28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đưa tính thiền vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật

Tôi được dẫn lối, được học cách thắp sáng chính mình, tôi muốn đáp đền sự cứu rỗi ấy, bằng cách chia sẻ những bài viết liên quan đến việc đưa tính Thiền vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật, chứa đựng nhiều thông điệp về thức tỉnh tâm linh đến với các bạn – những người đang hoạt động trong vai trò là một nghệ sĩ, hoặc những người sẵn lòng sáng tạo và nghệ thuật hóa công việc mình (dù ở lĩnh vực nào đi chăng nữa).

⬩ ⬩ ⬩

Bạn đọc thân mến, tôi nghĩ mình nên kể với bạn một mẩu chuyện nhỏ. Tuy nhỏ nhưng chính là lý do cho bài viết này tồn tại cũng như góp phần chuyển đổi nhận thức lớn trong tôi. Tôi không nhớ mình đã kể chuyện này với ai trước đó chưa. Chắc là chưa. Sở dĩ tôi dùng từ chắc như là cách nhấn mạnh rằng gần đây tôi không đầu tư năng lượng cho việc ghi nhớ những chi tiết không cần thiết cho tiến trình nâng cao tâm thức của mình.

Tiến trình nâng cao tâm thức đang diễn ra

Bởi vì tôi học được rằng chỉ cần biết mình nói gì, lý do tại sao phải nói và sự nói này có phục vụ lợi ích tinh thần cho người đọc hoặc người nghe hay không thì mọi sự sẽ xảy theo cách nó cần được xảy ra.

Cũng lâu rồi tôi không đồng nhất mình với danh tính xã hội nên tôi không mấy phiền muộn bởi những lời nói hay câu chuyện chưa trọn vẹn mà mình viết ra. Tôi không mấy tiếc nuối mỗi khi truyền đi thông điệp mà phần lớn ngôn từ tôi dùng không có gì mới mẻ hay mượt mà, hay thậm chí còn tối nghĩa. Thỉnh thoảng tôi cũng có nói gì đó mới mẻ và sáng tạo. Nhưng suy cho cùng sáng tạo nghệ thuật mà tôi đề cập đến cũng chỉ là thao tác vay mượn và phối trộn ngôn từ. Chúng ta đều vậy mà phải không? Sáng tạo là tạo tác lại từ những chất liệu có sẵn cho phù hợp với thời đại.

Bạn có tin không, tôi không chắc mình là ai đó cụ thể, vì dường như tôi thay đổi mỗi ngày. Nhận thức này ngày một lớn dần đến nỗi bây giờ tôi gần như chắc chắn rằng mình chỉ là một sự hiện hữu như bao sự hiện hữu khác. Sự hiện hữu không lấy con người làm trung tâm.

Bạn biết điều này có ý nghĩa gì đặc biệt không?

Đúng vậy. Nó dạy cho mình một góc nhìn trọn vẹn về tính khiêm nhường. Một sự khiêm nhường đích thực. Không phải là kiểu khiêm nhường của một người đang cố gắng thể hiện mình không hề cao ngạo. Một khi con người vẫn lấy mình làm trung tâm của sự hiện hữu thì đấy vẫn chưa phải là khiêm nhường đích thực.

Cho nên, thay vì tách mình ra là một giống loài thượng đẳng để quan sát rồi phê bình, cố tạo cho mình một hình tượng ăn nói sắc sảo uyên thâm nhằm gây ấn tượng hay tiếc nuối vì phải làm hoàn hảo hơn, tôi sẽ dành thời gian lắng nghe thông điệp mới và cải tiến phương thức chia sẻ thông điệp cho lần sau.

Lan tỏa thông điệp tỉnh thức

Điều quan trọng và cần thiết với tôi bây giờ là, làm thế nào để thông điệp thức tỉnh được lan tỏa rộng rãi và truyền cảm hứng một cách nhẹ nhàng và duyên dáng đến cộng đồng.

Chẳng hạn cuốn sách Lúc mặt trời đi vắng của tôi ấy, tôi nhận thấy giọng văn trong cuốn sách ấy hơi cũ so với tôi bây giờ. Dòng chảy ngôn từ trong lúc mặt trời đi vắng là tôi của ngày hôm qua.

Hôm nay là một ngày mới, dành cho bài viết mới, cuốn sách mới và những bạn đọc mới, hoặc bạn đọc cũ với một tâm thức mới căng tràn nhựa sống. Nói vậy không có nghĩa tôi không tôn trọng phiên bản người cũ của mình. Tôi luôn biết ơn vì tôi được chọn để viết ra Lúc mặt trời đi vắng.

Quay trở lại Triết Học Đường Phố, lý do cho những chia sẻ về thiền và sáng tạo nghệ thuật cũng khởi nguồn từ câu chuyện nhỏ mà tôi sắp kể với các bạn. Chuyện là tôi cực kỳ yêu mến và quan tâm sâu sắc đến Vincent van Gogh. Ông ấy là họa sĩ, bạn biết đó, một họa sĩ thiên tài của Hà Lan, nhưng lại nhen nhóm khát vọng văn chương trong tôi, một người Việt, yêu văn hóa Việt nhưng sẵn sàng đón nhận tinh hoa từ bốn phương đất trời. Người họa sĩ đó truyền cảm hứng đến tôi, giúp tôi vượt qua nghi ngờ bản thân chỉ bằng câu nói:

“Tôi mơ mình vẽ và tôi vẽ giấc mơ.”

Vincent van Gogh và sự sáng tạo nghệ thuật

Toàn bộ cuộc đời ông (dẫu là thực, là qua tiểu thuyết hay qua lời kể lại của người còn sống) đã chứng minh thật sống động một thông điệp gãy gọn nhưng sâu thẳm này. Lẽ thường thôi, bệnh nghề nghiệp của một người viết văn, tôi chôm chỉa từ ông rồi biến tấu một chút: “Tôi mơ mình viết và rồi tôi hư cấu nặng luôn.”

Nhưng thú vị là, chính sự hư cấu ấy dẫn lối tôi, cho phép tôi tạo dựng lại chính mình. Thực tại thoát thai từ hư cấu, bạn biết đấy, tôi nếm trải và tận hưởng thực tại một phần nhờ quá trình dấn thân vào cõi siêu hình bằng óc quan sát và trí tưởng tượng.

Tôi thích Vincent van Gogh, thán phục năng lực sáng tạo của ông. Nhưng thực lòng, tôi không hề mong các nghệ sĩ mô phỏng lại sự đau đớn và giằng xé trong ông. Tôi không ủng hộ phong cách nghệ sĩ giằng xé chút nào. Họ rất dễ đồng nhất mình với việc sáng tạo chính là giày vò mình trong đau khổ.

Bạn biết đấy, họa sĩ thiên tài của chúng ta đã được tiếp nhận quá nhiều điều thần bí từ Thượng đế, nhưng vì ông quá tập trung vẽ vũ trụ mà không ưu tiên mở rộng không gian chứa đựng thẳm sâu cõi lòng mình. Ông không đủ không gian ý thức để xử lý quá nhiều ý tưởng sáng tạo. Bên trong ông đã tràn đầy, ông không thể bình thường và lặng lẽ được nếu vũ trụ cứ tiếp tục rót chân lý vào ông. Ông suýt phát điên. Ông sợ mình điên. Rồi ông cũng điên. Trong cơn hoảng loạn, ông quyết định vẽ dấu chấm hết cho cuộc đời họa sĩ của mình. Nhưng lạ lùng là, người đời lại tung hô vẻ điên cuồng của ông là “Cái điên rực rỡ”.

Cái điên rực rỡ sao?

Cuộc đời Van Gogh chắc chắn rực rỡ, sống động và luôn chuyển động như những bức tranh của mình. Nhưng cũng vì cái điên rực rỡ đó mà thiên tài của chúng ta đã tự cắt tai chính mình. Đau đớn đến chừng nào. Nhà thương điên không cứu được ông. Tâm lý học cũng không cứu được không. Triết học lại càng không. Nếu bạn biết đến Van Gogh, bạn chắc chắn biết ông có một khoảng thời gian làm mục sư. Vì thế tôn giáo cũng vậy, cũng chẳng cứu được thiên tài của chúng ta.

Tại sao không ai đó có ánh sáng tình yêu thuần khiết như Chúa Jesus hay tâm thức niết bàn của Phật đến bên ông, nhẹ nhàng thắp sáng vào ông, dạy ông thiền về bản thể mình để ông thấy rõ lòng mình sâu và rộng đến chừng nào. Ông có thể để mọi ý tưởng, mọi chân lý thẩm thấu qua ông mà không bị tràn đầy bằng cách thiền. Thiền trả lại không gian trống trải cho tâm hồn ông và ông lại có thể ôm ấp hết thảy mọi điều. Thế thì ông đã không dằng dặc mình đến cực đoan và chọn rời khỏi mặt đất sớm như vậy.

Và giờ thì Van Gogh lại nổi tiếng với hình mẫu sáng tạo nhờ “Cái điên rực rỡ”.

Có lẽ bạn chưa biết điều này, lúc tôi hoàn thành dự án tiểu thuyết đầu tay của mình, tôi từng thích mình bị điên như ông. Để được trải nghiệm không gian sáng tạo như ông, tôi suýt chút nữa hành sự như ông. Và tôi biết chuyện đó khủng khiếp như thế nào.

May mắn làm sao, trong những giây phút tối tăm hoảng loạn ấy, tôi được cứu rỗi. Cánh cửa tâm linh đã mở ra với tôi. Dần dần hoạt động sáng tạo của tôi ít bi kịch hơn, nhẹ nhàng hơn, vui sướng hơn, phúc lạc hơn rất nhiều.

Thức tỉnh qua con đường sáng tạo nghệ thuật

Bằng cách thần bí nào đó, nghệ thuật và sáng tạo đã lay động tôi. Nó thức tỉnh tôi. Sự thức tỉnh đã cứu rỗi tôi khỏi cái điên rực rỡ kia. Và tôi như được tái sinh, trong một tâm thức sáng rõ, tròn đầy và phúc lành.

Như Jesus Christ đã dạy tôi từ khi mới lọt lòng:

“Anh em muốn người ta làm gì cho mình cũng hãy làm cho người ta như vậy.”

Tôi được dẫn lối, được học cách thắp sáng chính mình, tôi muốn đáp đền sự cứu rỗi ấy, bằng cách này – cách mà tôi chia sẻ những bài viết liên quan đến việc đưa tính Thiền vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật, chứa đựng nhiều thông điệp về thức tỉnh tâm linh đến với các bạn – những người đang hoạt động trong vai trò là một nghệ sĩ, hoặc những người sẵn lòng sáng tạo và nghệ thuật hóa công việc mình (dù ở lĩnh vực nào đi chăng nữa).

Đỉnh cao của giáo dục là truyền cảm hứng

Tưởng tượng mà xem, một người nghệ sĩ tỉnh thức thức sẽ tuyệt vời biết bao. Bạn thấy đấy, bằng tài năng, một người nghệ sĩ có thế mạnh tiếp cận và tác động công chúng rộng rãi.

Nếu một người nghệ sĩ tỉnh thức, anh ấy không chỉ tác động ở bề rộng mà còn bề sâu. Anh ấy bây giờ sáng tạo là để phụng sự chứ không vì hiển thị mình với công chúng. Anh ấy muốn góp mật cho đời. Vì anh ấy đã nhận được quá nhiều ân sủng và mật ngọt từ vũ trụ. Anh ấy tỉnh thức và giờ thì anh ấy làm việc cho vũ trụ, cho Đấng Tạo Dựng – thực thể có trí thông minh tối thượng.

Bạn biết đấy, đỉnh cao của giáo dục là truyền cảm hứng. Một người nghệ sĩ thăng hoa trong nghệ thuật rất dễ lan tỏa cảm hứng chuyển đổi năng lượng đến công chúng. Nếu một người nghệ sĩ tỉnh thức, thật tuyệt vời biết mấy, phải không? Anh ấy biết mình cần chia sẻ ánh sáng thay vì dùng ánh sáng để lòe bịp, để làm lóa mắt công chúng. Anh ấy dùng ánh sáng để soi rọi bóng tối vô minh của nhiều người, đánh thức họ từ từ, như cách chim sơn ca mở ra khúc hát cho đời.

Ví như thường ngày, một người buộc mình tỉnh giấc bằng tiếng chuông báo thức inh ỏi, nay lại được tỉnh giấc nhẹ nhàng bằng âm thanh ríu rít của bầy chim. Nghệ sĩ góp phần thức tỉnh đám đông rộng, sâu một cách dí dỏm, dịu dàng và ngọt ngào như thế đấy.

Bởi vì tôi cũng được thức tỉnh thông qua nghệ thuật, cho nên hơn bao giờ hết, tôi tin rằng nếu một người nghệ sĩ có thể sáng tác ra chính anh ta trước khi sáng tác một cuốn sách, một bài hát, một bộ phim, một bức họa thì chắc chắn đời anh sẽ nở hoa. Một bông hoa góp mật lại cho đời.

Và sau cùng, bởi vì đây là thời đại của nghệ thuật, của sự lan tỏa mà không nặng nề giáo lý, của sự thăng hoa và hòa hợp giữa mọi lĩnh vực trong đời sống. Một người nghệ sĩ sáng tạo cần tỉnh thức vì tâm thức mình và tâm thức chung của nhân loại. Bởi vì vạn sự không chỉ tùy duyên, vạn sự tại còn tại tâm nữa.

* * *

Nghệ sĩ và sự sáng tạo nghệ thuật

Khi tôi dùng cụm từ nghệ sĩ sáng tạo, tôi muốn bạn biết rằng, dù bạn là ai, đến từ đâu và đang đảm trách vai trò công việc gì với đời sống xã hội, bên trong bạn vẫn có phiên bản của một người sĩ sáng tạo góp phần vận hành hoạt động trong công việc bạn làm. Và tuyệt vời hơn nữa nếu bạn cân nhắc góc nhìn này vào thế giới quan của mình, bạn đang xây dựng cho mình niềm yêu thích quá trình hình thành công việc thay vì thành quả lao động. Một người yêu thích mỗi bước đi trên tiến trình sáng tạo của riêng mình họ biết mình hành động vì niềm vui sướng của bản thân trước tiên.

Họ biết mình chọn sáng tạo là vì lợi ích sự tồn tại của họ. Họ không nhân danh một lý tưởng vĩ đại nào đó như là cách chứng minh sự giỏi giang của mình. Họ đưa tính thiền vào trong hoạt động sáng tạo của mình và vì thế mỗi khoảnh khắc làm việc của họ đều thăng hoa.

Bạn có để ý không, thăng hoa mà tôi muốn biểu đạt ở đây rất giống với trạng thái mà các thiền sư gọi là trạng thái niết bàn hay các vị mục sư, linh mục gọi là thiên đường ấy. Tôi không mong nó giống như cái điên rực rỡ của Van Gogh mà người đời ca ngợi.

Bằng cả trái tim, tôi hy vọng sẽ được kết nối và đồng hành cùng các bạn – những thành viên của Triết Học Đường Phố ở chặng đường tỉnh thức, nâng cao tâm thức mới này.

Chúc các bạn nhiều năng lượng an lành và sáng tạo!

Tác giả: Lê Duyên

Ảnh: Pinterest

Xem thêm

Sơn Tùng MTP có đang làm nghệ thuật?

spot_img
Lê Duyên
Lê Duyên
"Sự hóm hỉnh là cuộc hôn nhân bất chợt của những ý tưởng mà trước khi kết giao được cho là chẳng có mối liên hệ nào." - Mark Twain

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI