27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Định nghĩa của từ “học giỏi”

*Featured Image: Asteroidesmuertos

 

Tại sao các vị phụ huynh, giáo viên lại bắt ép con mình, học sinh mình phải học giỏi và giỏi ở đây có nghĩa là phải giỏi tất cả các môn từ toán, lí, hóa, anh, văn đến cả sinh, sử, địa thậm chí phải trên thông thiên văn, dưới tường địa lí hay nói một cách hài hước hơn điều đó có nghĩa là thợ điện cũng phải biết sửa ống nước?

Học giỏi thì sau này có cơ hội kiếm được việc làm, đúng. Học giỏi sau này có việc làm lương cao, cũng đúng. Nhưng giỏi ở đây là giỏi kĩ năng, kiến thức chuyên ngành mà bạn làm việc cùng với các kĩ năng mềm của bản thân chứ không phải những con số 9, 10 rỗng tuếch trong học bạ trung học của bạn. Bạn đang ấp ủ một kế hoạch kinh doanh và định vay vốn ngân hàng để thực hiện điều đó, liệu có ngân hàng nào đòi xem học bạ trung học của bạn để quyết định cho bạn vay hay không?

Trong suốt thời trung học, điều mà tôi cảm thấy nực cười nhất là khi nhìn thấy những đứa học cũng giỏi, chỉ là không may mà bị điểm thấp hay bị rớt hạng trong lớp thôi mà cũng khóc bù lu bù loa hết cả lên. Không những thế, tức cười hơn là có một số đứa học giỏi thì lại không xác định được sau này sẽ làm gì.

“Vậy mày học giỏi để làm gì?”

“Tao không biết, vì ba mẹ tao bắt tao học giỏi, nếu học dở thì tao sợ bị chửi mắng, họ nói cứ học giỏi thì sau này sẽ kiếm được nhiều tiền.”

“Ừ, thế thì mày cứ ôm đống sách đó mà kiếm tiền đi, vậy hóa ra lý do mày học giỏi đơn giản chỉ là khỏi bị ba mẹ mày mắng thôi chứ gì?”

Xin chúc mừng các bậc phụ huynh đã đào tạo thành công những con “gà” chuyên nghiệp làm việc theo mệnh lệnh ngay từ lúc còn đi học để rồi lớn lên lại tiếp tục làm theo những mệnh lệnh của công ty mà làm cho họ. Còn giáo dục hiện nay đã thành công trong việc tạo ra những người làm việc trí thức mà xem thường những người lao động tay chân hay những người có kết quả học tập không tốt.

Thật không có gì sai khi so sánh học sinh bây giờ (chỉ dám nói học sinh ở Việt Nam nói riêng chứ các nước khác thì chưa biết) chẳng khác gì những con gà công nghiệp khi mà học sinh bị nhồi nhét kiến thức, lấy số lượng mà không màng quan tâm đến chất lượng, biết giải toán một cách máy móc mà không hiểu rõ bản chất của vấn đề, các môn học xã hội như lịch sử, địa lí, văn học đề cao tính tư duy độc lập của học sinh thì tất cả có đều có đề cương, đến lúc thi thì cứ lấy ra học thuộc mà chép, thử hỏi nó tư duy ở chỗ nào và học như vậy thì có ích gì?

Tôi đã từng thấy nhiều người bạn của tôi, sau khi họ được phụ huynh “dạy dỗ” thì họ bắt đầu tin tưởng một cách mù quáng, một số người tin rằng bây giờ mình chịu khổ học giỏi sau này ra trường đi làm thì đỡ phải học nữa. Quả thực điều đó thật quá sai lầm, sai lầm ở chỗ ra trường thì không phải học nữa, biển học vô bờ không bao giờ kết thúc, các bạn nên biết rằng khi ra trường rồi thì đó mới là lúc bạn thực sự học chứ không phải là những lúc bạn ngồi trong trường. Bởi vậy những ai đang có suy nghĩ ra tốt nghiệp ra trường rồi thì không phải học nữa thì nên xem lại đi.

Các dạng tài năng

Tronng quyển sách Frames of Minds (Khung Trí Tuệ) của Howard Gardner có nêu ra 7 dạng tài năng khác nhau trong các lĩnh vực của một con người. Bảy dạng tài năng đó bao gồm: Học tập, tính toán, không gian, thể lực, nội tâm, giao tiếp và môi trường. Nếu bạn học không giỏi không có nghĩa là sau này bạn không làm nên trò trống gì như các bậc phụ huynh đáng kính nói với bạn, đó chẳng qua là vì bạn không giỏi ở năng lực học tập mà giỏi ở những năng lực khác. Có thể bạn có tiềm năng của năng lực không gian để trở thành một nhà nghệ sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư tài ba; hay năng lực thể lực để trở thành một vận động viên xuất sắc; hay khả năng giao tiếp cho phép bạn trở thành ca sĩ, người dẫn chương trình xuất chúng.

Có một sự thật là tất cả những người giỏi các năng lực khác đều nổi tiếng và thành đạt hơn người chỉ giỏi mỗi năng lực học tập. Ví dụ điển hình là nếu xét về độ nổi tiếng thì giáo sư Ngô Bảo Châu gần đây hay những học sinh đạt giải Olympic quốc tế cũng không thể bằng những nghệ sĩ nổi tiếng như danh hài Hoài Linh, Thành Lộc… hay ca sĩ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường… hay vận động viên như Nguyễn Tiến Minh, Hồng Sơn,v.v… . Nhưng tiếc thay những năng lực tiềm ẩn đó lại bị vùi dập cách không thương tiếc bởi chính những người dạy dỗ bạn khi họ đã quá coi trọng việc học và điểm số.

Các trường thi nhau loại bỏ các môn thuộc về năng khiếu như họa, nhạc hay các môn như thể dục, tin học đều bị xem nhẹ. Không những thế còn bị chịu sức ép từ chính gia đình và nhà trường tạo ra để bắt ép gần như tất cả mọi người đi theo năng lực học tập. Bảo sao nền thể thao nước nhà lại kém đến như vậy, đơn giản là vì những tài năng thể thao đó đang bị vùi đầu vào đống sách toán, lí, hóa, sinh, sử, địa đó. Phải chăng phụ huynh đang cắt đi đôi cánh ước mơ của con bằng chính việc áp đặt của mình?

Càng moi ra thì lại càng thấy nhiều điều nực cười trong cách giáo dục con người. Những người học giỏi đoạt huy chương, thành tích, điểm cao được ca ngợi tuyên dương lên báo và dĩ nhiên người ta chỉ biết đến những bạn học giỏi đó tại thời điểm đó thôi, còn sau này làm gì, ở đâu thì chẳng còn ai quan tâm nữa. Trong khi những người chẳng có thành tích gì trong học tập, thậm chí là nghỉ học hay nặng hơn là đuổi học thì lại là những người mà ai ai nhắc đến cũng biết như Bill Gates, Steve Jobs, Thomas Edison, Albert Einstein,…

Học giỏi sẽ được làm chủ

Sẵn nói luôn một chủ đề nhỏ cũng khá là liên quan đến vấn đề này đó là lí do tại sao lại có nhiều người theo học ngành kinh tế đến như vậy, kể cả học trong nước lẫn du học nước ngoài? Hỏi 10 đứa chắc cũng phải đến 6,7 đứa theo học ngành kinh tế, bản thân mình thì cũng chọn theo ngành kinh tế nhưng vì thấy nhiều người học quá, sau này khó kiếm việc làm nên sẽ chuyển hướng sang hệ thống thông tin quản lí  (Information System), tuy rằng nó cũng thuộc ngành kinh tế nhưng tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh và doanh nghiệp. Lí do mà nhiều người chọn học ngành kinh tế đến vậy có thể kể đến hai lí do:

  1. Đa phần những người theo học ngành kinh tế là do chưa xác định được tương lai, ước mơ sau này mình sẽ làm gì nên theo chọn ngành kinh tế vì mơ mộng rằng theo ngành này sẽ kiếm được nhiều tiền. Một hậu quả sâu xa của việc không xác định được tài năng của mình từ lúc còn bé vì chỉ lo học đống kiến thức mà người lớn tạo áp lực lên họ.
  2. Ai mà chẳng mơ sau này trở thành doanh nhân thành đạt, trở thành đại gia mà tiền tiêu không hết, thế là cả lũ kéo nhau theo học ngành kinh tế với một mơ mộng trẻ con như thế nhưng đến lúc tốt nghiệp và đối mặt sự phũ phàng của cuộc đời thì cái việc trở thành đại gia không hề dễ chút nào nhất là đối với những bạn vẫn chịu ảnh hưởng của việc “học giỏi” như đã nói ở trên.

Và rồi khi mà quá nhiều người theo vào học ngành kinh tế, kinh doanh thì một câu hỏi được đặt ra mà chắc hẳn ai cũng đã nghe qua một lần: “Nhiều đứa theo học ngành kinh tế như thế thì sau này ai làm chủ, ai làm nhân viên?” Người lớn chắc chắn sẽ trả lời rằng: “Đứa nào học giỏi thì sẽ làm chủ, học kém thì làm nhân viên, bởi vậy con rang học cho giỏi vào.” Ồ thế cơ à, ai giỏi hơn thì được làm chủ, ai kém hơn thì làm nhân viên, thế bây giờ giả sử ông chủ là người có bằng cử nhân thì những nhân viên của ông ấy chỉ toàn những người có bằng cử nhân trở xuống à?

Những ai có bằng thạc sĩ, tiến sĩ xin vào làm sẽ không được chập nhận vì họ giỏi hơn ông chủ của họ? Xin phép được trích dẫn từ một cuốn sách của tác giả Robert T. Kiyosaki, ông có viết 2 điều như sau: “Trường học là nơi đào tạo những người thợ tốt chứ không phải những ông chủ giỏi.”“Một ông chủ giỏi là người biết cách làm cho những người giỏi hơn ông ta làm việc cho mình.” Ông có viết rằng người thông minh sẽ có IQ cao còn người giàu có sẽ có IQ tài chính cao, họ là những người nhìn thấy và cảm nhận được dòng chảy của đồng tiền và điều đó giúp họ không phải xoay xở, vât lộn với tiền bạc.

Tôi xin được nói thêm vài điều nhỏ để kết thúc chủ đề ngày hôm nay vì có lẽ bài viết đã dài quá rồi. Đầu tiên là mở rộng cho câu nói mà tôi đăng trên facebook cách đây ít ngày:

“Quả thật trên thế giới này, cho dù có tuyên truyền những cái đẹp, cái tốt cho người khác bao nhiêu đi chăng nữa thì những cái xấu vẫn luôn tồn tại. Bởi cái xấu tồn tại vốn để tôn vinh cái đẹp. Có thể điều đó thật không công bằng nhưng nó lại đem đến sự cân bằng cho xã hội này.” 

Báo chí hằng ngày đăng tin những học sinh giỏi xuất sắc, tuyên truyền những tấm gương học tập cao đẹp cho học sinh noi theo. Tuyên truyền những hình ảnh đẹp là một điều đáng làm nhưng nó sẽ chẳng giúp được những học sinh kém học tốt lên được vì đơn giản là trong người họ không có tài năng học tập mà thuộc một năng lực khác, nhưng xã hội thì chỉ coi trọng việc học một cách mù quáng.

Thật không công bằng khi các bạn sinh ra không có được bộ não “rộng” như những người khác để nhồi nhét thông tin vào đầu nhưng nếu người lớn có chửi mắng bạn vì bạn học kém thì cũng đừng buồn vì cuộc đời luôn phải cân bằng giữa đẹp và xấu. Cái xấu tồn tại để tôn vinh cái đẹp, có nghĩa là cái xấu cũng có một tác dụng tốt theo một nghĩa tiêu cực. Xấu và đẹp luôn tương đối với nhau và có thể chuyển hóa cho nhau. Điều đó xấu với một người tại một thời điểm nhưng sẽ lại đẹp với một người khác tại một thời điểm khác. Các bạn hãy tin tưởng rằng những điều tốt đẹp nhất đang chờ đợi ở phía trước.

Còn với những bạn đang vùi đầu vào đống sách vở để học với một niềm tin mà người lớn áp đặt vào bạn thì tôi khuyên thật lòng các bạn hãy đóng cuốn sách lại, bước ra ngoài xã hội kia và sử cái đầu tư duy của mình để cảm nhận dòng chảy của xã hội, xây dựng các mối quan hệ với những người khác và tôi chắc chắn rằng những gì mà bạn học được ngoài xã hội khi mà bạn cảm nhận nó bằng chính tư duy và tâm hồn của mình sẽ bổ ích hơn việc ngồi nhà và học thuộc những dòng chữ một cách máy móc. Hãy quan sát cuộc sống, con người xung quanh bạn và khi đó bạn sẽ nhận ra được rằng bạn còn học được nhiều thứ hơn những gì học được ở trường.

Thật sự nếu kể ra thì vẫn còn rất rất nhiều những vấn đề trong cách giáo dục con người nhưng tác giả xin phép được kết thúc tại đây. Chúc các bạn một ngày mới bên gia đình và người thân vui vẻ!

Xin chào và hẹn gặp lại ở phần tiếp theo!

Andy Nguyễn

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

46 BÌNH LUẬN

  1. Mình khá đồng tình với bài viết này trừ một vài chỗ (so sánh giáo sư và ca sĩ) bởi bản thân được xem như một trò giỏi ở ghế nhà trường nhưng những kiến thức sách vở đó (đặc biệt với kiểu dạy học ở VN) không giúp gì nhiều cho cuộc sống hiện tại. Mình nhận thấy có những bạn học cũng bình thường thôi nhưng học được nhiều ở ngoài đời và thích ứng rất nhanh, đơn giản là họ có những tài năng khác và cách học khác. Xin đính chính trí thông minh đầu tiên trong loạt 7 trí thông minh của Garner là trí thông minh ngôn ngữ (linguistic intelligence). Những người có trí thông minh này có xu hướng thành nhà thơ, nhà văn, v.v.

  2. Tôi thích 1 nhánh ý nhỏ của chủ Topic, xã hội có thể ko công bằng nhưng về lâu về dài, xã hội sẽ tự cân bằng. Những thứ xứng đáng sẽ được đưa về đúng vị trí của nó. Chúng ta cứ tin là như vậy.

  3. Có 1 sự thật những người học giỏi và năm nào cũng giỏi thì người ta sẽ thành công. Chính ý chí, kiên trì, chịu khó rèn luyện trong 1 môi trường là điều tạo nên thành công. Thông minh, sáng tạo là điều hạn chế.

  4. Ko học thì lấy kiếm thức đâu để làm việc, để kiếm tiền? Ko học rồi ra ngoài xã hội nói “hay” hả? Việc tốt nhất là biết cần bằng giữa học và hành.

  5. Đồng ý 1 phần thôi, hồi còn đi học thấy nhiều ngk học giỏi khủng khiếp, thông minh kinh khủng, nhưng rồi chỉ có thầy cô nào trực tiếp dạy người đó mới biết thôi, mà về chuyện nổi tiếng thì không bàn cứ hay so sánh con mình với con ngk khác là không đồng ý

  6. Mình thấy bai viết cũng có phần đúng …chỉ học kiến thức sách vở thì ko có nghĩa sau này sẽ có việc làm ổn định. Nhưng nước mình nếu ko học giỏi thì không thể vào đại học…và hiện tại chưa thể thay đổi đc cái nền giáo dục này bởi vì nếu ko dựa vào học tập thì chẳng còn dựa vào đâu được để mà cho đi học đh…mình chỉ muốn được học kinh tế hay chuyển ngành ngay từ cấp 3 để đi làm luôn cho đỡ tốn tiền bố mẹ với đỡ vô dụng khi mà phair xin tiền học suốt haiz

  7. Bài viết hay lắm bạn, rất thích hợp cho mình ở thời điểm hiện tại 😀 Tuy có 1 chỗ trong bài của bạn bị gõ thiếu chữ nè “Còn với những bạn đang vùi đầu vào đống sách vở để học với một niềm tin
    mà người lớn áp đặt vào bạn thì tôi khuyên thật lòng các bạn hãy đóng
    cuốn sách lại, bước ra ngoài xã hội kia và sử [dụng] cái đầu tư duy của mình để
    cảm nhận dòng chảy của xã hội,…” 😀

  8. Người Do Thái luôn đề cao trí tuệ, kiến thức và sự hiểu biết, nhưng sự sáng tạo còn cao hơn 1 bậc so với kiến thức và sự hiểu biết đã có! Do đó, giáo dục Việt Nam vẫn luôn ở vòng lẩn quẩn là giáo điều, lý thuyết. Nó làm cả một hệ thống con người đến 18 tuổi vẫn không có kiến thức, sự hiểu biết cần thiết khi vào đời, làm thui chột sự sáng tạo!
    Tóm lại, hãy tìm cuốn sách “Tâm và kế của người Do Thái” mà đọc nếu bạn muốn có một thế giới quan đúng đắn, lối tư duy chuẩn trong thời đại kim tiền này!

  9. Mình k đồng tình vs bài viết này lắm. Nhất là về chuyện so sánh các giáo sư và các nghệ sĩ. Vs giới học thuật thì họ cần học và phải học giỏi. Chưa kể cái giỏi của họ chỉ là theo cách nhìn của người ngoài. Trong giới nghiên cứu còn có những người ở bậc cao hơn. Họ cần tiếp tục chứ k chỉ dừng lại ở mức độ đấy. Có những người vùi đầu vào sách vở là có lí do. Yêu cầu của chuyên ngành đó đòi hỏi khắt khe hơn bình thường. Thêm nữa, giới học thuật k học làm chủ, k muốn làm chủ và cũng k thuộc mối quan hệ chủ – thợ. Còn như những người làm việc cho Steve Jobs, đơn giản là họ dc làm, dc sống vs đam mê, nghiên cứu, sáng tạo chứ k phải vai trò CEO. Hà cớ gì ta bảo làm thợ k tốt và k có dc thành công?

    • Cũng là một ý kiến hay.
      Mà mình thấy nếu đã nói không nên so sánh như vậy thì tốt nhất các bậc phụ huynh cũng không nên so sánh con mình với con người ta. Như vậy mới đúng! :)))

    • Mình nghĩ tác giả bài viết này chỉ có ý phản bác lại quan niệm cứ học giỏi thì mới nhận được thành công thôi . Cho nên, cách nhìn của bạn nằm trong quan điểm của tác giả về những người có khả năng học tập cao thôi .

    • Co le ban hieu sai va hieu chua dung y nghia cua bai viet tren, theo toi hieu, tac gia viet bai nay chu yeu cho doi tuong hoc sinh sang hoc tap tren ghe nha truong va dinh huong nghe nghiep, cho cac bac phu huynh va nguoi lam nghe day hoc. Tac gia ko phu nhan vai tro cua su hoc, ko he so sanh khap khieng giua giao su voi nghe si ma chi nhan manh co nhieu loai nang luc khac nhau trong so dong nhung con nguoi. Toi thich bai viet nay va no co y nghia nhieu cho cac em hoc sinh va sinh vien.

  10. Thanks,Bài viết rất hay mặc dù chủ đề cũng k mới mẻ lắm,nhưng cách nhìn khá độc đáo.Mình cũng ở lớn lên ở LS,giờ đang học ở HN :p

  11. Đọc bài này làm e nhớ đến vài lần trong lớp cô giáo e hay nói ” Học giỏi đi là sẽ có nhiều tiền” Rồi cô e còn dẫn chứng ra con thầy A, Cô B trong trường đi học ĐH ra chưa được vài tháng lương đã trên 10 củ, rồi cô vẽ nên trong tâm trí của tụi học sinh chúng e 1 tư tưởng: Học giỏi sẽ giàu” Ba mẹ e nói ” Ráng học đi con, học giỏi thì Giàu” rồi lại nhà Bác C hàng xóm có con dâu, con rể là THẠC SĨ, thấy nhà người ta giỏi chưa. Vâng, học THẠC SĨ ở 1 trường dân lập vì k thể kiếm được việc làm, và khi học xong phải nhờ ba mẹ chạy tiền mới có được việc làm. Rồi hàng xóm mn cứ nói con bé này học giỏi mà, sau này làm nhiều tiền lắm đây. Thật sự là với những ai học về bên Tự nhiên, Y dược thì e k dám đề cập tới, còn nếu ai học Kinh Tế mà cứ Quan điểm : Học lí thuyêt nhiều mà giỏi, mà giàu thì vâng, chắc họ là Thánh. Đến tận lúc đi làm có tiền nhưng vẫn phải nhận trợ cấp của ba mẹ vì lương k đủ sống thì xin hỏi cái bằng Thạc sĩ mà họ học để làm giấy lót à?? Rất nhiều lúc e chán việc học này quá, cái vòng luẩn quẩn chả bh thoát khỏi được.

    • Y Dược thì nếu ra xin vào làm được lương cũng quá thấp, buộc phải ăn ngoài nếu muốn sống (trừ phi nhà đã khá giả sẵn). Khối Tự nhiên thì những ai học giỏi, nghiên cứu giỏi có thể xin làm cho trường rồi lên cao hơn. Tuy nhiên, số đó thực sự ít, giỏi lắm được 100 người (tính hết tất cả các trường dạy Cử nhân Khoa học như KHTN TPHCM, KHTN HN, ĐH Huế…). Phần lớn Cử nhân khoa học ra giành việc làm với các bạn kĩ sư hoặc sư phạm gì đó :p . Nếu bảo học cái gì ra đảm bảo khả năng xin được việc cao nhất chắc còn mỗi Trung cấp kĩ thuật và các ngành ĐH kĩ thuật công nghiệp. (Công nghệ thông tin thì…tùy vào tài của mình nhiều hơn nên cũng không dễ ăn mà xin việc :p ). ĐH thì còn nhiều vị ham chứ đi học Trung cấp thì bị mắng vốn ra sao tự hiểu rồi đấy =))

    • bạn nói k sai, học Kinh Tế thì không thể dựa vào lí thuyết để làm giàu được. Đối với kinh tế, học lí thuyết là một chuyện, ra đời đi làm lại là một chuyện khác hoàn toàn

    • Mình có suy nghĩ giống bạn =)) Mình cũng đang học kinh tế và mình nhận ra rằng cho dù học có giỏi cách mấy đi chăng nữa thì cũng không bằng mấy đứa COCC hiện nay. Mình nghe ông chú bạn đồng nghiệp của ba mình “khoe” cháu ổng học lên thạc sĩ, rồi ổng kể là hồi đó đi học đại học ra được bằng giỏi mà không kiếm được việc làm nên h đi dạy thêm rồi đi học thạc sĩ. MÌnh nghe mà muốn cười. Ba mẹ mình thuộc thế hệ trước nên tư tưởng không có thoáng và lúc nào cũng nghĩ học đại học cho giỏi sau này giàu. Nói chứ mình sắp lên năm 3 và đang muốn nghỉ học vì quá chán cái việc học ở đại học, toàn học đại =)) nhưng mà ba mje không cho nên cố gắng lết cái bằng khá cho an lòng chứ mình cũng không ham muốn gì cái bằng này đâu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI