28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

5 cách thực tập giúp bạn gia tăng nhận thức về bản thân và trí tuệ tâm linh mỗi ngày

Hầu hết chúng ta dành phần lớn thời gian và sự chú ý cho việc theo đuổi những mục tiêu bên ngoài (danh tiếng, tiền bạc, mối quan hệ,…) mà ít ai thực sự đào sâu vào nhận thức về bản thân và trí tuệ tâm linh của mình. Nói cách khác, chúng ta muốn “thành công” nhiều hơn “thành nhân”. Tuy nhiên, việc “thành công” mà không dựa trên nền tảng “thành nhân” thì chúng ta đang đi lạc khỏi con đường tiến đến sự viên mãn. Bạn có thể có rất nhiều tiền, danh tiếng, mối quan hệ, nhưng nếu không có một độ sâu nhận thức, sự vững chãi tinh thần, hạnh phúc nội tại hay một trí tuệ sắc bén, bạn rất dễ sa vào đau khổ và bị chính những thứ mà bạn coi là “thành công” tù hãm.

Các bậc thầy cổ xưa luôn đặt việc “thành nhân” lên trên việc “thành công”. Chỉ khi “thành nhân” thì việc thành công lúc đó mới có ý nghĩa và mang lại hạnh phúc cho bản thân mình và người khác. “Tại sao chúng là lại đòi học làm giàu trước khi chúng ta học làm người?” là một câu hỏi đáng suy ngẫm.

Cũng là một người đang đi trên con đường rèn luyện tinh thần, với sự hiểu biết ít ỏi của mình, tôi xin chia sẻ với mọi người những phương cách thực tập hằng ngày để nâng cao nhận thức về bản thân cùng trí tuệ tâm linh mà tôi đã và đang áp dụng.

1. Thiền định

Thiền định là một phương pháp thực tập cực kỳ hữu hiệu mà những người tu tập từ cổ chí kim đều sử dụng. Nó là một phương pháp căn bản mà ai cũng có thể tiếp cận, nhưng ít ai chịu làm nó. Vị đạo sư ấn độ Vivekananda đã nói:

“Thiền định có thể biến những kẻ ngốc thành bậc hiền triết nhưng đáng tiếc là những kẻ ngốc chẳng bao giờ thiền.”

>>> [THĐP Translation™] 36 giáo huấn trí tuệ từ đại sư Vivekananda

Thiền định hướng tới việc để cho tâm trí có thể tĩnh lặng. Theo ví von của nhà Phật, tâm trí là một con khỉ điên (crazy monkey), nó chuyền hết cành này đến cành khác ở mọi thời điểm mà không chịu dừng lại. Những đối tượng của nó chính là những suy nghĩ, những sự việc, những hình ảnh củng cố cho cái tôi đầy tham vọng. Thường ngày chúng ta để cho tâm trí này thao túng mình. Những người thực sự hành thiền sẽ cho bạn biết rằng bạn không hề làm chủ tâm trí như bạn tưởng, rằng dừng suy nghĩ lại khó như thế nào, bạn đã bị tâm trí kéo lê và khiến mình kiệt sức bởi những suy nghĩ vô ích ra sao.

Tâm trí không thể kiểm soát thì giống như bạn đang ngồi trên lưng một con ngựa điên và khó bảo, bạn không thể đi đến nơi bạn muốn, làm những việc bạn cho là cần thiết. Con ngựa ấy sẽ hành hạ bạn cả ngày, những cách bạn hành hạ chính mình bằng những suy nghĩ liên miên không hồi kết. Thiền định chính là sợi dây cương cho bạn, bạn càng rèn luyện, sợi dây cương càng vững chắc. Khi bạn thuần hóa được chú ngựa này, bạn mới có thể có được tự do, sử dụng nó lúc nào bạn muốn và đặt nó xuống khi không cần thiết. Một khi tâm trí dần bình ổn và tĩnh tại, sự vô minh mới được nhìn thấu, bức màn ngụy tạo được vén ra, lúc đó tia sáng trí tuệ mới có thể lọt qua, không khí bình an mới có thể tràn vào.

“Con người cần sử dụng tâm trí để giải thoát chính mình, chứ không phải để thoái hóa. Tâm trí vừa là bạn vừa là thù của linh hồn. Đối với người đã chế ngự được tâm trí, nó là bạn tốt nhất. Còn đối với kẻ chẳng làm được điều đó, nó là kẻ thù ghê gớm nhất. Người chế ngự được tâm trí là người đã đạt tới Linh Hồn Tối Cao vì anh ta đã tìm thấy sự bình yên. Đối với người đó, sướng hay khổ, nóng hay lạnh, vinh hay nhục đều như nhau.” – Đức Krishna (Chí Tôn Ca, 6:5-7)

>>> Hướng dẫn cơ bản cách ngồi thiền (thiền quán Vipassana)

2. Ngồi một mình và không làm gì cả

Thông thường chúng ta dành phần lớn cuộc đời mình để hướng sự chú ý ra bên ngoài, đến chuyện thiên hạ, đến những ý kiến của người khác và các hình thức giải trí kích thích cao. Chúng ta luôn trong tình thế bận rộn, hoặc trong trạng thái phải làm một điều gì đó. Sự thật không phải là chúng ta thích những điều đó, mà chúng ta chỉ đang chạy trốn khỏi sự nhàm chán, chúng ta nghiện sự không nhàm chám. Nó bắt nguồn từ một nguồn động lực sợ hãi nguyên thủy: CHÚNG TA SỢ ĐỐI DIỆN VỚI TÂM HỒN CỦA CHÍNH MÌNH CÙNG VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ TỪ NÓ.

Tôi đã nghe ở đâu đó câu nói rằng: “Người ta có thể làm mọi thứ điên rồ chỉ để không phải đối diện với linh hồn mình.”

Khi chúng ta thực sự ngồi xuống một mình, không bị xao lãng bởi bất cứ công việc, hành động hay yếu tố bên ngoài nào, chúng ta mới có thể tiếp cận với chiều thực tại bên trong. Những khúc mắc, những góc tối, những sợ hãi, những tổn thương, những vấn đề sẽ nổi lên, và bạn sẽ phải đối diện với nó. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu, đây là điều tất yếu khi chạm mặt những nỗi đau, và đó là cách mà bạn trưởng thành, thay vì làm mọi thứ điên rồ để chạy trốn khỏi nó và chịu đựng nổi ám ảnh âm ỉ trong vô thức ngày qua ngày. Vấn đề không biến mất khi bạn phớt lờ nó. Nó chỉ bị chôn vùi, nằm đó, đợi điều kiện thích hợp để bùng nổ. Và có khả năng nó sẽ kéo theo nhiều hệ quả nữa về sau, khi bùng nổ, chúng sẽ càng tồi tệ. Vậy nên đối mặt với nó ngay bây giờ là điều tốt nhất nên làm.

Bạn có thể dành mỗi ngày 30 phút đến một tiếng để “chạy trốn” khỏi thế gian. Không điện thoại, không nghe nhạc, không thức ăn, không bạn bè, tìm một không gian thoải mái, và chỉ có mình bạn ở đó. Sương mù dày đặc của cuộc đời bạn sẽ tan bớt đi nếu có ánh sáng của sự quán chiếu nội tâm soi chiếu vào. Mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn với bạn.

3. Hấp thụ tri thức từ các bậc Thầy

Bạn không biết những thứ bạn không biết. Tâm trí sẽ luôn cho rằng nó biết đủ, và nó luôn đúng. Đây là một niềm tin giới hạn bạn khỏi những vùng tri thức cao hơn. Học hỏi là một việc không ngừng, dù trong bất cứ lĩnh vực nào đi nữa.

Đối với việc rèn luyện tâm linh, việc hấp thụ những giáo huấn từ những vị thầy giúp thúc đẩy chúng ta lên những tần số cao hơn, bởi vì nó gợi ý và tạo điều kiện cho chúng ta soi rõ những vấn đề mà chúng ta ít nghĩ tới trong đời sống. Nó có thể chứa đựng câu trả lời cho những điều mà chúng ta vẫn đang luôn tìm kiếm. Việc hấp thụ tri thức từ các bậc thầy mỗi ngày có thể giúp chúng ta gần gũi với những tư tưởng Đạo lý và trí tuệ tâm linh, nhắc nhở chúng ta mỗi lần chúng ta lạc lối. Bạn có thể là một học trò hay xao lãng và lạc lối, vậy nên hãy xem những tri thức đó là một vị thầy đáng tin cậy để đối chiếu và học hỏi.

Tuy nhiên, việc đọc đơn thuần sẽ không giúp ích gì nếu không suy ngẫm, đối chiếu với chính mình và thực tập. Thầy Ramana Maharshi ví những cuốn sách như những tấm gương, việc cần làm là bạn phải cạo râu. Đừng soi hết tấm gương này đến tấm gương khác mà bỏ qua việc quan trọng nhất: Cạo râu. Cùng với đó, bạn cùng cần có trí tuệ khi tiếp cận với những tri thức. Chân lý được các vị thầy cô đọng bằng ngôn từ, và bạn có thể hiểu sai ngôn từ đó. Tất cả những thứ bên ngoài chỉ là tham khảo, điều quan trọng là bạn phải tin tưởng vào trí tuệ trực giác của chính mình, dù có thể sai, nhưng đó là cách mà bạn trở nên khôn ngoan, thay vì tin tưởng một cách mù quáng.

“Đối với nhiều người việc đọc một cuốn sách đã mở ra một thời kỳ mới trong đời… Những gì lúc này không thể thốt ra chúng ta sẽ thấy sẽ được thốt ra ở nơi nào đó. Cùng những vấn đề làm chúng ta bất an, khó hiểu và hoang mang cũng có lần xảy ra với những người khôn ngoan, tất cả không có ngoại lệ, và mỗi người đã trả lời chúng theo khả năng của mình bằng lời và bằng cuộc đời mình.” – David Henry Thoreau

4. Nhìn ra bài học trong mọi thứ, mọi biến cố, sự việc

Bậc thầy tâm linh Ram Dass đã nói,

“Tôi xem cuộc sống của mình là một loạt các cơ hội đang mở ra để thức tỉnh.”

Bạn tìm kiếm và tập trung vào điều gì, thì bạn sẽ thấy những khía cạnh củng cố cho điều đó. Tương tự, nếu như bạn xem việc tu tập tinh thần là quan trọng nhất, bạn sẽ thấy bài học ở khắp mọi nơi – theo nghĩa đen – khắp mọi nơi, thậm chí mọi thời điểm.

Khi bất kỳ sự việc gì xảy ra: bạn mất việc, người yêu chia tay bạn, người khác nói không đúng sự thật về bạn, bạn thất bại trong một dự án nào đó, ra đường gặp tai nạn,… Bất cứ điều gì cũng có thể mở ra cho bạn bài học, có thể là bài học của sự buông bỏ, của sự kiên cường, bài học cho việc quay vào bên trong chính mình, bài học cho sự luyến chấp. Ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất trong đời sống hằng ngày như cãi nhau với người nhà, hàng xóm làm ồn cũng dạy cho bạn một bài học nào đó. Bài học vẫn sẽ luôn ở đó, chỉ là bạn phớt lờ nó.

Khi người học trò sẵn sàng, người Thầy sẽ xuất hiện.

5. Ý thức về thức ăn tần số

“Nếu bạn muốn thấu hiểu bí mật của vũ trụ, hãy tư duy về năng lượng, tần số và sự rung động.” – Nikola Tesla

Mọi thứ xung quanh chúng ta đều là năng lượng, chỉ là chúng rung động ở một tần số khác nhau. Tâm thức của mỗi người cũng có tần số riêng, kể cả âm nhạc, thức ăn, vật dụng hằng ngày, các hoạt động nào đó, địa điểm nào đó cũng rung động ở một tần số nhất định. Đây là một khía cạnh tinh tế khó có thể phân tích bằng lý trí, bạn chỉ có thể trực giác được nó.

Tần số càng cao thì càng gần gũi với God, với Chân lý. Ví dụ như theo thang đo tâm thức của David Hawkins, Sợ hãi có chỉ số 100, Giận dữ 150, Can đảm 200, Tình yêu 500, Bình an 600. Càng lên tần số cao, trải nghiệm tâm thức của chúng ta càng tích cực.

Chúng ta có thể để ý những hiệu ứng này trong đời sống hằng ngày. Một bản nhạc có thể đưa ta lên một trạng thái đầy cảm hứng, nhưng một bài rap tiêu cực hoặc ủy mị cũng có thể kéo bạn xuống một trạng thái tồi tệ. Ở với người nào đó bạn cảm thấy hân hoan và thoải mái, nhưng có một số người bạn thấy rất khó chịu và ngột ngạt. Dành 1 tiếng để ra ngoài trời tập thể dục bạn có thể thấy thư thái, bình an, trong khi dành 1 tiếng để lướt facebook hay đọc báo mạng sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái mệt nhoài và mất động lực. Có một số người thực hành ăn chay vì căn bản thức ăn mặn có tần số thấp hơn thức ăn chay. Tất cả đều là năng lượng, tâm thức của bạn rung động ở một tần số riêng tùy vào nhận thức và mức độ tu tập của bạn, đó là yếu tố bên trong. Nhưng cũng có yếu tố bên ngoài, vì mọi hoạt động hằng ngày đều là một sự cộng hưởng tần số và nó sẽ ảnh hưởng đến mức độ tâm thức của bạn.

Biết được điều này, bạn nên ý thức về “thức ăn” tần số của mình, điều đó sẽ hỗ trợ một mức độ nhất định trong trải nghiệm sống hoặc trong việc tu tập tinh thần.

Tóm lại

Hành trình tu tập tâm linh là một hành trình đơn biệt và tự thân. Mọi thứ bên ngoài chỉ là để tham khảo, không ai có thể tu tập giúp bạn. Bạn phải tự đi trên con đường ấy bằng chính đôi chân của mình. Mong những phương cách trên sẽ giúp bạn tiến bộ. Peace!!

Tác giả: Bá Kỳ

Photo by Jared Rice on Unplash

💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Bá Kỳ
Bá Kỳ
Peace - Love - Wisdom. Live the Truth, Live for Love, Guided by Inner Wisdom.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI