Featured Image: Bìa sách “Người Truyền Ký Ức”
Người Truyền Ký Ức – Cuốn sách gây ấn tựợng mạnh với tôi không chỉ bởi cái tên mà còn là hình ảnh trang bìa, một màu xám nhợt nhạt của khung nền cùng với hai đôi bàn tay, một gầy guộc và một non trẻ đựợc làm nổi bật bởi sắc đỏ tươi của quả táo. Tò mò là điều đầu tiên tôi cảm nhận từ cuốn sách và ngay từ trang sách đầu tiên càng làm cái cảm giác đó được tô đậm.
Đọc xong cuốn sách này, tôi không rõ tâm trạng, cảm xúc của mình là như thế nào. Tôi dường như muốn nhiều hơn, muốn cuốn sách này dài thêm hay đại loại như thế, cậu chuyện cần được nối tiếp. Trong đầu tôi cứ suy nghĩ về phần tiếp theo cho câu truyện, có lẽ tôi sẽ thử viết tiếp câu chuyện này.
Một thế giới tưởng tượng được viết cho một tương lai xa xôi không có thực, tôi mong là như vậy, chính cái ý nghĩ này dường như quấn lấy và bám riết những suy nghĩ của tôi sau khi kết thúc chặng đựờng ngắn ngủi của Jonas trong Người Truyền Ký Ức.
Cậu được chọn một cách đầy bất ngờ để trở thành Người Kế Nhiệm, điều mà mọi ngừơi trong cộng đồng đều cho là vinh dự, nhưng đối với cảm nhận của riêng tôi là một may mắn đầy hạnh phúc. Cậu có cơ hội để thực sử trở thành khác biệt, để sống đúng nghĩa và để trải nghiệm toàn vẹn cuộc sống của một con người thực sự. Chính điều này là điều mà bản thân tôi muốn câu chuyện được tiếp tục với cậu bé Gabriel, hình ảnh của cả một thế hệ mới được thực sự sống để trải nghiệm bằng chính bản thân mình chứ không phải qua lời kể. Thế nhưng cậu chuyện dừng lại ở một kết thúc mở, điều mà tôi cho đó là chưa hoàn chỉnh, một câu chuyện còn dang dở.
Xuyên suốt câu chuyện, ngay từ những trang đầu tiên, từ “phóng thích” đã làm tôi thực sự bị ám ảnh, câu hỏi luôn thường trực riêng về từ ngữ này. Phóng thích, tại sao bị phóng thích và phóng thích đi đâu? Để rồi cuối câu chuyện tôi khám phá ra được sự thật nghiệt ngã đằng sau cái từ thường bị cộng đồng hạn chế.
Ban đầu, cảm nhận của mình về cộng đồng này thực sự ấn tượng. Đúng như cuốn sách giới thiệu, một cuộc sống mọi người thừong mong muốn, yên bình (đến quá mức), có lẽ là cuộc sống xã hội chủ nghĩa. Thế rồi lật giở từng trang sách làm suy nghĩ của tôi cũng thay đổi theo từng câu chữ trong đó.
Tôi thích nhất đoạn trao đổi giữa Jonas và Người Truyền Thụ về màu sắc, sự lựa chọn và bản chất của sự chọn lựa. Lúc chính bản thân mình đưa ra quyết định, có thể đúng, có thể sai nhưng chính bản thân phải chịu trách nhiệm về cái sự không chắc chắn này. Còn ở thế giới của Người Truyền Ký Ức, con người được an toàn trong mọi thứ đơn giản vì mọi chuyện đã được sắp đặt và mọi người chỉ cần tuân theo những cái chỉ dẫn đó để sống an toàn và yên ổn.
Jonas thì khác, cậu đã được chọn lựa để thấy được thế giới nhưng cũng phải đón nhận những điều đau đớn về thể xác mà cộng đồng muốn né tránh, vì vậy mà tôi cho rằng Jonas may mắn và hạnh phúc tuy cậu phải trải nghiệm sự đau đớn. Bỗng nhiên tôi ngẫm lại bản thân và những người bạn xung quanh mình cùng thế hệ tại cái thời điểm chúng tôi chọn lựa để chuẩn bị cho những bước chân sau này bước vào đời, tuổi mười tám và bốn năm sau đó, cái tuổi hai mươi hai. Càng ngẫm tôi có thể hiểu tại sao cuốn sách này lại được đưa vào chương trình giảng dạy tại Mỹ theo như cuốn sách giới thiệu.
Cảm xúc vẫn còn chông chênh, hy vọng tôi sẽ tiếp tục với phần kết mình dự định. Sống và chịu trách nhiệm hơn với chính mình là một phần nhỏ từ cuốn sách mà tôi đúc kết.
Kite Sky