Nội dung
Đôi lúc tôi vẫn cứ tiếp tục sống với một tâm thế căng thẳng
Chỉ vài ngày vừa qua, tôi đã “dính” 2 đòn trời giáng để học bài học về sự thư giãn và bình thản. Có vẻ như trước kia, bài học này chưa đủ ngấm nên nó cứ lặp lại với tôi nhiều lần. Hay nói cách khác là đôi lúc tôi vẫn cứ tiếp tục sống với một tâm thế căng thẳng và cố gắng kiểm soát ngoại cảnh mà tôi không hề ý thức được chuyện đó. Rồi dần dà theo thời gian, mối bức bách ấy cứ được nuôi lớn lên cho đến khi nó trào ra thành một sự kiện đau đớn mà tôi phải trải nghiệm.
Câu chuyện đầu tiên là về một cơn đau bụng dữ dội đến vào giữa đêm. Trong tình cảnh ấy, như thể là gặp một bài học không thể tránh khỏi, tôi nằm im thin thít không dám hé răng kêu đau thêm một lời nào, và cũng không dám cựa quậy người. Vì trước đó, tôi đã làm theo thói quen phản ứng kêu than như một người bình thường và khiến cơn đau càng trở nên dữ dội.
Cũng chính từ trải nghiệm đó, tôi hiểu ra rằng việc gồng ép và chống đối không giải quyết được vấn đề, mà chính nó lại là nguyên nhân tạo ra vấn đề, đồng thời cũng là dầu đổ thêm vào lửa. Đêm đó, tôi nằm im lìm như một tảng đá và đi vào giấc ngủ. Sáng hôm sau thức dậy, tôi hết đau bụng hoàn toàn.
Căng thẳng khi học đàn organ
Mấy ngày sau trôi qua, thêm một trải nghiệm nữa nhớ đời, tôi học đàn organ vào buổi chiều và cố gắng để đánh được thuần thục một đoạn nhạc đầu tiên. Nhưng sự cố gắng ấy làm tôi bị đau rã hai bàn tay và đau dạ dày vì căng thẳng. Tối hôm đó, tôi chẳng thiết tha ăn uống gì, rồi còn xuất hiện suy nghĩ rằng học đàn thật khó và tôi thật kém cỏi. Nhưng ngày hôm sau khi thức dậy với tinh thần thoải mái hơn, tự nhiên tôi lại đánh được đoạn đó một cách dễ dàng, và tôi thấy rất vui sướng.
Nhìn vào hai trải nghiệm đau đớn vừa qua, tôi bỗng nghĩ rằng mình căng thẳng vội vã mà làm gì? Nếu một chuyện gì đó mình đã làm được thì cứ bình thản mà làm. Nếu chuyện đó không thể làm được thì có cố gắng bao nhiêu cũng không được. Kiểu như nếu nó đã sinh ra để dành cho mình thì mình chẳng việc gì phải gắng gồng với lấy, còn nếu nó đã không dành cho mình thì có cố níu kéo cũng chẳng thể kết nối được. Nghĩ vậy, tôi bỗng thấy lòng mình thật thanh thản và thấy cuộc sống này dễ thở hơn rất nhiều.
Chẳng phải mọi áp lực đều là do chúng ta tự tạo nên đó sao? Ông Trời định rằng chuyện này sẽ thành công trong 10 ngày, nhưng ta không biết kế hoạch đó và muốn đốt cháy giai đoạn cho thành 1 ngày, vậy thì rõ ràng ta sẽ chịu lực nén ép tâm lý gấp 10 lần, phải không?
Với gánh nặng ấy, 10 ngày chưa chắc ta đã thành công chứ chưa nói là 1 ngày. Vì thời gian ông Trời định lượng là dựa trên sự thoải mái và thư thái nhất của con người, dựa trên năng lực gần gũi hiện có nhất của anh ta là đam mê và cảm hứng tích cực, chứ không phải dựa trên khao khát hay tham vọng thành tựu cuộn trào của người đó.
Khi quan sát lại chính mình và cuộc sống, tôi tự hỏi rằng có phải mọi con đường tới thành công và hạnh phúc cho riêng từng người đều đã được thiết kế? Và việc của mỗi chúng ta không phải là cố gắng tạo tác thêm một con đường nào đó khác theo ý cá nhân, mà là thư giãn và lắng nghe dòng sự sống bên trong đang đưa ta đến nơi nào phù hợp nhất. Terence McKenna đã có câu:
“Lo lắng là hoang đường. Bạn không biết đủ để lo lắng.”
Chúng ta không có cớ gì để phải căng thẳng
Căng thẳng hay sự gồng ép gì cũng tương tự như vậy, chúng ta không có cớ gì để phải căng thẳng. Nếu bạn chết, thì bạn phải chết. Nếu chuyện gì đó phải xảy ra, nó phải xảy ra, không thể chống cự hay tránh né được. Chưa kể, bạn làm sao biết được là bạn sẽ thành công vào giờ nào, bạn sẽ thuần thục một bộ môn vào khắc nào? Và nếu đã tin rằng thành công kiểu gì cũng tới và sự thuần thục kiểu gì cũng xảy ra, vậy thì tại sao mỗi người không chọn cách bước đi tới những khả năng đó bằng một sự đơn giản và nhẹ nhàng?
Tôi thấy có những người làm Youtube cặm cụi cả đời mà mãi chẳng thu hút được mấy người xem, nhưng có người thì chỉ vừa tung 1 video hát chơi vu vơ mà cũng đã thành hiện tượng dậy sóng cộng đồng (Ytiet). Có những người học hát làm nhạc cả chục năm ròng rồi đi thi mà vẫn bị loại, nhưng cũng có những người mới dấn thân vào âm nhạc vài tháng mà đã chinh phục được các giám khảo. Đây được gọi là hiện tượng “thời đã đến thì người đỡ không nổi.”
Nhưng tôi nói vậy không có ý bảo rằng các bạn đừng nỗ lực, đừng kiên trì theo đuổi ước mơ hay đừng dám hi sinh vì những điều mình yêu mến. Đó là những việc bạn không nên bao giờ ngừng lại. Điều mà tôi đang muốn nói ở trong bài viết này đó là hãy quên mọi kết quả hay sự thành bại đi.
Đừng để sự kỳ vọng vào kết quả tạo nên những năng lượng căng thẳng và bức bách trong cuộc hành trình sống của bạn. Sống thanh thản và hết mình, đó là việc của bạn. Còn việc của ông Trời là đặt bạn vào điểm nào dưới ngọn đèn vinh quang, tùy thuộc vào sự xứng đáng của bạn. Nếu bạn vẫn cố tình can thiệp vào công chuyện của Trời, bạn sẽ chỉ gánh lấy những áp lực và đau đớn khôn cùng.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Bình luận từ Akasha
Bài viết này khám phá một chủ đề mà hầu như ai cũng gặp phải: căng thẳng. Tác giả đã mô tả qua hai câu chuyện cá nhân, những khoảnh khắc căng thẳng không chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe của bản thân mà còn ảnh hưởng đến năng lực thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày. Qua đó, bài viết phản ánh một thực tế rằng căng thẳng có thể là một vòng lặp tiêu cực, nơi mỗi nỗ lực kiểm soát hoàn cảnh chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.
Trong phần đầu, tác giả mô tả cách mà căng thẳng đã khiến cho một cơn đau bụng trở nên khó chịu hơn nhiều. Điều này cho thấy căng thẳng không chỉ là một trạng thái tâm lý mà còn có thể gây ra hoặc tăng cường các triệu chứng thể chất. Căng thẳng làm cho cơ thể chúng ta bước vào chế độ ‘chiến đấu hoặc bỏ chạy’, từ đó sản sinh ra phản ứng thể chất mà trong trường hợp này là cơn đau bụng dữ dội. Điều này minh họa rằng việc giảm bớt căng thẳng không chỉ là việc làm dịu tâm trí mà còn có tác dụng tích cực đến thể chất.
Tiếp theo, qua việc học đánh đàn organ, bài viết chỉ ra một hiện tượng thường gặp: căng thẳng có thể khiến chúng ta bị suy giảm trong việc thực hiện các kỹ năng hoặc nhiệm vụ mà thực ra chúng ta có khả năng làm tốt. Tác giả đã trải qua sự căng thẳng dẫn đến đau rã rời cả hai bàn tay, một hình thức của căng thẳng tích tụ do sợ hãi thất bại và áp lực phải thành thạo ngay lập tức. Câu chuyện này là một ví dụ điển hình về cách mà căng thẳng có thể cản trở chúng ta khám phá và phát huy hết tiềm năng của mình.
Những bài học được rút ra từ bài viết này cho thấy một giải pháp khả thi để giải quyết căng thẳng là chấp nhận hoàn cảnh hiện tại và không cố gắng kiểm soát quá mức những gì nằm ngoài khả năng của chúng ta. Qua đó, việc nhận thức được cách mà căng thẳng tác động đến cả tinh thần và thể chất của chúng ta là bước đầu tiên quan trọng trong việc quản lý và giảm bớt căng thẳng hiệu quả. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn giúp mỗi cá nhân có thể đối mặt với thử thách một cách bình tĩnh và tự tin hơn.