28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 21 Tháng chín, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Những Giấc Mơ Của Einstein – Alan Lightman, một hành trình kỳ ảo

 Featured Image: Bìa sách “Những Giấc Mơ Của Einstein” phiên bản tiếng Anh

 

“Cuộc sống là một trận tuyết rơi. Cuộc sống là một ngày mùa thu. Cuộc sống là cái cạnh sắc nét phù du của bóng một cánh cửa khép lại. Cuộc sống là một cái giật chân, giật tay ngắn ngủi.” – Alan Lightman, Einstein’s Dreams

(Lời tựa dưới đây là đôi dòng khi viết về cuốn sách này, nếu bạn nào không thích có thể bỏ qua và đọc vào nội dung dưới thiệu cuốn sách chính ở phần sau đoạn này)

“Ngày tháng thì dài mà đời người thì không dài như vậy. Để rồi khi ta có quá ít cũng thật là tệ, mà khi ta có nhiều quá cũng chưa chắc đã vui. Tìm một cuốn sách để viết về cũng khó hệt như vậy. Không có cuốn sách nào để có thể viết về nó thì hẳn bạn sẽ rất buồn về bản thân mình, nhưng có quá nhiều cuốn sách khiến bạn tâm đắc, muốn chia sẻ cho mọi người thì nó lại là một chặng đường dài của những tranh đấu không ngừng nghỉ, những cân nhắc và cả những trăn trở. Tôi đã rất muốn viết về những cuốn tiểu thuyết sâu sắc, đẹp, hấp dẫn và mê hoặc như “Hoàng tử bé”, “Dune – xứ cát” hay “Nhà giả kim”… Tôi cũng đã rất muốn viết về những cuốn sách đầy những tham vọng, những âm mưu và toan tính khiến bạn đặt ra nhiều câu hỏi cũng như trằn trọc nhiều đêm khi đã đọc nó như “Chiến tranh tiền tệ”, “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” hay “Góp nhặt cát đá”…

Tôi cảm thấy thật tệ, như thể bạn có quá nhiều và cũng không có gì. Tôi cũng đã từng viết vài dòng về “Dune-xứ cát”, nhưng có lẽ cái sự rộng lớn và bao la của nó làm bạn càng cảm thấy mình mất phương hướng hơn (dù cho đó là một cuốn sách kì diệu và nên đọc cho bất cứ ai). Để rồi giữa tất cả những lộn xộn và lạc lõng đó, tôi chợt nhớ ra một cuốn sách mình đã từng quên, quên không phải vì một cuốn sách đáng chán. Quên vì nó là một cuốn sách tuyệt vời, để bạn sẵn sàng quên đi, để mỗi khi đọc lại, bạn lại đi hết từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác và để mỗi lần nó lại mang lại cho bạn những cảm nhận và suy nghĩ khác nhau. Cuốn sách này thực sự rất hiếm, tôi đã từng bỏ nhiều công sức để tìm kiếm nó nhưng đều không tìm mua được bản tiếng Việt. Nếu ai đó trong các bạn có thể tìm và mua được một cuốn. Hãy thư thả đọc đi đọc lại nó, trong những ngày tháng dài như một món quà quý báu.”

Những giấc mơ của Anh-xtanh được viết bởi Alan Lightman sinh năm 1948 tại Memphis, Tenessee. Trong tiểu sử có viết rằng từ nhỏ ông vốn đã có niềm say mê với cả khoa học và nghệ thuật. Từ năm 1989, ông bắt đầu giảng dạy tại Học viện Công Nghệ Massachusetts và đồng thời điều hành chương trình nghiên cứu về sáng tác và chủ nghĩa nhân văn của học viện này.

Với việc tác giả là một người đứng giữa nghệ thuật và khoa học, có lẽ tác phẩm đã có được một sự giao thoa thành công giữa những logic và những mơ mộng, giữa cái khoa học đầy tính cơ và văn học đầy tính thơ. Nhưng có lẽ còn hơn thế nữa, khi bạn cầm cuốn sách lên tay, là bạn đã bắt đầu bước chân lên một chuyện tàu, không có nơi khởi hành, cũng không có điểm đến. Bạn cứ thế, ngồi trên tàu và mải mê ngắm nhìn từng câu chuyện, từng vùng đất bạn đi qua với những suy nghĩ và cảm nhận của riêng bạn. Mặc dù vậy, nếu bạn không thể chờ đến lúc đọc hết cuốn sách, thì sau đây tôi rất sẵn lòng kể cho bạn ba điều đặc biệt của cuốn sách, đó là sự lãng mạn, tính khoa học và những câu truyện mang triết lí sống sâu xa.

Ảnh 2
Những giấc mơ của Albert Anh-xtanh, by Hergest Ridge

Một con tàu đầy mơ mộng và những câu truyện đầy tính thơ và sự lãng mạn

Hẳn điều đầu tiên khiến nhiều người băn khoăn khi cầm cuốn sách này lên sẽ là sự e sợ về khoa học và vật lý, sự e sợ về một cuốn sách nhàm chán và gây buồn ngủ. Tôi không phủ nhận rằng cuộc sống hiện tại làm con người ta đôi khi quá mệt mỏi và muốn tìm kiếm cho bản thân mình những điều nhẹ nhàng, đẹp đẽ để làm cuộc sống bớt đi phần nào nặng nề. Nhưng nếu bạn thử mở nó ra, biết đâu bạn sẽ ngạc nhiên biết bao, hoặc có khi giật mình tự hỏi bản thân liệu bạn có đang đọc truyện lãng mạn không vậy?

“Ngoài kia, mỏm núi Alps bắt đầu rực lên trong nắng. Lúc ấy đang là cuối tháng Sáu. Bên kia sông Aare một người tháo dây buộc thuyền, đẩy thuyền ra và thả cho trôi theo dòng nước tới Gerberngasse để chuyển món táo và dâu mùa hè lên bờ… Người đàn ông trẻ tuổi, cựa mình trong ghế, đợi cô thư ký tới và khẽ ngân nga một đoạn trong Sonate Ánh trăng của Beethoven.”

“Tim nàng chợt rộn lên, má ửng hồng, nàng bồn chồn đi đi lại lại lại, thấy mình hạnh phúc thật vô cớ…”

“Trong sự yên tĩnh tuyệt đối của khu vườn, một đóa long đởm xanh được ánh sang chiếu vào từ bên dưới, nỏ bừng một thoáng để rồi tàn ngay theo đám hoa kia… Xa xa, sau cánh rừng, dòng Aare loáng ánh mặt trời, làn da của nó gợn theo từng con sóng.”

Và còn nhiều, còn nhiều nữa, nhưng liệt kê ra hết thì đâu còn gì là thú vị nữa, bạn hãy tự mình chiêm ngưỡng cảnh đẹp trên con tàu bạn đi, nhìn thấy từng ánh nắng , từng dòng suối, cơn gió, những con đường và phong cảnh. Để rồi bất ngờ rằng, sao lâu nay bạn cứ nghĩ khoa học thật là cứng nhắc và xấu xí và rằng chỉ những câu truyện lãng mạn, những tiểu thuyết tình yêu mới có những lời văn bay bổng và những câu chữ đậm chất thơ.

Trong cái sự lãng mạn và đẹp lạ đó, người ta thấy hiển hiện những định luật vật lý khó hiểu nhất, để rồi giật mình khi nhận ra nó???

Ảnh 3
Photo: Carla Mascaro

Trên chuyến tàu đó, bên cạnh khung cảnh đẹp và mơ mộng, bạn cũng sẽ thấy những câu truyện thú vị trong từng chặng của hành trình.

Ví dụ như vào ngày 16, tháng Tư, năm 1905, bạn bắt gặp những người mặc đồ sẫm, kín đáo, đi rón rén, cố không gây ra tiếng động hoặc làm gãy một ngọn cỏ nào. Một người đàn bà ngồi trong bóng râm trước một ngôi nhà sợ sệt, cố gắng không làm bốc lên một chút bụi nào.

Hay vào ngày 19, tháng Tư, năm 1905, bạn bắt gặp một người đàn ông đứng ở trên ban công một căn hộ, nhìn xa xăm. Một người đàn ông đến gặp và yêu một người phụ nữ. Một người đàn ông đi gặp một người phụ nữ và quay về nhà, đứng trên ban công nhìn xa xăm. Cái điều làm bạn ngạc nhiên là hai cái ban công đó là một và ba người đàn ông đó cũng chỉ là một người.

Một vài ngày sau, ngày 26, tháng Tư, năm 1905, nơi bạn đang ở là một thành phố. Một thành phố mà bạn không thấy một bóng người nào cả, đôi lúc bạn gặp một ai đó, nhưng bọn họ đều đang chạy như thể bị một cái gì đó đuổi vậy. Bạn cố gắng đuổi theo, tìm bắt và nói chuyện với họ để biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng không ai có vẻ như sẽ dừng lại hoặc nghe bạn nói.

… Những câu chuyện trên có khiến bạn bối rối không? Con tàu có vẻ như đang mang bạn đến những vùng đất quái dị phải không? Nhưng nếu bạn là một người giàu trí tưởng tượng và biết đôi ba định lý thú vị, chắc rằng bạn chỉ vẫn rất bình tĩnh ngồi trên chuyến tàu và tận hưởng những điều kì lạ đó khi mà bạn đã biết tại sao rồi. Còn nếu bạn chưa biết, thì hãy thử đi tìm câu trả lời xem. Đi tìm câu trả lời về những thế giới song song với nhau, những dòng thời gian lúc nhanh lúc chậm, những con người bị lạc trong quá khứ hay tương lai của mình….

… Và rồi bạn còn đi qua một vùng đất, nơi thời gian đứng yên. Ở một xứ sở, nơi người ta chỉ sống một người, họ sinh ra, lớn lên, cưới vợ, sinh con và chết đi trong một ngày.Trái lại, ở một xứ sở khác, người ta lại bất tử. Để rồi bạn còn đi qua cả mảnh đất, mà ngày bạn đến là ngày cuối cùng trước ngày tận thế… Tất cả những thế giới đó, dường như đều rất thật.

Và rồi khi bạn dần hiểu ra chuyến tàu kì lạ này, kể cả vẻ đẹp của nó và tính khoa học trong nó, bạn bắt đầu có những chiêm nghiệm riêng cho bản thân mình về cuộc sống, con đường bạn đi và những điều bạn yêu quý

Ảnh 4
Photo: Smattila

Có lẽ, nói rằng mỗi câu chữ trong cuốn sách đều có thể trở thành trích dẫn, thành chiêm nghiệm cho mỗi người cũng không hề sai. Mỗi vùng đất bạn đi qua, mỗi câu chuyện bạn nhìn thấy đều sẽ mang đến cho bạn những suy tư của riêng mình. Suy tư về cuộc đời khi người ta chỉ sống trong một ngày, hay khi người ta sẽ sống mãi. Suy tư về thời gian, về những người chạy vội vã theo dòng thời gian, hay những người thư thả. Về cả khoảnh khắc bạn đang sống, hay còn gọi là hiện tại, về câu chuyện những con người mắc kẹt trong quá khứ hay trong tương lai của chính họ. Vậy nên, phần cuối cùng trên chuyến đi này, tôi cũng muốn nhường lại toàn bộ cho tác giả, cho bạn và những trải nghiệm bạn nhận ra trong chuyến đi …

“Ai cũng biết ở đâu đó đã ghi lại cái khoảnh khắc mình được sinh ra, cái khoảnh khắc chập chững bước đầu tiên trong đời, cái khoảnh khắc của mối tình đầu nồng cháy, cái khoảnh khắc vĩnh biệt mẹ cha.”

“Thảm kịch của thế giới này là không ai hạnh phúc, bất kẻ người ấy có rơi vào khoảnh khắc khổ đau hay sung sướng. Thảm kịch của thế giới này là mỗi người đều cô đơn. Bởi một cuộc sống trong quá khứ không thể có phần trong hiện tại”

“Theo thời gian, Quyển sách Cuộc đời dày đến nỗi người ta không thể nào đọc từ đầu đến cuối được nữa. Người ta đành phải chọn lựa. Những ông già bà cả chọn đọc, hoặc những trang đầu để biết thời trẻ mình là ai, hay phần cuối để biết sau này mình thành ai. Có người hoàn toàn thôi không đọc nữa. Họ từ bỏ quá khứ. Họ rút ra kết luận rằng quá khứ họ giàu hay nghèo, có học hay ngu dốt, tự kiêu hay nhún nhường, si tình hay chưa hề yêu… đều không quan trọng, chỉ như làn gió nhẹ thoảng qua trên tóc mà thôi.”

“Đó là cái giá của sự bất tử. Không ai hoàn toàn là mình. Không ai tự do. Dần dà có người rút ra kết luận rằng cái chết cho ta điều kiện duy nhất để mà sống. Khi chết con người thoát khỏi gánh nặng của quá khứ.”

“Trong một thế giới mà tương lai được định sẵn thì cuộc sống là một dãy buồng bất tận, trong đó cứ một phòng có đèn thì phòng kế tiếp tối, nhưng được chuẩn bị để bật sáng. Ta đi từ phòng này sang phòng kia, nhìn vào căn phòng vừa được bật sáng, đó chính là khoảnh khắc hiện tại, rồi ta đi tiếp. Ta không biết gì về những căn phòng kế tiếp, nhưng biết rằng mình không thay đổi được gì hết ở những căn phòng ấy. Ta là khán giả của chính cuộc đời mình.”

Không quá dài, không quá ngắn. Nhẹ nhàng như bạn sẽ bước chân lên một chuyến tàu và thực hiện một hành trình của riêng mình. Đi tìm câu trả lời cho chính mình trong sự kì lạ và mới mẻ của một tác phẩm mang đầy đủ sự lãng mạn, khoa học và nhiều trải nghiệm sống. Mong rằng bạn sẽ không bỏ lỡ tác phẩm này. Tôi cũng không biết nên gọi nó là một tác phẩm khoa học lãng mạn hay không, vậy nên, xin dành những dòng cuối cùng cho lời nhận xét từ tờ New York Times:

“Kì lạ và đầy suy tưởng, vừa khôi hài vừa gợi mở tư duy… tác phẩm đã đưa người đọc vào thế giới của giấc mơ bằng một thanh nam châm khổng lồ. cũng như trong tác phẩm của Calvino, các yếu tố tưởng tượng của câu chuyện đã được đặt trong một thứ văn xuôi xác thực, trong suốt.”

(Ngày 26, Tháng 8, 109 năm sau 1905)

 

Tiểu Long


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,820Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI