Nội dung
Khi sinh ra trong đời, có lẽ không ai trong số chúng ta là không mong muốn trở thành một người thành công. Nhưng trước khi thảo luận về các yếu tố làm nên một người thành công chúng ta cần định nghĩa “Thành công là gì?” hay “Như thế nào là thành công?”
Thành công có phải là có nhiều tiền không? Có phải là có một địa vị nào đó trong xã hội càng cao càng tốt không? Có phải là có một công việc lương khá không? Hay có được sự chú ý của nhiều người trên mạng xã hội? Mình cho là không. Tất cả những điều trên chỉ là hệ quả có thể xảy ra sau khi một người thành công. Chúng không phải là đặc điểm chính để mô tả họ, và càng không phải là mục tiêu một người thực sự khao khát thành công hướng tới.
Mình cho rằng một người được coi là thành công trong cuộc sống này là khi họ có được các tri thức và trí tuệ đúng đắn. Nhờ đó, họ sống một cuộc đời hài hòa khỏe mạnh và có giá trị, cả về thể chất và tinh thần. Họ có những mối quan hệ sinh hoa kết trái với bản thân, gia đình, bạn bè, Thiên nhiên và xã hội.
“Hỡi người chinh phục kẻ thù, sự hiến dâng trí tuệ thì tốt đẹp hơn bất kỳ loại hiến dâng vật chất nào khác. Vì đích đến của mọi hành động là trí tuệ tâm linh.”
— Sri Krishna, Chí Tôn Ca (4:33)
Vậy 5 yếu tố để làm nên một người thành công là gì? Câu trả lời theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp:
- Nền tảng giáo dục
- Sức khỏe
- Sự chuẩn bị
- Các mối quan hệ
- May mắn / ân sủng
Chúng ta hãy cùng đi vào lần lượt từng yếu tố này.
Nền Tảng Giáo Dục Dẫn Tới Thành Công
Như mình đã định nghĩa bên trên rằng người thành công là người có những tri thức và trí tuệ đúng đắn trong cuộc sống. Vậy nên, nền tảng giáo dục chính là yếu tố quan trọng nhất làm nên một người thông thái, mạnh khỏe và có giá trị khi trưởng thành. Một người có nền tảng giáo dục tốt thì khả năng họ có được 4 yếu tố còn lại sẽ cao hơn một người không có được nền tảng này. “Có ăn có học”, “có giáo dục”, “có văn hóa”, “có đạo đức” là những cụm từ thay thế để mô tả.
Không phải ngẫu nhiên mà toàn xã hội quan tâm đến việc học hành trường lớp của con em họ, các quốc gia thì quan tâm đến trình độ dân trí của người dân. Khi kiểm soát được trình độ dân trí của một xã hội thì sẽ có thể kiểm soát được sức mạnh của xã hội đó. Bây giờ, nhiều khi người ta vẫn hiểu lầm việc cắp sách đến trường đi học đồng nghĩa với có giáo dục.
Nền tảng giáo dục của một người có thứ tự ưu tiên là
- đạo đức / kỹ năng sống (kỹ năng mềm)
- kỹ năng sinh tồn
- đam mê và thiên hướng sáng tạo
- kỹ năng làm việc / lao động
Khi nhìn vào mức độ quan trọng của những điều cần giáo dục thì ta có thể thấy đa phần học sinh sinh viên ngày nay đến trường chỉ để học một thứ không phải là quan trọng nhất. Nhiều khi các em học xong hơn chục năm trên ghế nhà trường, tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của, đến lúc ra trường vẫn không hề có chút kiến thức thực tế nào, vẫn cần phải được dắt tay đào tạo lại từ đầu.
Trong khi đó, những điều quan trọng khác nên được ưu tiên giáo dục hơn như sự liêm chính, lòng trắc ẩn, khiêm nhường, cầu thị, hay cách trồng một luống rau, nuôi một con chó hay giao tiếp với một người nước ngoài, thì lại ít được quan tâm hơn.
Nếu một người từ khi là một đứa trẻ cho đến khi lớn lên không được uốn nắn dạy bảo điều hay lẽ phải, không được rèn luyện tính kỷ luật, không có được một nền tảng giáo dục nâng đỡ trí óc và tâm hồn thì khi ra đời, họ sẽ không có được 4 yếu tố còn lại để thành công, hoặc sẽ phải rất vất vả chật vật để có được các yếu tố đó.
Điều này cũng dễ dàng có thể thấy được, đó là khi không có định hướng tích cực từ nhỏ, khi lớn lên một người có thể dễ sa vào các thói nghiện tiêu cực, không hiểu về giá trị của gia đình và bạn bè, và không hiểu được những nguyên tắc và quy luật cơ bản của cuộc sống.
Lạc lối, hư hỏng, yếu ớt, ích kỷ, lòng tự trọng thấp, không sinh ra giá trị cho xã hội, nếu như không nói trở thành gánh nặng cho xã hội sẽ là chân dung của những người này. Khi họ bắt đầu biết khao khát học tập để trở nên “có giáo dục” hơn thì sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn vất vả. Cây càng lớn càng khó uốn.
Để có một cái nhìn rõ ràng hơn về tầm quan trọng hàng đầu của một nền tảng giáo dục, chúng ta hãy cùng xem xét 4 trường hợp sau trong cuộc sống. Những trường hợp này có thể thấy ở khắp mọi nơi:
- Đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố mẹ mải làm ăn không quan tâm đến việc giáo dục con cái. Đứa trẻ này sẽ chịu cảnh thiếu thốn ở cả hai cấp độ về thể chất và tinh thần. Không có đủ nguồn lực để phát triển sau này nếu không có thêm sự trợ giúp từ nhà trường và xã hội, hoặc tự bản thân đứa trẻ đó thức tỉnh về vị trí của mình và đi lên bằng ý chí. Nghèo đói và vô giáo dục là nguồn gốc của tội phạm, người vô gia cư hoặc những người sống ở tầng đáy xã hội.
- Đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó, nhưng bố mẹ luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để dạy dỗ, quan tâm đến việc học hành của con. Đây là trường hợp “đói cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ trở thành động lực để đứa trẻ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Trường hợp này mình đã thấy rất nhiều, những đứa trẻ nhà cực nghèo, bố mẹ làm nông dân ăn đói mặc rách nhưng tất cả con cái họ đều rất ngoan ngoãn, sống lễ phép, biết điều và có ý chí. Có nhiều trường hợp đi học dẫn đầu lớp, thi đại học thì đỗ thủ khoa, và ra trường thì làm chuyên gia hay cán bộ đầu ngành. Họ là “người đứng chót được lên hàng đầu.”
- Đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện, nhưng bố mẹ không quan tâm uốn nắn dạy dỗ, mà ngược lại, nuông chiều, buông thả hay cho con vào tủ kính để trưng bày. Đây điển hình là những trường hợp “cậu ấm sứt vòi”, “công tử bột”, “em Chã” với thể lực yếu ớt và ý chí èo uột. Biểu hiện thường thấy là ở nhà thì bắt nạt bố mẹ ông bà, đến lớp gặp các bạn hay gặp người lạ thì tự ti khúm núm, khôn nhà dại chợ. Lười lao động, ích kỷ, dễ nổi nóng, hay đòi hỏi và lớn lên ra đời bị người đời khinh ghét chê cười. Lúc này, tiền bạc và sự giàu có chỉ càng làm hình ảnh của những đứa trẻ và bố mẹ chúng trở nên xấu xí. Đây là trường hợp “người đứng đầu phải xuống hàng chót.”
- Đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện, bố mẹ thức tỉnh và biết giáo dục uốn nắn con cái từ nhỏ. Đây là trường hợp “hổ mọc thêm cánh”. Tương lai của những đứa trẻ này hứa hẹn thành công xán lạn. Đầy đủ về vật chất và tinh thần sẽ là môi trường hoàn hảo tạo ra những thế hệ tinh hoa của xã hội. Lúc này, sự giàu có và sung túc của gia đình đứa trẻ được những người có đạo đức chúc mừng chia vui.
Khi đứng trước một người bất kỳ, bạn có thể thấy được người có giáo dục ít hay nhiều, và bố mẹ họ có biết dạy họ hay không. Để thấy được quá khứ và tương lai của một người rõ ràng, chỉ cần nhìn vào đường giáo dục hiện lên trên lời ăn tiếng nói, nếp sống và những kỹ năng cá nhân. Thành công đến không phải do tiền, mà do sự giáo dục.
Sức Khỏe Và Thành Công
Sau khi có được nền tảng giáo dục vững chắc rồi thì 4 yếu tố còn lại dẫn đến thành công mới dễ dàng xuất hiện. Chúng đều là biểu hiện hiển nhiên của một trường rung động cao quý, là tri thức. Sức khỏe có được là do biết ăn uống lành mạnh, biết tập thể dục, biết kỷ luật duy trì những điều tích cực, tránh xa những thói hư tật xấu. Sức khỏe chính là tài sản vô giá của con người.
Lấy ví dụ đơn giản với môn cờ Vua, những cao thủ hàng đầu thế giới là những người có một nền tảng thể lực tuyệt vời, đủ để chịu đựng được áp lực khi tham dự những giải đấu liên tiếp kéo dài và rất căng thẳng. Bạn hãy tưởng tượng một trận đấu có thể kéo dài mười mấy tiếng đồng hồ. Những ai không đủ thể lực thì sẽ không thể chịu đựng được áp lực và đi đến chiến thắng.
Sự Chuẩn Bị Và Thành Công
Người thành công không làm việc ngẫu hứng, không ngồi há miệng chờ sung hay hú họa trông mong vào việc rút được tờ vé số may mắn. Họ là những người có tầm nhìn và biết được giá trị của sự chuẩn bị. Có những người chuẩn bị mọi thứ từ ngày hôm trước, nhưng cũng có những người chuẩn bị mọi thứ từ hàng chục năm trước.
Ví dụ để hình dung là khi muốn thêu được một cái kẹp tóc hình bông hoa hồng, người thành công sẽ chia công việc ra thành những phần rất nhỏ và khả thi. Rồi từ đó họ mới lần lượt thực hiện từng bước mỗi ngày. Hôm nay họ sẽ mua kim chỉ, ngày mai họ mua cái kẹp trơn, ngày mốt họ ngồi xem Youtube hướng dẫn để có được hình dung về cách thêu, ngày mốt nữa họ mới ngồi xuống cái ghế yêu thích của mình và tập thêu những mũi đầu tiên.
“8 giờ để mài rìu, 2 giờ để đốn củi.” Công việc chính của người thành công là chuẩn bị. Rồi khi thời khắc tới, những sự chuẩn bị của họ mới được đem ra sử dụng và phát huy giá trị.
“Bạn có vẻ như muốn có trí tuệ ngay lập tức, quên rằng ngay lập tức thì luôn đến sau những chuẩn bị lâu dài. Quả trên cây rớt xuống bất thình lình, nhưng nó chín được là cần thời gian.” — Nisargadatta Maharaj
💎 [Bài dịch] Nisargadatta Maharaj – Đuổi theo các bậc Thánh nhân chỉ là một trò chơi
Các Mối Quan Hệ
“Toàn bộ ý tưởng về một người đàn ông/người phụ nữ thành công do tự thân, là hư cấu.” — Arnold Schwarzenegger
Không một ai có thể thành công trong đời mà không có sự giúp đỡ từ tối thiểu một ai đó khác. Ngay bản thân sự sống của anh ta có được là do Thượng Đế ban cho và duy trì. Cái ăn cái mặc hàng ngày của anh ta là do những người lao động khác cùng góp phần làm nên, rau trái thức ăn là do Mẹ Thiên Nhiên rộng lượng ban tặng.
Chưa nói đến những mục tiêu lớn trong đời là làm được việc này việc kia hay trở thành ông nọ bà kia, mới chỉ tính việc hít thở và tồn tại thôi, người đó đã cần liên đới tới rất nhiều người khác rồi.
Ông bà ta đã có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ.” Các mối quan hệ tích cực có được trong cuộc sống giúp một người hoàn thiện bản thân, có thêm nhiều những nguồn lực và cơ hội khác nhau để vươn tới thành công. Chúng ta sống trong đời không ai là hoàn hảo, có những kỹ năng không phải được điểm 10, mà cần đến sự bù đắp của những người bạn có chuyên môn về lĩnh vực đó.
Nên sự khiêm nhường, nhạy bén, khả năng giao tiếp kết nối, và biết hợp tác với người khác là hoa trái sinh ra từ một nền tảng giáo dục đúng đắn. Khi nhìn vào những người thành công trong xã hội, bạn sẽ thấy mạng lưới những mối quan hệ của anh ta rất trù phú. Còn những người thất bại, họ không có lấy một người bạn, lúc nào cũng phải nai lưng làm mọi thứ một mình, sống cậy vào sức mình và coi sự hợp tác với người khác là phiền phức. Một tư tưởng khép kín và tự phụ như vậy sẽ không bao giờ làm nên một nhân vật đáng kể trong đời.
“Các nghiên cứu của chúng tôi về nhóm người được gọi là “người nghèo” đã chứng minh rằng “nghèo” không chỉ là một tình trạng tài chính, mà những người “nghèo” thực sự thì nghèo nàn trong mọi khía cạnh của cuộc sống: họ nghèo bạn bè, nghèo lời ăn tiếng nói, nghèo giáo dục, nghèo thú vui xã hội, nghèo nguồn lực, nghèo sức khỏe, và nghèo trong cấp độ hạnh phúc tổng thể. Như vậy, cái nghèo có thể được nhìn nhận như một đặc trưng rõ nét của một ý thức tự thân bị giới hạn, từ đó dẫn đến sự thiếu thốn về nguồn lực.” — David Hawkins, Power vs. Force
May Mắn / Ân Sủng
Đây là yếu tố được nhắc đến sau cùng giúp một người vươn tới thành công. May mắn hay ân sủng thực ra cũng đến từ nền tảng giáo dục tốt, không chỉ ở kiếp này, mà còn ở nhiều kiếp trước cộng lại. May mắn là thời khắc mà một nghiệp tốt đơm hoa kết quả.
Nếu một người cả đời không tu thân tích đức, không chịu khó làm ăn thì sẽ không có may mắn nào dành cho họ cả. Nghĩ về thành công nhờ sự may mắn chỉ là hoang đường. Mọi thứ quả sẽ luôn có một cái nhân tương ứng. Nên nếu bạn muốn có được may mắn hay ân huệ của cuộc sống thì hãy bắt đầu sống tích cực từ hôm nay. Rồi khi tích lũy đủ, sự kỳ diệu mới xuất hiện và mang bạn đến những nơi không ngờ.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa