27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chọn bạn cũng là một nghệ thuật!

 Photo: 

 

“Hãy chậm rãi khi chọn bạn, và càng chậm hơn khi đổi bạn.”- Benjamin Franklin

“Chọn bạn mà chơi” – chúng ta đã từng nghe thấy câu này nhiều lần, không từ bố mẹ thì cũng từ chính… những người xung quanh của mình với nhiều hình thức khác nhau. Vậy tại sao chúng ta phải chọn bạn? Vì chúng ta sẽ tiếp xúc với thế giới bên ngoài thường xuyên, những gì chúng ta làm ở độ tuổi của chúng ta dường như đều do ảnh hưởng từ người khác. Từ cách ăn mặc, đi đứng, cách nói chuyện cho đến thái độ với người đối diện…

Vậy cho đến khi nào thì chúng ta sẽ không còn bị ảnh hưởng từ những người xung quanh nữa? Khi chúng ta lên Đại học? Hay khi ta bắt đầu đi làm? Hoặc khi ta có người yêu? Chẳng có khi nào cả, vì quả Địa cầu này vẫn còn đang chứa chấp hơn bảy tỷ người!

Ngoài những mối quan hệ ta đang có, trong tương lai chúng ta sẽ còn có những mối quan hệ mới với những con người mới, và biết đâu chừng chúng ta sẽ thân thiết với nhiều người trong số đó nữa. Chúng ta sẽ mãi mãi chịu ảnh hưởng bởi những người xung quanh, từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động, cả thái độ và phản ứng của họ trước mỗi tình huống. Không tin thì bạn cứ thử nhớ lại xem…

Suốt mấy năm học phổ thông, ai trong chúng ta cũng đều đã từng tiếp xúc với rất nhiều các “quý nhân” phò trợ việc học hành. Bố mẹ, thầy cô liên tục nhắc nhở, đốc thúc các kiểu. Bạn bè hết kiếm chỗ học thêm này tới chỗ học thêm khác để tu luyện, lại còn rủ ta theo cho có tụ để có gì còn học tập lẫn nhau cho dễ. Ngày qua tháng lại có nhiêu đó lặp đi lặp lại. Không phân biệt học sinh chăm ngoan hay thành phần cá biệt, không phân biệt học giỏi hay học dở, sớm hay muộn cũng sẽ phải vào guồng học tập chung với tụi nó dù có muốn hay không – hoặc là học giỏi hơn, hoặc là càng học thì càng… đuối.

Như bạn thấy đấy, chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi con người và môi trường xung quanh. Khi tiếp xúc một thời gian đủ lâu, chúng ta sẽ phải tìm cách hòa nhập và điều chỉnh lại bản thân để tập thích nghi, tựa như một bức tranh trống sẽ được tô vẽ đủ các thể loại màu sắc lên trên đó vậy. Vấn đề là bản thân mình liệu có trở thành một con người tốt hơn không, hay tính tình mình sẽ vô tình trở nên tiêu cực hơn trong môi trường đó cùng với những con người đó? Vạn vật luôn luôn vận động và thay đổi không ngừng, con người cũng không nằm ngoài cái vòng xoáy này…

Vì vậy việc chọn bạn mà chơi là một điều rất quan trọng. Nếu bạn chơi với những người giỏi về công nghệ điện tử, sau này bạn sẽ học được những điều liên quan đến thế giới công nghệ từ họ. Nếu bạn chơi với những người thường xuyên phàn nàn thế này thế kia, sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ bắt đầu có thái độ phàn nàn giống y như những người đó. Nếu bạn gia nhập một đội chơi game Liên Minh Huyền Thoại, sớm muộn gì các bạn cũng sẽ vào game luyện tập tác chiến cùng nhau, nếu không thì lập đội để làm gì.

Dạo trước khi chơi Facebook, tôi có add friend một vài người mà ngoài đời tôi cũng không quen thân gì, tự dưng thấy họ add thì mình add lại thôi. Nhiều khi họ hay đăng lên những cái status mang nội dung rất tiêu cực. Thỉnh thoảng đăng lên thôi thì không nói làm gì, ai mà chẳng có lúc này lúc kia. Vấn đề là mấy cái status như thế cứ lặp đi lặp lại trên news feed hoài, không chỉ một lần mà là rất nhiều lần, ngày nào cũng như ngày nào chỉ có nhiêu đó chuyện! Không vì chuyện bản thân, thì cũng vì chuyện bố mẹ, bạn bè, xã hội các kiểu. Thậm chí có lần còn thấy cả một bài diễn văn kêu ca than vãn của một bạn nữ – dài tới nỗi phải bấm vô chữ See More mới xem được hết. Tưởng thế nào, té ra cớ sự là do… cái hột mụn bé tí teo nằm trên da mặt của cô nàng, đọc xong chỉ biết cười trừ cả buổi trời.

Facebook là trang cá nhân, làm gì trên đó là chuyện của mỗi người, về khoản này thì tôi đồng ý. Tuy nhiên, cho dù là mạng xã hội ảo đi chăng nữa, đằng sau những cái avatar và status ấy vẫn là những con người thật. Không phải là tôi không tôn trọng họ, vì dù có muốn hay không chúng ta vẫn cần phải cố gắng đối xử và tôn trọng mọi người như nhau – đó là nguyên tắc đối xử căn bản giữa người và người. Tôi chỉ không muốn dành thời gian với người cứ có chuyện là suốt ngày oang oang lên cho thiên hạ biết, mỗi lần đọc là mỗi lần cảm thấy căng thẳng và khó chịu âm ỉ ở đâu đó. Thà lướt qua không thèm đọc nữa hoặc unfriend luôn còn hơn phí thời gian để tiêu hoá những thứ linh tinh…

Tuy vậy, việc từ bỏ các mối quan hệ trong đời thực không đơn giản như một cái click chuột trên Facebook. Nhất là sau này khi đi làm, chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với sếp cùng với những người đồng nghiệp khác ở chỗ làm. Giờ lỡ ta không muốn giữ quan hệ với một ai nữa, chẳng lẽ giờ tới trước mặt người ta mà tuyên bố phũ phàng “tôi không muốn làm bạn với cậu nữa” sao?

Thật ra không nhất thiết phải thế, chỉ cần giảm thiểu thời gian tiếp xúc, có gặp mặt nhau chỉ cần nói vài ba câu xã giao là được để giữ sự tôn trọng tối thiểu cần thiết. Tìm người khác phù hợp hơn mà thiết lập quan hệ. Tìm đứa bạn khác mà chơi chung. Thậm chí chơi… một mình cũng được nữa nếu bạn cảm thấy không ai tốt hơn chính mình! Vì những người suốt ngày tỏ thái độ tiêu cực, chê bai này kia chẳng khác gì những “con giám ngục tinh thần” tựa như tụi giám ngục Azkaban trong Harry Potter vậy. Nghĩa là mới nghe thấy tên thôi đã cảm thấy chán nản và sợ hãi, một khi họ tiếp xúc với bạn là bạn cảm thấy như bị hút sức sống ra khỏi cơ thể vậy (cũng hên cho bạn là họ không có Nụ hôn chết chóc như mấy con giám ngục trong phim!).

Thế còn bạn, bạn có đang thường xuyên gặp phải những “con giám ngục tinh thần” ở trên không? Trên Facebook hay bất kỳ ai xung quanh bạn? Nếu có thì không nên tiếp xúc với họ nữa, tìm người khác! Chúng ta có thể không được chọn gia đình khi mới sinh ra, nhưng chúng ta vẫn còn có toàn quyền lựa chọn bạn bè. Người duy nhất có quyền lựa chọn này, chính là bạn đấy!

Vì những niềm đau khổ của chúng ta, đôi khi bắt nguồn từ những mối quan hệ lầm lạc…

 

Nhật Niên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

13 BÌNH LUẬN

  1. Ta nên chọn bạn theo lý tưởng . Cùng chung lý tưởng, ta và bạn sẽ trở thành đồng chí . Bạn có khoan ta cũng không ngoài mong muốn bạn muốn ta yêu bạn hơn, yêu đến nỗi chia sẻ số phận, chia sẻ tài sản, chia sẻ cách nhìn trong cuộc sống.

    • Không nên chọn bạn cùng chung lý tưởng hay tính cách.

      Theo tôi nên chọn những người bạn hơn ta về trình độ chẳng hạn, về kinh tế, về cá tính, vân vân. Tất nhiên rằng sự khác nhau đó có tính tích cực. Sự khác nhau tích cực sẽ khiến bạn hoàn thiện bản thân hơn.
      Điều này hoàn toàn phụ thuộc cách nhìn được điểm tích cực và tiêu cực từ người khác.

      Ví dụ: Một người bạn cá tính, luôn có tư tưởng “I’m God”, luôn muốn ở vị trí đầu trong mọi lĩnh vực vì thế người bạn này luôn luôn phấn đấu để đạt mục đích. Người bạn ấy sẽ khiến ta luôn phải tị nạnh, đua theo để không thua kém.

      Có câu nói đại ý rằng muốn giàu có thì hãy làm quen với những người bạn giàu, đừng ngồi lê la với những ông bạn cả ngày chỉ ngồi đánh cờ và cà phê bàn chuyện thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI