27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tản mạn về cái tên

Featured Image: Kristi Fräzier

 

Để mở đầu tôi xin trích lại một đoạn trong quyển “Tôi là Bêtô” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh (một trong những tác giả tôi hâm mộ từ bé xíu):

Tôi là Bêtô.

Tôi chưa bao giờ tự gọi tên tôi. Hôm nay là lần đầu và tôi ngạc nhiên nhận ra mình tự gọi tên mình rồi lim dim mắt lắng nghe cái âm thanh vừa thân thiết vừa bổng nhiên lạ lẫm đó ngân nga trong tai là một điều vô cùng thú vị.

Nếu không tin bạn hãy thử gọi tên bạn một lần đi, bạn sẽ thấy lòng bạn nẩy mầm một cảm xúc gì đó như là sự trìu mến, nỗi hân hoan và niềm kiêu hãnh – cùng một lúc.

Đó cũng là một trong vô vàn những điều thú vị mà cuộc sống cố tình giấu kín ở ngóc ngách nào đó trong tâm hồn của mỗi chúng ta theo cái cách các bậc cha mẹ vẫn giấu quà tặng con cái ở những nơi bất ngờ nhất trong nhà.

Vai trò của cái tên

Mỗi một con người hay rộng hơn là một địa danh, đồ vật, hiện tượng, sự vật… đều có một cái tên. Có bao giờ bạn tự hỏi cái hình ống tròn tròn có đáy bàn cầm trên tay tại sao được gọi là cái cốc. Tai sao bạn tên là A, chứ không phải là B hay C. Thành phố bạn đang ở tên là Hà Nội chứ không phải là Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Giống như việc để trả lời cho câu hỏi “bạn là ai” trong lần gặp mặt đầu tiên, bạn thường giới thiệu tên mình trước khi giới thiệu tuổi tác, nơi ở, địa vị...

Hẳn cái tên được sinh ra là để phân biệt giữa người này với người kia, địa danh này với địa danh khác. Cho dù đó không phải là sự phân biệt hoàn toàn rạch ròi, vì trên trái đất này có vô vàn người trùng tên cũng như việc có thể có hai thành phố Hà Nội, ở một thế giới song song chẳng hạn (!) Nhưng ít ra nó cũng phân biệt được người A với người B bên cạnh, hay ở thế giới bạn đang sống chỉ có một thành phố Hà Nội khác với một thành phố có tên Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi tin rằng ngoài vai trò để phân biệt, cái tên còn là minh chứng khẳng định cho sự tồn tại của một con người trên cõi đời này. Nếu bạn nào đã từng xem “Chihiro lạc vào thế giới linh hồn” của đạo diễn Miyazaki Hayao hẳn sẽ không quên phân đoạn khi Chihiro buộc phải ký kết một giao kèo với Yubaba, bà ta đã lấy đi tên thật của Chihiro và trả lại cái tên “Sen” ( ký tự đầu trong từ ” Chihiro” của nghĩa là “một nghìn”) nhằm làm cho cô bé quên mất tên thật của mình và phải làm việc suốt đời ở phòng tắm.

Điều đó khiến tôi cảm giác như Yubaba đã hoàn toàn biến một cô bé Chihiro tự do, được sống hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ba mẹ ở thế giới loài người trở thành cô bé giúp việc ở thế giới linh hồn tên Sen. Từ đây, em sẽ quên mất thân phận thật sự của mình mà chỉ biết lầm lũi làm việc quần quật dưới sự bóc lột của Yubaba. Đối với Chihiro mà nói, bản hợp đồng với Yubaba chẳng khác nào văn tự bán linh hồn cho quỷ dữ, em bị mất đi thứ quý giá và thiêng liêng, thứ cơ bản chứng tỏ sự tự do cơ bản nhất của một con người. Vì có thể người ta không có nhà , không có gia đình, không có tài sản, vật chất nhưng ít nhất cũng phải có một cái tên đúng nghĩa.

Đặc biệt, cái tên còn là sự kỳ vọng, mong đợi của những người làm cha làm mẹ đối với đứa con cưng của mình. Hay đơn giản là để kỷ niệm một sự kiện đặc biệt nào đó.

Và những câu chuyện xung quanh cái tên thì lại là những câu chuyện dài khác…

Cách đặt tên

Ngày xưa các cụ thường đặt tên con thật xấu như Chắt, Hĩm, Cu…. vì theo quan niệm cũ, tên càng xấu ma quỷ không dám đến gần, càng dễ nuôi. Bao giờ đi học cần cái tên chính thức thì mới đặt tên đẹp. Còn ngày nay cha mẹ đều muốn đặt tên thật đẹp thật kêu cho con như muốn nói lên kỳ vọng, mong muốn của họ đối với đứa bé mới chào đời. Nếu muốn con trở thành một cô gái xinh đẹp, hiền dịu thì đặt tên là Ngọc Hân, Diễm Lệ, Thùy Chi… Muốn con trở thành một chàng trai mạnh mẽ tài giỏi thì đặt tên là Trí Dũng, Huy Hoàng, Anh Tuấn… Muốn tên con thật bay bổng lãng mạn thì đặt tên là Thiên Di, Thiên Lam, Mai Sương… Rồi con gái thì thường có chữ ” Thị” , con trai thường có chữ “Văn”. Họ của người Kinh thì thường bắt đầu với Trần, Nguyễn, Đỗ… người dân tộc thì có A, Hơ , Ma, Ong…

Một số trường hợp khác lại đặt tên để kỷ niệm một sự kiện nào đó, như trường hợp của mẹ tôi. Năm 1965 – thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang trong thời kỳ ác liệt nhất, bà ngoại sinh mẹ vào thời điểm máy bay Mỹ bỏ bom tại cầu Cầm ( Đông Triều, Quảng Ninh), ông đã đặt cho mẹ cái tên là Mỹ như để kỷ niệm cái đêm đầy khói lửa ấy. Còn tôi thì luôn thắc mắc tại sao ông bà lại đặt tên mẹ là Mỹ mà không phải là Cầm, Mỹ Cầm. Cái tên đẹp đấy chứ!

Kết

Quay lại với đoạn được trích dẫn ban đầu, đã bao giờ bạn tự gọi tên mình hay đã từng tìm hiểu ý nghĩa tên mình là gì chưa. Tôi rất yêu cái tên của mình, kể cả nếu như tôi được quyền thay đổi, tôi vẫn chọn cái tên ấy. Không giống như đa phần các bậc phụ huynh muốn đặt tên con thật ý nghĩa thật sang trọng, ba tôi chỉ đơn giản đặt tên tôi là An, có chữ A đứng đầu để mai này đi học, đi làm lúc nào tôi cũng được xếp đầu trong bảng danh sách. Sau này khi đủ lớn, tôi thử tìm hiểu cái tên của mình, càng tìm hiểu tôi càng thấy yêu mến cái tên đó hơn.

An có nghĩa là yên bình, an ổn, không có sóng gió. Và bất ngờ hơn trong cấu tạo chữ Hán, An được cấu thành từ bộ Gia (nhà) và bộ Nữ. Không biết có phải là định mệnh hay không khi đúng là ba tôi luôn mong tôi trở thành một cô gái đủ tam tòng tứ đức, hiền dịu và đảm đang, một mẫu người của gia đình. Dù thực sự tôi khá bướng bỉnh và lập dị, không đáp ứng được những kỳ vọng của ba nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn luôn mong cuộc sống của mình luôn bình an và yên ổn.

Nhưng cho dù bạn có cái tên như thế nào thì chính bạn mới là người quyết định khiến cho cái tên tỏa hương khiến ai mỗi lần nhắc đến đều với niềm ngưỡng mộ và sự yêu thương như Quang Trung, Hồ Chí Minh, Bill Gates,… Khiến người ta ghê sợ và khinh miệt như Lê Văn Luyện , Trần Đức Nghĩa. Hay gây cho người ta cảm giác hài hước như cái tên Nobita (trong tiếng Nhật “Nobi” nghĩa là quá, “Ta” nghĩa là thông thái thông minh, trong khi sự thực Nobita là cậu bé hậu đậu, lười biếng).

Vậy nên, chính bạn là người quyết định bạn trở thành người thế nào chứ không phải là cái tên!

 

Hạ An

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Theo nghĩa chiết tự, chữ An trong tiếng Hoa có nghĩa là: khi người Con gái chỉ ở trong Nhà, thì mọi việc sẽ yên ổn, an vui, và mọi người an tâm vì xã hội sẽ an bình…. Đấy là quan niệm Trọng Nam, Khinh Nữ xưa kia, cho tằng Con gái và Phụ nữ chỉ nên ở trong Nhà để lo bếp núc , nữ công gia chánh…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI