27 C
Nha Trang
Thứ năm, 12 Tháng chín, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết học đường phố là gì?

Triết học là gì? Là yêu mến sự thông thái. Sự thông thái là gì? Là hiểu biết của con người về tự nhiên, về xã hội và về chính mình.

Đường phố là gì? Là con đường dưới mỗi bước chân, là căn nhà mỗi người dùng để ở. Đường và Phố – đó là cuộc sống xung quanh ta và ở trong ta.

Triết học đường phố là gì? 

Là những hiểu biết của con người về con đường dưới chân ta, là căn nhà mà thường ngày ta ở trong đó, là thể xác mà ý thức ta nương nhờ, là tự nhiên mà cuộc sống ta nương tựa…

Triết học có thể nằm ngoài đường phố được không? Câu trả lời của tôi là: KHÔNG! Nói đến hiểu biết tức là hiểu biết về… Hoặc là hiểu biết về thế giới tự nhiên, hoặc là hiểu biết về xã hội quanh ta, hoặc là hiểu biết về chính ta, và ngay cả hiểu biết về hiểu biết như một dạng thức tự phản tỉnh thì hiểu biết vẫn cứ luôn phải là hiểu biết về…

Con người có thể nằm ngoài đường phố được không? Câu trả lời của tôi là: KHÔNG! Nói đến con người là nói đến môi trường bao quanh anh ta và ở trong anh ta. Hoặc là anh đi trên đường, hoặc là anh nằm trên giường, hoặc là anh ngồi trên xe, hoặc là anh ở trong nhà, hoặc là anh ở trong phố, hoặc là anh ở trong chính thể xác của anh. Trên và Trong – đó là thuộc tính của Tồn tại.

Triết học không nằm trong tháp ngà, không ở trong Viện hàn lâm, không nằm trên giấy tờ bằng cấp. Tranh cãi về chuyện hoa hồng trên thiên đường có gai hay không có gai là tranh cãi của những ảo tưởng của ảo tưởng. Triết gia trong những Viện hàn lâm không phải là triết gia thực thụ, họ chỉ là những con mọt sách, gặm nhấm hết lý thuyết này đến lý thuyết khác để cân đo đong đếm. Năng lực hiểu biết được cấp chứng chỉ không phải là năng lực hiểu biết thực sự, bởi những thứ đã được cấp chứng chỉ nghĩa là những thứ được nhai lại.

Triết học đích thực phải nằm ở đường phố. Triết gia thực sự phải sống trong đường phố. Hiểu biết thực sự phải là hiểu biết về đường phố. Chỉ có ở đường phố mới nảy sinh những vấn đề cần tư duy. Chỉ có ở đường phố mới nảy sinh những mâu thuẫn cần giải quyết. Và cũng chỉ có ở đường phố mới cần đến những dự phóng cho tương lai. Cách ly khỏi đường phố là cách ly cuộc sống, cách ly cuộc sống thì mọi hiểu biết đều chỉ là những hiểu biết chết.

Hiểu biết là gì? 

Đó là ý thức phản tỉnh. Phản tỉnh về những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và có khả năng sẽ xảy ra. Tại sao cần phải phản tỉnh? Tại vì tò mò? Chưa đủ. Tại vì đau khổ? Chưa đủ. Tại vì sợ hãi? Chưa đủ. Tại vì muốn tự do? Chưa đủ… Tại vì tất cả những tại vì…, đó là lý do con người cần phải phản tỉnh.

Phản tỉnh để làm gì? Phản tỉnh để bớt đi sợ hãi, phản tỉnh để bớt đi thất bại, phản tỉnh để có tự do hơn, phản tỉnh để tăng khả năng tự chủ, phản tỉnh để sống có mục đích…. Không có sự phản tỉnh, không có khả năng biết mình. Không biết mình, không có khả năng tự chủ. Không có khả năng tự chủ thì suốt đời làm nô lệ.

Có phải hiểu biết nào cũng là triết học không? 

KHÔNG. Tất cả những hiểu biết rời rạc, cảm tính, cục bộ, cụ thể… thường ngày chỉ là chất liệu cho tư duy triết học. Tư duy triết học phải vượt qua cái rời rạc, cụ thể, cảm tính… để tìm ra quy luật, tìm ra cái chung nhất, tìm ra chân lý vận hành của Tồn tại. Không phải cứ tâm sự chuyện riêng tư, nói lên quan điểm của mình về một vấn đề nào đó nghĩa là ta có tư duy triết học. Một trong những phương pháp cơ bản của suy luận là biết xâu chuỗi, nối kết, phân tích diễn giải những gì khác biệt, quy nạp những gì tương đồng…

Có phải cứ nói khác người khác để thể hiện bản thân mới là có tư duy độc lập không?

KHÔNG. Chân lý vốn không có tính địa phương, không bị thay đổi bởi tuổi tác hay giới tính, không bị o ép bởi số đông và cũng không bị khoái cảm thích chơi trội cám dỗ. Chân lý thì khách quan, mà đã khách quan thì ai cũng bị chi phối. Có những chân lý tồn tại cho một cá thể, có những chân lý cho một nhóm người, có những chân lý cho một giai cấp và có những chân lý cho tất cả. Tư duy càng rộng mở thì càng hướng đến sự phổ quát, mà càng phổ quát thì càng có nhiều điểm chung cần chia sẻ…

Có phải cứ khư khư vào cái thấy biết của mình thì cho đó là kiên trì với tư tưởng và lối sống của mình không? 

KHÔNG. Bị giới hạn bởi thể xác vật lý, bị giới hạn bởi nhận thức chủ quan và hoàn cảnh khách quan… nên cái biết của ta luôn là cái biết nửa vời, phiến diện. Vì nửa vời, phiến diện… nên chúng ta cần trao đổi, tranh luận, tiếp biến nhằm hoàn thiện dần sự hiểu biết đó. Tranh luận là để hướng tới sự đồng thuận, hướng tới cái phổ quát chứ không phải để thắng thua hay dùng cái Tôi của mình lấn át cái Tôi của người khác. Tranh luận, trao đổi là con đường khả dĩ để bổ sung sự hiểu biết bất toàn của mình…

– Nói tới triết gia là nói tới những con người không ngừng suy tư, không ngừng thao thức, không ngừng tìm kiếm, không ngừng tra vấn và không ngừng học hỏi. Suy tư và thao thức về số phận của con người trong tự nhiên và xã hội nhằm tìm kiếm bản thể và bản vị của chính mình. Học hỏi kho tàng tri thức của tiền nhân và người khác, tra vấn không ngừng về lẽ đúng sai nhằm định hướng cho mình và xã hội quanh mình một hình mẫu đạo đức và lý tưởng cần phải đi.

– Nói tới đường phố là nói tới sự đổi thay không ngừng của thực tại, sự vận động liên tục của mọi đối tượng trong đó. Đã có những con đường mòn, đang có những con đường tấp nập người bước và có cả những con đường quạnh vắng chỉ vài người đi. Hôm nay chúng có thể là đường mòn, nhưng ngày mai chúng có thể sẽ bị cỏ mọc che lối; ngược lại cũng có con đường hoang ngày hôm nay, lại có thể là đường mòn của ngày mai. Đường phố là thế, cuộc sống là thế.

 
Triết học đường phố là triết học về đường phố. 
Triết gia đường phố là triết gia sống trong và trên đường phố.
Suy tư và thao thức về đường phố là suy tư về chính mình, về xã hội và tự nhiên quanh mình.
Tra vấn và tìm kiếm về đường phố là tra vấn và tìm kiếm cho mình một con đường để đi, một căn nhà để ở, một lý tưởng để sống, một môi trường để làm chủ và một không gian tự do để vẫy vùng.

Tác giả: Trí Không
Thân tặng Triết Học Đường Phố
(27/10/13)
*Featured Image: ksa61011
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. cảm ơn THDP, những gì tuổi trẻ chúng ta cần có chính là đây. đọc và suy ngẫm. cuộc sống này là của ta. hãy tự chọn cho bản thân mình một con đường để dấn thân vào cuộc đời còn lắm những gian truân, trắc trở. vũng chí bạn nhé. tôi cũng sẽ cố. chúng ta cùng cố.và rồi tôi, bạn và mọi người, tất cả sẽ làm được.

  2. "Triết học không nằm trong tháp ngà, không ở trong Viện hàn lâm, không nằm trên giấy tờ bằng cấp. Tranh cãi về chuyện hoa hồng trên thiên đường có gai hay không có gai là tranh cãi của những ảo tưởng của ảo tưởng. Triết gia trong những Viện hàn lâm không phải là triết gia thực thụ, họ chỉ là những con mọt sách, gặm nhấm hết lý thuyết này đến lý thuyết khác để cân đo đong đếm. Năng lực hiểu biết được cấp chứng chỉ không phải là năng lực hiểu biết thực sự, bởi những thứ đã được cấp chứng chỉ nghĩa là những thứ được nhai lại."

    Ấn tượng quá, thay lời ban biên tập cảm ơn bạn Trí Không nhiều nhé. ♥

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,820Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI