*Photo: Luke Dugge Photography
Mỗi năm cứ đến hẹn lại lên, những nấm mồ tức tưởi lại được vun lên trong uất nghẹn của những người ở lại… Trong khi đó, ý niệm sau ngày 23.10 (âm lịch) sẽ không còn bão lũ mà ông bà ngày trước vẫn nói giờ đã không còn chuẩn xác được nữa.
Bão vẫn đang ở ngoài kia…
Chỉ có may mắn mới làm cho đường đi và sức mạnh của siêu bão Hải Yến khi đổ bộ vào Việt Nam không như dự đoán ban đầu. Nếu không, viễn cảnh của một sự tang thương chắc chắn sẽ diễn ra. Mà sự thật là cả thế giới đã và đang chứng kiến điều đó ở Philippines!
Suốt thời thơ ấu khi còn ở quê nhà, bạn V đã từng cùng người thân ngồi thấp thỏm trong căn phòng nhỏ bé với ánh nến leo lét và nghe ngoài kia cơn bão thét gào. Rồi những trận lụt lớn đi kèm cũng đã thành chuyện bình thường của trời đất mà không mấy ai thắc mắc. Sau bão sẽ là lụt! Và những ngày này, nhiều nơi ở quê nhà nói riêng và miền Trung nói chung đang khổ sở trong chuyện chống ngập, nước vẫn đang lên theo những cơn mưa thượng nguồn còn thủy điện thì vẫn đang vô tư xả nước… Và những ngày trước đó, là bão, là lụt không chỉ với đải đất miền Trung mà còn rất nhiều nơi ở phía Bắc. Những mái nhà xác xơ thậm chí bị xóa sạch sau bão lũ, những mạng người phút chốc đã đổ xuống mà không hề có bất sự rào chắn cẩn thận nào trước thiên nhiên… Mỗi năm cứ đến hẹn lại lên, những nấm mồ tức tưởi lại được vun lên trong uất nghẹn của những người ở lại… Trong khi đó, ý niệm sau ngày 23.10 (âm lịch) sẽ không còn bão lũ mà ông bà ngày trước vẫn nói giờ đã không còn chuẩn xác được nữa.
Vì thế sẽ có bao nhiêu câu hỏi cần được đặt ra. Tại sao cho đến thời điểm này chính quyền vẫn không hề có bất cứ giải pháp nào cho những người dân sống ven biển, ở một đất nước có đến 3260km đường bờ biển, mà bão đã vào là vào trực diện. Điều ít nhất có thể làm lúc này, đừng để muộn nữa là với mỗi xã phường, thị trấn, thị xã, thành phố… ven biển phải có các nhà lưu trú dành cho người dân tránh bão, sức chống đỡ của các nhà lưu trú phải từ cấp siêu bão Hải Yến trở lên vì không ai chắc trong tương lai sẽ không còn những siêu bão như thế. Chuẩn thiết kế của nhà lưu trú này phải do Bộ xây dựng đưa ra, sau đó dựa vào địa hình địa chất của từng vùng miền mà Sở xây dựng, Phòng xây dựng nơi ấy kết hợp làm cho thiết kế trở nên hài hòa. Phải quy định bao nhiêu dân thì phải có một nhà lưu trú tương ứng, đừng để mỗi lần tránh bão thì chính quyền lại sơ tán dân đến những nơi như nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… để họ trú mưa thay vì là… trú bão (vì chắc chắn kết cấu của những nhà văn hóa ấy… hoàn toàn không xây dựng ra để chống chọi với những cơn bão lớn).
Tiền ở đâu ra cho những nhà lưu trú này? Câu trả lời không khó khi nhà nước có thể tài trợ từ một phần nhỏ của ngân sách, phần còn lại sẽ do các doanh nghiệp trên địa bàn (hoặc các nhà hảo tâm giàu có có gốc gác sinh ra ở đấy) tài trợ trực tiếp từ sắt thép, xi măng cho đến gạch ngói, tấm lợp… (hạn chế tiền mặt để tránh rủi ro cắt xén dù không thể tránh khỏi). Tên của các doanh nghiệp tài trợ sẽ được ghi lên tấm bảng ốp vào mặt trước của các nhà lưu trú này để vinh danh họ. Phải đảm bảo nhà lưu trú có đầy đủ các tiện nghi cơ bản nhất cho người dân sống (ít nhất là trong vài ngày) từ cách thiết kế chổ ngủ, đến chổ nấu ăn, tắm giặt, phương tiện thắp sáng… Để làm sao, mỗi khi bão đến, chuyện người dân được di chuyển đến các nhà lưu trú đã thành chuyện bình thường mà không phải là một chuyến di tản gì đó quá ghê gớm. Thái độ chấp nhận “sống chung với lũ” là cần thiết trong trường hợp này. Hoàn toàn không khó để thực hiện kế hoạch trên nếu chính quyền từ tỉnh đến thành phố ra lời kêu gọi một cách quyết liệt và chân thành.
Rồi từ câu chuyện của nhà lưu trú, chính quyền của địa phương sẽ dần tiến tới chuyện phải quy hoạch cùng với người dân tại những địa điểm trọng yếu dễ đối mặt với bão là nhà cửa cũng phải có những chuẩn cơ bản để phòng chống thiên tai. Điều này cũng cần thiết như là chuẩn thiết kế của nhà lưu trú, vì cứ nhìn thảm cảnh mỗi năm người dân lại xây nhà, bão vào tan nát, rồi phải xây lại nhà thì mới biết bao nhiêu tiền bạc, công sức, mồ hôi và thậm chí cả máu và nước mắt đã rơi xuống mà không thể nào bù đắp. Dĩ nhiên, chuyện này khó hơn rất nhiều so với việc xây nhà lưu trú, nhưng cũng hoàn toàn khả thi chứ không phải là không thể, đặc biệt là có thể áp dụng ngay với những ngôi nhà mới xây.
Khái niệm một cuộc chiến chưa bao giờ chỉ dành riêng cho chiến tranh hay tranh giành quyền lực… Chính vì thế, mỗi cơn bão cũng là một cuộc chiến sinh tồn giữa con người với thiên nhiên…
Một ai đó đã nói rằng, sau mỗi cuộc chiến, việc đầu tiên là “dựng lại người” trước khi “dựng lại nhà”. Nhưng nếu người đã mất thì việc “dựng lại nhà” sau đó cũng chỉ là một sự… vô nghĩa!
Mỗi nhà dân vùng hay bị ảnh hưởng bão nếu không có khả năng xây nhà cấp 3 trở lên thì phải nên xây thêm riêng 1 phòng nhỏ kiên cố, trên đúc bê-tông. Nhà ông anh của tôi đã làm việc này, rất hữu hiệu!
Phản đối ý tưởng xây dựng nhà lưu trú tránh bão. Lý do:1. nó sẽ là nấm mồ chôn tập thể những ai chui vào đó khi có bão. Hãy nhìn chất lượng các công trình xây dựng đã được xây dưới sự quản lý-giám sát của Bộ xây dựng cộng sản thì biết. 2. Ý tưởng này trong lúc này vô hình chung đã đưa ra thêm một cơ hội tốt để bọn đầu đất chân đồng vẽ ra hàng loạt dự án xây dựng nhân danh an toàn bão lụt để tiếp tục bòn rút sức dân.