26 C
Nha Trang
Thứ ba, 10 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tại sao chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và đề xuất cấm xe máy tại Việt Nam gặp thất bại?

Việt Nam đã thất bại trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và thực hiện đề xuất cấm xe máy ở các đô thị. Chúng ta luôn nghĩ rằng cái nghèo là lý do đã dẫn đến sự thất bại này, khi chuyện dọn dẹp vỉa hè đụng chạm tới lợi ích của người bán hàng rong hay việc cấm xe máy làm cho người dân không đủ tiền để mua ô tô. Thật ra, đó không phải là lý do dẫn đến sự thất bại này. Và chúng ta nên biết rằng, trước khi chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và đề xuất cấm xe máy ra đời, hàng loạt báo cáo, thống kê được công bố từ những nhà chuyên môn quy hoạch đô thị. Họ đã nghiên cứu rất kỹ về tình hình kinh tế, điều kiện dân cư, những mặt hạn chế và lợi ích dưới góc nhìn quy hoạch cực kỳ khoa học. Nhưng tại sao họ vẫn thất bại?

Họ chỉ dựa trên hàng loạt thống kê, số liệu, góc nhìn khoa học kỹ thuật mà bỏ qua góc nhìn xã hội học. Đó chính là sự liên quan về con hẻm dưới chiều kích xã hội học chức năng. Đó chính là điểm mấu chốt về quy hoạch đô thị mà giới chuyên môn Việt Nam bỏ qua.

KoE
Sponsored

Thật sự mà nói, quy hoạch là một vấn đề cực kỳ khó đối với các đô thị tại Việt Nam. Có dịp đi nhiều nơi, quan sát nhiều, tôi thấy rằng không nơi đâu nhiều hẻm bằng Việt Nam. Ban đầu, tôi tưởng đây là một hạn chế nhưng cuối cùng tôi nhận ra đây là một “hạn chế đặc trưng của đô thị Việt Nam” Tôi nghĩ rằng đây chính là điều liên quan đến sự thất bại của hai tiền đề tôi giả định ở trên, đó là sự thất bại trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và đề xuất cấm xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam là một trong những nước có cơ cấu đô thị phức tạp, dân số đô thị ở Việt Nam tăng mạnh, có khi cao hơn tất cả các nước khu vực, như Indonesia, Malaysia,… Việc gia tăng dân số đô thị này gây rất nhiều khó khăn trong việc quy hoạch đô thị. Khi nhìn sang những đất nước khác, bao gồm Ấn Độ, chúng ta sẽ thấy rằng những đô thị tại các quốc gia này có xu hướng phân cực rõ rệt. Những khu nằm trong quy hoạch sẽ phát triển đầy đủ tiện nghi và nơi đó chỉ dành cho người giàu có. Ngược lại, những khu nằm ngoài quy hoạch sẽ trở thành những khu ổ chuột, tồn đọng những tệ nạn. Nhưng ở Việt Nam, những khu ổ chuột hạn chế hơn nhiều. Không phải vì công tác quy hoạch tốt, mà do kết cấu đô thị của Việt Nam riêng biệt nên vô tình hạn chế hiệu ứng ổ chuột này.  Sự riêng biệt tôi muốn nói ở đây chính là những con hẻm.

Ở Việt Nam, quá trình quy hoạch đô thị khác so với các nước. Có nghĩa là nhà có trước khi đường xá xuất hiện, bao gồm những khu đất lớn được gia đình sở hữu sau chia nhỏ ra cho con cái hoặc chia nhỏ để bán. Cộng thêm sự kết hợp của văn hoá “tình làng nghĩa xóm”, đô thị Việt Nam trở nên có nhiều hẻm. Nhà trong hẻm sẽ phù hợp với mức thu nhập của người dân, khi họ muốn sở hữu nó. Chưa kể, người Việt có tâm lý không thích ở chung cư. Chính vì thế, sự yếu kém trong quy hoạch của chính quyền đã vô tình dẫn đến một hiệu ứng tích cực cho đô thị Việt Nam là hạn chế được những khu ổ chuột.

Những con hẻm xuất hiện nhiều bắt đầu gây khó khăn cho việc mở rộng đường xá, vì việc giải quyết đền bù vô cùng phức tạp. Nó gây hàng hoạt hệ luỵ sau này và ảnh hưởng đến việc sở hữu xe máy. Không phải người Việt không đủ tiền sở hữu được một chiếc ô tô, mà vì xe máy là giải pháp tối ưu hơn nhiều trong bối cảnh sống tại đô thị. Đường xá Việt Nam nhỏ hẹp, chồng chéo nên việc lưu thông bằng xe máy vẫn luôn là lựa chọn số một. Chưa kể, hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam vẫn còn kém phát triển.

Tiếp theo, Việt Nam vẫn còn nặng nề kiểu kinh doanh tiểu thương, có nghĩa buôn bán nhỏ lẻ bao gồm bán hàng rong. Kinh doanh tiểu thương ở Việt Nam chúng ta có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi từ vỉa hè cho đến con hẻm. Nên sự tác động qua lại giữa chức năng của con hẻm, xe máy và kinh tế tiểu thương đã tạo thành một thế chân vạc cho đô thị Việt Nam.

Nên từ đó tôi cho rằng Việt Nam thất bại trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và đề xuất cấm xe máy nó có sự liên quan đến con hẻm. Nói đúng hơn là chính quyền chưa nhìn nhận thấu đáo chức năng xã hội học của con hẻm, xe máy và kinh tế tiểu thương.

Quay lại thực tế, chiến dịch vỉa hè thất bại không phải việc đụng chạm kinh tế tiểu thương mà do đụng chạm về vấn đề lợi ích, bao gồm cả lợi ích kinh tế về những bãi giữ xe. Chưa kể, việc dọn dẹp vỉa hè đụng chạm đến văn đề văn hoá xã hội. Trước khi thực hiện chiến dịch này, chúng ta cần bước đầu tiên là công tác xây dựng, có nghĩa là quy hoạch vấn đề hàng rong và các bãi giữ xe trước, sau đó đến áp dụng các hình thức tuyên truyền và cuối cùng là thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Song song đó là vấn đề cấm xe máy. Người lãnh đạo cần nhìn về đô thị Việt Nam, về cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng. Muốn cấm xe máy, trước tiên, chính quyền cần nâng cấp hệ thống giao thông công cộng để người dân cân bằng lợi ích giữa việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng. Việc tiếp theo sau đó là mở rộng về mặt đô thị, đường xá và nâng cấp cơ sở hạ tầng; rồi cuối cùng là tiến khoanh vùng cấm xe máy.

Ngoài ra, tôi muốn nói thêm về vấn đề nêu cao trọng tâm phát triển vùng, để giảm tải tình trạng di dân thiếu kiểm soát từ các khu vực khác về đô thị để tạo hiệu ứng cánh bướm tác động tới đô thị trong những năm tiếp theo. Đa phần chúng ta không nhìn từ vấn đề nhỏ, chúng ta chỉ biết đến tác hại khi bờ bên kia có bão mà thôi.

Ví dụ khi nói đến Thành phố Cần Thơ khu vực trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ không thể phát triển những khu công nghiệp tại đây được. Đây phải là nơi tập trung giao thương. Việc Cần Thơ cần quan tâm là thúc đẩy giao thương tốt bằng cách tạo cơ chế tích cực cũng như cơ sở hạ tầng, phát triển những lĩnh khác như thương mại, giáo dục và khoa học; còn khu công nghiệp nên chuyển cho các tỉnh lận cận Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long,… Cần Thơ nên tạo một thế phù hợp với hình ảnh một trung tâm.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề khác, không thể phát triển một cách toàn diện như vấn đề tôi trình bày. Vì ở đây đã “kín bít” bao gồm nghĩa đen lẫn cả nghĩa bóng. Việc mở rộng đường xá sẽ cực kỳ khó khăn. Riêng thành phố chỉ cần nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại, phương tiện giao công cộng và mở rộng sang các khu vực tương đối mới để dồn sự tập trung về đó, như việc thành phố đang ưu tiên cho quận 2. Thêm đó, thành phố cần một cơ chế tương đối đặc thù để phù hợp, vì đây là một trong những vùng trọng điểm của khu vực phía Nam nó sẽ tác động đến các khu vực lận cận, thậm chí cả nước. Đối với thành phố Hồ Chí Minh, những nhà lãnh đạo không nên vội vàng cấm đoán mà nên đẩy nhanh về vấn đề xây dựng.

Trong tương lai, việc đô thị hoá dân số tại Việt Nam sẽ gia tăng. Nếu bây giờ chúng ta không quan tâm thì về sau quy hoạch sẽ càng khó khăn. Phản biện là việc mang tính xây dựng. Chúng ta hãy xem biện chứng là một thứ mà chúng ta cần phải có tiền đề, phản đề và hợp đề.

Tác giả: Đỗ Sơn Trà

*Featured Image: Quangpraha
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,910Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI