28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Khổ đau là kho báu

Trong cuộc sống, người ta có thể dùng tiền để mua được những trải nghiệm thú vị, sảng khoái cho chính mình, nhưng những trải nghiệm khó chịu dường như lại là miễn phí. Nó thường tự rớt xuống đầu và khiến bạn trở nên điêu đứng, mệt mỏi. Vì sao mệt mỏi ư? Vì con người thường thích những trải nghiệm vừa ý, dễ chịu và ghét bỏ, né tránh hoặc cố gắng tìm cách chống cự lại những trải nghiệm đau đớn xảy đến trong đời mình. Nhưng thật sự khi nói về những điều đau khổ đó thì chúng lại đáng được hoan nghênh, trân trọng và khiến chúng ta tự hào hơn bao giờ hết. Nó là một kho báu khó lòng mua được bằng tiền.

1. Nỗi đau là một trải nghiệm, là cơ hội để bạn trở nên hoàn thiện hơn so với ngày hôm qua

Vì khi cảm nhận đau khổ, bạn được nhìn lại chính mình một cách rõ ràng hơn, nhìn lại rằng trong thâm tâm bạn còn điều gì bám víu, để khi cuộc sống không như ý muốn bạn lại phải chịu đựng những gánh nặng như vậy. Cảm xúc tiêu cực chính là dấu hiệu rất chính xác để con người nhận biết rằng có điều gì đó chưa ổn trong suy nghĩ và cách cư xử của bản thân. Nỗi đau là cơ hội cho một người có ý thức quay về bên trong để tìm ra điều gì là tốt nhất cho chính mình và điều gì nên buông bỏ.

“Thượng Đế dìm người xuống nước sâu, không phải để làm cho họ chết đuối mà là để rửa sạch họ” – Colston

Đó là lý do tại sao người tu tập cần thường xuyên quan sát chính mình. “Tu” chính là sửa chữa, nếu không nhận biết được mình đang như thế nào thì sửa sao cho nổi. Còn đối với những người vô thức, họ cần nỗi đau như một cú giáng mạnh để tỉnh dậy, quay về với bản thân dù chỉ là trong phút giây ngắn ngủi. Ở cuộc đời này, liệu có mấy kẻ nở hoa mà chưa từng đi qua mưa bão?

2. Những vết thương, vết sẹo khiến bạn trở nên là duy nhất

Niềm hạnh phúc có thể giống nhau nhưng nỗi đau thì chẳng hề trùng lặp. Giống như chỉ tồn tại một ngọn núi để mọi người leo tới, nhưng dưới kia có biết bao nhiêu con đường chông gai mà mỗi kẻ đặt bước một nẻo vào. Như Goethe, một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới, đã từng nói:

“Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng còn tính cách trưởng thành trong bão táp.”

Chắc chắn, một người đi qua khổ đau sẽ có thái độ phản ứng trước cuộc sống khác hoàn toàn với một người chưa từng nếm trải những điều đó. Nó tạo nên bản sắc riêng cho từng cá thể mà sẽ không thể tìm được ở bất kỳ một ai khác. Hơn nữa, nếu bạn đã từng nếm trải những gian truân, hãy thử tìm lại những bức ảnh của mình trước kia khi vẫn còn “lành lặn”, “an toàn” và so sánh chúng với những bức ảnh bây giờ. Nét mặt, chính xác hơn là thần thái của bạn khác hẳn so với trước đó, dù khoảng thời gian có thể chỉ là một vài tháng. Sự từng trải hiện lên trên đôi mắt bạn, trên cách bạn mỉm cười. Với những trải nghiệm khác nhau, mỗi người sẽ “lấp lánh” với cường độ và hình thức khác nhau. Khổ đau đã làm nên con người bạn.

Một người khi vượt qua càng nhiều thử thách trong cuộc sống thì sẽ càng biết trân quý cuộc đời. Họ biết rằng không có phút đau đớn chia ly thì cũng không có khoảnh khắc hân hoan gặp mặt, không có nỗi thất vọng khi sự việc không thành thì cũng không có hy vọng cho một khởi đầu mới, và không có nỗi sầu khổ tận cùng thì cũng không có ngày sướng vui hạnh phúc. Họ nhìn thấy giá trị của nghịch cảnh nên sẽ thấy được sự quý báu của cuộc đời và sự may mắn của bản thân. Người thành công trong cuộc sống biết cảm ơn những thất bại và những cơn bão lòng họ đã từng nếm trải.

Cùng một nỗi đau, nhưng có kẻ nhìn nó như liều thuốc độc để rồi chết dần chết mòn theo ngày tháng. Nhưng có kẻ nhìn nó như chiếc đòn bẩy để giúp mình bật xa hơn về phía trước. Cuộc đời cho chúng ta đau khổ để lụi tàn hoặc để vươn dậy mạnh mẽ hơn. Vậy nên con người thường phải nếm mùi vị “bị đời ghét bỏ” trước khi thấy “yêu đời tha thiết”.

3. Kẻ đã nếm nhiều đau khổ sẽ có được khả năng đồng cảm hơn với những người xung quanh

Xã hội ngày nay đã có biết bao nhiêu người bất mãn từ bỏ gia đình, ước mơ và cuộc sống; bên cạnh đó là không biết bao nhiêu lời than thở, phán xét, chỉ trích lẫn nhau đầy căng thẳng. Những kẻ không hiểu mình thì cũng chẳng thể hiểu người. Vì rằng mỗi cá thể là duy nhất nhưng về bản chất, chúng ta đều như nhau – đều có những góc tối lẩn khuất trong tâm hồn. Vậy nên khi một người đã từng kinh qua màn đêm nội tâm đó, họ hiểu biết được chính mình và có khả năng đồng cảm với những số phận đã và đang trải nghiệm điều tương tự.

Một người đã từng trượt đại học sẽ hiểu được nỗi đau của những sĩ tử khi nhận giấy báo thi rớt. Một người mất cha, mẹ mới thấm được sự cô đơn của những đứa trẻ mồ côi. Một kẻ đã nếm vị thất tình sẽ hiểu được một người đang quằn quại vì mới chia tay bóng hình anh ta yêu dấu. Liệu con người còn cần gì hơn sự cảm thông khi chung sống với nhau?

Mọi sự thờ ơ, xa lánh, xích mích, căng thẳng, đổ vỡ đều xuất phát từ sự thiếu đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau đó. Sự đồng cảm cao nhất thường xuất hiện ở hai người cùng chung cảnh ngộ. Khi bản thân chúng ta chưa thật sự trải nghiệm thì ngôn từ hay hành động sẽ khó có thể chạm tới được trái tim của người khác chứ chưa nói là có thể xoa dịu hay chữa lành cho họ. Vậy nên, hãy lấy làm may mắn khi chúng ta đang nếm trải nghịch cảnh, đó là một trong những chiếc chìa khóa giúp bạn chạm tới nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn mọi người – những nỗi đau.

Vâng, nếu bạn đang chịu đựng những điều điêu đứng, khốn khó, hãy ngừng than vãn và khóc lóc đi vì bạn đang nắm trong tay một kho báu vô giá mà cuộc đời đã ưu ái dành tặng. Hãy dùng nó để “làm giàu” con người của chính mình và để học cách yêu thương lẫn nhau. Cuộc đời không ngu ngốc đến mức tự ném cho bạn một mớ rắc rối chết tiệt để bạn phải hờn ghét nó đâu. Chúc các bạn tận hưởng ngày khổ đau vui vẻ! 😀

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Featured image: Free-Photos

 

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

30 BÌNH LUẬN

  1. Cũng không hẳn phải trải qua đau thương mới thông cảm được cho những người khốn khổ. Người có nhận thức và nhân sinh quan đúng đắn, sắc sảo vẫn có thể hiểu được người khác đang trải qua những gì. Và thật rằng có những người đã đi qua quá nhiều đau thương, tâm can đã có quá nhiều vệt ngang dọc để giờ đã trở nên vô cảm, họ tự làm tê liệt nỗi đau nhưng đồng thời cũng tự làm tê liệt khả năng cảm nhận niềm vui và mọi giác quan khác của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI