27 C
Nha Trang
Thứ tư, 27 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nghèo vật chất đáng sợ thật nhưng cái khiến ai đó mãi mãi nghèo chính là tư duy nhỏ mọn và tham lam

Nghèo khổ là điều chẳng ai muốn trải nghiệm trong cuộc đời này cả. Vua thép và cũng là một trong những người giàu có nhất mọi thời đại Andrew Carnegie khi 70 tuổi, đã sở hữu khối tài sản kếch xù chia sẻ với một phóng viên rằng cho đến tận bây giờ, ông vẫn khiếp hãi trước những ngày khốn khổ khi mới nhập cư vào Mỹ và chịu đựng nhiều bữa không có gì bỏ vào bụng.

Tuy nhiên nghèo khổ không có nghĩa rằng bạn sẽ nghĩ rằng những người giàu có, những người có cuộc sống tốt hơn bạn phải chịu phần lớn trách nhiệm với sự xui xẻo của mình. Trên thế giới này đầy rẫy câu chuyện vượt khó của những người sinh ra trong nghèo đói và trở nên giàu có. Nhưng so với sự thù hằn, căm ghét của không ít những người nghèo khổ với thế giới này thì chẳng thấm vào đâu cả. Thay vì làm cái gì đó để thay đổi nghịch cảnh, thì họ quay sang đổ lỗi lẫn trách nhiệm cho người khác và đòi hỏi quyền lợi của mình thông qua những hành động nhỏ mọn, chỉ biết đòi hỏi và thu vén cái lợi nhỏ bé bằng mọi cách có thể thay vì nhìn nhận lại tại sao mình mãi vẫn nghèo.

Hơn 2 năm trước khi đi về nhà, xe mình bị thủng săm nên phải vá giữa chừng ở Trần Đại Nghĩa, gần cổng trường Xây Dựng. Chỉ cần mình đi chưa đến 100 met nữa là có cửa hàng sửa chữa xe máy tử tế với giá phải chăng. Nhưng đây là đường mình hay đi và thường xuyên thấy một ông khoảng 60-70 tuổi treo biển vá xe ngay vỉa hè trước cửa hàng bánh Paris Gateaux nên cũng muốn ra để ông ấy vá gọi là ủng hộ.

Khi mình dắt xe tới trước vỉa hè thì một chú bảo vệ đứng ngay đấy gọi với vào quán bia gọi ông vá xe ra, lúc đó ông ấy đang ngồi uống bia một mình. Cụt hứng vì bị phá mất buổi nhậu, ông vừa vá xe vừa càu nhàu, rồi còn bồi thêm mấy câu chửi vu vơ cứ như mình là một đứa rách việc xuất hiện để làm phiền đôi bàn tay vàng của ông. Đúng là thân làm tội đời, phải hơn 20 phút ông ấy mới vá xong xe, lâu gấp đôi so với đem xe ra vào tiệm sửa. Cuối cùng ông ấy gắt lên mắng mình

“Của MÀY HẾT 40k. Lỗ thủng bé như đầu kim thế làm mất thì giờ của tao.”

Mình hỏi rằng tại sao là 40k trong khi tất cả tiệm sửa xe chỉ lấy 20k thì ông ấy lại gân cổ lên:

“Đm, lỗ thủng xe mày bé tí làm tao vá nhầm phải vá lại nên giá gấp đôi chứ sao.”

À giờ thì mình mới được thông não là mình còn phải trả cả tiền vá nhầm nữa cơ đấy. Mình không cần đôi co nữa, lặng lẽ trả tiền rồi đi về. Đây là sai lầm của mình và mình phải trả giá thôi. Thứ nhất mình đã có lựa chọn tốt hơn nhưng lại đâm đầu vào điều tệ hơn. Thứ hai mình cho là người nghèo vá xe vỉa hè sẽ lấy rẻ so với cửa hàng. Thứ ba mình cảm thấy mất 40k nhưng phần nào đã hiểu được có những người nghèo sẽ mãi mãi nghèo và chết trong cái nghèo. Họ nghèo cả vật chất lẫn nhân cách.

Tuy nhiên không vì thế mà mình lại có thành kiến và chẳng vá hay bơm xe của những người nghèo kiếm sống ngoài đường nữa. Nhưng đó không phải là lần duy nhất mình phải trả giá cho việc chạnh lòng trước những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 8 năm ngoái, khi mình đi qua hồ Trúc Bạch thì đứa bạn đi cùng nói lốp sau mình có vẻ non đấy, tìm chỗ nào bơm đi. Đi thêm một đoạn thì thấy một ông anh trên dưới 40 tuổi ngồi ở gốc cây cùng cái bơm xe đạp chân cũ không thể cũ hơn. Mình dừng lại, nói ông anh bơm cho mình lốp sau rồi hỏi hết bao nhiêu anh ơi.

“10k.” Ông anh nói như thể đó là điều tự nhiên nhất trên đời này.

Mình trả vì mình lại mắc sai lầm tiếp vì không hỏi giá trước cũng như nghĩ rằng cùng lắm là 5k thôi.

“Sao bạn ngu thế. Vậy mà bạn cũng đưa.” Thằng bạn mình chép miệng.

Và sáng hôm nay mình lại mắc vào cảnh bơm xe giá cao khi bơm 2 lốp với giá 10k (may lần này là 2 lốp nhé). Lần này người chém đẹp mình là một bác khuyết tật ngồi ở ngã tư Tạ Quang Bửu – Lê Thanh Nghị. Ở gần khu mình sống, có nhiều quán sửa chữa xe máy to đẹp, hoành tráng mà bơm 2 lốp cũng chỉ có 5k. Thậm chí có một tiệm sửa đông khách gần chợ Đồng Tâm thì không bao giờ lấy tiền bơm lốp. Có lần mình ngại quá đưa các anh 5k thì một anh lắc đầu nói bọn anh giúp mày thôi chứ quan trọng gì đâu.

Mình tin rằng có nhiều người cảm thấy phiền phức khi những người bán rong, ăn xin chèo kéo bằng mọi cách để có được tiền. Thậm chí có lần mình ngồi với anh em thì có một ông lão ăn mày dắt xe đạp chìa tay xin tiền để bơm lốp. Ông đi một vòng quanh quán cà phê, được mọi người cho tới mấy chục và dừng lại trước chỗ anh em mình ngồi. Em họ mình đưa ông 5k nhưng ông vẫn đứng đó nhìn tất cả bọn mình như muốn nói “Chỉ có thế thôi à?” Em mình nói vâng thế thôi ạ thì ông lẩm bẩm rồi đi sang bàn bên cạnh.

Mình không lấy đồng tiền để đánh giá con người, mình sẵn sàng trả nhiều hơn nếu những gì mình nhận lại tương xứng chứ không phải là sự chộp giật như thế này. Đáng buồn là những kẻ chộp giật lại là không ít những người nghèo. Như thể sự nghèo khổ là cái cớ để họ lấy nhiều hơn so với công sức mình bỏ ra, và coi rằng những người khác phải chịu trách nhiệm cho sự nghèo khổ của mình.

Như mình đã chia sẻ ban đầu, cái nghèo vật chất đáng sợ thật nhưng cái khiến ai đó mãi mãi nghèo chính là tư duy nhỏ mọn và tham lam. Chính hành động của một số người nghèo đã khiến cho những người xung quanh cảm thấy việc làm từ thiện hay giúp đỡ của mình là một điều vô ích. Họ muốn nhiều hơn và không bao giờ thoả mãn.

Đổi lại cũng có nhiều người nghèo nhưng lại bằng lòng với công sức lao động của mình cũng như sự chia sẻ dù ít hay nhiều từ mọi người.

Mình hay đánh giày của một chị bị thọt chân ở Triệu Việt Vương. Chị ấy đánh giày rất cẩn thận và kỹ lưỡng với giá 10k như bao người đánh giày khác. Vì hài lòng với những gì bỏ ra nên mình luôn trả chị ấy 15-20k một lần đánh giày. Và lần nào chị ấy cũng nói cảm ơn mình và cười rất tươi với mình.

Mùng ba Tết năm 2020, mình ngồi Starbucks Hàng Bài với cô bạn thân, đối diện với cửa hàng cà phê là một ông cụ gầy gò mặc áo mưa giấy ngồi co ro trong cái lạnh đầu năm. Bên cạnh là một bộ dụng cụ bơm, sửa xe thô sơ. Mình với M ngồi gần 3 tiếng ở Starbucks nhưng ông cụ chỉ bơm lốp cho đúng một chiếc xe đạp của hai em nhỏ. Lúc đó, hóa đơn nước và bánh của bọn mình gần 300k. Mình cảm thấy chạnh lòng và nói với M bạn mình rằng tí nữa anh với em qua mừng tuổi ông cụ bên đường nhé.

Trước khi về, mình nói M đợi mình một lát rồi chạy sang đặt vào tay ông cụ một phong bao, số tiền nhỏ thôi, 100k. Ông cụ đứng dậy, nắm lấy tay mình nói từng chữ mà mình vẫn nhớ đến bây giờ.

“Đội ơn cậu, đội ơn cậu. May quá, tôi không phải ngồi đến chiều bơm xe để đủ tiền cơm nước. Trời lạnh quá cậu ạ.”

Lúc đó mình phải quay mặt đi vì suýt khóc. Mình chỉ có thể giúp đỡ ông ấy ngày hôm đó, còn những ngày khác thì sao? Vì thế, mình và các bạn, những người có cuộc sống may mắn nhiều người khác phải sống sao cho thật ý nghĩa, phải cho xứng với cuộc đời này. Đừng bao giờ than vãn rằng mình đen đủi, mình nghèo, mình khổ vì ngoài kia còn nhiều người khổ lắm. Cả những người nghèo có nhân cách lẫn những người căm thù hết thảy mọi người trên thế giới này. Nhưng không vì thế mà chúng ta quay lưng với họ. Hãy giúp đỡ và cho đi trong khả năng của mình và QUÊN VIỆC HỌ SẼ ĐỐI XỬ NHƯ THẾ NÀO VỚI LÒNG TỐT CỦA BẠN ĐI.

Tác giả: Đức Nhân

Biên tập: THĐP

Ảnh: Annie Spratt on Unsplash

💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI