Đức tính #1: Từ bi (lòng trắc ẩn / tình yêu)
Khi bạn chọn đức tính trắc ẩn thay vì bất cứ lựa chọn nào khác, bạn tự nhiên sẽ nâng tâm thức mình lên. Khi bạn ngồi xuống để thiền, sau một hành động hảo tâm tình cờ hay một sự trắc ẩn, bạn sẽ phát hiện ra rằng tâm trí bạn tự nhiên tĩnh lặng hơn bình thường. Nó bắt đầu di chuyển về phía trạng thái tự nhiên của nó. Sự bình yên này đã sẵn có trong trái tim bạn như hương thơm trong hoa hồng.
Đức tính #2: Trung thực
Giữa sự thật và lòng trắc ẩn, cá nhân tôi sẽ chọn lòng trắc ẩn. Ý tôi không phải là tôi ưa nói dối mà là tôi thà làm tổn thương chính mình hơn làm tổn thương người khác. Xem người khác quan trọng hơn bản thân, đó chính là đức tính trắc ẩn. Sự trung thực mặt khác là xem nguyên tắc của mình quan trọng người khác. Đôi khi điều đó lại quan trọng hơn.
Ngày xưa, Vương tử Vô Úy từng hỏi Đức Phật rằng liệu ngài có bao giờ nói lời khó nghe và gây bất đồng hay không. Thoạt đầu, Đức Phật nói không có câu trả lời có hay không. Tuy nhiên, khi bị Vô Úy thúc ép, bậc Đại Đức, tự ám chỉ mình ở ngôi thứ ba là Như Lai (người đã vượt qua) đã nói:
• Trong trường hợp những lời Như Lai biết là không thực tế, không đúng sự thật, không lợi ích (hoặc không mang mục đích), khó nghe và gây bất đồng với người khác, ngài ấy không nói.
• Trong trường hợp những lời Như Lai biết là thực tế, đúng sự thật, không lợi ích, khó nghe và gây bất đồng với người khác, ngài ấy không nói.
• Trong trường hợp những lời Như Lai biết là thực tế, đúng sự thật, có lợi ích, nhưng khó nghe và gây bất đồng với người khác, ngài tri giác được thời điểm thích hợp để nói.
• Trong trường hợp những lời Như Lai biết là không thực tế, không đúng sự thật, không lợi ích, nhưng dễ nghe và không bất đồng với người khác, ngài ấy không nói.
• Trong trường hợp những lời Như Lai biết là thực tế, đúng sự thật, không lợi ích, nhưng dễ nghe và không bất đồng với người khác, ngài ấy không nói.
• Trong trường hợp những lời Như Lai biết là thực tế, đúng sự thật, có lợi ích, dễ nghe và không bất đồng với người khác, ngài tri giác được thời điểm thích hợp để nói.
Tại sao lại như vậy? Vì Như Lai có lòng từ bi với chúng sanh. Thật khó để tìm ra một lời giáo huấn nào tốt hơn và rõ ràng hơn về sự thật. Nếu những lời chúng ta nói là thực tế, đúng sự thật, có lợi ích nhưng không dễ nghe hoặc dễ chấp nhận, chúng ta nên cân nhắc một triệu lần trước khi nói ra một sự thật như vậy khi điều đó có thể sẽ không giúp được gì. Nó sẽ làm tổn thương người khác và không có lợi cho họ theo bất kỳ cách nào.
Chỉ sau lòng từ bi, trung thực là đức tính cao nhất của một vị thánh thực sự, một con người cao quý. Lần tới khi bạn muốn buông lời giả dối, hãy tạm dừng lại, chiêm nghiệm điều đó và lựa chọn từ ngữ thật cẩn trọng. Nó sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn đảm bảo rằng thân, khẩu, ý (hành động, lời nói, suy nghĩ) của bạn hòa hợp với nhau.
Đức tính #3: Biết ơn
3.1 Biết ơn God
Một số người bày tỏ lòng biết ơn đến God, đến Linh hồn Tối cao, đến một người họ cảm thấy đang ở trên kia. Việc này có thể mang lại cho họ một nguồn động viên tâm lý rất lớn, giúp họ sống vượt qua nghịch cảnh, cho họ có thêm động lực để vững bước trên con đường cùng vô số lợi lộc khác. Những người tin vào sự hiện hữu của God, bất kể họ theo tôn giáo nào, đều có một ai đó để họ có thể bày tỏ lòng biết ơn. Ngay cả lời nguyện cầu thường ngày cũng là một hình thức biết ơn. Thế nhưng, biết ơn God chưa phải là biết ơn trọn vẹn. Hãy hình dung bạn đang biết ơn một người mẹ không bao giờ bất cẩn, thờ ơ hoặc không quan tâm tới những đứa con của mình. Điều đó không giúp ích cho lắm. Quan trọng hơn nhiều so với việc biết ơn God là biết ơn con cái và tạo tác của Ngài. Điều này dẫn tới kiểu biết ơn thứ hai.
3.2 Biết ơn người khác
Tình yêu và lòng biết ơn là đôi tri kỷ; hạnh phúc và sự đồng điệu là con cái của họ. Không thể bày tỏ lòng biết ơn trừ khi bạn chấp nhận rằng ai đó đã làm một việc gì đó cho bạn. Nếu bạn cảm thấy, từ bản ngã hoặc sự vô minh, điều đó là quyền lợi của bạn, bạn sẽ không thể cảm nhận được lòng biết ơn. Do đó, bạn sẽ không trải nghiệm được bất cứ một niềm hạnh phúc nào, ít bình an và phúc lạc hơn nhiều. Bất kỳ một mối quan hệ nào với lòng biết ơn hiện diện bên trong nhất định sẽ nảy nở. Lòng biết ơn không phải lúc nào cũng là những nghĩa cử cao đẹp, nó có thể bao gồm từ một lời cảm ơn chân thành đến một hành động từ bi phi thường. Điều quan trọng cần nhớ là bạn phải bày tỏ lòng biết ơn một cách có ý thức mà không mong cầu sự báo đáp; điều đó khó nhưng có thể làm được. Lòng biết ơn đích thực khiến một người rộng lượng, từ bi và yêu thương vô hạn.
Thực hành lòng biết ơn giúp mang lại sức mạnh cảm xúc mãnh liệt. Nếu bạn là người mạnh về cảm xúc, bạn có thể thành tựu trong bất cứ việc gì, bất cứ điều gì. Lòng biết ơn khiến cảm xúc bạn thuần khiết và sự thuần khiết đó sẽ cho phép bạn yêu thương vô điều kiện.
Đức tính #4: Đồng cảm
Nhưng sự đồng cảm có nghĩa là chỉ có mặt ở đó. Nó là nghệ thuật trong việc xoa dịu nỗi đau của người kia bằng cách hiện diện bên cạnh họ với thái độ ít phán xét nhất. Đồng cảm là trở thành một người giỏi lắng nghe.
Tự nhiên đã ban cho chúng ta một cảm xúc phi thường, sự đồng cảm. Nó là hạt giống của lòng từ bi. Nói đơn giản, sự đồng cảm là một nỗ lực chân thành để nhận thức thế giới từ góc nhìn của người khác. Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để nhìn thấy chính xác họ bị tổn thương ở đâu. Sự đồng cảm yêu cầu chúng ta làm trống tâm trí và lắng nghe người kia với sự hiện diện trọn vẹn. Sự thấu hiểu sẽ không thể xảy ra trừ khi chúng ta tiếp thu tất cả những gì người kia đang cố gắng truyền đạt.
Bạn không cần phải cảm thấy chắc chắn để đưa ra hành động cụ thể. Làm ngược lại thì hiệu quả và thực tế hơn; hãy đưa ra hành động cụ thể và bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được chuyện đó. Sự đồng cảm là một hành động trước khi nó trở thành một cảm xúc. Tuy nhiên, bạn không thể phát triển cảm giác đồng cảm nếu không nhạy cảm với những người xung quanh. Trên thực tế, thật khó để rèn luyện bất cứ đức tính nào nếu như không có một mức độ nhạy cảm.
Một thiền giả tốt luôn luôn ý thức về thân, khẩu, ý. Một trong những phần thưởng tốt đẹp nhất của việc thiền định đó là nó sẽ giúp bạn trở nên nhạy cảm hơn. Nó là một hệ quả hiển nhiên.
Nhạy cảm chính là nhận biết điểm khác biệt giữa sự cương quyết (emphatic) và sự đồng cảm (empathic). Như người ta thường nói, hãy quyết tâm cư xử nhẹ nhàng với người trẻ tuổi, trắc ẩn với người lớn tuổi, cảm thông với người biết phấn đấu và bao dung với người yếu đuối và lầm lỗi. Đôi khi trong cuộc đời mình, bạn sẽ là tất cả những người này.
Đức tính #5: Khiêm nhường
Khi bạn bắt đầu cởi bỏ cái tôi, bạn trở nên khiêm nhường một cách tự nhiên. Một tâm trí khiêm nhường là một tâm trí tốt đẹp. Đối với việc thành tựu và phát triển tâm linh, nó sẽ dễ tiếp thu hơn nhiều so với một tâm trí bản ngã, bất kể là đã học nhiều như thế nào.
Đức tính #6: Đức tin
Đức tin được thiết kế nhằm cung cấp cho bạn sự tự tin, can đảm để sống cuộc đời bạn cùng với ân sủng và niềm tin. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể chỉ xưng tội và trả xong nghiệp xấu, đúng hơn là, chúng ta nên kiên quyết hành động đúng đắn ngay từ ban đầu.
Đức tin là sự hiểu biết rằng không phải việc gì cũng nằm trong tầm kiểm soát của mình. Tôi sẽ làm tất thảy mọi việc trong khả năng, để hoàn thành bất cứ việc gì tôi có thể, những việc nằm trong tầm kiểm soát và giao phó phần còn lại cho quyền năng của vũ trụ vô hạn.
Như Reinhold Niebuhr đã viết trong The Serenity Prayer (TD: Lời nguyện cầu thanh thản),
“Mong Thượng Đế, ban cho tôi sự thanh thản để chấp nhận những điều tôi không thể thay đổi, lòng can cảm để thay đổi những điều tôi có thể, và trí tuệ để nhận biết được sự khác biệt.”
Tác giả: Om Swami, A Million Thoughts
Biên dịch: Quang Lý
Hiệu đính: Prana
Photo: Dave Lowe on Unsplash