26 C
Nha Trang
Thứ ba, 10 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Mục đích của cuộc sống là trở thành không-ai-cả

*Bài viết hiện đã có hơn 20K Likes trên Medium

Cuộc sống của bạn không phải là cái rốn của thực tại

Tất cả chúng ta đều trải nghiệm thế giới như chúng ta là cái rốn của thực tại. Chúng ta nghĩ và chúng ta cảm nhận, liên quan tới cách các giác quan hấp thụ thông tin và cách những thông tin này hòa quyện với ký ức cá nhân. Nhận thức chủ quan được tạo ra bởi các tương tác này đưa ra ảo tưởng về tầm quan trọng. Chúng ta quên rằng nhận thức này chỉ tồn tại trong tâm trí mình và mỗi người gần ta đều đang loanh quanh dưới cùng một tư duy tâm lý.

cuộc sống
Slava Stepanov/gelio.livejournal.com

Sự thật là, chúng ta chỉ là một trong hàng tỷ, và xuyên suốt bề dày lịch sử, mọi thứ về chúng ta đều không quá quan trọng như ta tưởng. Kể cả những người như Newton và Einstein, những người chúng ta tôn kính vì những đóng góp của họ cho nhân loại, cũng chỉ ít tầm thường hơn một chút.

Vũ trụ của chúng ta chứa một triệu lũy thừa 7 ngôi sao (24 số 0 theo sau) và nhiều trong số ngững ngôi sao đó chứa rất rất nhiều “hạt bụi” nữa, cái ta thường gọi là “hành tinh.” Nếu ai đó trong chúng ta ngừng tồn tại ngày mai, hầu như sẽ không có gì sẽ xảy ra ngoại trừ cảm xúc chủ quan của những người thân quen. Trái Đất sẽ tiếp tục quỹ đạo của nó, và quy luật vật lý sẽ tiếp tục không thay đổi. Chúng ta không là gì ngoài một phần của mọt gợn sóng trong dại dương entropy vô tận.

Nhiều người chúng ta không thích nghe điều này. Nó mâu thuẫn với câu chuyện mà tâm trí chúng ta kể. Chúng ta được dạy để nghĩ rằng mình đặc biệt, và chúng ta thích tin điều đó. Nhưng tôi không nói những điều này để chỉ trích hay hạ bệ bạn. Thực tế, nó có hơi ngược lại. Tôi nói điều đó vì việc phân biệt được nhận thức chủ quan của mình và thực tế khách quan là chìa khóa để sống một cuộc đời ý nghĩa và quan trọng.

Công nhận sự không quan trọng giải phóng ta khỏi kìm kẹp của giọng nói tự cho mình là trung tâm trong đầu, cái chịu trách nhiệm hàng đầu cho phần nhiều những khó khăn trong đời.

Nó là giọng nói so sánh ta với những người không cần thiết, cũng là giọng nói thuyết phục ta rằng ta có quyền sống thoải mái và dễ dàng, và chính giọng nói này đã khiến ta rượt đuổi theo các biện pháp để thành công.

Và kết quả? Ta dành thời gian để cầu mong những điều ta không cần hoặc muốn, ta lưỡng lự ngay dấu hiệu đầu tiên của những thử thách và bất tiện, và một ngày, chúng ta thức dậy bởi chiếc đồng hồ đang kêu tích tắc và nhận ra rằng, suốt bằng ấy thời gian, chúng ta đã sống cuộc sống của ai đó khác.

Cách chắc chắn nhất để cảm thấy trống rỗng là đi loanh quanh như thể bạn đang nắm giữ một vị trí đặc quyền nào đó trong vũ trụ. Nó không chỉ là một ảo tưởng hoàn toàn sai lầm và gây hại, mà nó còn bỏ qua các lợi ích bên lề của việc chẳng là ai.

Tôi muốn dẫn bạn đi qua những ý tưởng này.

1. Không-ai-cả cho phép chúng ta thực sự trải nghiệm và trân trọng sự sâu sắc của điều tuyệt vời

Năm 1757, Edmund Burke xuất bản một trong những tác phẩm có ảnh hưởng bậc nhất trong thẩm mỹ (A Philosophical Enquiry into the Origin of our Ideas of the Sublime and Beautiful). Nó là một nhánh của triết học liên quan đến bản chất của cái đẹp.

Trong đó, ông ấy phân biệt các trải nghiệm cảm giác thành hai lại: Cái Đẹp (The Beautiful)Điều Tuyệt Vời (The Sublime)

cuộc sống

Chúng ta đã quen thuộc với Cái Đẹp. Nó có thể được tóm tắt bởi định nghĩa tiêu chuẩn. Chúng ta nhìn thấy nó mỗi ngày trong những thứ ta cho là choáng ngợp và dễ chịu. Tuy nhiên Điều Tuyệt Vời lại khác. Nó còn hơn cả sức hấp dẫn thị giác. Nó tràn ngập. Nó khiến ta thấy nhỏ bé, và mang một sức mạnh thu hút chúng ta.

Nó xuất hiện khi chúng ta kinh ngạc trước sức mạnh thiên nhiên; ta trải nghiệm nó trong cảm xúc yêu thương; và nó còn được nhận thấy khi ta đang sững sờ trước một tác phẩm nghệ thuật. Nó là cảm giác thăng hoa của sự tồn tại, cao hơn sự thoải mái và bình thường.

Để hoàn toàn chìm đắm trong Điều Tuyệt Vời, ta phải từ bỏ một phần của mình. Chúng ta buộc phải chấp nhận một mức độ thấp kém để kết nối với một thứ vĩ đại hơn. Rủi ro tổn thương được cân bằng nhờ vào phần thưởng là cực lạc, ecstasy.

Không ai miễn nhiễm khỏi trải nghiệm Điều Tuyệt Vời, nhưng bản ngã và một cảm giác sâu sắc về sự quan trọng của bản thân sẽ cản trở nó. Họ tìm kiếm hỷ lạc mà không chấp nhận sự tổn thương, và họ nhận ra mình bị dồn vào đường cùng với nỗi sợ hãi.

Nó không có gì đáng ao ước. Nó dẫn tới một dạng tê liệt, cái sẽ cướp đi tiềm năng trải nghiệm những niềm vui trong cuộc sống. Nó có thể được ngụy trang bằng sự khôi hài hoặc sự hợp lý, nhưng sự thật, nó không có gì khác hơn là bất an, thiếu tự tin, thiếu an toàn, insecurity.

Trở thành không-ai-cả, bạn sẽ không có rắc rối này nữa. Bạn chấp nhận rằng mình trần trụi sẵn rồi, vậy nên bạn có thể phơi bày nó ra và đạt được gì đó. Và thường là bạn sẽ đạt được nó.

2. Trở thành không-ai-cả giải thoát chúng ta khỏi những áp lực phi lý và kỳ vọng của một thế giới bất định

Chúng ta sống cuộc sống được dẫn dắt bởi nhãn mác và thứ bậc. Đó là cách ta hiểu về một thực tại phức tạp. Các nhãn mác hay thứ bậc kia không tuyệt đối. Một cái cây không phải là một cái cây vì có một quy luật tự nhiên đã định nghĩa nó là cây. Nó là cây vì bộ não nhận thức của chúng ta đã được học để hiểu như thế. Đó là cách ta phiên dịch tín hiệu giác quan thành một dạng tổ chức hữu dụng.

cuộc sống

Đây là sự phân biệt trọng yếu. Quan sát của ta về thực tại là một sự xấp xỉ bị giới hạn bởi ranh giới của ngôn ngữ. Nó bất định và phần lớn là không thể đoán trước. Như nhà văn đoạt giải Nobel Albert Camus đã lưu ý, chúng ta sống để lý luận với một thế giới không hợp lý và nó thường xuyên dẫn đến một cuộc sống mâu thuẫn.

Khi bạn để các nhãn mác và cấp bậc dính đến danh tính của mình quá nhiều, bạn sẽ đặt kỳ vọng vào những thứ về cơ bản là rất mong manh. Nếu bạn tăng giá trị của mình bằng việc trở thành CEO và sự thật là bạn sử dụng mức độ quyền lực trong bối cảnh doanh nghiệp, hơn là những giá trị nội tại, cuối cùng bạn cũng sẽ tìm thấy mình tại một vị trí mang xung đột.

Cuộc sống không quan ngại xúc cảm nhân tạo của bạn về tầm quan trọng. Tới một lúc, sẽ có sự khác biệt giữa câu chuyện bạn kể về bản thân và thực tế phũ phàng lạnh lùng. Thu nhập của bạn sẽ không còn ý nghĩa, và cú ngã sẽ đau hơn nhiều.

Khi trở thành không-ai-cả, dù sao thì bạn cũng không phải giả vờ rằng một cái nhãn — dù tốt dù xấu – không là gì hơn một mảnh tưởng tượng của tâm thức tập thể. Bạn giải thoát mình khỏi rất nhiều áp lực xã hội nhỏ nhặt của sự tồn tại. Bạn vẫn có thể đảm nhận một vai trò nhất định với niềm tự hào, nhưng biết rằng điều đó không khiến bạn quan trọng nhiều hơn hay ít đi trải ra cho bạn một nền tảng vững chắc hơn.

Một thay đổi nhỏ về tinh thần tạo ra một khác biệt lớn.

3. Trở thành không-ai-cả cho chúng ta sự khiêm nhường để nhận ra rằng khó khăn định nghĩa chúng ta, không phải những khao khát

Khi ta thuyết phục bản thân rằng mình đặc biệt hơn những gì vũ trụ đặt ra, chúng ta có xu hướng phát triển ý thức quyền lợi về cái cuộc sống nợ ta. Chúng ta chọn tin vào những câu chuyện bề nổi về hạnh phúc và thành công trông như thế nào, và ta nhanh chóng nghĩ rằng cái giá của nó là con số không.

Một sự thật phũ phàng là vũ trụ không nợ ai gì cả. Vũ trụ tuyệt đối thờ ơ với những gì bạn hoặc tôi muốn. Nó tồn tại dựa trên các tác động ảnh hưởng lên nó, và để định hình kết quả theo ý muốn, trách nhiệm thuộc về chúng ta.

Tốt thôi nếu ta muốn có một sự nghiệp xán lạn, nhưng đi loanh quanh với giả định rằng bạn xứng đáng có nó sẽ không đưa bạn đến đó. Cái đưa bạn tới đó là cái giá bạn sẵn lòng trả. Cái đưa bạn tới đó là những công việc ban đầu không có thưởng, và nhiều giờ dài đánh đổi máu, mồ hôi, nước mắt không biết trước tương lai. (Top highlight)

Để chấp nhận được những khốn khó này, bạn cần khiêm nhường. Nó đòi hỏi bạn phải hiểu rằng mình cũng như bao người khác muốn có một công việc tốt, những mối quan hệ tuyệt vời và hạnh phúc lâu bền. Mong muốn của bạn không phải là duy nhất.

Điều đó có nghĩa là bạn chấp nhận rằng sự khác biệt không phải trong điều bạn muốn, mà nằm trong thứ bạn sẵn sàng nhẫn nhịn để có. Nó là về sự đánh đổi bạn sẵn sàng chịu đựng, những “trận đòn” bạn sẵn sàng lãnh nhận, và nó là về việc biết rằng dù có bất chấp tất cả những điều đó, thành quả lao động của bạn có thể vẫn là con số không.

Nó nói về việc nhìn thẳng vào cuộc sống và có đủ can đảm để nói,

“Tôi có thể không là gì nhiều, và tôi biết tôi không phải lúc nào tôi cũng có thứ tôi muốn, nhưng nó chắc chắn không có nghĩa là tôi sẽ không cố gắng.”

Và sau cùng thì đó chính là mục đích của cuộc sống. Thử nhìn thấy thực tế đúng với bản chất thật của nó và sau đó làm điều bạn có thể để biến nó thành hình dáng bạn mong ước.

Bạn đã là không-ai-cả rồi, tôi cũng thế. Chúng ta không bị thiếu nợ gì cả. Càng sớm nhận ra điều đó, bạn càng sớm tập trung vào những điều mình có thể thay đổi. Và có rất nhiều thứ ta có thể thay đổi. Nó không dễ, nhưng chính xác vì thế mà nó giá trị.

Chúng ta là một phần không đáng kể của một thực thể vũ trụ bao la, và điều này là tốt đẹp nếu bạn chọn nhìn nó theo đúng bản chất.

(Bài viết full lần đầu tiên đã được xuất bản trong Aloha volume 14)

Tác giả: Zat Rana
Biên dịch: Mai Thanh Trúc
Hiệu đính: Prana

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,910Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI