*Photo: George Hodan
Tôi gặp chị Vũ Nguyễn Thảo My (Lớp K50CLCD1, Đại Học Ngoại Thương TP.HCM) từ hơn một tháng trước. Buổi nói chuyện cùng chị nhanh và ngắn. Thế nhưng, câu chuyện thì buồn.
Vào xuân 2014, chị đi exchange đến Malaysia dạy tiếng Anh cùng với Ming (sinh viên Úc gốc Hoa) và Timo (sinh viên Bỉ) tại nhà thờ Tao Yuan thuộc tổ chức từ thiện “Jeramiah Welfare Charity Society” tại thành phố Johor Bahru, Malaysia. Học trò của chị là những đứa trẻ 13 đến 18 tuổi, sống tập thể trong Tao Yuan luôn chứ không ở cạnh cha mẹ. Sáng các em đi làm lễ, hát thánh ca, trưa đi học, tối thì quay về dãy nhà riêng dọn dẹp, nấu ăn. Tao Yuan không phải là một ngôi trường tốt. Độ tuổi của các em thì khác nhau mà phải học chung một chương trình. Tụi nhóc không chú tâm học, không làm bài tập mà hay thường copy nhau. Có em chưa làm nổi những phép toán cơ bản.
Nhưng đằng sau bước chân của mỗi đứa trẻ trải dài một câu chuyện buồn. Các em bị đưa vào đây vì bố mẹ không đủ khả năng nuôi, hoặc chủ động từ bỏ con vì em quá quậy, có bạn trai sớm… Ngay cả những đứa trẻ đã tốt nghiệp từ Tao Yuan cũng không tìm được công việc tốt. Có em đã phải làm mẹ từ năm 17 tuổi.
Những ngày đầu chị không thể giao tiếp được với ai. Bởi nhà thờ toàn nói tiếng Trung, mà chị chỉ biết tiếng Anh. Một ngày chị, Ming và Timo họp lại, quyết tâm xin ban giám hiệu dạy tiếng Anh cho các em. Timo nói: “Chúng em đã lặn lội từ Bỉ, từ Úc, từ Việt Nam đến đây làm tình nguyện chỉ trong vài tuần. Chúng em không muốn lãng phí thời gian ít ỏi cho những đứa trẻ quậy phá. Có thể chọn ra những bé thực sự muốn học tiếng Anh để dạy được không?” Ban giám hiệu trả lời một câu khiến cả ba người nín lặng: “Con ơi, trường này vốn đã dành cho những đứa trẻ bị xã hội bỏ rơi rồi. Đừng phân loại tụi nhỏ nữa.”
Cuối cùng ba người dạy tất cả. Nhóm chị dạy những điều rất cơ bản, ví dụ như chào hỏi, cách đọc giờ đồng hồ. Đúng như Timo đoán, trong lớp vẫn có những thành phần “bất trị” như bé Eugene, thường bỏ ra ngoài giữa giờ học làm Timo rất tức giận. Nhưng từ khi dạy tụi nhóc, khi Thảo My chia sẻ nhiều về cuộc sống của chị, thì các em mới bắt đầu mở lòng. Những đứa trẻ 15, 16 tuổi rồi nhưng hành động vẫn ngông ngạo, thất thường như một đứa con nít, có lẽ để che giấu nội tâm dữ dội bên trong. Để che giấu những nỗi đau quá lớn ập đến khi em còn quá trẻ.
*
Làm sao không đau cho được trong cái ngày em mới mười mấy tuổi, người sinh ra em buông câu nói cay đắng: “Ba mẹ không cần con nữa!” và đẩy em vào đây.
Làm sao không đau cho được, năm em lên 17 thì gia đình vỡ nát. Bố mẹ ly dị. Dì rời bỏ em, sang London vì con. Chẳng ai quản, em được sống trong tự do tuyệt đối và có bạn trai. Mọi người phát hiện ra, rồi bắt em vào trường này.
Làm sao không đau cho được, khi em mới chỉ là một đứa bé mà phải chứng kiến cảnh ba đi lấy vợ kế. Người “mẹ” mới theo đạo Hindu. Và căm ghét em, đánh em, nhốt em vào cũi, chỉ vì em theo đạo Tin Lành. Chỉ vì em tin vào Chúa.
Làm sao không đau cho được, khi mẹ em là giáo viên giữ trẻ, vô tình ngộ sát đứa nhỏ mình trông, bị kết án tù. Một ngày hạnh phúc của em – Irene và em trai Jason chính là được đi chung với sơ lên trại giam gặp mẹ. Khi trở về nhà thờ, hai chị em đủ cứng cỏi để không bật khóc, để vẫn đàn hát, chơi giỡn như bình thường. Nhưng Irene níu áo chị và nói: “Chị ơi, ước mơ của em lớn lên muốn trở thành luật sư. Để em có thể bảo vệ mẹ.” “Vậy thì phải giỏi tiếng Anh lên, nhóc à.” – My đáp. Chị ôm em, cố gắng không khóc.
Ơi cuộc đời. Mày ngọt ngào với ai, mà sao tàn nhẫn với các em đến như thế?
*
Eugene trong ký ức của Timo là đứa nhỏ “bất trị” thường hay bỏ ngang giờ Anh văn. Eugene trong ký ức của Thảo My là một bé trai mới 13, cao, già trước tuổi và lì nhất trong đám. Em ghét ngôi trường này, em ghét học. Em muốn đi xa nhà để được vẽ, được làm kiến trúc sư. Gia đình có nói bắt ép thế nào Eugene cũng không nghe. Chị dỗ mãi nhưng thằng bé vẫn không chịu. Một ngày, khi My sắp về Việt Nam, Eugene nắm tay My hỏi:
“Chị ơi, em muốn qua Việt Nam thăm chị. Làm sao để kêu được từ “mẹ” theo tiếng của chị?”
“Mẹ- ơ-i. Như vậy đó nhóc.”
“Chị My. M-ẹ ơ-i. Mẹ ơi!…”
Kể từ đó, lúc nào Eugene cũng theo chị và gọi “mẹ ơi”. Ban giám hiệu la: “Các em là tình nguyện viên thì đừng xưng hô như vậy, sẽ tổn thương tụi nó!” Nhưng chị không đồng tình. Bởi đó là tấm lòng của Eugene. Có lẽ em không phải là đứa ngỗ ngược. Mà là em khát khao được yêu thương từ gia đình đến cháy bỏng. Đến nỗi có thể chạy theo gọi “mẹ” với một người chị lớn hơn 7 tuổi, mới ở bên em được một tháng; chỉ vì em được chị chia sẻ, được chị yêu thương. Thầy cô không cho nhưng tiếng gọi “mẹ” của Eugene cứ vang mãi theo chị. Ngây thơ. Khao khát. Đau đớn. Dữ dội. Và xót xa.
Ơi cuộc đời. Mày dịu dàng với ai, sao lại keo kiệt tình yêu thương với các em đến như thế?
*
Chị My từng nói với tôi: “Càng nghe tâm sự của các em, chị càng thấy mình là một người may mắn. Nên chị phải cố gắng sống cho thật tốt để truyền cảm hứng cho tụi nhóc ấy…” Thức, một người bạn của tôi cũng nói rằng: “Đọc những bài viết về exchange, anh rất hiểu. Vì anh từng đến Indonesia để dạy cho những đứa trẻ khiếm thính. Số phận bất hạnh và nỗi đau của các em chỉ khi tiếp xúc rồi mới hiểu được.”
Tôi viết bài này, chỉ để nói rằng, đất nước có thể khác nhau nhưng bi kịch thì giống nhau. Nên bạn ơi, đừng bao giờ nói ai sướng hơn ai. Đi mới hiểu cuộc sống có những sự thật rất phũ phàng. Đi mới hiểu trên đời này có quá nhiều những đứa trẻ ngây thơ đã phải chịu đựng số phận cay đắng. Đi mới hiểu bên trong vẻ ngoài ngỗ ngược, quậy phá có khi là những tâm hồn chất chứa nỗi buồn dữ dội.
Bởi vì cuộc đời chỉ có một. Nên chỉ cần bạn còn được đi học, còn có việc làm, còn có thể đọc bài viết này, hay chí ít bạn còn sống, thì cho dù hoàn cảnh của bạn có thương đau, bạn vẫn là một người hạnh phúc.
Bạn ơi, xin đừng để mất may mắn đó. Đừng bao giờ.
Đỗ Thanh Lam
Bạn có nhiều câu chuyện cảm động thật.
Cám ơn bạn 😀
Lũ trẻ nói tiếng Trung và bắt đầu học tiếng Anh từ cơ bản trong vòng vài tuần ít ỏi. Nhân vật chính, sinh viên Việt Nam lại chỉ biết tiếng Anh. Mình muốn hỏi bằng cách nào mà lại có những mẩu đối thoại cảm động trên?
Đây là câu trả lời nguyên văn của chị Vũ Nguyễn Thảo My bạn nhé 🙂
“Chẳng lẽ nhìn vào mắt một người không thể đoán nổi cảm xúc của người đó sao? Và thật sự thì bọn trẻ rất khó khăn để diễn tả, 1 mẩu đối thoại ngắn mà phải 1, 2 tiếng chị mới hiểu chúng muốn diễn tả gì. Và ở trường có giáo viên mà biết nói tiếng Trung-Hoa luôn mà, thầy đó từng làm luật sư ở Anh, người gốc Hoa. Bọn nhỏ còn hỏi thầy cô nữa”
Theo mình, có một ngôn ngữ mạnh hơn bất kỳ lời nói nào, đó là cảm xúc. Cảm xúc ở mắt, gương mặt, cái níu tay, giọng nói, nụ cười. Các em có thể kém tiếng Anh. Nhưng cảm xúc của các em là thật, và chị My hiểu được nó cũng là thật 🙂