Featured Image: Susan Sermoneta
Sáng nay vào Facebook, gặp tâm sự của anh bạn:
“Tối qua tui mới đi đám tang con gái lớn của đứa bạn cùng lớp N3 LQĐ. Cháu cũng học LQĐ, đang là lớp trưởng một lớp 10. Cháu rất ngoan, học giỏi nhưng bỗng dưng quyết định chấm dứt cuộc sống của mình ở tuổi 15 vào chiều ngày chủ nhật. Cả nhà không ai hiểu vì sao, bạn bè thầy cô cũng không ai hiểu vì sao?
Được kể lại rằng hôm thứ sáu tuần rồi cháu vẫn đứng ra cùng các bạn tổ chức sinh nhật cho thầy chủ nhiệm, vẫn vui vẻ hòa đồng với các bạn trong lớp. Đến sáng chủ nhật ba cháu vẫn chở cháu đi học võ tại trường, trưa đón về nhà ăn cơm bình thường nhưng đến chiều thì xảy ra chuyện. Nhiều người nói có thể cháu bị áp lực học hành, bị một cú sốc nào đó về điểm số… (đối với cháu này thì nguyên nhân yêu đương được loại trừ).
Một sự mất mát không thể bù đắp cho gia đình, một nỗi đau quá lớn và tất cả bạn bè thân quyến. Vì sao? Vì sao nên nỗi? Rất nhiều câu hỏi vì sao không lời giải đáp! Phải chăng có một sự khiếm khuyết nào đó trong nền giáo dục hiện tại?“ (Trích từ Hội Huỳnh)
Một câu chuyện quá buồn, quá đau xót nhưng không phải là quá hiếm!
Năm 2000 đọc được cuốn “Rich Dad, Poor Dad” của Robert Kiyosaki , trong đó chủ yếu hướng dẫn về cách làm giàu từ bất động sản (điều này cần phải xem lại). Tuy nhiên có một quan điểm về giáo dục, tôi cho là đúng và đã áp dụng đến giờ.
Robert Kiyosaki cho rằng, để giáo dục một đứa trẻ sau này trở thành một người thành công thì phụ huynh cần phải làm 4 việc sau:
- Giáo dục kiến thức nghề nghiệp.
- Giáo dục về thể chất.
- Giáo dục về kiến thức tài chính.
- Giáo dục về kiến thức xã hội.
Kiến thức nghề nghiệp:
Giai đoạn phổ thông chỉ trang bị kiến thức chung và là giai đoạn chính để một đứa trẻ chọn nghề nghiệp trong tương lai. Học giỏi ở trường phổ thông không quyết định sẽ giỏi ở bậc đại học và càng không quyết định sẽ giỏi trong lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai. Nếu xuất sắc tất cả các môn học ở trường phổ thông thì sẽ rất khó khăn khi chọn nghề.
Nghề nghiệp phải được xác định rõ ràng trước khi học về nó. Lâu nay, công thức là lấy cái bằng, làm việc theo cái bằng, làm riết rồi thành cái nghề.
Kiến thức nghề nghiệp hoàn toàn không phải là bằng cấp, chỉ có kiến thức nghề nghiệp được học từ trường lớp mới có bằng cấp, các kiến thức do tự học (là chính), từ bạn bè, từ xã hội, từ internet… thì hoàn toàn không có bằng cấp. Thậm chí có những kiến thức về nghề nghiệp không dạy ở bất cứ trường lớp nào (không tin cứ hỏi anh Tuấn, chủ của Kềm Nghĩa).
Nhìn xã hội Việt Nam xem, thiên hạ đang đua nhau ép con phải học thật giỏi kiến thức cơ bản chỉ để khoe nhau khi trà chanh chém gió hoặc chụp hình học bạ khoe lên Facebook, chả ai cùng thảo luận về nghề nghiệp tương lai của con. Con vào được trường điểm hoặc đại học là coi như hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù khi là cử nhân hoặc thạc sỹ xong vẫn phải nuôi, nhưng… không sao!
Giáo dục về thể chất:
Chỉ có ở những nước phát triển, thể thao học đường mới được chú trọng. Ở Việt Nam phụ huynh phải làm việc này. Một đứa trẻ, ngay từ lớp 1 đã phải bắt buộc phải “gắn” với 1 môn thể thao nào đấy, nên nhớ là “gắn” chứ không phải “chơi”. Mỗi ngày đều phải tập hoặc 3 buổi/tuần. Bơi lội và võ thuật là lựa chọn hàng đầu. Không có sức khỏe thì không học nổi những gì cần học, không làm nổi những gì muốn làm và không hưởng được những gì đáng hưởng. Đơn giản thế thôi!
Giáo dục về tài chính:
Trẻ con phải được giáo dục về tài chính từ nhỏ, tiền bạc chả có gì xấu xa, nếu xấu thì bố mẹ nó và cả xã hội đang còng lưng ra để kiếm cái gì đấy? Cây bút chì là một văn phòng phẩm rất quen thuộc, nhưng đâm vào mắt thì mù đấy. Những việc rất đơn giản như tiêu xài phải ít hơn số kiếm được, tại sao phải mua cái này? Lợi ích của tiết kiệm? Đầu tư? Vay mượn… tất cả những vấn đề này đều phải được rèn luyện và giải thích hằng ngày.
Giáo dục về kiến thức xã hội:
Cách ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội. Kỹ năng thích nghi. Kỹ năng hòa nhập. Kỹ năng giải quyết vấn đề. Các giá trị căn bản của cuộc sống là gì? Phân biệt đúng sai thiện ác? Làm sao để đứng dậy sau khi vấp ngã?… Những việc này rất tốn thời gian và công sức của phụ huynh vì kiến thức xã hội chủ yếu được cung cấp cho trẻ qua các nguồn sau: Sách, các khóa kỹ năng mềm, nói chuyện với con. Phụ huynh chả bao giờ đọc một cuốn sách thì làm sao giới thiệu cho con? Suốt ngày bắt nó đi học thêm thì lấy đâu ra thời gian để học các lớp kỹ năng mềm? Nói chuyện với con mới 2 câu là sử dụng quyền lực, quát mắng, ra lệnh… thì làm sao mà chuyện trò?
Một người dù cầm trong tay một mảnh bằng danh giá, nhưng không thích thú với nghề nghiệp của mình thì làm sao tiến xa đến đỉnh cao của sự nghiệp? Làm sao có một cuộc sống hạnh phúc?
Một người chọn đúng ngành nghề mình yêu thích nhưng không đủ sức khỏe để theo đuổi cống hiến hoặc ngay cả để sống một cách bình thường thì giỏi để làm gì?
Một người khỏe mạnh, giỏi giang trong nghề nghiệp nhưng mù tịt về tài chính (các nhà bác học thường gặp tình trạng này) thì bản thân có thể ổn nhưng trách nhiệm đối với gia đình, người thân có vẻ không ổn lắm.
Một người khỏe mạnh, giỏi giang cả về nghề nghiệp lẫn tài chính, lỡ bị bồ đá một phát hoặc lỡ kinh doanh bị thất bại, tự tử chết mất béng, để lại bao tiếc nuối cho những người còn sống.
Một đứa trẻ bước vào đời trở thành một con người chỉ cần như vậy thôi: Tinh thông trong nghề nghiệp nó ưa thích, có sức khỏe và thể trạng tốt, biết cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền, khéo léo trong ứng xử và thích nghi được mọi hoàn cảnh.
Trong 4 nhiệm vụ giáo dục kể trên thì 3 điều phụ huynh phải tự làm (thể chất, tài chính, xã hội), và với tình trạng giáo dục của Việt Nam, các phụ huynh còn phải làm thêm ít nhất 50% phần giáo dục về kiến thức nghề nghiệp. Lo cho con cơm ăn áo mặc, chạy cho con vào trường điểm, chúng ta chỉ mới làm được 1/8 nhiệm vụ trồng NGƯỜI!
Người xưa nói “con là nợ”, mà nợ thì phải trả, nếu chúng ta không trả đủ, món nợ sẽ quay về trong tương lai và dĩ nhiên, kèm thêm lãi suất!
Phần dẫn mở hình như chưa được phân tích sâu nên mình đọc thấy nó chả liên quan gì đến nhan đề hay nội dung bài viết cả, không biết các bạn khác đọc thấy sao?
Ngoài ra câu cuối viết rất hay, mình thích câu này. Cảm ơn tác giả!
Theo mình nghĩ, Câu chuyện mở đầu tác giả nêu ra nhằm dẫn chứng cho việc cần thiết của giáo dục về kiến thức xã hội đó bạn. Có thể bề ngoài trẻ rất xuất sắc, nhưng bên trong chúng ta không thể hoàn toàn hiểu hết, nhất là với trẻ vị thành niên đang trong quá trình dần hoàn thiện. Việc thiếu các kiến thức xã hôi, các kỹ năng mềm, thích nghi hoàn cảnh, cách chia sẻ và tìm lời khuyên để giải đáp những khó khăn hay khả năng tự vượt qua những vấp váp…thật sự là rất qtrong.
Đã từng đọc rich dad poor dad, và giờ đọc lại bài này của tác giả thấy thật sự ý nghĩa, bởi cá nhân cũng luôn qtam (đôi khi đến mức lo ngại và thất vọng) vấn đề giáo dục của VN. Mong muốn đọc thêm nhiều bài về giáo dục nữa, tích lũy để sau này còn dạy con :)). Thanks tác giả.
Mình cũng hiểu điều đó, đáng tiếc tác giả lại nêu xong rồi để nguyên không đi sâu nên hơi bị cụt. Nếu có thêm phần diễn giải ngắn để nối với nội dung thì mình thấy bài viết mềm mại hơn rất nhiều.
cám ơn bạn bài viết rất sâu sắc, lâu nay chúng ta thường nghe người lớn trách: con là nợ, có duyên mới có nợ, nếu giáo dục con trẻ đến nơi đến chốn thì “nợ” kia sẽ được hoá giải.
Sao mà cái tiêu đề, cái đoạn mở đầu, đoạn kết thúc và các phần còn lại chả ăn nhập với nhau gì!
Cảm ơn bạn
Cảm ơn bài viết rất hay của bạn. Mình cũng đang trăn trở về việc giáo dục con cái!