26 C
Nha Trang
Thứ ba, 8 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Tiểu thuyết lịch sử] Người chém cá kình – Hồi thứ hai

Cao Đạt kiên gan gìn tục Việt
Vua Trưng hiển thánh tỏ oai Thần

Một tốp lính chừng năm mươi tên đang đuổi theo một người đàn ông. Bọn lính mặc quân phục nhà Hán, nhưng lại hò hét bằng tiếng Lạc Việt:

“Thằng man, đứng lại!”

Người đàn ông chừng ba mươi tuổi, trông dáng điệu gầy gò, tóc cắt rất ngắn lộ hình xăm sau gáy, mặc áo vạt dài cài khuy bên trái, đích thị là người Lạc Việt, vẫn còn giữ cổ phong dân tộc, không chịu ăn vận theo kiểu người Hán áp đặt. Mấy thanh niên làng Trắc Nhị toan xông ra cứu, nhưng bà Lê Chân ra hiệu dừng.

Người Việt kia kiệt sức, chân này đá chân kia vấp ngã, tức thì bọn lính đuổi kịp, bao quanh mấy vòng, vũ khí lăm le trên tay. Một tên đứng ra, có lẽ là chỉ huy, tay cầm roi da, quất vào đầu người kia mấy cái, tiếng roi vun vút xé gió, ngọn roi để lại trên mặt người đàn ông mấy vạch ngang dọc tươm máu. Đánh hả dạ sướng tay rồi, tên này bèn mở miệng nói:

“Thằng man phản động đáng chết. Người Hán nhọc công đến đây khai hoá cho dân Nam man chúng ta, dạy thi thư lễ nhạc mở mang văn hiến, dạy để tóc dài tưởng nhớ cha mẹ thờ phụng thiên triều. Mi lại cắt tóc ngắn mặc áo cài khuy trái, lại còn xăm giao long lạc điểu trên mình, cãi thánh chỉ vua Hán. Không có vua Hán làm sao hôm nay có mi? Tại sao mi dám chống đối không tuân? Biết tội gì chưa, hả?!”

Người kia ngồi xổm dậy, phủi bụi đất trên mình, sờ nhẹ lên mấy vết roi trên mặt, rồi từ tốn trả lời, ánh mắt đầy yêu thương, giọng nói êm êm như tiếng ngọc, ý tứ lai láng, lời lẽ phiêu hốt, khiến cho cả đám trố mắt nghe vanh vách:

“Tôi người Lạc Việt, tổ tiên tôi là Lạc tướng theo vua Thục Phán, cách đây hai trăm năm có lẻ. Khi đó nước ta là nước cường thịnh, đắp những thành rộng hàng trăm ngàn thước, chế nỏ thần bắn một phát chết cả muôn người, trong muôn nước không ai dám địch. Người Việt ta bắt dân Hoa Hạ làm nô lệ, mua bán như gia súc. Nước Tần phương bắc, thấy nước ta giàu có, ngọc trai như đá sỏi, chim trĩ như gà vịt… đã sanh tâm thèm khát; Doanh Chính lên làm vua được ba mươi ba năm, xưng là Tần Thuỷ hoàng đế, thâu tóm xong sáu nước, thế lực lớn mạnh như voi, mới dám tính chuyện đánh Âu Lạc nhà ta. Chính sai Đồ Thư làm tướng, đem năm trăm ngàn lính tràn sang Âu Lạc ta. Người giữ biên giới nước ta không đối đầu trực tiếp, lẩn vào núi rừng công kích giặc suốt cả ngày đêm, khiến cho chúng tan đàn sẻ nghé, chẳng mấy chốc mà cắt đầu Đồ Thư, quân Tần tan rã, không còn một mống về phương Bắc. Doanh Chính lại sai Triệu Đà và Nhâm Hiêu, mỗi người đem năm trăm ngàn người nữa, là những kẻ bị tội và những kẻ đi ở rể, sau đó là những kẻ làm nghề mua bán hát xướng, tổng cộng là một triệu nhân khẩu, phát cho lương thực vũ khí rồi chia hai cánh đông tây trấn giữ, tìm cách kìm chân Âu Lạc, sợ Âu Lạc nhà ta thừa thế đánh Tần. Sau đó ít năm nhà Tần loạn lạc, Triệu Đà nhân buổi nhiễu nhương, tự xưng là Triệu Việt vương ở Phiên Ngung là đất của người Mân Việt, đem đại quân định thôn tính Âu Lạc, lại bị vua Thục đánh cho tan tác. Triệu Đà lấy tư cách là vua Mân Việt, xin giảng hoà rồi kết thông gia, cũng là người thuộc Bách Việt nhà ta cả. Triệu Đà dùng kế cho con ở rể chiếm luôn Âu Lạc, lập nước Nam Việt, rồi lên ngôi xưng đế, độc lập với triều Hán vừa thành ở dưới phương Bắc. Tuy sau có chút nhường nhịn nhà Hán về mặt ngoại giao, nhưng trong nước không khi nào tỏ ra phò Hán cả, mà ngược lại luôn dùng nghi lễ hoàng đế. Các đời vua kế tiếp đều lấy vợ người trong Việt tộc, quần thần đều yêu Việt ghét Hán. Đỉnh điểm là việc vua Triệu Hưng vì rắp tâm dâng nước cho nhà Hán, đã bị tể tướng Lữ Gia cùng quần thần hơn bảy mươi người phế đi rồi giết chết, cùng với thái hậu Cù thị người Hán và cả đoàn sứ nhà Hán, tất cả đều bị giết nhăn răng hết thảy. Trăm quan lập Triệu Kiến Đức lên làm vua mới. Đáng tiếc, nước Nam Việt bị thất thủ khi Hán dốc đại binh sang đánh chiếm. Nước Việt mất vào tay phương Bắc hơn trăm năm, mới đây có Hai Bà đứng dậy dựng cờ khởi nghĩa, đã giành lại được nước rồi lên làm vua, đóng đô ở Mi Linh là kinh đô cũ từ thời đại vua Hùng, nhưng lại bị người Hán sang đàn áp, Hai Bà đã tuẫn quốc đền nợ nước. Quốc thống người Việt khi sáng khi mờ, nhưng nước ta đã là nước văn hiến hơn ngàn năm, Việt là Việt còn Hán là Hán, Việt là chủ Hoa Hạ là tôi, Việt là vua còn Hán là giặc. Tại sao các ông lại đi làm mọi cho người Hán, từ bỏ gốc gác của mình mà đề cao ngoại tộc, rồi bắt người khác phải y theo? Ai khác các ông, các ông cho là phản động. Nếu tôi là người Việt sống trên đất Việt, làm những việc người Việt từ ngàn xưa vẫn làm, mà bị các ông cho là giặc, thì các ông không phải Hán nhưng cố làm cho ra mình là Hán, lại ăn bám máu xương người Việt, vậy các ông là gì đây phỏng?”

Cả bọn lính đều im thin thít lắng nghe, lời nói của người đàn ông kia như có sức mạnh kỳ lạ, lôi cuốn hết thảy bọn tay sai, đến nỗi chúng chẳng thể mở một lời phản kháng. Chót! Tiếng roi vụt mạnh vào người kia làm phá vỡ bầu không khí im lặng. Tên chỉ huy như rùng mình, nhớ lại nhiệm vụ của hắn:

“Mi nói nghe bùi tai lắm. Nhưng đó chỉ là chuyện viễn vông do bọn man các ngươi bịa ra. Trước khi người Hán sang khai hoá, Bách Việt chỉ là bọn mọi rợ ăn lông ở lỗ. Hùng Vương chỉ là bọn thổ dân mình trần vấn khố vỏ cây làm thủ lãnh mười lăm bộ lạc, Thục Phán – Triệu Đà chỉ là bọn vô danh tiểu tốt. Nhờ người Hán mà người Việt biết mặc quần áo, biết cày cấy, có họ tên, biết thờ vua giúp nước. Không có người Hán các ngươi chỉ là man di không tên không họ. Tất cả tộc Việt sẽ từ từ biến thành người Hán, Hán hoá mới là tiến bộ. Chính những kẻ phản động như mi mà bọn ta dù mặc quần áo Hán, ăn thức ăn Hán, nói tiếng Hán… sống như Hán cũng không thể biến thành Hán được! Thằng giặc, chết đi, chết đi!”

Tên Hán nô vừa nói vừa quất roi vun vút, người kia bị đòn túi bụi không kịp đỡ. Người này nhăn mặt đau đớn nhưng vẫn gan góc la lớn:

“Mắng ta phản động, còn chúng mày là lũ phản quốc!”

Tên Hán nô điên tiết, bất thần giật lấy cây qua của tên lính thủ hạ, giơ lên toan đâm phập vào mình người Lạc Việt kia. Bỗng tiếng gió từ đâu rít lên lạnh xương, chỉ nghe “viu” một tiếng thì tên Hán nô ngã vật ra giãy giụa kêu khóc, cây qua rơi xuống đất, trong mắt phải của hắn một mũi tên nhỏ cắm phập, máu mủ trộn bụi đất dây ra đầy mặt, cả đám lính nhốn nháo. Lúc này bà Lê Chân khoát tay, tức thì ba mươi người đi theo bà nhất tề xông ra, tiếng la tấn công vang trời làm bọn lính xác Việt hồn Hán kia khiếp đảm. Tiếng binh khí chạm nhau leng keng, cả khoảng rừng trống náo động. Chẳng mấy chốc mà đám lính kia bị áp đảo, người làng Trắc Nhị làm chủ tình hình, mấy mươi tên lính Hán hoặc nằm lăn lóc hoặc quỳ co rúm xin hàng. Bà Lê Chân bảo các anh em tùy tùng xé tay áo của bọn lính mà trói hai ngón tay cái của chúng lại ra sau lưng, ba tên buộc thành một chùm, riêng bà tới hỏi han người Lạc Việt kia nãy giờ đứng nép một bên:

“Tôi thấy chú là người có học, phải chăng vì có học mà bị bọn nó hành hạ quá đỗi?”

Người đàn ông kia nhìn thấy một phụ nữ gần bốn mươi tuổi, tóc đã điểm sương, tai dày mặt vuông, cử chỉ mạnh dạn, tiếng nói trầm ấm như giọng chiêng cồng, nói một lời mà cả đám thanh niên nghe theo răm rắp, thì trong lòng ông hết sức kính phục, không dám gọi bằng chị như lẽ thường của người Việt. Ông cung kính trả lời:

“Thưa bà, quả đúng như vậy. Tôi tên Cao Đạt, là con cháu của Lạc tướng Cao Lỗ thời Âu Lạc. Tôi giữ truyền thống của tổ tiên, nhất mực không theo cách ăn nết mặc của người phương Bắc nên thường bị chúng sách nhiễu. Mới sáng nay có kẻ rình nhà phát hiện tôi viết chữ Việt, bèn chạy đi báo cho giặc để kéo người đến bắt tôi đem giết. Có người khác lén cho tôi biết sớm một chút, nên tôi chạy thoát tới chỗ này. Cũng may chúng không biết chuyện tôi dạy chữ Việt cho mấy đứa trẻ, nếu không thì còn tai hại nữa. Hôm nay may mà gặp được bà cùng các anh em đây. Ơn cứu sống tôi nguyện ghi lòng tạc dạ!”

Bà Lê Chân trong lòng thấy cảm động. Nước đã mất hơn trăm năm, vua Trưng mới gầy dựng lại không bao lâu cũng đã khuất bóng mười năm, giặc hung ác như cọp beo, vậy mà những người áo vải tay không cũng dám liều mình giữ gốc gác dân tộc, chẳng nề hà chuyện chết chóc đổ máu. Bất giác, bà nhìn kỹ gương mặt của Cao Đạt, thấy đuôi mắt ông đã hằn dấu chân chim, trong đôi mắt lấp lánh sự hiền từ, hai gò má xương xương, mũi cao môi mỏng, miệng như mỉm cười. Trực giác của bà Lê Chân cho biết đây là người tài, hữu dụng cho làng Trắc Nhị, hữu dụng cho cả tương lai dân Việt. Bà mở lời mời:

“Thầy đã bị bọn ranh này đuổi giết, thì không thể về nhà sống yên được. Thầy có muốn đến một nơi mà tự do dạy chữ Việt, tự do sống kiểu người Việt, tự do làm điều mình yêu thích mà không sợ bị bắt bớ hay không?”

Cao Đạt quên nỗi đau buốt của những lằn roi trên mặt, nở nụ cười rạng rỡ:

“Tôi luôn ước ao cả dãy non sông này được như lời bà. Xin bà cho tôi đi lạy tạ vua Trưng rồi hãy cho tôi tháp tùng tới nơi bà nói!”

Bà Lê Chân ngạc nhiên tột độ:

“Lạy tạ vua Trưng?”

Cao Đạt trả lời:

“Phải, nhiều năm nay dân trong vùng này tin vua Trưng đã thành thần linh, mỗi khi hạn hán lụt lội hay gặp chuyện nguy nan, đều lập đàn cầu đảo kêu khấn danh vua, thì hết thảy đều được ứng nghiệm, ai nấy đều kính cẩn thờ phượng, kể cả bọn Hán nô khi nãy cũng không dám nói phạm thượng đến!”

“Linh nghiệm đến vậy sao? Vậy thầy đi đâu lạy tạ ngài ấy?”

Cao Đạt nhìn thấy thái độ của bà Lê Chân, cứ tưởng là bà Lê Chân vì tò mò mà hỏi, nên thản nhiên trả lời, trong lời nói có phần lý thú:

“Chỗ đó cách đây không bao xa, đi chưa thấm mệt là tới, nghe đồn khi xưa là chỗ các ngài tuẫn tiết, bà có muốn đi không?”

Bà Lê Chân nghe xong mà chân tay bủn rủn, nước mắt long lanh chực rớt. Lúc đó mặt trời đã dịu nắng nhưng chưa thấy chim bay về tổ, còn đủ sớm để tới nơi Cao Đạt nói trước lúc mặt trời lặn. Bà nén nỗi lòng vừa mừng rỡ vừa bi thương của mình, quay sang nói với Cao Đạt:

“Tôi ngưỡng mộ vua Trưng đã lâu, nay được tới nơi ngài tuẫn quốc mà bái tế, thì còn hạnh phúc nào hơn?! Còn đám mất gốc này thầy muốn xử chúng thế nào, xin trả lời nhanh để chúng ta còn giờ đi cho sớm!”

Cao Đạt nhìn một lượt bọn lính, tất cả chúng đều chỉ khoảng mười mấy hai mươi tuổi, nhiều đứa bị thương nằm lăn lóc rên rỉ dưới đất, những đứa bị trói thì mặt xanh môi tái mình run như sẻ, tên chỉ huy khi nãy đánh Cao Đạt, có lẽ đau quá nên bị ngất nằm im thin thít hoặc chết rồi cũng nên. Cao Đạt trong lòng chẳng chút oán thù, nhẹ nhàng nói với bà Lê Chân:

“Thưa bà, xin nghe lời mọn tôi rằng! Bọn trẻ này đều là con em người Việt, nhưng chúng lỡ sanh ra trong thời buổi tối tăm, khó tránh khỏi bị giặc nhuộm đỏ óc khi còn nhỏ, lớn lên chúng phải trở thành kẻ ngu si độc ác, có mắt như mù, nhận giặc làm cha. Mở miệng ra là ca tụng người Hán, chê bôi người Việt, nhưng thực sự chúng cũng chẳng biết mình nói gì cả, chỉ là lặp đi lặp lại những lời được nghe, y như loài chim két. Nói cho cùng, chúng chỉ là nạn nhân của thời cuộc, mà có một phần lỗi của những kẻ đọc chữ như tôi, là không giáo hoá được cho chúng. Vậy tôi xin bà cùng các vị đây, mở lòng trời biển, mà tha mạng cho mấy đứa này!”

Bà Lê Chân nghe xong, im lặng suy nghĩ một chút, rồi gọi lớn tiếng:

“Các anh em, ông đây không muốn giết bọn ngợm này, vậy các anh em hãy sởn hết tóc bọn chúng, sau đó cắt hết ống quần vạt áo mũi giày của chúng đốt đi, thu hết khí giới rồi thả cho chúng chạy. Riêng thằng chỉ huy đang giả chết nằm kia, hãy cạo nhẵn đầu nó, lột hết quần áo, quất nó một trăm roi rồi mới thả!”

Một người hơi bất bình, hỏi lại bà Lê Chân:

“Cụ, thả chúng đi về làm nanh vuốt cho giặc để cắn xé dân ta nữa sao?”

Bà Lê Chân nói:

“Bọn Hán mọi quân kỷ rất nghiêm, đám ranh này không dám đem bộ dạng như thế về doanh trại đâu, nhẹ thì bị đánh vài trăm gậy thịt nát xương tan, nặng thì bị chém treo đầu cột cờ. Chúng tất phải đào ngũ để bảo toàn sanh mạng. Anh em chớ lo! – đoạn quay sang nói với Cao Đạt – Tôi xử như vậy thầy vừa ý chứ?”

Cao Đạt nhìn phong thái bà Lê Chân, như quen thuộc từ lâu lắm, không quan tâm tới câu hỏi của bà Lê Chân, môi như mấp máy:

“Bà là ai, sao rõ quân Hán như bàn tay? Bà là ai, sao biết cách người Việt cổ cạo đầu cắt áo hạ nhục kẻ địch?”

Một lát sau, Cao Đạt dẫn mọi người đi tới chỗ bờ sông mà người dân thường tới bái tế vua Trưng. Lúc này trời hướng tây đã đỏ chạch, sương chiều lãng đãng giăng trên núi, chim chóc xao xác tìm nơi ngủ, đất nước bị nạn xâm lăng nên muông thú cũng chẳng được yên hàn. Họ đi khá nhanh, gần như là chạy, trong lòng ai nấy xao xuyến bồi hồi, đôi chân họ như được thôi thúc bởi một thần lực thiêng liêng bí nhiệm.

“Tới rồi!”

Tiếng Cao Đạt cất lên đột ngột, giữa lúc mặt trời đang từ từ lánh xuống chân mây xa, cảnh vật mông lung như hiển hiện ra từ trong dĩ vãng. Hai bên đường cây cối đều cong gập lạ kỳ tựa hai hàng quân đang khom lưng hầu chủ. Sát mép nước là một cái hồ sâu tròn như mắt cá, thông với dòng sông đang ầm ì chảy vào vô tận. Trên bờ hồ, ai đặt một cái thạch bàn rộng chừng một sải, bề dài hơn hai sải, cao ngang ngực người lớn. Mặt bàn phẳng như mặt nước, đen bóng tựa hạt huyền, toát lên vẻ trang nghiêm khó tả, đó chính là nơi mà người Việt dùng làm bàn thờ cúng tế vua Trưng. Cao Đạt cũng không biết nguồn gốc của nó, chỉ biết sau khi vua Trưng cùng chư tướng tuẫn tiết không lâu, dân lén tới đây lễ lạy, thì đã thấy thạch bàn sừng sững, đột ngột như từ trời rơi xuống. Giặc Hán nhiều lần phá hoại không được, lại sai phù thuỷ tới làm cho ô uế, nhưng tất cả chúng đều bị trừng phạt trở nên cuồng điên như thú hoang, người ta càng tin tưởng sự linh thiêng hơn nữa. Những kẻ cản trở dân thờ lạy vua Bà hoặc nói lời phạm thượng, đều chịu hậu quả đáng kiếp. Chỉ trong có mười năm mà uy linh vua Bà nức tiếng, kể cả dân Hoa Hạ cũng lập miếu thờ Bà Vương như người Lạc Việt.

Trong lòng bà Lê Chân lúc này rung động khó tả, nửa vui mừng còn nửa đớn đau. Trước mắt bà tái hiện lại cảnh vua Trưng cởi giáp trụ triều thiên, dùng khăn lụa vàng kì cho sạch máu giặc dính tay, vén tóc còn bết bát mồ hôi trên trán, khấn từng lời cảm động cả trời cao đất thẳm… Bất giác, Lê Chân oà khóc rồi quỳ thụp xuống đất. Cao Đạt còn chưa hiểu ất giáp gì, thì những người đi theo bà Lê Chân đã mau mắn bày đồ tế phẩm lên bàn đá. Có ba cái âu bằng vàng để dàn hàng ngang, trên ba cái âu đều đốt than cháy đỏ. Cái ở giữa rắc bột kỳ nam, khói bốc lên thẳng đứng như cây cột. Hai âu hai bên đốt gỗ cây thông trộn với bột cỏ gai dầu. Trong không khí thanh u của nơi hoang dã, có một thứ hương thơm kỳ ảo khiến người ta thấy lâng lâng nhẹ bổng như rời hồn khỏi xác. Mặt trời đã lặn hẳn nhưng trời còn sáng chói những rẻ quạt, tựa hào quang của bực minh chúa rọi lên từ lòng đất. Cao Đạt cũng quỳ xuống mặc niệm, không gian ngưng đọng, côn trùng không dám kêu, thú hoang nín thở, sóng nước cũng không còn nghe ì oạp. Một sự thinh thặng thiêng liêng bao trùm trời đất. Ba cột khói bốc lên cao vút rồi bỗng quyện lại với nhau như một sợi dây thừng. Tức thì ba mươi cái tù và cùng cất tiếng rền vang, âm thanh hùng tráng như thể lời ra hiệu cho trăm vạn hùng sư nhất tề xuất trận, bà Lê Chân cùng Cao Đạt đều dập đầu bảy lần, tiếng tù và dứt hẳn, không gian lại im bặt. Bà Lê Chân giơ hai tay lên khỏi đầu mà khấn:

“Tấu lạy Bà vua trăm họ Việt, nay con trở lại chốn này, một lòng tưởng nhớ ơn sâu, dạ hằng ca khen công đức. Nhớ xưa phù tá, ra công voi ngựa, níu áo theo Bà đánh khắp đông tây. Chưa quên đạo nghĩa, gắng sức kình nghê, đeo gươm hầu Bà định phân nam bắc. Ngờ đâu, gươm đàn gãy gánh, núi Nùng đành sớm khắc tên thiêng. Ai hay, cung nỏ đứt dây, sông Nhị chịu muộn ngày rửa hận. Nay Bà đã làm thần làm thánh, xin hộ phù người Việt ta ai nấy vững lòng, hợp một thể diệt trừ giặc đỏ! Nếu có ngày núi sông này sáng tỏ, xin Bà cho một dấu lạ điềm thiêng làm chứng!”

Khấn xong lại dập đầu bảy cái, tiếng tù và lại rúc lên hùng tráng. Bỗng gió thổi mạnh lên, nhưng cột khói vẫn thẳng đứng giữa trời trong cơn cuồng phong, ai nấy đều kinh ngạc nhìn trân trối. Chưa hết, từ đám mây cuồn cuộn trên trời, ánh sáng vàng bỗng le lói phát ra, rồi những luồng sáng rẻ quạt xé toạc đám mây, cả vòm trời sáng rực. Giữa trời, tất cả mọi người đều nhìn thấy vua Trưng đẹp rạng ngời đứng trên đầu con voi chiến, hai bên chư tướng đứng hầu, ai nấy đều mặc giáp vàng bào bạc, người nào cũng khổng lồ như quả núi, rạng rỡ như mặt trời đứng bóng. Lê Chân, Cao Đạt cùng ba mươi người làng Trắc Nhị chiêm ngắm mê say, mọi người đều xúc động tận xương tuỷ, không nói được cũng không cử động được, cho đến lúc cả bầu trời sáng loà lên rồi trở lại màn đêm tĩnh mịch.

*  *  *

Làng Trắc Nhị sau mười mấy năm từ khi bà Lê Chân hiện diện, đã thay da đổi thịt hoàn toàn, từ một ngôi làng vài trăm nhân khẩu thành một làng hùng mạnh với hàng trăm tráng đinh có hùng tâm dũng chí. Tất nhiên ngôi làng nằm đâu vẫn còn là điều bí mật với người bên ngoài.

Mỗi ba năm, dân làng cử những người ưu tú nhất, từng cặp hai người, đi đến những làng khác và cũng làm y như việc bà Lê Chân đã làm cho làng Trắc Nhị. Dạy dân cải tạo nông nghiệp, bí mật rao truyền văn hiến Lạc Việt, bài xích văn hoá Hán, khéo léo chống đối sự hà hiếp của giặc. Quan trọng nhất, những người này phải làm được, là truyền cho dân làng ngọn lửa yêu mến non sông, dạy thanh niên võ nghệ và rèn giũa tinh thần cho bất khuất theo gương vua Trưng. Hễ làng nào đã giàu mạnh, thanh niên can trường, thì lại tiếp tục cử người giỏi đi những làng khác, dần dần loang ra khắp tứ phương tám hướng.

Cao Đạt về làng Trắc Nhị dạy học, tiếp nối việc của già Trắc Long đã qua đời. Sau ông lấy một người nữ trong làng, sanh được mấy người con trai con gái, đều là những người tài giỏi.

Bà Lê Chân ở làng Trắc Nhị ba mươi bốn năm thì mất, nhằm công nguyên năm 77. Trước khi nhắm mắt, bà truyền dạy cho dân làng rằng:

“Người Việt ta lòng dạ manh mún, dễ xao động trước hoàn cảnh, hay đố kỵ với người giỏi hơn. Giặc phương Bắc dựa vào điểm này mà cai trị dễ dàng. Tôi chết đi, mà chưa thấy được ngày phục nghiệp Hồng Bàng, chính anh chị em sẽ làm điều đó. Hãy đem uy võ Việt Thường đi khắp non sông, dạy cho bọn hậu bối biết can trường mưu lược, chuẩn bị sẵn một lớp người có hùng tâm dũng chí, sau này khi hồn thiêng sông núi cho xuất hiện vị minh quân, thì một lời kêu gọi mà triệu tiếng hò reo đáp ứng vang dậy núi sông. Thân xác tôi tuy chết đi, mà hồn phách vẫn còn phảng phất khắp sơn hà, nguyện cùng anh linh vua Trưng và các vị tiên hiền Bách Việt, hộ phù công cuộc đánh đuổi giặc thù, trung hưng Hồng Lạc!”

Bà vừa nói xong, hơi thở liền tắt, thi thể vẫn hồng hào mềm mại suốt ba ngày trước khi được chôn cất. Các thanh niên lấy dao nhọn xăm hình chim Lạc trên mình, đấy là cách họ tưởng nhớ bà Lê Chân, một người suốt đời nặng lòng vì nước. Người làng Trắc Nhị thương nhớ bà ba năm. Suốt ba năm, họ không ca hát, không nhảy múa, không vui chơi. Mỗi mười ngày, họ tụ họp nhau lại, các già làng kể lại công nghiệp của tổ tiên Việt tộc, kể lại sự tích anh hùng của vua Trưng, công ơn của bà Lê Chân đối với làng Trắc Nhị. Già trẻ bé lớn trong làng đều thuộc làu làu huân nghiệp tổ tiên, ai ai cũng tự hào dòng máu Tiên Rồng đang chảy trong huyết quản.

Lúc này người Lạc Việt sống dưới ách đô hộ của triều Hán thế nào, sau khi bà Lê Chân mất, công cuộc đuổi giặc xâm lăng sẽ ra sao, muốn biết xin xem hồi sau sẽ rõ.

Tác giả: Hai Le
Minh họa: Polaris Do

💗 Nội dung tiểu thuyết Người chém cá kình (hồi thứ hai) được đăng tải trong Volume 2 của tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership


📌 Aloha Volume 1-12

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
Người nhận: Vũ Thanh Hòa
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
Số TK: 0451000409314

Chuyển tiền qua Paypal
Người nhận: Huy Nguyen
Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,840Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI