Photo: ShelSerkin
Tôi đã quen thuộc với thành phố nơi tôi đang ngồi, thành phố của những hồ nước đi vào thơ ca đầy thơ mộng. Những hồ nước là nơi lý tưởng cho các cặp tình nhân hẹn hò và tạo dáng các kiểu yêu nhau; là khu vực kiếm sống của các chú nhỏ lang thang nhằng nhẵng bám theo khách du lịch; là thiên đường tập dưỡng sinh cho các ông bà già; là nguồn cảm hứng dạt dào cho các tâm hồn lãng mạn ngắm sương giăng trong bóng chiều buông.
Thành phố có những đại lộ ngập lá vàng rơi vào mùa thu và những dãy phố ngập nước mênh mông trong những ngày mưa lớn. Những đại lộ ngập lá vàng rơi có những chú cảnh sát áo vàng đứng ở góc chếch ở mỗi ngã tư cần mẫn hít bụi đường, khói xăng và vô vàn các âm thanh ồn ĩ. Những dãy phố ngập nước vào mùa mưa đan vào nhau như những ô bàn cờ, san sát những gian hàng sặc sỡ, những văn phòng du lịch bóng lộn và xa hoa ở mặt tiền tầng một, còn đằng sau và bên trên là những mái ngói lô nhô phủ một mầu thâm trầm của thời gian.
Nếu chỉ đứng trên con đường nhộn nhịp, sẽ không nhìn thấy đủ ngã tư, bởi những tòa nhà lố nhố, lô xô, hiện đại, cổ điển đan xen. Mặc dù biết chắc chắn đây là ngã tư, dẫn tới những con đường quen thuộc nào, nhưng rẽ chỉ là một hành động quen thuộc, chứ chưa khi nào nhìn trọn vẹn những con đường trong tầm mắt. Thành phố quen thuộc, con đường quen thuộc, hồ nước quen thuộc, quảng trường quen thuộc. Nhưng một chiều, ngồi trên ban công của một quán cafe, giật mình hứng trọn bốn luồng xe chảy về phía mình, giật mình nhìn những chuyển động của thành phố, ngỡ mọi cảnh vật như vừa lạ vừa quen.
Chuyển động của con người, những dòng xe qua lại ngược xuôi, trôi qua ngã tư nhỏ bé. Chuyển động của ánh sáng, nắng chạy từ bên này đường sang bên kia đường. Ánh sáng loang loáng chạy qua các lớp kính của những chiếc ô tô chạy qua, phản chiếu loang loáng vào trong quán. Chuyển động của âm thanh, tiếng ù ù của dòng xe chạy, tiếng trò chuyện, tiếng nhạc khi du dương, khi nhộn nhịp. Chuyển động của nhấp nhô, những mái nhà cao thấp lô nhô, những hàng quán thò ra thụt vào mái che xanh đỏ.
Muốn tìm một điểm, không biết nên gọi là điểm nhấn, điểm dừng hay điểm khác biệt, hay là một điểm gì đó khiến ta thấy nó khác với những cái rất dễ dàng đập vào cảm giác của ta. Là một mái ngói cổ xưa lạc vào trong một cấu trúc sặc sỡ của biển quảng cáo. Là một cái ống nước thò ra phía trước nhỏ tong tong không dừng. Là một cô gái ngồi lặng yên nghe nhạc, hay một người đàn ông ngồi chống cằm ngắm ra bên ngoài khung cửa sổ. Cô gái đi, ông già đến, thế vào đúng chỗ đó. Rồi ông già cũng đi, rồi người khác đến…
Dòng nước chảy long tong kia sẽ dừng, chắc chắn đến tối hoặc vài ngày nữa. Mái ngói nhấp nhô kia sẽ bị thay thế, chắc chắn trong năm tới hoặc vài năm tới, và những cái thâm trầm cổ xưa, làm sao không dám khẳng định vài năm nữa sẽ chẳng còn?
Thành phố này có gì thật sự đặc biệt cho ta nhớ hay không ngoài những bó hoa loa kèn tháng Tư của những gánh hàng rong? Tự dưng thấy thương những bông loa kèn. Thương đến là thương. Những mùa khác, tìm hoài mới có một hàng bán hoa loa kèn. Những bông hoa dài ngoằng và thân to đùng được bó diêm dúa trong giấy bóng kính đủ mầu.
Tháng Tư, ngày nào cũng gặp những chị bán hàng rong kẽo kẹt trên những chiếc xe cũ kỹ. Hoa được xếp thành bó giản dị đến khiêm nhường trong những chiếc rổ tròn và to đằng sau xe. Dường như thành phố này nếu không có những người bán hàng rong chắc sẽ mất đi một nét hồn quyến rũ. Biết là những biến cấm hàng rong đang được dựng lên đâu đó giữa thành phố tấp nập này.
Bỗng nhớ về một ngày tháng Tư, ngoại đang chọn mua những bông hoa loa kèn trắng bên đường. Chợt thấy cô bán hoa vôi vàng lên xe guồng thật nhanh trong khi ngoại chưa kịp trả tiền. Nhìn lại đã thấy chiếc xe của đội tự quản trở tới. Ngoại đứng đó với bó hoa loa kèn nặng trĩu trên tay.
Mấy ngày sau hai bà cháu nán lại đoạn đường đó lâu hơn, đợi cô bán hàng quay lại trả tiền hoa nhưng không thấy đâu. Mấy hôm ấy ngoại có vẻ buồn. Một hôm ngoại bảo: “Trong cuộc sống có nhiều người tủi cực lắm con ạ. Nếu không làm được gì giúp cho họ, thì ít nhất hãy cảm thông với họ, chứ đừng làm điều gì xấu cho họ, nghe con…”.
Mưa kéo màn buông qua ban công. Hai chiếc xích-lô đi qua. Tấm vài mưa mầu trắng trùm kín mít vẫn có thể nhìn thấy bên trong là người nước ngoài. Còn hai người đạp xích lô không hề khoác áo mưa, cứ thế đạp xe trong mưa. Cửa hàng phía trước cũng có hai người nước ngoài loay hoay dưới mái hiên. Một người khoác cái ba lô to đùng, một người đẩy cái xe nôi. Con phố ngắn mà ngày nào cũng đông người nước ngoài qua lại.
Góc ngay dưới ban-công hai người bán bánh mì co ro trong chiếc áo mưa mầu xanh và cái thúng cũng được bọc kín bằng vải mưa. Ngay bên cạnh là người bán giò chả cũng có một chỗ khiêm tốn với cái thúng nhỏ xíu, con dao nhỏ xíu, cái thớt nhỏ xíu. Ngay bên cạnh nữa nép dưới mái hiên chật hẹp ấy là bà bán nước chè, thuốc lá. Ba con người ấy, ngày nào cũng vậy, phục vụ liên hoàn cho bữa trưa của một số người quanh đó. Xung quanh, toàn các bar sang trọng, quầy cà phê, văn phòng du lịch, cửa hàng bán đồ truyền thống với mức giá dường như chỉ dành cho người nước ngoài. Thành phố cứ kỳ lạ như thế, giầu sang và nghèo hèn như thế, đan xen nhau trong từng ngõ ngách.
Nắng vén màn qua ban công. Trên đường Tây lững thững đi bộ từng tốp. Dưới phố lại nghe tiếng leng keng của những chiếc xích-lô. Xích-lô đầy đường. Xích-lô dành cho Tây. Cả tòa nhà cũ xỉn trước kia nay đã được thay thế bởi sắc mầu rực rỡ của chuỗi cửa hàng ăn nhanh mới mọc lên. Bên trong quán vang lên những bản nhạc ABBA được mix lại theo tiết tấu nhanh hơn.
Bỗng dưng, thấy mình đang ngồi trong một không gian nửa quen nửa lạ. Thấy mình rõ ràng đang ở thành phố của mình mà như là ở một nơi nào đó không phải quê hương mình. Có đôi lúc, những ký ức về những nơi chốn, về những con người cứ đọng mãi trong ta. Ta như bị mắc kẹt giữa sự mới mẻ luôn chuyển động không ngừng của cuộc sống bên ngoài với những ký ức bên trong ta. Và bỗng dưng, ta thấy mình đang ở giữa ngã tư thành phố lạ.
Đoàn Minh Hằng