Featured Image: Pink Sherbet Photography
Việc chúng ta cần làm, để có một nền giáo dục tốt, giống như bắt đầu lại từ đầu, từ một con số 0. Maria Montessori từng nói:
“Đừng học tôi, học trẻ con ấy.”
Nhưng người lớn dường như không theo kịp lũ trẻ, cũng chẳng chịu quan sát chúng. Anh ta thật sự chẳng hiểu gì về lũ trẻ cả, chẳng biết gì sất. Ngược lại, anh ta biết nhiều lý thuyết lắm. Điều đó có nghĩa là, người lớn tỏ vẻ như biết trẻ con cần gì, nhưng thực tế, anh ta lại hoàn toàn mù tịt. Nói cách khác, cốt lõi của giáo dục phải là chính TRẺ EM. Vì thế, nếu là giáo dục thực chất, thì nên được lấy cơ sở là trẻ nhỏ, chứ không phải là từ nhu cầu của người lớn.
Trẻ con được sinh ra với tiềm năng để sáng tạo, chúng cực kỳ sáng tạo, tò mò và ham quan sát. Và ở trường thì có hai điều có thể xảy ra: Hoặc là chúng ta phải theo dõi quá trình phát triển này và đưa ra các hoạt động nhằm kích thích các tiềm năng của trẻ, hoặc là ép buộc chúng theo khuôn khổ. Thực tế, chúng ta có thể nói rằng, bản chất của con người là luôn học hỏi. Hãy nhìn mà xem. Trẻ con liên tục hỏi bạn: “Tại sao lại thế này? Tại sao lại thế kia?” Không phải là bạn bắt chúng hỏi, mà tò mò và khám phá chính là bản chất của trẻ. Bọn trẻ có tất cả những gì cần thiết: Các giác quan, khả năng đánh giá và mô phỏng. Chúng có bộ não, có thể suy nghĩ, lý luận, tưởng tượng, sáng tạo và mơ mộng. Nhưng tất cả những gì trường học làm đối với bọn trẻ là: Trật tự, im lặng… Chúng bịt miệng tụi trẻ lại.
Vì thể, nếu bạn chịu để ý bạn sẽ thấy rằng, khi lớn lên, chúng bắt đầu mất hẳn sự tò mò và sự hứng thú với học tập. Một đứa trẻ 12 tuổi sẽ cực ít đọc sách sau giờ học, rất ít đứa làm thế. Vì sao? Bởi vì chúng phát chán với việc bị sai bảo nên làm cái này, không nên làm cái kia và vì chúng mất hết sạch sự hứng thú với việc học. Tâm trí của trẻ nhỏ với đầy đủ các phẩm chất cho việc học hỏi, và vượt xa khả năng ấy của người lớn. Bởi vì chúng tò mò và hứng thú một cách tự nhiên với bất cứ điều gì hiện ra trước mắt. Và đấy là cách tâm trí sáng tạo và phát triển chính nó.
Trong một vài năm, một đứa trẻ học cách kiểm soát cơ thể, có khả năng giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ, dấu hiệu, thấu hiểu các luật lệ của tự nhiên và các đặc điểm của văn hóa. Tất cả quá trình phức tạp và vô cùng kỳ diệu ấy diễn ra một cách vô thức. Chúng học tất cả những điều này một mình và tốn rất ít công sức.
Từ khi sinh ra, chúng đã có đủ khả năng để xây dựng và định hướng cho mình, học hỏi từ mọi thứ xung quanh, vừa chơi vừa khám phá thế giới. Khi một đứa trẻ ra đời, cơ chế sinh học không phải gò ép, buộc chúng phải trở thành người, điều chúng cần là một môi trường có tính nhân văn. Tất cả những gì xung quanh chúng đóng vai trò định hướng trong quá trình học: Những lúc gia đình quây quần bên nhau, khi mọi người đối xử với nhau… mọi thứ là một phần của môi trường, mà qua đó chúng phát triển chính mình.
Chúng ta cần đem lại loại môi trường như thế nào cho trẻ nhỏ để chúng phát triển một cách hoàn thiện nhất? Nếu chúng ta có một gia đình mà trong đó, tình thương không được biểu hiện chút nào, thì đứa trẻ dễ dàng nhiễm tính hung hăng. Không hoàn toàn, nhưng ý tôi là, trong một môi trường bạo lực, thì bạo lực sẽ dễ dàng sản sinh.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ngày nay, từ lúc 5 tuổi, 98% trẻ nhỏ phải được xem như là các thiên tài. Chúng tò mò, sáng tạo và có khả năng suy nghĩ theo nhiều hướng và tiềm năng giải quyết các vấn đề là cực lớn. Hay nói đơn giản, chúng có một tâm trí cực kỳ rộng mở. Vấn đề là đến năm 15 tuổi, chỉ 10% trẻ nhỏ là còn giữ được những khả năng ấy. Trong thế giới các sinh vật có ý thức có thể nói rằng, chúng ta hoàn toàn là những thiên tài. Và thật sự, điều mà các thầy cô cần phải biết, là học sinh của họ cần phải được tự do với toàn bộ tâm trí, để cho phép tất cả kiến thức, sự sáng tạo và các tiềm năng… mà chúng có bên trong, được bộc lộ ra ngoài.
Là con người, chúng ra là sản phẩm của hàng ngàn tiến hóa và chọn lọc tự nhiên. Chúng ta mang trong mình tất cả các phẩm chất để tồn tại, thay đổi chính mình và trưởng thành. Từ ham muốn được ăn khi đói, tới sự tò mò từ bên trong để khám phá thế giới. Tiềm năng này ngày nay đang đợi chúng ta cho phép để có thể bộc lộ. Hãy nhìn cách mà trẻ con nô đùa, thật tự nhiên và sinh động làm sao, tới những thiếu niên ngày nay, qua sự nổi loạn của chúng và nhu cầu muốn thay đổi thực tại. Tại sao chúng ta cứ khăng khăng triệt tiêu sự tự nhiên của chúng và trừng phạt sự nổi loạn này, trong khi những hẩm chất này đơn giản là cho chúng ta thấy rằng chúng phải được phát triển bản thể, và đáp ứng những nhu cầu bên trong tự nhiên của chúng.
Trẻ nhỏ có một người thầy bên trong, đặc biệt là những năm tháng đầu đời, khiến chúng học hỏi, tò mò và di chuyển, thúc đẩy chúng tham gia, làm việc và tái diễn các hành vi. Và chính những lực ấy giúp chúng quyết định khi nào thì dừng làm việc gì, bởi vì chúng đã hiểu hết về nó. Quan sát cách những đứa trẻ hành động, chúng tôi khám phá ra rằng, chúng sử dụng tất cả những phẩm chất của một nhà nghiên cứu cự phách, giống hệt những thiên tài. Rất tự nhiên, với tất cả các cấp độ phức tạp, phải không nào?
Không một đứa trẻ nào lại không quan sát, không một cậu bé nào lại không khám phá và thử nghiệm. Câu hỏi là chúng ta phải làm gì để kích thích chúng sáng tạo? Câu trả lời là chẳng phải làm gì cả, chúng vốn là như thế rồi. Tất cả những gì chúng ta phải làm là đem lại cho chúng các cơ hội để bộc lộ sự sáng tạo, bằng nhiều cách khác nhau. Nếu chúng được phép như vậy, nay mai thôi chúng sẽ là những nhà khoa học, những nghệ sỹ. Hãy cho chúng được là chính mình.
Thầy giáo nói với cô hiệu trưởng: “Bọn trẻ đang hoài nghi hệ thống giáo dục với điểm số, chúng cho rằng chúng ta chỉ quan tâm tới điểm mà không cần biết chúng tiếp thu được gì.” “Anh cũng cho là tụi nó đúng sao?” “Tôi chỉ không nghĩ là tụi nó hoàn toàn sai, có những điều chưa đúng lắm về cách giáo dục của ta?” “Vậy anh không nghĩ tất cả trở nên như vậy là do xã hội này sao? Còn ở trong xã hội này thì việc tốt nhất cho chúng là đến trường, và đi học”…
“Thưa cô, như cô yêu cầu, đây là toàn bộ những gì em được học trong 5 năm qua tại trường. Và cô biết sao không? Em sẽ quên hết. Thực tế mà nói thì, em đã quên hết rồi…”
“Micaela, hãy cho tôi biết tại sao em nhất quyết với bài phát biểu đó? “Bởi vì đó thực sự là những gì em nghĩ, em chỉ muốn bộc lộ suy nghĩ của mình, e muốn thế.” “Ôi em yêu, ai cũng thích làm những gì mình cảm thấy hứng thú và chúng ta đôi khi phải làm những điều mình không thích.” “Không, em xin lỗi, nhưng em không đồng ý như thế” “Ok, tôi hiểu em nhưng…” “Nghe này Micaela, em có muốn tốt nghiệp không? có bằng, có một cái nghề và trở thành một ai đó?” “Em vốn là một ai đó rồi thưa thầy.”
“Học không có nghĩa là nuốt chửng đủ loại ý tưởng, mà là sáng tạo và tái tạo lại chúng” – Paulo Freire
Cách mà giáo dục hiện nay vận hành, là nhồi nhét thêm các thông tin mà ta tin rằng chúng cần thiết. Tôi tự hỏi mình rằng: Chúng ta nhớ được bao nhiêu thứ từ trường học phổ thông? Với cách mà họ dạy và giảng, chẳng ai thấy hứng thú cả. Khi họ đọc gì đó và bắt tối phải đọc theo, tôi không nghĩ mình học được gì, tôi chỉ thấy mình là một kẻ bắt chước. Tất cả những gì mà chúng ta được học từ trường lớp, hết ngày nọ đến ngày kia, đều sẽ chìm dần vào lãng quên, nếu nó không phải là lựa chọn và quyết định của chính ta.
Trẻ con không phải là những con robot chỉ đơn giản là copy và nhắc lại. Thực sự bản thân chúng sẽ có ý thức về những gì mình làm. Những ý tưởng tới, trẻ con tiếp thu chúng, theo một cách nào đó qua trải nghiệm của chính mình. Nếu quá trình học hỏi không tạo được hứng thú, thì nó không phải là học thật sự. Và trên hết, thiên tài mà mỗi đứa trẻ mang trong mình sẽ không thể tự bộc lộ. Học hỏi thực sự chỉ có thể sinh ra từ sự thích thú, ý chí và cả sự tò mò và nguồn gốc của nó lại bắt nguồn từ những thứ vượt xa mọi lý thuyết. Nó rộng hơn mọi phân tích và các hình dung liên quan. Học hỏi là một quá trình sâu, nơi mà các mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh được thiết lập.
Một trái bóng tự tay mình làm là trái bóng “được”, một trái bóng vay mượn là trái bóng “mất”. Những gì chúng ta học được, chúng ta thu được qua việc làm. Chúng ta học bằng cách khám phá những điều tự nhiên, tìm kiếm, tìm tòi, thí nghiệm. Khi trong sự liên kết với tự nhiên, một đứa trẻ có thể làm bất cứ thứ gì. Như vậy, công việc của một nhà giáo dục là gợi mở các bí ẩn, tạo ra các hoàn cảnh trong tự nhiên, để mặc dù đã được mô tả bởi khóa học nhưng phải để học sinh tự giải thích. Bằng cách đó, học sinh sẽ rất ngạc nhiên và sẽ cố gắng để tự tìm ra đáp án cho riêng mình. Trong nhiều thập kỷ, đã có một mô hình trường học tên là “trường học động”, ở đó trẻ nhỏ bộc lộ, hành động và sáng tạo xa rời hẳn bàn ghế. Nhưng đấy không phải là điều gì mới cả, nó đã được Piaget nói tới từ thập niên 50, đơn giản là không được đem vào áp dụng, chỉ vì sự lười nhác.
Trong những năm đầu của thế kỷ 20, nhiều phương pháp sư phạm mới xuất hiện, đúc rút ừ nhiều lĩnh vực khoa học phát triển mà trọng tâm là hành động và thử nghiệm, tự do và cơ chế tự thân vận động của quá trình học, đổi mới tư duy toàn bộ cơ cấu của trường học. Nhưng đến giữa thế kỷ 20, tất cả những ý tưởng đột phá đó bắt đầu chìm dần vào quên lãng, bởi vì sự sợ hãi của các thể chế Chuyên Quyền. Vâng, các phương pháp ấy tập trung vào việc coi trẻ nhỏ là người học chính, một cách toàn diện. Một cách tự nhiên, phải có các vật dụng thực tế, cầm nắm được để trẻ có thể sử dụng và thí nghiệm.
Mọi thứ trong trường tiểu học đều có thể được thực tế hóa, mọi vật dụng đều là những thứ có thể lắp ghép và thí nghiệm. Cứ như vậy, tự trẻ nhận ra là nếu nó làm sai, thì vật dụng ấy sẽ bộc lộ và tự sửa lại. Thường thì, người lớn không nên đứng ra để sửa cho trẻ, mà phải để chính đứa trẻ tự sửa sai. Ngày nay, chúng ta có thể thấy trẻ con tự sửa sai cho nhau. Tôi tin rằng, đứng từ quan điểm giáo dục, thì lỗi và sai sót phải được đón nhận, như thực tế khoa học có nhiều sai lầm và lỗi hơn là các câu trả lời đúng. Bình thường chúng ta cho rằng mình đang tiến lên, khi chúng ta thành công, nhưng thực ra, chính sai sót mới là tiền đề để khoa học tiến triển.
Chúng ta nên nói với trẻ rằng: Chẳng quan trọng nếu em mắc lỗi hay sai sót, vì em đang học, bởi vì chẳng có ai là kẻ thắng cuộc ở đây cả, tất cả chúng ta ở đây là để học hỏi.
Edison khi phát minh ra bóng đèn điện đã thử nghiệm và sai sót hàng ngàn lần trước khi thành công. Khi một nhà báo hỏi ông ấy là cảm thấy thế nào khi sai sót cả hàng ngàn lần, ông đơn giản đáp lại: “Tôi chẳng vấp ngã cả ngàn lần, nhưng bóng đèn điện là một sáng chế tốn hàng ngàn bước.” Cũng giống như các khám phá khoa học, giáo dục bất quy tắc là kết quả của một quá trình đầy biến động, mà ở đó một người tìm kiếm các giải pháp thay thế, các quy tắc logic và nhân quả giữa hỗn độn và quy luật. Nhưng phương pháp học này được sinh ra từ thắc mắc khi đối mặt với những hỗn độn, chứ không phải từ một câu trả lời theo quy tắc có sẵn.
Khi chúng ta sinh ra, xã hội này khiến chúng ta ngu dốt vì chúng đem tới toàn là những câu trả lời. Nó cho chúng ta những câu trả lời được thêu dệt sẵn, từ triết học, chính trị, thậm chí là tôn giáo. Vì thế, nó hủy diệt sự hoài nghi và khả năng học hỏi. Trường học cũng vậy, nó toàn cho chúng ta câu trả lời, trong khi thực chất của giáo dục thì nó phải khiến cho chúng ta hoài nghi và tìm tòi. Một nhà giáo cần làm gì? Anh ta cần giúp sức để khơi gợi tìm tòi, chứ không phải là áp đặt một câu trả lời.
Tầm quan trọng của việc hoài nghi và đặt câu hỏi đã tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại, nơi khai sinh Triết học, ở đó, việc học nổi lên từ thay đổi tư duy và trao đổi lẫn nhau. Nhưng nếu đó là bản chất của việc học, thì tại sao chúng ta lại cứ khăng khăng việc áp đặt, giới hạn, quy ước và phân loại chúng? Vì thế, thời gian ở trường, hóa ra lại là thời gian đánh lạc hướng, và ép buộc chúng ta tin vào một chương trình định sẵn. ý tưởng rằng học sinh phải tiến triển, tuân theo cách mà chương trình học đã đề ra trước.
Thường thì, mục tiêu giáo dục trong thế giới hiện nay là chẳng đếm xỉa gì tới học sinh và trẻ nhỏ. Dần dần, lũ trẻ tin rằng việc học là để đáp ứng các lực tác động bên ngoài, chứ không phải nội tâm. Chẳng hạn, tôi phải học để qua kỳ thi, để cạnh tranh tìm việc…
Nếu ta không khuấy động sự thích thú, nếu ta không kích thích sự sáng tạo của trẻ. Ta đang tạo ra các robot với những mục tiêu, và vì thế, thường là 60-70% trẻ em với tiềm năng tuyệt vời bên trong sẽ rơi rụng phía sau. Rồi khi chúng ta lớn lên, nhà trường và xã hội lèo lái chúng ta tới những mục tiêu và động cơ bên ngoài, và chúng ta chẳng thể hiểu nổi là một người có thể làm điều gì đó mà không quan tâm tới lợi lộc thu lại, tất cả chẳng qua là từ nội tâm. Nhưng nếu trẻ nhỏ chẳng hướng tới điều gì cụ thể, nó chỉ đơn giản là tận hưởng việc trưởng thành, nó chỉ bước đi vì sự vui thích của việc đi bách bộ và khám phá, và đó lại chính là điều đem lại sự phát triển cho chúng. Giáo viên không nên là ngôi sao sân khấu, họ chỉ nên là người hướng dẫn, kiểu cầu nối, họ có liên kết nào đó với kiến thức, và tự kiến thức sẽ tạo ra sức hút, tự vận hành theo cách của từng học sinh. Chẳng một áp lức nào buộc trẻ phả đặt được mục tiêu trong một quãng thời gian cụ thể.
Cơ bản, có hai phương thức, một là phải rèn trẻ theo văn hóa, hai là phải thay đổi văn hóa để thích nghi với trẻ. Nói cách khác, một là đi theo lề trái hoặc phải, đơn giản chỉ vậy, nhưng nơi nào đó ở giữa, mới là sự thật. Trường học hiện nay được xây dựng trên nền tảng là ý tưởng cơ bản, bao trùm toàn bộ cơ cấu: Ý niệm rằng trẻ nhỏ như một tờ giấy trắng và hệ quả, là tính cá nhân của nó có thể bị tháo rời và lắp ghép lại, bóp méo tùy theo nhu cầu ngoại cảnh. Đứa trẻ được xem như một đối tượng để nghiên cứu, một con chuột bạch, bên trong một phòng thí nghiệm, một quá trình xã hội hóa, trong suốt lịch sử, mà mục tiêu chính là định hướng, tạo ra một con người khác.
Đây hẳn rất là nhân bản, hay không phải vậy, khi tin rằng rừng cây sẽ bị hại nếu chúng ta không chăm sóc chúng? Không, cứ để mặc chúng là đủ, luôn luôn là vậy. Và tất cả rừng cây chúng ta bỏ mặc vẫn sẽ tồn tại bởi vì con người không can thiệp vào. Một hạt giống ẩn chứa trong mình tất cả những thông tin cần thiết để một sinh linh phát triển, môi trường xung quanh có tất cả những gì cần thiết để cái cây lớn lên, nhưng cách chúng phát triển phụ thuộc vào cơ cấu bên trong hạt giống, mọi phản ứng với điều kiện bên ngoài đều đã được định sẵn bên trong mọi sinh vật sống, dù đó là một cái cây, hay một con người.
Và sự hình thành các nội tạng quan trọng, xương và các cơ tủy… là kết quả của một quá trình nội sinh và độc lập, chẳng đòi hỏi bất kỳ sự can thiệp nào của con người, mà ở đó, người mẹ chỉ đơn thuần là cung cấp những tài nguyên cơ bản chứ không đóng vai trò xây dựng. Chúng ta không phải làm gì, chỉ cần đảm bảo rằng nó được cung cấp những gì nó cần. Và tình yêu thương là một trong những thứ quan trọng nhất. Trong thời gian thai nghén, tình yêu đem lại người bạn đồng hành và sự bảo vệ trong môi trường tử cung, sau đó, là sự đụng chạm về thể xác, hỗ trợ về mặt cảm xúc, bộc lộ, cử chỉ, âm thanh, thậm chí là sự thấu hiểu, chấp nhận, tôn trọng và tin tưởng vào người khác. Nếu tình yêu là sự sống còn cho việc phát triển và học hỏi, tại sao chúng ta lại cố gắng giáo dục bằng đe dọa, hình phạt, áp lực và quên hết về tình yêu thương?
Phi Tuyết
Bài viết liên quan:
Đã đến lúc chúng ta nên có một cái nhìn đúng đắn về cách giáo dục nhồi sọ theo một định hướng tạo ra một công cụ ,hay là giáo dục một con ng
1 lời dành cho bạn “Cảm ơn nhé”!
Cám ơn! :v.
Hình như đọc thế này thấy dễ hiểu hơn thì phải, xem video nhìn sub mất tập trung quá!!!!
Cám ơn bạn Phi Tuyết nhiều!!!
ờ phần này mình có rút gọn 1 số câu cho dễ hiểu vì trên phim nhiều ý trùng lặp quá
^^
Minh chứng cho thấy những đứa trẻ ko đi học mẫu giáo có tư duy phát triển hơn nhiều so với bọn bị gỡi nhà trẻ :v
~baka~
Cám ơn bạn nhé
Bài này là bạn chép lại từ bộ phim kia hả?
dạ đúng r
mình viết lại phần sub cho mọi người dễ theo dõi
vì phim quá dài, những 2h30 trong khi đọc chỉ 10-15p là xong ạ!