27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nhãn hiệu, không nên dán cho con người!

Featured Image: L1g

 

Nước tương, nếu được đựng trong một chai có nhãn là “giấm”, dù cho người ta có nói với bạn đó là nước tương, bạn có thoáng thấy nó giống màu nước tương, ngửi thấy mùi nước tương rồi, bạn vẫn không tài nào ngăn được nỗi nghi ngờ của mình, phải đem nếm thử. Xác minh rõ ràng rồi, vẫn còn đặt dấu hỏi to đùng trong đầu: “Là nước tương sao lại ghi ‘giấm’ ?” hoặc: “Là chai giấm sao lại đựng nước tương?”

“Nhãn hiệu” có tác động rất lớn đối với nhận thức của con người. Bởi quá trình nhận thức của con người bắt đầu từ tri giác: Là nghe, nhìn, sờ, nếm, cảm nhận. Thông qua tri giác, con người sẽ có sự so sánh giữa biểu tượng được lưu trữ trong trí nhớ và biểu tượng đang tác động, từ  đó mới hình thành nên nhận thức của con người về sự vật hiện tượng. Ví dụ như ta đã quá quen với “chai ghi chữ giấm thì đựng giấm” (là biểu tượng có sẵn trong trí nhớ), khi nhìn thấy chai giấm (biểu tượng đang tác động) ta sẽ có nhận thức ngay về vật chứa trong đó, sẽ là loại chất lỏng màu trắng/ hoặc đỏ, có vị chua đặc trưng…Và khi có một kích thích đi ngược với vốn hiểu biết mà ta đã có, lập tức sẽ phát sinh nghi ngờ, đó là một hiện tượng rất tự nhiên.

Thông qua kinh nghiệm của mình, từ quá trình tri giác, ghi nhớ, tư duy… con người sẽ dần đúc kết cho mình những hiểu biết, nhận định chung về một “nhãn hiệu” nào đó. Nhãn hiệu cũng như tên gọi giúp con người có thể dễ dàng hình dung về sự vật hiện tượng đang được đề cập đến, ví dụ như thông qua kinh nghiệm mua sắm, khi nghe nhắc đến Gucci, ta sẽ biết ngay “À, món hàng đó giá trị lắm”, còn những sản phẩm không bao bì thì được qui định ngay là “giá trị không đáng là bao”. Nhưng cũng vì những hiểu biết mặc định đi liền với  “nhãn hiệu” như vậy, con người lại gây ra khó khăn cho mình. Có thể thấy chúng ta sẽ dễ dàng bị đánh lừa thế nào khi ta dán mác Gucci lên cho món hàng “không bao bì”, và ngược lại, một  chiếc túi Gucci không nhãn mác cũng rất tự nhiên, khiến người mua phải chần chừ, nghi ngờ về giá trị thực của nó.

Con người nhờ cách thức đặt tên và ghi nhớ dấu hiệu (nhãn hiệu) mà dần dần củng cố hiểu biết của mình đối với thế giới xung quanh. Và dần dần con người mang cả thói quen đó áp dụng vào chính con người, khi đó ta có từ DÁN NHÃN, trong ngoặc kép.

“Khi gặp cô ấy lần đầu tiên, tôi đã rất ấn tượng với vẻ ngoài ngây thơ trong sáng đó” và nhân vật “tôi” cứ đeo mang “ấn tượng” đó mãi về sau. “Cô ấy” đã được tôi “dán” cho cái nhãn “ngây thơ, trong sáng”. Chưa biết “cô ấy” đã “ngây thơ, trong sáng” đến thế nào trong khoảnh khắc “đầu tiên” ấy, chỉ có điều, lỡ như trong một hoàn cảnh khác, những nét khác của cô ấy bộc lộ ra, đôi khi là không thât sự ngây thơ trong sáng như mong đợi của “tôi”, thì chính “tôi” lại trở nên thất vọng với chính những nhận định tự xây đắp của mình, “cô ấy” hoàn toàn không hay biết, cũng không có cơ hội mà giải bày. Ai cũng có quyền cảm nhận chủ quan về người khác, mà đã là chủ quan thì chỉ mình ta biết, đúng hay sai thì chẳng ai xác minh được.

Tác giả Mike Georgetrong cuốn The 7 Myths about Love… Actually!: The Journey from Your Head to the Heart of Your Soul, đã đặt vấn đề: “Hãy hình dung ra một thế giới không có nhãn mác gắn trên bất cứ ai hay vật gì (…) Hãy hình dung ra một thế giới mà mọi hình thức dán nhãn đều biến mất khỏi tất cả các cuộc chuyện trò. Vậy, chúng ta sẽ nói nhiều hay nói ít đi? Nhiều hơn bao nhiêu hoặc ít đi bao nhiêu? Chúng ta sẽ dùng gì để lấp đầy “khoảng trống” ấy? (…) Bạn có thể tiếp tục cuộc trò chuyện không cần kể ra bất kỳ cái nhãn nào chứ? Nếu vậy, bạn sẽ nói về điều gì? Hãy thực tập ngay trong ngày hôm nay. Bạn sẽ nhận thức sâu sắc việc “gắn nhãn mác” đã choán hết nhận thức, suy nghĩ của bạn về bản thân, về người khác nhiều bao nhiêu”

Dán nhãn, theo suy nghĩ tích cực thì là tin tưởng, còn nghĩ tiêu cực thì sẽ là thành kiến, đều là những nhận định khó thay đổi về người khác. “Mày đang nói đến thằng A hả, tao biết nó, nó rất là có uy tín trong công việc nha, làm gì cũng rất là chu đáo và có trách nhiệm.” “Cô B này hả, chảnh chẹ lắm, không dễ gì tiếp cận được đâu, lúc nào cũng nhìn người ta có nửa con mắt thôi à.” Và từ tin tưởng sẽ kéo theo cảm giác quý mến, có thành kiến rồi thì cũng chẳng muốn đến gần. Khi bạn tin tưởng một ai đó, bạn đã cho họ (và cho chính mình) cơ hội đến gần nhau hơn. Và thành kiến càng sâu thì khoảng cách mà bạn vô tình (hay cố tình) xây nên sẽ ngày càng ngày càng xa, càng sâu, không dễ gì mà xóa bỏ được.

Dĩ nhiên, ngoại trừ ấn tượng đầu tiên thì những gì ta cảm nhận về người khác đều cần thông qua một khoảng thời gian tiếp xúc. Nhưng, con người vô cùng phức tạp, với hoàn cảnh riêng, cá tính riêng, quan điểm riêng. Bạn có công nhận hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng? Tâm trạng sẽ ảnh hưởng đến thái độ? Tình cảm lại càng ảnh hưởng đến thái độ nhiều hơn hết. Có chắc rằng bạn sẽ luôn tiếp xúc với một ai đó trong cùng một hoàn cảnh ngày này qua ngày khác, với tâm trạng của họ mỗi ngày đều như nhau và tình cảm họ dành cho bạn không có chút gì thay đổi? Vậy thì vì sao nhận định của bạn về một người nào đó cứ chắc chắn là đúng trong mọi trường hợp?

Nếu như nói: “Tôi hiểu tính người đó.” Thì càng không phải, chỉ là bạn nghĩ mình biết người đó có tính cách đó mà thôi. Chắc gì người đó cư xử với bạn thế này, với người khác,  họ cũng cư xử y như vậy. Hay họ đối đãi với bạn thế này trong hoàn cảnh này, trong hoàn cảnh khác họ cũng sẽ làm như thế? Tâm lý con người hoạt động vô cùng phức tạp, muốn hiểu trọn vẹn một con người, trừ khi bạn là chính người đó. Hãy thử tham gia một trò chơi nhỏ, người quản trò sẽ ghi vài nhận xét trái ngược về những người bạn của bạn rồi dán trước ngực họ (bạn không biết mình đang tham gia trò chơi), bạn được mời đến với tư cách là tham gia “ngày nói thật”, vậy thì bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn thấy bạn mình với những “cái nhãn”  nhận xét như thế? Như vậy mới thấy được, cảm nhận của chúng ta về người khác, dù là vô hình nhưng cũng có tác động mạnh mẽ y như những miếng dán hữu hình đó vậy.

Và một chai giấm còn có thể được dùng để đựng nước tương (nếu không phải có ai cố tình “chơi” bạn thì chắc là lúc đó hết chai rồi nên… hết cách!), vậy thì tại sao một người mà bạn luôn nghĩ rằng “thế này” không thể là “thế khác”? Và bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu như bị một người mà bạn luôn tin tưởng phản bội? Hay như một lúc nào đó nhận ra mình đã có thành kiến sai về người khác? Dù cảm thấy như thế nào thì chuyện cũng đã rồi. Bạn dù gì cũng đã bị tổn thương ( vì lòng tin bị mất) hoặc làm người khác tổn thương (vì hiểu lầm họ). Nỗi đau nào sẽ dễ xoa dịu hơn?

Giữ thành kiến về người khác là việc không nên, nhưng lẽ nào ta cũng không nên tin tưởng ai? Không phải vậy, ta có thể giữ cảm tình tốt về người này hay ấn tượng không hay về người khác. Chúng ta là con người mà, cũng phải có suy nghĩ và tình cảm riêng chứ. Chúng ta cũng có quyền sai lầm. Chỉ là ta nên hiểu rằng con người luôn thay đổi, hoặc như họ không thay đổi thì những điều “khác lạ” mà ta “phát hiện” thấy ở mỗi người, mỗi ngày đều là cá tính riêng của họ, bản chất của họ, là góc khuất con người họ mà ta chưa có dịp “nhìn thấy”. Thì cứ thế mà trải nghiệm thôi. Quá tin tưởng sẽ thành ra thất vọng, giữ thành kiến quá sâu sẽ lỡ mất cơ hội tìm hiểu về đối phương, và biết đâu bạn sẽ đánh mất cơ hội được nhìn thấy (hay tận hưởng) những điều tốt đẹp từ ai đó.

Quan hệ giữa người với người cần nhất là sư thông hiểu, là thông cảm và thấu hiểu. Cần phải thấu hiểu sự đời, để biết rằng vạn vật luôn thay đổi, “không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, để biết rằng ta tin tưởng vì ta đã lựa chọn tin tưởng, không phải là người bất tín hay đáng tin, chỉ là người đã không như ta nghĩ, không cần phải thất vọng rồi tự chuốc khổ cho mình. Và cần phải thấu hiểu một ai đó để biết rằng con người không ai là toàn diện, có mặt tốt và cũng có mặt xấu, có lúc đúng và cũng có lúc sai, cần phải dùng sự thông cảm của mình mà đối đãi.

Nhãn hiệu, chỉ nên dán lên đồ vật để củng cố thêm cho hiểu biết của con người về thế giới xung quanh. Nhãn hiệu, đừng nên dán lên con người để củng cố cho những nhận định không biết là đúng hay sai, lúc nào đúng và lúc nào sai. Nhãn mác dán trên đồ vật khi tháo ra vẫn để lại dấu keo hay vết trầy trước, còn khi dán lên con người, dù có tháo ra được, “vết thương” dù là vô hình cũng khó lòng mà bôi xóa được.

 

 Little WormBed

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI