28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bệnh viện trong tôi là

Featured Image: Lawrence Sinclair

 

Bạn đã bao giờ ốm chưa? Chắc là “rồi”.

Ốm đến mức phải nằm viện? Chắc cũng “rồi”.

Nhưng nằm viện nhiều đến mức thấy thân thuộc như ở nhà kia? Chắc là “chưa” hoặc “không bao giờ”.

Tôi thì có cái “may mắn”ấy rồi. Vì thế tôi muốn chia sẻ một góc nhìn của mình về bệnh viện.

Nói đến bệnh viện ai chẳng sợ (trừ khi là người phải làm việc ở đó). Tôi cũng vậy. Sợ lắm, sợ vô cùng! Sợ đau này, sợ tình trạng chật chội, mất vệ sinh, sợ tốn kém tiền bạc, sợ người thân vất vả vì mình. Những điều ấy thì ai cũng biết  nên tôi cũng không muốn đề cập lại. Điều tôi nói đến ở đây là những xúc cảm của một bệnh nhân khi nằm viện, tất nhiên chỉ hoàn toàn mang tính cá nhân.

Bệnh viện trong tôi trước tiên là niềm hy vọng. Niềm hy vọng của tất cả những ai có bệnh. Chẳng thế mà có hẳn một bệnh viện to đùng mang tên Hy Vọng. Lúc khỏe mạnh thì không ai muốn nghĩ đến nó nhưng lúc đau ốm thì nó sẽ là hình ảnh đầu tiên hiện ra trong óc bạn. Và thật bất hạnh cho những ai vì một lý do nào đấy không được đến khi cần đến.

Điều đáng sợ nhất của những người đi viện lúc này không phải là sợ những nỗi sợ như ở trên đã nói mà chính là sợ cái lắc đầu bó tay của bác sĩ. Nếu bạn bị bệnh nhẹ, chỉ cần tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ là trước sau gì cũng khỏi thì cái ý bệnh viện là niềm hy vọng của tôi có thể rất mờ nhạt, mờ nhạt đến mức bạn cảm thấy khó nhận ra. Nhưng với những người bệnh hiểm nghèo, nan y thì đến bệnh viện là gửi vào đó tất cả cuộc sống, niềm tin, hy vọng của mình. Hy vọng ấy tuy mong manh nhưng vẫn sung sướng gấp bội phần việc không có gì để hy vọng.

Hy vọng ấy dẫu có phải chờ đợi đến khắc khoải mỏi mòn thì vẫn hạnh phúc gấp vạn lần người đắp chiếu nằm nhà chờ thần chết mang đi. Vì thế cứ được nằm viện là thấy đời mình có chút tia sáng rồi, không được nằm viện mới là nỗi đau khổ, hoang mang tột cùng. Điều gì sẽ đến trong những ngày sắp tới đây, bệnh tật sẽ hành hạ mình ra sao, cái chết có đến ngay không hay còn kéo dài lê thê mãi… Bao nhiêu người đã khóc không thành tiếng khi bác sĩ bảo về thôi, ở đây cũng vô ích. Tôi chắc rằng lúc ấy mọi lời khuyên, mọi triết lý sống trên đời đều vỡ òa, sụp đổ.

Bệnh viện trong tôi còn là niềm hạnh phúc giản dị khi biết mình vẫn còn khỏe mạnh hơn nhiều người. Nếu ở nhà tôi sẽ không thấy được điều này, nếu đi ra đường thì lại càng không. Đã có lúc đứng lặng bên cửa sổ nhìn dòng người, xe cộ hối hả ngoài kia, tôi thầm thốt lên: “Trời ơi, sao cả thế gian này chỉ mình tôi mới ốm đau, khổ sở vậy.” Nhầm rồi, đến bệnh viện đi, đến viện bạn sẽ biết giá trị thực sự của mình.

Nhìn những người nằm trên giường như một xác chết, truyền dịch suốt ngày đêm, ăn bằng ống xông, đi tiểu bằng dây dẫn; nhìn những người mà nỗi đau thể xác dày vò không thể diễn tả hết bằng lời, bạn sẽ có cảm nhận thực sự, tận đáy lòng chứ không phải qua phim ảnh. Đôi lúc tôi khóc cho tôi, đôi lúc tôi khóc cho họ vì nhìn thấy chính tôi qua họ. Đôi lúc tôi thấy sung sướng vì mình thoát khỏi sự hành hạ của bệnh tật trong chốc lát. Những lúc ấy như có một tiếng chuông nhỏ ngân lên trong tôi khiến tôi sẵn sàng mỉm cười, trò chuyện với bất cứ ai, thậm chí sẵn sàng làm hộ ai bất cứ điều gì có thể.

Bệnh viện trong tôi còn là nơi mà ở đó tình yêu thương luôn hiển hiện.Vì mọi người đều bị bệnh hoặc có người nhà bị bệnh nên dễ đồng cảm với nhau hơn. Khi những bộ trang phục kiểu cách, lớp son phấn bề ngoài, hình thức, khách sáo, lịch sự, điệu bộ bị tướng đi, chỉ còn lại những thân hình ốm yếu, xộc xệch trong bộ đồng phục bệnh viện, người ta dễ nói chuyện với nhau hơn. Bằng chứng là người ta có thể chia sẻ một cái giường có đến bốn, năm nhân khẩu cùng sở hữu, người ta chờ cơm, nhường thức ăn cho nhau, người ta cảm thông, thấu hiểu bệnh tật của nhau. Ban đầu tất cả đều là người xa lạ nhưng nếu ở lâu bạn sẽ thấy một phòng bệnh cũng đầm ấm như một gia đình. Nếu ai đó đến ngày phải ra viện sẽ thấy lưu luyến, bùi ngùi lúc chia tay.

Những bệnh viện tôi qua, những bạn viện tôi gặp nhiều khi không biết tên là gì, gương mặt của họ có lẽ tôi cũng đã quên nhưng hành động của họ,lời nói của họ thì vẫn còn nguyên trong tâm trí tôi. Bởi tất cả đều xuất phát từ sự quan tâm chân thành, từ tình cảm nguyên sơ giữa con người với một con người. Có khi tôi ra viện đã lâu lắm rồi vẫn có ai đó gọi điện hỏi thăm.  Như thế chẳng phải là tốt lắm rồi ư?

Lâu rồi, không “được” nằm viện nên tôi cảm hoài viết lại một vài dòng. Những ai sau này nếu “lỡ” phải một lần đến viện như tôi thì hãy quẳng bớt tâm lý sợ hãi để mở rộng lòng mình nhé.

 

Phương Liên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI