

Một điều có vẻ như đi ngược với những gì trực giác mách bảo là xóa bỏ các cám dỗ khỏi cuộc sống. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm người có tính tự chủ cao không chỉ được cho là có khả năng cưỡng lại sự cám dỗ tốt hơn, mà còn ít rơi vào các trường hợp bị cám dỗ. Các tác giả gợi ý rằng:

“Sự xung đột giữa ham muốn và mục tiêu là điều không thể tránh khỏi với bất kỳ ai. (Một điều chắc chắn là không có câu trả lời nào trong các thử nghiệm đề cập đến việc chưa bao giờ gặp phải xung đột, hay cảm thấy khó khăn trong việc nêu ra ba xung đột gần nhất.) Thế nhưng, người biết tự chủ rõ ràng là có thể quản lý cuộc sống của anh ta hay cô ta, khiến xung đột xảy ra ít hơn. Những kết quả này đã minh chứng thêm cho quan điểm rằng tính tự chủ cao sẽ đem lại một cuộc sống tránh xa và giảm thiểu những rắc rối. ”

Hãy cố gắng loại bỏ những thứ khiến bạn sao nhãng nơi làm việc, vứt đi những món ăn gây béo phì cho cơ thể, hay không đi ngang qua khu mua sắm, thay vì cố cưỡng lại sự trì hoãn luôn thôi thúc bên trong, ăn uống kém lành mạnh, hay mua những thứ mà bạn không bao giờ dùng đến.

Một góc nhìn khác là hãy xem việc tự chủ như là sự lựa chọn một lối sống thay vì nghĩ về nó như là một chuỗi các quyết định của những hành động riêng lẻ. Chẳng hạn, đừng nhìn nhận việc không hút thuốc như một hành động, mà hãy xem đó như là lối sống bạn đã chọn – một cuộc sống không khói thuốc. Theo giáo sư Howard Rachlin, điều này sẽ giúp chúng ta dễ dàng chọn lựa những việc làm đúng đắn hơn.

Quan niệm về những người biết tự chủ là những người giữ giới và không hạnh phúc là sai; họ mới chính là người hạnh phúc hơn cả. Với khả năng tránh né những thôi thúc cao hơn, biết lựa chọn phẩm hạnh thay vì thói hư tật xấu và luôn cân bằng giữa ham muốn và mục tiêu, người tự chủ thường sẽ có tâm trạng tốt hơn và mức độ hài lòng về cuộc sống cao hơn. Bất kỳ ai cũng có thể làm được điều này bằng cách bắt đầu từ những bước đơn giản ngay hôm nay.

Tác giả: Scotty Hendricks
Biên dịch: Mai Nguyen
Hiệu đính: Prana

Ảnh: Thao Le Hoang@Unsplash

Xem thêm

💎 Kiên nhẫn sẽ mang mọi thứ đến cho bạn

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,580Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI