Featured Image: GPE/Alberto Begue
Nhớ những năm học cấp I trường làng, tụi học sinh cứ ngày lễ là đến nhà thầy cô. Nào 8/3 mỗi đứa cố kiếm trong vườn một bông hoa tặng cô, nào ngày mồng 3 tết thầy đứa quả cam, đứa cái bánh chưng, đứa “sang chảnh” hơn được bố mẹ cho chai rượu rồi tíu tít hẹn nhau, đạp xe đến nhà thầy. Lớp mấy chục đứa ngơ ngác, líu lo chúc tết thầy với những câu chúc trùng lặp, thế nhưng niềm vui ánh lên trên đôi mắt cả thầy lẫn trò. Những món quà tặng thầy nhanh chóng thành …mâm cỗ ăn tại chỗ. Nếu toan tính như hiện tại thì… thầy lỗ nặng!
Những năm đó, có nhiều hơn một ngày 20/11!
Lên cấp II, vẫn duy trì những ngày lễ chúc cô, chúc thầy. Tất nhiên sẽ chẳng còn cảnh tíu tít mang quà đến nhà cô thầy! Cả lớp bắt đầu rộn lên kế hoạch làm báo tường từ những ngày đầu tháng 11. Thơ tự làm, văn tự viết, tranh tự vẽ. Hì hục cả tuần tại nhà một đứa trong lớp cuối cùng cũng xong.
Những tờ báo tường khổ lớn được treo lên, thầy cô đi đến dừng lại đọc từng câu, từng chữ. Đám học sinh ngồi hồi hộp rồi thở phào khi thầy cô mỉm cười! Rồi chấm giải thơ văn viết về cô thầy, đứa có bài hay nhất hãnh diện đọc lời tri ân trước toàn trường!
Là giờ sinh hoạt lớp, cô nói đùa: “Cô giờ chẳng thèm gì, chỉ thèm ngô luộc.” Thế mà, ngày sau, nhỏ bạn cùng lớp tay xách nách mang bịch ngô nhà trồng lên cho cô giáo. Khoảnh khắc của sự chân thành từ món quà của trò long lanh trong ánh mắt cô chủ nhiệm. Mãi sau này, mỗi dip gọi điện cô đều nhắc! Có những đứa “sang” tặng riêng thầy cuốn sổ giáo án cố nắn nót câu chúc! Những món quà như thế có lẽ thầy cô không bao giờ từ chối.
Lên cấp III những cái đầu biết nghĩ, đóng quỹ lớp mua hoa tặng từng cô thầy. Mấy chục đứa gom góp chia đều mỗi đứa một ít trong tầm “kiểm soát”. Từng giờ học đại diên lên tặng hoa! Cả lớp vỗ tay, trong mắt thầy cô long lanh hạnh phúc!
Có lẽ, những ngày tháng đại học là… buồn nhất. Không biết có phải vì số lượng sinh viên quá lớn hay không mà giảng viên chủ nhiệm bỗng dưng… mất hút. Lớp cũng chẳng để ý đến mấy ngày lễ. 20/11 tụi sinh viên mừng vì đó thường là ngày nghỉ học. Lại có cớ tụ tập nhậu nhẹt. Có chăng chúc cô thầy cũng qua…facebook!
Hỏi đứa bạn học một trường đại học khác thì tình hình còn… tệ hơn. Ngày 20/11 bỗng thành ngày “biếu quà lấy điểm”. Mà chuyện này đâu mới, từ lâu rồi. Đứa bạn bảo cả lớp thi bị đánh… rớt nên gom tiền biếu thầy để qua môn. Khóa trước truyền lại khóa sau “bí quyết” ấy! Và khi tiền trao-điểm lấy thì những tiếng chửi thề để lại…
Mặc nhiên, những sinh viên chúi đầu góp tiền biếu thầy khác hẳn những đứa học sinh góm mấy đồng lẻ mua hoa tặng thầy ngày lễ. Mới đây, nhiều trường quy định giáo viên không được nhận quà trong ngày lễ 20/11. Nghe qua có vẻ hay như quy định cấm quan nhận phong bì vậy!
20/11 là ngày lễ tri ân thầy cô giáo, sao không để học sinh, phụ huynh tri ân những người thầy bằng những cách chân thành? Tri ân cũng có một phần quà tặng. Có chăng hiện tại chữ tri ân được nhiều người hiểu sai mang nặng mùi tiền.
Mà lỗi có lẽ do áp lực từ phụ huynh nhiều hơn những nhà giáo. Tôi có cô bạn dạy ở một trường Dân lập Quốc tế tại Sài Gòn. Nôm na dễ hiểu là trường của những cậu ấm cô chiêu con nhà giàu có. Nhưng lương thì… thấp tệ. Tôi hỏi sao lương thấp mà không kiếm nơi khác dạy. Cô bạn thú thật: “Lương không ăn thua nhưng ngày lễ thì… khá.” À thì ra những ngày lễ này những phụ huynh đại gia kia chẳng tiếc gì những chiếc phong bì dày cộm biếu cô. Mà đâu chỉ lễ 20/11, các lễ khác phụ huynh đều nhớ như tụi tôi hồi cấp I nhớ đến nhà cô thầy vậy!
Không thể trách bạn tôi được. Sống giữa Sài Gòn với đồng lương nhà giáo thấp nếu không nhận thì sao sống được? Vả lại cầm tiền của những phụ huynh chẳng thiếu tiền thì tôi thầm nghĩ bạn tôi (và nhiều người) cũng chẳng mảy may bối rối.
Âu đó cũng là một sự cho-nhận!
Mấy năm nay, ngành giáo dục nói chung và nghề giáo nói riêng luôn gặp những điều chẳng mấy ai vui được! Đâu đó vẫn còn những giáo viên dạy sai nguyên tắc sư phạm đánh trò, những giảng viên vẫn đổi tiền lấy điểm hay những người thầy “sinh không hợp thời” đem bực tức cuộc sống lên bục giảng…
Nhưng vẫn còn nhiều, rất nhiều người thầy tóc đã bạc vì phấn hằng ngày vẫn gắn cuộc đời mình, ước mơ mình vào từng bài giảng. Bao nhiêu người cô giáo vùng cao ăn chung những bữa cơm độn sắn, khoai nhận nuôi học trò khó khăn. Rồi những cô, thầy giáo đặc biệt. Tôi xin gọi thế về những cô thầy dạy dỗ trẻ khuyết tật! Họ đang âm thầm dạy từng chữ cho những đứa trẻ thiếu may mắn. Và cả những giáo viên không chuyên ngày ngày dạy tụi nhỏ bán vé số, nhặt ve chai… không có cơ hội đến trường.
Xin xã hội đừng quên họ. Đừng để chỉ một ngày 20/11 chúng ta mới tri ân tới những nhà giáo! Cũng sẽ chẳng cần những khẩu hiệu, băng rôn ngập đường khoa trương. Cần hơn những lời chúc chân thành từ phụ huynh, học sinh và tất cả những ai quan tâm tới giáo dục.
Và để thực hiện điều đó, chúng ta có nhiều hơn một ngày 20/11 để tri ân những người thầy, người cô!
Đức Lộc
Nghề giáo cũng như các nghề khác thôi. đừng quan trọng hóa làm gì. thế có ai là học sinh của sầm đức xương tặng quà cho ông ấy khi đang trong lao tù không nhỉ.