27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Việt Nam đang giảm phát khí thải cacbon bằng cách chuyển hoá chất thải chăn nuôi thành năng lượng

exclusive

(1093 chữ, 4.5 phút đọc)

Bà Lê Thị Vinh từng phải nấu nướng trong một gian bếp ám khói, bếp lò bằng đất bám đầy bồ hóng. Điều này thay đổi vào cuối năm 2016, khi bà ngừng sử dụng củi và chuyển sang khí sinh học được tạo ra từ chất thải của 46 con lợn bà nuôi. Lượng khí sinh học này đủ để cho một gia đình bốn người nấu được ba bữa ăn một ngày. Nhưng chi phí không hề rẻ – số hầm ủ cần thiết để tạo ra khí sinh học tốn khoảng 600 đô la để xây dựng, gấp 5 lần thu nhập 3 triệu đồng (130 đô la) mỗi tháng của bà Vinh.

Bà Vinh, một nông dân 53 tuổi, là một trong số 7 triệu người sống ở Hà Nội, là thủ đô và thành phố đông dân thứ hai của Việt Nam. Thành phố này tràn ngập xe máy, khoảng 5 triệu chiếc, bóp nghẹt không khí và gây ách tắc giao thông.

Nhưng Hà Nội đang thay đổi. Ngoài kế hoạch đầy tham vọng cấm xe máy vào năm 2030, Hà Nội là một trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đang chuyển sang sử dụng khí sinh học để nấu ăn. Bà Vinh đã sử dụng tiền tiết kiệm của chính mình và vay tiền từ người thân để xây dựng hầm ủ. Đây là một phần trong chương trình được tài trợ bởi Chính phủ Hà Lan và Energising Development – một công ty hợp danh do 6 quốc gia cấp vốn, sử dụng một công nghệ địa phương bắt nguồn từ Trung Quốc. Mục tiêu của việc sử dụng khí sinh học là để được hít thở không khí sạch hơn, đồng thời chống lại biến đổi khí hậu – một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.

biogas-vietnam-e1531877128844
Photo: Quartz/Echo Huang

Giống với phần còn lại của thế giới, Việt Nam cần giảm phát thải khí nhà kính. Ngành chăn nuôi đóng góp khoảng 5% GDP của Việt Nam – với sản lượng thịt lợn đứng thứ 6 trên thế giới. Nếu không được quan tâm đúng mức, chất thải từ đàn lợn không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn phân hủy tạo thành khí mêtan. Đốt mêtan lại tạo cacbon điôxit, một loại khí nhà kính, nhưng nếu cứ để mêtan thoát ra tự do thì mọi chuyện còn tệ hơn, vì mức độ hâm nóng trái đất của mêtan cao gấp 84 lần so với CO2.

The-pigs-Le-thi-Vin-raises-in-Hanoi-Vietnam--e1531877148533
Photo: Quartz/Echo Huang

Hơn nữa, những người không sử dụng khí sinh học sẽ chủ yếu dựa vào bếp đốt củi, và cách làm này giải phóng những hạt cacbon mịn vào không khí. Những hạt này dễ dàng lọt vào phổi người và có thể gây bệnh, chẳng hạn như  ung thư phổi hay bệnh tim. Ô nhiễm không khí trong nhà do những cách thức nấu nướng kém hiệu quả giết chết gần 4 triệu người ở các nước nghèo mỗi năm.

Như vậy, hệ thống khí sinh học của bà Vinh là một biện pháp đôi bên cùng có lợi trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm không khí trong nhà. Đó là lý do tại sao khí sinh học cực kì phù hợp với Việt Nam, nơi 60% dân số vẫn sống ở nông thôn. Năm 2003, tổ chức phi chính phủ SNV của Hà Lan đã bắt đầu giúp Việt Nam xây dựng những hầm ủ khí sinh học để lưu trữ chất thải động vật tại sân sau của các gia đình. Tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có khoảng 170.000 hầm ủ khí sinh học, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, một cố vấn chương trình tại SNV ở Việt Nam.

Những hầm ủ khí sinh học, với kích thước trung bình 12 m², đang giúp Việt Nam giảm 1,3 triệu tấn khí thải cacbon mỗi năm, theo bà Hà. Việt Nam đã thải ra 230 triệu tấn khí thải cacbon trong năm ngoái, chiếm khoảng 0,7% trong tổng số 32,5 tỷ tấn khí phát thải toàn thế giới.

Trong giai đoạn đầu tiên của dự án, diễn ra từ năm 2003 đến năm 2012, một gia đình Việt Nam được nhận một khoản trợ cấp 100 đô la để xây dựng hầm ủ khí. Trong giai đoạn 2, từ năm 2013 đến năm 2016, SNV đã có những tính toán để toàn bộ quá trình trở nên bền vững hơn, chẳng hạn như thuê nhân công địa phương thực hiện công việc xây dựng. SNV cũng đã làm việc với các ngân hàng địa phương để cho vay lãi suất thấp nhằm giúp người dân xây dựng hầm ủ khí. Tổ chức này hy vọng giai đoạn cuối cùng (đã bắt đầu vào năm ngoái) của dự án sẽ cải thiện chất lượng của các hầm ủ khí sinh học được xây lắp.

Nhưng SNV cũng hiểu rằng sự biến động trong thị trường thịt lợn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự thành công của dự án hầm ủ khí sinh học. Trong năm 2017, giá thịt lợn trong nước giảm một nửa sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu lợn sống từ Việt Nam, làm chậm quá trình xây lắp các hầm ủ khí, theo bà Hà. Ông Hoàng Văn Tân, 42 tuổi, người đã xây ít nhất 1000 hầm ủ khí sinh học từ khi làm công việc này từ 7 năm trước, cho biết vào năm 2015 ông xây được 10 hầm ủ mỗi tháng, nhưng từ khi giá thịt lợn giảm, mỗi tháng ông chỉ còn xây được 2-3 hầm.

Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực từ cả hai phía. Một mặt, cơ quan quản lý năng lượng của Việt Nam cho biết đất nước này có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong 5 năm tới, khi nhu cầu vượt xa nguồn cung. Để vượt qua thách thức đó, họ đã tăng thêm các loại nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá (pdf, p.2), trong nguồn nhiên liệu sản xuất điện. Mặt khác, Việt Nam cần cắt giảm lượng khí thải. Một cách để đạt được yêu cầu này là sử dụng bổ sung năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió để sản xuất điện. Nếu dự án khí sinh học SNV tiếp tục hoạt động và phát triển, nó có thể trở thành một hình mẫu về cách các dự án năng lượng tái tạo được phát triển nhờ sự hỗ trợ từ nước ngoài tại một đất nước đang phát triển.

Tác giả: Echo Huang – Quartz
Biên dịch: Sang Doan
Hiệu đính: Dương Tùng

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI