28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thời gian

Featured Image: Muhammad Muneeb

 

Nhiều người rất tiết kiệm tiền và những thứ phải chi, dùng hàng ngày nhưng lại rất phung phí thời gian. Đó là vì họ chưa nhận ra được rằng thời gian chính là tiền và còn quý hơn cả tiền.

Tiền bạc mất đi còn làm lại được. Thời gian đã trôi qua là mãi mãi đi mất

Nếu có 1 giờ đồng hồ tự do, bạn đọc sách báo và tìm thấy một ý tưởng mới. Bạn đem áp dụng ngay cho công việc của bạn, doanh số bán hàng của bạn tăng cao. Bạn có thêm tiền thưởng. Thời gian 1 giờ của bạn chính là tiền.

1 giờ tự do của những người làm chủ sử dụng vào việc thư giãn cũng gián tiếp tạo ra tiền. Vì khi họ thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng, họ có thêm sự tỉnh táo, minh mẫn, hưng phấn để đưa ra các quyết định đúng đắn, tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp của họ.

Đôi khi chúng ta lãng phí thời gian mà còn không nhận ra điều đó vì chưa nhìn thấy sự mất mát do sử dụng thời gian vô bổ, thiếu khoa học. Chỉ khi gặp hậu quả nhãn tiền chúng ta mới cảm thấy bực mình, thấy tiếc nuối…

Đi tới các cơ quan chức năng chẳng hạn, nếu bạn không chuẩn bị trước đầy đủ giấy tờ, không tìm hiểu trước các công đoạn, chắc chắn bạn sẽ mất gấp đôi thời gian thông thường, chưa kể phải mua lấy không ít sự bực bội, cáu giận vì các yêu cầu phải trình giấy này, tờ kia….; vì cách làm việc thiếu chỉ dẫn, thiếu thông tin… là những “chuyện thường ngày ở huyện“. Chỉ cần chờ vài giờ đồng hồ mà không có cuốn sách hay vài thứ để giải khuây thôi cũng đủ làm cho một người trước đó đầy năng lượng trở nên bí xị, chán nản.

Nếu bạn chỉ có 1 phút để hỏi một câu từ một người có thể đem lại sự đổi đời với bạn, liệu bạn có ngay lập tức đưa ra được câu hỏi cần thiết cho bạn không? Nếu bạn chỉ có 1 phút để ra một quyết định mang lại cho bạn một khoản tiền lớn, liệu bạn có chắc rằng bạn ra quyết định đúng hay không?

Nếu không may bạn rơi vào tình cảnh chỉ có vài phút để lựa chọn giữa sự sống và cái chết, bạn có nghĩ rằng bạn có thể đánh đổi tất cả những gì bạn có chỉ để giữ lại mạng sống của mình hay là sáng suốt tự tìm ra lối thoát?

Thời gian trong những lúc cấp bách, quan trọng còn giá trị hơn cả tiền bạc là như vậy. Nhưng tệ một nỗi là khi không bị giới hạn về thời gian, chúng ta thường vô tư sử dụng vào các mục đích tùy hứng, ngẫu nhiên, vô định hơn là cắt đặt, phân bổ thời gian cho từng việc, từng mục đích với ý nghĩ: “Làm chi mà khổ vậy?” Cho đến khi chúng ta bị đặt vào hoàn cảnh “thời gian là sống còn, thời gian là tiền bạc”.

Cái từ rất hay “deadline“ – thời hạn, chắc cũng là xuất phát từ những khám phá ra giá trị của thời gian khi bị giới hạn lại như vậy.

Để có được những quyết định nhanh, đúng đắn trong những thời khắc định mệnh, trong những thời điểm quyết định, bạn không có cách nào khác phải đặt ra cho mình nguyên tắc và cách phân bổ thời gian riêng: Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thời gian cho người thân, bạn bè, tạo dựng, vun đắp các mối quan hệ, thời gian thư giãn… tạo cho mình thói quen sử dụng thời gian hợp lý, có ích; và thường xuyên áp dụng chúng hàng ngày để trở thành nguyên tắc, phong cách sống và làm việc của cá nhân mình.

Trong đó, khoảng thời gian được phân bổ cho những việc có ích ít nhất cũng phải bao gồm cả việc trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc là những thứ thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển bản thân. Thời gian nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém thời gian làm việc nhằm tái tạo năng lượng giúp chúng ta luôn duy trì ở trạng thái thể chất khoẻ mạnh và lập lại thế cân bằng cho cơ thể, đầu óc chúng ta sau khi đã “cống hiến” hết mình cho nhiệm vụ hàng đầu của người trưởng thành là làm việc.

Một quỹ thời gian thường bị những người bận rộn chúng ta (chắc không ai tự nhận mình rảnh rỗi) bỏ quên hoặc thậm chí không hề lập trình, phân bổ cho nó là thời gian thư giãn. Nó bao gồm những khoảng thời gian ở bên người thân, bạn bè, bạn cùng sở thích, đối tác… dưới các hình thức gọi điện thoại, tới thăm, họp mặt, cùng đi chơi trong ngày, dài ngày…, thời gian đọc sách, xem phim, xem kịch, xem thể thao, nghe nhạc… tóm lại là tất cả những hoạt động có tác động và nuôi dưỡng tâm hồn, tâm trí chúng ta.

Những hoạt động này không cần qua chiếm nhiều quỹ thời gian nhưng nếu được phân bổ riêng một quỹ thời gian và được thực hiện nghiêm túc, đều đặn, thường xuyên, kết quả mang lại chúng ta thật không ngờ. Bạn hoàn toàn có thể tự hào bạn là người con hiếu thảo, một người anh, chị, em chu đáo không bao giờ bỏ quên các sự kiện trong gia đình lớn, nhỏ., một người bạn, một đối tác tinh tế quan sát và nắm bắt rất nhanh ý định của đối phương và làm họ luôn hài lòng. Bạn cũng hoàn toàn có thể yên tâm về sự thấu cảm, lòng trắc ẩn với tha nhân trước những cảnh đời ngang trái, đói nghèo, khổ đau vẫn diễn ra hàng ngày đâu đó trong cuộc sống, thay vì vô cảm, dửng dưng…

Dù cho bạn bận rộn đến đâu, nếu bạn đã phân bổ đầy đủ quỹ thời gian hợp lý cho tất cả các hoạt động cần thiết (đương nhiên là phải tùy vào tính chất và mức độ quan trọng của cá nhân bạn), bạn sẽ khó mà bỏ sót các hoạt động kém quan trọng nhưng mang lại hiệu quả cao có tên là “thư giãn tâm hồn” này. Và bạn cũng không cần phải lo lắng tự vấn bản thân rằng bạn đã đối xử tệ với chính bạn và những người bạn yêu quý thế nào khi cứ để cái núi công việc cao chất ngất cuốn bạn đi hàng ngày quên hết thế giới xung quanh mình.

Thế giới vốn không công bằng, nhưng có một sự công bằng ai cũng phải thừa nhận rằng chúng ta đều có cùng một món quà là có 24 giờ một ngày như nhau. Sử dụng nó thế nào là tùy mỗi chúng ta. Khác biệt là người thợ xây mất 8 giờ thì kiếm được 200 ngàn đồng, bác sĩ kiếm được 10 triệu trong 8 giờ, còn người làm chủ doanh nghiệp có thể kiếm được 10 tỷ đồng cũng trong 8 giờ đồng hồ ấy (những con số chỉ có tính minh họa).

Là vì người thợ xây chỉ mất 1 tháng để học nghề, bác sĩ mất 5 năm học cộng với 5 năm tu nghiệp, còn người chủ doanh nghiệp mất toàn bộ thời gian vừa học vừa làm từ khi mở doanh nghiệp và họ sẽ còn học và làm cả đời để giữ cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Thời gian, vì thế là món quà lớn hay quà nhỏ là tùy thuộc chúng ta nhìn nhận, coi trọng và sử dụng thời gian hữu ích cho chúng ta tới mức nào. Cho dù chúng ta là ai, chúng ta làm gì, nếu chúng ta luôn làm chủ được thời gian của mình, không lãng phí thời gian vào những trò tiêu khiển vô bổ, chúng ta sẽ luôn cảm nhận được giá trị thời gian mang lại, luôn thấy từng khoảng thời gian trôi qua trong cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa và hài lòng với bản thân chúng ta.

Lý thuyết là như thế. Nhưng mỗi khi con gái tôi nói: “Mẹ! Con hỏi mẹ một câu có được không?“ Thú thật là tôi luôn phải hít một hơi thật sâu để nói: “Được, con yêu.” Thay vì nói cái điều tôi muốn nói hơn nếu là lúc tôi đang bận: “ Lát nữa được không con, mẹ đang bận“, vì tôi biết chắc rằng lát nữa rất có thể sẽ là 1 ngày sau hoặc thậm chí là không bao giờ. Mà trẻ con thì không thể bắt chúng đợi được, chúng cần những câu trả lời như thế mỗi ngày để khôn lớn, trưởng thành.

Những người thành công chắc chắn là những người luôn biết sử dụng thời gian hợp lý và có thói quen đặt ra một thời hạn cho bất kỳ công việc gì. Với tôi, quản lý thời gian đơn giản chỉ là “giờ nào việc ấy“, và chuông báo giờ luôn là một người giúp việc mẫn cán nhất, không thể thiếu hàng ngày của tôi.

Đừng làm việc gì chỉ để giết thời gian, hãy sử dụng thời gian để làm những việc có ích với bạn. Rồi tiền và những giá trị khác sẽ đến với bạn.

 

Julia Le

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

5 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI