28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đọc và Viết

*Photo: Walker Dong

Một vài suy nghĩ về những bộ phim và chia sẻ cùng ai đã xem.

Gọi vui thì đây là hai bộ phim xóa nạn mù chữ, khi chữ chính là chìa khóa của nguồn tri thức, là suy tư, là cái biết của loài người.

Tình cờ, trong một ngày, tôi xem The ReaderFreedom Writers. Với The Reader là để trả nợ cho nhiều lần thất hẹn. Còn Freedom Writers, tôi tìm thấy bộ phim này từ mục gợi ý trên imdb. Hai bộ phim hợp với tâm trạng tôi lúc ấy, hợp từ âm nhạc, nước phim, diễn viên, tình tiết khơi mào, cảnh quay và cái tựa…  Hai bộ phim tôi xem có những tình tiết chung dễ gây kinh ngạc. Mà tiện đây, hãy để tôi kể dần.

Khởi từ cái tên, cái tên nói lên tất cả. Từ đọc đến viết, y như trình tự của nhân vật Hannah và đám trẻ trong bộ phim lấy bối cảnh hiện đại. Hai bộ phim cho tôi chiêm ngưỡng rất nhiều cuốn sách, lướt qua cho tôi vài trích đoạn của các tác phẩm kinh điển, vẻ đẹp từ những giá sách ngăn nắp. Một căn phòng đẹp và một gian trong trại tù chất đầy sách, có ánh sáng đèn vàng và chút ánh sáng xám nhưng không u uất chiếu phủ… Cả hai, đẹp không thua kém gì những đồi núi Scotland, những Paris hoa lệ, những Roma tuyệt phẩm. Ngoài ra còn có vẻ đẹp của nét chữ, từ chữ in cho đến chữ viết tay, chữ trên bìa sách cho đến chữ khắc trên bia mộ.

Nói đến đọc và viết, theo tôi, đó là hai quá trình tương hỗ, hai đam mê bổ túc cho nhau. Thông thường, cứ viết thì người ta sẽ phát sinh nhu cầu muốn đọc. Có lẽ, trừ một vài trường hợp quá cá biệt, chứ theo tôi, nhà văn vĩ đại nào cũng là một độc giả cuồng say. Phải chăng, người đọc nhiều sẽ muốn viết nhiều, nói nhiều, truyền tải nhiều? Với giả thiết ngược này, tôi không có ý kiến. Dường như nó khó kiểm chứng hơn… Song, cứ lạc quan mà nói thì chắc là… nói xuôi nói ngược gì cũng đúng!

Cả hai bộ phim đều nhắc đến một tác phẩm: The Odyssey của Homer. Tôi nhớ, hồi phổ thông cũng được học một trích đoạn của The Odyssey. Điều buồn với các trường ca, với các vở kịch, đó là: khi chuyển dịch sang tiếng Việt, ta ít cảm nhận được cái hay của nó, ta thấy nó có chút ngô nghê, lãng mạn-sến, hơi chênh so với cách diễn đạt thông thường bằng Tiếng Việt. Quả là, cái khó trong dịch thuật, có khi không phải là những văn bản học thuật, nghiên cứu mà chính là những tác phẩm nặng phần nói, nặng xu hướng truyền miệng này. Nó không hẳn là những gì được ghi ra, được chép lại, nó là câu đầu môi chót lưỡi mà người ta truyền qua chuyển lại hằng ngày. Để dịch mấy cái thán từ như “Mèng ơi! Chu cha! Buồn ghê ta!” nó đâu có dễ! Hay là tím than, vàng sền sệt, đen thui thủi vậy! Cũng như đỏ bordeau thì vẫn phải bê y nguyên, chứ nói đỏ thẫm, đỏ sẫm nó lại thành thứ màu khác rồi.

Thứ đến, phải nhắc đến phần bối cảnh chính. Đệ nhị Thế chiến là nguồn cảm hứng cho rất nhiều bộ phim, nhiều tác phẩm văn chương hội họa được mọi người trên thế giới quan tâm đặc biệt. Nạn diệt chủng Do Thái, đế chế tàn bạo của Hitler, thời kì đen tối nhất của lục địa già nức tiếng văn minh và nhiều thành tựu. Phải gắn cái gọi là văn minh cùng sự diệt chủng với nhau để thấy rằng Đệ nhị Thế chiến là một nỗi hổ thẹn cho cái nôi khởi sinh quyền con người, tự do và bình đẳng. Một nỗi đau nhức nhối! Song, cũng có thể nói, đó còn là thời kì hiếm hoi để thế giới ngưỡng mộ người châu Âu. Chắc là không có giai đoạn nào mà người ta chứng kiến nhiều kì tích, nghe được nhiều câu chuyện về lòng bác ái và yêu thương, hiểu được tận cùng những giá trị đấu tranh cho bằng những năm đế chế phát xít lộng quyền…

Đệ nhị Thế chiến được phác họa lại qua phiên tòa trong The Reader, những ngục tù váng vất bóng dáng của trại tập trung Auchwistz, sự kết tội, hàng rào gai, những khung giường xập xệ trong các ô chuồng nhốt người. Nỗi đau và sự dằn vặt. Còn với bộ phim thứ hai (Freedom Writers), nó giống một bài học lịch sử cực kì trực quan. Ta thấy những bức biếm họa mũi khoằm vẽ người Do Thái, ta thấy những thước phim tư liệu, những tù nhân của trại tập trung năm nào. Ta có một thiên thần nhỏ Anne Frank (Nhật ký Anne Frank), một trong bao nhiêu hạt sương trong veo, trong veo như câu chuyện của The Boy in the striped pyjamas. Ta còn được nghe những chứng nhân kể lại câu chuyện đời họ. Dường như, đã chẳng bi thương, mà nhẹ nhàng và thanh thản. Với họ, chiến tranh thực sự đã kết thúc, hòa bình đã ngự yên ổn trong chuỗi ngày còn của cuộc đời.

Dù có vẻ hơi thừa thãi, nhưng tôi vẫn muốn thêm vào đây một điểm chung đặc biệt nữa giữa hai bộ phim, đó là sự đọc, người đọc và những giọng đọc vang lên đều đều suốt mạch phim. Nếu Michael có khả năng diễn được nhiều giọng khác nhau với mỗi nhân vật, mỗi câu truyện thì những học trò của cô giáo Gruwell cũng giỏi giang không kém. Ta nghe được giọng một rapper, giọng một tâm hồn nhiều nỗi đau và phẫn uất, giọng của một nhóc “giang hồ” nay “giã từ vũ khí”. Họ là những người đọc tạo nên chất văn cho mạch phim.

Có người trích một vài đoạn từ tác phẩm của Bernhard Schlink và cho rằng phim không diễn tả được hết truyện. Riêng tôi, sau khi xem những bộ phim chuyển thể, cho rằng: ta không thể so sánh một bông hoa và một cái cây, một con mèo và một con cún. Phim và truyện có những cái hay, cái dở riêng. Hãy đánh giá thật công bằng, phim trên quan điểm của khán giả và truyện trên quan điểm của độc giả. Bởi, với một bộ phim chuyển thể, nó không còn là nguyên bản sáng tạo của nhà văn, nó là một tác phẩm mới, có chung nguồn cảm hứng.

Một điểm chung nữa mà tôi muốn nói giữa hai bộ phim, đó là sự khác biệt. Cực điểm của sự khác biệt là kì thị và loại diệt lẫn nhau. Ngày qua đi, chúng ta vẫn dùng mắt trần mà đánh giá nhau, mà soi mói những khác biệt ở nhau. Để từ đó, khởi sinh những tị hiềm, những khinh khi. Chúng ta mâu thuẫn dường nào! Vừa không muốn sống như một bản sao, vừa khao khát những gì người khác có, ghen tị với những gì người khác trở thành. Ta để mình cuốn theo dòng chảy của sự đồng nhất, của cái gọi là “được bằng chị bằng em, muốn bằng bạn bằng bè”. Có phải người Do Thái bị ghét vì họ quá thông minh, quá kiệt xuất, họ có tiềm năng vơ vét được của cải của những dân tộc khác, họ lấn lướt tri thức của những lớp người khác? Họ bị nhận chìm vì ghen tuông, vì đố kị, vì nỗi sợ hãi thường trực của người đời với sự thắng thế vượt trội của họ? Còn những đứa trẻ da màu, Aztec, Mỹ lai Á, lai Phi… chúng bị ghét vì sự thấp kém, vì sự lì lợm ngu ngốc, vì chúng làm cho một trường hạng A xuống hạng bét – mất đi 75% học sinh giỏi, là vì chúng không có tài? Chúng là nguyên cớ cho sự sa sút, chúng là cội rễ của cái gọi là lạc hậu, chúng là hòn đá cản chân cho xã hội tiến lên?

Làm sao có thể sống quân bình ở xã hội này, vì quá giỏi người ta cũng ghét, mà quá dốt thì người ta sẽ chuyển sang khinh? Bởi đâu, người ta cứ mê muội mãi với sự ghen tị, với sự khinh khi này? Ta tạo ra những chuẩn mực đánh giá, rồi những chuẩn mực ấy quay lại ám ảnh, bó buộc ta. Chúng lấy đi cái nhìn khôi nguyên, trong lành. Chúng phủ bóng định kiến lên mỗi suy nghĩ và hành động của ta. Làm gì đây? Chúng ta sẽ kìm chân nhau, tự giam giữ mình, cách li mình với những người xung quanh? Không nghe, không biết, không thấy thì sẽ không suy nghĩ, không băn khoăn, không ám ảnh và không ghen tuông nữa? Ta sẽ làm thế, như người quản ngục tuyệt tình, người quản ngục mù quáng với trách nhiệm công việc mà không mở cửa cho tù nhân chạy trốn. Hay ta sẽ mở tung hết, ta cứ va chạm, cứ cố gắng để thấy đủ, biết đủ, hiểu đủ những thiệt hơn, những khoảng sáng và khoảng tối? Phải chăng đó là cách những đứa trẻ bắt đầu cảm thấy hiểu nhau, thông cảm cho nhau và biết chia sẻ cùng nhau?

Khi xem xong, The Reader, tôi thấy lòng buồn. Tôi tự hỏi tại sao lại có một cái kết thúc chát đắng như vậy? Tôi tự hỏi những điều người ta cố gắng làm cho nhau, dù là làm bằng cả tấm lòng đấy, có khi nào lại là những điều quá vô nghĩa? Mấy mươi năm trước, người phụ nữ không lời từ biệt mà đi thì sau ngày gặp lại, chính đứa trẻ ngày nào lại thành kẻ nguội lạnh, dửng dưng ngắt chuyện, rời bàn ăn. Giữa họ là những nhói đau không thành tiếng và là những yêu thương cũng chẳng thể thành lời. Là bởi người phụ nữ quá can trường, quá quen cô độc, gắng giữ mình trước những liên lụy hay là bởi người đàn ông quá trầm lặng, quá biết vâng lời, quá quen với sự bảo bọc từ gia đình và người mở ra đường yêu thương cho anh ta?

Tại sao, năm ấy trong phiên tòa, có người lại giấu nhẹm đi lời khai quan trọng nhất? Một đằng là nỗi tủi hổ, người phụ nữ cần danh dự nhiều hơn là một cuộc đời bình yên? Còn đằng kia, án chung thân gánh trên vai cả đời thì sao? Để trưởng thành, đứa trẻ phải học dần cách chấp nhận nỗi đau, học cách cân nhắc giữa lý chung và tình riêng. Phải có ai đó chịu trách nhiệm cho 300 cái chết oan, phải có ai đó, cùng trong thời khắc này, thay vì lắng nghe nỗi đau của người đàn bà cô độc, sẽ chia sẻ nỗi đau cùng những người vô tội chịu cảnh gia đình ly tán, sống oan uổng dưới án trại tập trung. Đứa trẻ, phải chăng vẫn mãi là đứa trẻ? Cứ khư khư một tình cảm ích kỉ mà không khoan dung được, lảng bảng mỗi điều tốt nhất cho chính bản thân mình? Còn người lớn thì cứ thế già đi, cứ nghĩ mãi cho người khác mà quên đi bản thân mình, cứ thế chịu đựng, cứ thế từ bỏ vì đã qua thời thắp lửa hy vọng?

Nhà văn có lý lẽ riêng của họ, họ nhạy cảm và đau đáu với dòng chảy suy tư, họ không muốn tạo nên một cuộc đời êm đềm, một cuộc tình trọn vẹn. Nhà văn có một cái tham bao tất vào câu truyện mình, họ muốn ở đó có niềm vui và nước mắt, có đoàn tụ và chia ly, có công bằng và bất công. Tiểu thuyết, thường là tập hợp của rất nhiều cuộc đời trong đó, là một xã hội thu nhỏ. Thậm chí, một nhân vật cũng được đặt để vào quá nhiều cuộc đời, nhiều số phận. Bởi đó, mỗi nhân vật trở thành một hình tượng chứ không còn đơn thuần là một con người…

Kết thúc của hai bộ phim phân tách hai kết quả khác nhau giữa tưởng tượng và đời thường. Thường thì đời không như là mơ và làm gì có chuyện tình thường nào đẹp như trong tiểu thuyết? Bất thường thay, ở đây ta bắt gặp một trường hợp đảo ngược. Thực tế là một câu chuyện đẹp mà ta chẳng thể tưởng tượng ra. Thực tế là những “con tim đã vui trở lại”, đám học trò và người giáo viên tâm huyết thực sự đã tạo nên kì tích.

Thi thoảng, sẽ tốt hơn nếu ta làm ngược lẽ thường, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này. Đời có lúc không như là mơ, rồi lại có lúc đẹp hơn một giấc mơ. “Gieo hy vọng, gặt thành công”, tôi không biết vĩ nhân nào đã từng nói câu này. Tình cờ, thử tìm trên google, tôi mới biết câu truyện Freedom Writers chính ở cuốn sách Người Gieo Hy Vọng. Hy vọng, tôi sẽ sớm tìm mua được quyển này.

Để kết thúc, tôi muốn giới thiệu thêm một quyển sách được nhắc đến trong Freedom Writers, đó là: 12 angry men. Đây cũng là một tác phẩm điện ảnh khó xem nhưng đáng xem.

À, không biết có thừa không? Michael là người Do Thái.

 

Broon

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI