Featured Image: Sarah Witherby
Thật hạnh phúc, cho những ai có đam mê hay tìm ra đam mê của mình, để đi đến cùng với nó. Nhưng không phải ai cũng may mắn được đam mê “gõ cửa” ngay từ đầu. Vậy với những người còn đang loay hoay tìm kiếm “một cái gì đấy” làm chất xúc tác cho bản thân thì phải sao đây? Chẳng lẽ cứ ngồi thở dài rồi nói rằng: “Tôi không thể làm được việc này, vì tôi không thích nó.” Vài câu thở dài như thế, chẳng mấy chốc là hết một đời rồi. Cuối cùng, đam mê đâu chẳng thấy mà việc nào cũng dang dở, khiến cả cuộc đời dở dang. Có khi đến chết vẫn còn “ôm niềm uất hận ngàn thâu” vì không tìm thấy cái gọi là đam mê.
Để trả lời câu hỏi đó tôi xin dẫn dắt hơi dài dòng một chút
Nếu bạn nào đã đọc bài viết “Sự lựa chọn giữa Cao đẳng và Đại học” của tôi trên Triết Học Đường Phố thì đều biết rằng nguyên nhân ban đầu khiến tôi học trường Cao đẳng Sư Phạm hoàn toàn là miễn cưỡng, bắt buộc với tâm lý “cùng đường”. Nhưng rốt cuộc, tôi lại phải cảm ơn vì mình đã học Cao đẳng mà không theo đuổi hư danh Đại học. Nghề sư phạm đến với tôi cũng gần tương tự như vậy.
Ấn tượng của tôi về nghề này là không có gì thích thú, ngày nào cũng diễn gương mặt ấy, giọng nói ấy, bước lên bục giảng “nhai đi nhai lại” những bài đã thành thuộc làu từ lớp này sang lớp khác, từ năm này sang năm khác. Những quyển giáo án đã ngả màu, sờn gáy của một vài thầy cô cho tôi thấy nghề giáo cũ kỹ, buồn tẻ đến thế nào: Trong khi tuổi trẻ đang hăm hở, tràn đầy nhiệt huyết, khát khao những điều mới lạ, muốn đi và được đi để khám phá thế giới sôi động, hấp dẫn ngoài kia. Nên thật dễ hiểu, báo chí mới là nghề mơ ước của tôi hồi ấy, hay luật gia mới là điều tôi hằng tưởng tượng đến (vì bị ám ảnh bởi những bộ phim đi tìm công lý của điện ảnh Mĩ).
Ấy vậy mà tôi lại phải cắp cặp đi học Sư Phạm. Thế mới “đau” chứ!
Năm qua đi, tháng qua đi, tôi tốt nghiệp, ra trường, đi làm mà cũng chẳng mảy may có ý niệm nào là thích nghề giáo. Ở trường, người ta bảo học thì tôi học, cố gắng học tốt là để chứng tỏ bản thân với mọi người, chứ không phải là để lo cho một tương lai tươi sáng “đi gõ đầu trẻ” sau này. Lúc đi làm người ta bảo dạy thì tôi dạy, cố gắng dạy tốt để đồng nghiệp không coi thường mình, học sinh không chê bai mình. Đơn giản thế thôi. Tôi cứ làm hết trách nhiệm, nghĩa vụ mà mình phải làm trong từng giai đoạn cuộc đời; lòng tự trọng bản thân không cho phép tôi đại khái, qua loa. Còn đam mê ư, tôi chưa biết tới…
Thậm chí trong suốt thời gian dạy học, tôi còn cảm thấy đó là một công việc thật mệt mỏi, nó không đơn giản là soạn bài và lên lớp mà quan trọng là làm sao để học sinh chịu ngồi yên nghe mình nói, mấy chục cái miệng đừng có nhao nhao lên như chợ vỡ, mấy chục cái đầu đừng quay ngang quay ngửa, kiếm cớ chạy ra, chạy vào trong lớp. Không biết bao nhiêu lần tôi đau đầu, nát óc, tìm cách “bình ổn” lớp học, “hạ nhiệt” những học sinh cá biệt, có lúc rơi nước mắt vì ức chế, vì thất vọng,vì không biết phải làm sao. Nghĩ tới nghĩ lui thì tôi chỉ có một cách duy nhất là phải dạy thật tốt, dạy tốt để học sinh phục mình, quý mình, chịu nghe lời mình.
Nhớ lại những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, mình thấy ấn tượng, thích thú với thầy cô nào, vì sao mình thích, bây giờ áp dụng lại. Mình cũng nhớ cả những thầy cô mình không thể thích được để tự rút kinh nghiệm. Dần dần từng bước một, tôi nhận ra một điều dạy học không hề nhàm chán, nó quả thực là một sự nghiệp lớn lao. Đó là cơ hội và thử thách với tất cả những ai có tình yêu con người, có trách nhiệm với lớp trẻ, với xã hội.
Thành công của người thầy không phải là những tờ giấy khen, những danh hiệu nọ kia, mà nó được ghi nhận từ chính ánh mắt, nụ cười, gương mặt chăm chú, say mê của học trò trong mỗi giờ lên lớp. Mỗi học trò là một cá thể riêng biệt, bao nhiêu học trò là bấy nhiêu sự đa dạng, phong phú làm nên nét đẹp muôn màu của nghề giáo.
Rồi một ngày kia, tôi chợt nhận ra mình đã đam mê nghề giáo mất rồi. Nó ngấm vào tôi từ từ, nhẹ nhàng như mưa thấm vào đất, giọt nước chảy vào vách đá, liên tục ngày đêm, giọt nước đã làm mòn vách đá lúc nào không hay. Để bây giờ khi phải xa nghề, xa bục giảng, tôi mới càng nhận ra mình yêu nó đến mức nào, hàng trăm lần tôi mơ được một ngày trở lại. Để bây giờ, dạy học gần như đã trở thành bản năng, thành niềm thích thú không mệt mỏi của tôi, mỗi khi có dịp được trổ tài sư phạm là tôi liền “chớp ngay lấy thời cơ”. Thật đấy!
Thế nên bạn ơi, đừng vội kết luận rằng mình chẳng có đam mê nào, mình chẳng có thiên hướng về điều gì rõ rệt. Hãy cứ làm việc đi, làm việc hết mình, trách nhiệm đến cùng với nó, chinh phục nó ở một mực độ nhất định, tự nhiên đam mê sẽ đến với bạn. Khi công việc và đam mê hòa quyện làm một, không gỡ ra được ấy chứ.
Tôi còn có thể kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện khác từ cuộc đời mình. Nhưng tựu chung lại đều đi một kết luận là: Với tôi, đam mê thường đến sau cùng. Có khi nào bạn nghĩ dường như tất cả những việc mình làm trước đây tưởng chẳng đâu vào đâu thực ra lại là sự chuẩn bị tất yếu cho một anh chàng khổng lồ có tên gọi Đam Mê, ngày nào đó sẽ trỗi dậy?
Phương Liên
không phải ai cũng may mắn được đam mê “gõ cửa” ngay từ đầu. với tôi cũng vậy tôi cứ mải mê đi tìm : tôi làm việc này một thời gian thấy ko phù hợp lại chuyển nhưng khi làm cv mới thì lại nghĩ tới 1 việc khác phù hợp hơn. nhưng lần này có lẽ tôi phải dừng lại và làm hết mình việc này thôi khi mình làm hết mình thì chắc đam mê sẽ tới thôi ! cám ơn bài viết
mình cũng nghĩ vậy, đam mê đến sau cùng, khi mình bắt tay vào thực hiện 1 điều gì đó, hết mình.
Cứ dấn thân đi, rồi bạn sẽ thấy đam mê.
Từ việc là lựa chọn cuối cùng rồi lại trở thành một đam mê.
hihi. em cũng thích dạy học lắm. nhưng giờ đây e còn chưa kết thúc chương trình đại hoc ngành môi trường của mình. và không bik có thể tiếp tục theo đuổi niềm yêu thích này nữa không 🙁