28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Yêu là một động từ – “Just Do It”

 *Featured Image: :mirae:

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết gì đó về tình yêu, chưa bao giờ tôi biết phải trả lời như thế nào mỗi khi “bị” hỏi như thế này có phải là yêu chưa? Hay thế kia đã là yêu chưa? Cái này có phải nhầm lẫn không? Cái kia có phải thực sự không? Nhiều lắm. Có lần thầy giáo hỏi tôi gì đó về đề tài tình yêu tôi trả lời rằng tôi không biết yêu, tôi chưa từng yêu. Đó không phải là câu trả lời trốn tránh, tôi đã trả lời rất chân thành. Tôi đã từng có người yêu nhưng điều đó không có nghĩa là tôi biết yêu. Sau này mỗi khi nghĩ lại những người tôi đã từng thề non hẹn biển cùng, tôi đều nhận ra rằng tôi không yêu họ, tôi chỉ yêu cái cảm giác khi tôi ở cùng họ mà thôi.

Quay trở lại việc tôi không muốn nói về tình yêu, đối với tôi chủ đề này còn cấm kị hơn cả chủ đề tình dục. Tôi lớn rồi, dĩ nhiên có đôi lần đùa tếu với bạn bè bằng những câu chuyện “mặn” cũng là điều bình thường nhưng tôi chưa từng kể ai nghe tôi thực sự yêu ai trong số những người tôi đã gặp. Tôi chưa từng nghĩ lời nói có thể diễn tả được tình yêu là gì và tôi cũng không tin lời nói có thể làm được điều đó, lời nó chỉ có thể diễn tả được cảm giác tình yêu mang lại như thế nào mà thôi. Với tôi, yêu phải là một động từ, nó nên được diễn tả bằng hình ảnh hơn là bằng ngôn ngữ, nhưng rốt cuộc tôi cũng ráng lê lết mà viết ra bài này. Vì nó giày vò tôi suốt hai ngày nay rồi, không phải tôi nghĩ về nó mà nó ám lấy tôi, nó bám riết lấy tôi khiến tôi không tập trung làm việc gì cho ra hồn được.

Nếu tôi không biết gì về tình yêu thì có tư cách gì viết để các bạn đọc? Nếu tôi không biết gì về tình yêu thì tôi có tư cách gì khẳng định tình yêu không phải thế này mà phải thế kia? Ừ, tôi không biết tí gì về tình yêu nhưng tôi biết thế nào không phải là tình yêu. Qua đó tôi cũng có thể nói tí ti về tình yêu chứ. Chỉ là một tí xíu thôi, một góc rất nhỏ trong chủ đề tình yêu của cả nhân loại, tình yêu đôi lứa. Và với tình yêu này, riêng tôi cho rằng không thể diễn tả bằng ngôn ngữ hay bằng ý thức (tức là sự lập luận, biện giải).

Nó giống như một lời tiên tri, nếu tôi nói với anh ngày mai anh sẽ bị xui xẻo nếu anh ra ngoài thì dĩ nhiên anh sẽ làm sao cố sống cố chết để được ở trong nhà. Còn nếu như tôi không nói (tức là chẳng có lời tiên tri nào xuất hiện) thì điều tiên nghiệm đó lại đúng. Cũng giống như tình yêu, hôm nay tôi có cảm giác yêu anh vô cùng, muốn sống muốn chết cùng anh, muốn sinh con cho anh nhưng ngày mai tôi lại yêu người khác. Điều đó không có nghĩa là tôi chưa từng có cảm giác với anh, không có nghĩa là tôi đã giả dối với anh, tất cả những gì tôi trải qua cùng anh, tại thời điểm đó, đều là thật lòng nhưng bằng cách nào đó tôi và anh không còn cảm giác như xưa nữa, tôi cũng không còn nhớ nhung gì đến anh nữa. Tôi nhìn lại quá khứ và tự cười chính mình, tự nghĩ ngày đó mình thật là khờ. Nếu ngày đó tôi nói yêu anh thì bây giờ lại không còn đúng nữa, và khi nhìn lại ta mới biết đó không phải là tình yêu. Ta ngộ nhận.

Ta ngộ nhận vì ta lập luận rằng ta phải yêu mẫu người như thế này, ta ngộ nhận vì ta lập luận rằng ta đã yêu vì anh ấy như thế kia, luôn có chữ “vì” đằng sau sự giải thích. Ta ngộ nhận vì ta… yêu đại, lâu ngày thành ra quen hơi. Ta lập luận quá nhiều, để biết thì có thể cần phải lập luận nhưng để hiểu thì không, lập luận là sự quấy rối của ý thức ngăn cho ta đi đến cốt lõi vấn đề. Lập luận và biện minh, với tôi, cũng gần giống như nhau. Chúng ta còn chưa hiểu một góc nhỏ xíu của bản thân mình cho nên đừng nghĩ ta hiểu được tình yêu cho trọn vẹn. Ta chỉ có thể cảm được nó, nhận ra nó khi ta thấy nó mà thôi. Đó là giới hạn của ngôn ngữ, là giới hạn của ý thức.

Mỗi khi tôi đọc sách, tôi có thói quen nghe nhạc. Hoặc là nhạc thật tình cảm hoặc là thật sôi động để làm nhiễu ý thức của mình, tức là làm lay động suy nghĩ của mình, phá bỏ hàng rào định kiến của mình, đập bỏ cái lọc cá nhân của mình để tác phẩm đi thẳng tuột vào trong vô thức. Tôi cảm nhận cuốn sách chứ không còn cố gắng hiểu cuốn sách nữa. Tôi nhận ra rằng có những cuốn sách, khó hiểu, càng cố gắng hiểu lại càng không thể hiểu nổi, có lần tôi đọc sách mà đau đầu vì suy nghĩ nhưng nghĩ mãi cũng không thông. Càng nghĩ càng thấy kì quặc, rõ ràng có gì đó không ổn, rõ ràng tôi đang tự suy bụng mình ra bụng tác giả.

Chuyện đọc sách kiểu này còn dài lắm nhưng tôi chỉ đề cập một phần nhỏ liên quan đến “thế nào thì không phải là yêu” thôi. Suy bụng ta ra bụng người. Có thể hiểu đơn giản là bạn không yêu con người của ai kia, bạn chỉ yêu hình bóng phản chiếu của chính mình. Bạn đang tự yêu mình mà bạn không biết, bạn yêu những nét tương đồng của hai người, hoặc tệ hơn là những nét tính cách mà bạn tưởng tượng ở ai kia. Một kiểu yêu thần tượng, yêu thú nuôi hay yêu đứa con nhỏ còn chưa biết nói (vì khi chúng biết nói rồi bạn sẽ rất sốc đấy).

Quay trở lại chủ đề ngôn ngữ có thể giúp ta hiểu được bản chất tình yêu hay không, theo quan điểm của tôi thì không. Càng nói nhiều ta lại càng sa vào cái bẫy ngôn ngữ, nó đẩy ta ngày một xa hơn cái cốt lõi của vấn đề. Tình yêu và hạnh phúc, với tôi giống nhau ở chỗ không nên tìm kiếm, không nên biện minh, không nên giãi bày. Hãy để nó được yên. Khi mặt hồ lặng tự khắc nó sẽ trong. Khi bạn có yêu thương tự khắc sẽ hiểu được yêu thương, bạn không thể chỉ cho người cái mà bạn chưa thấy, và bạn cũng không thể chỉ cho người không muốn thấy cái mà bạn đã thấy, họ sẽ thấy điều mà họ muốn thấy, và cái thấy đó có thể rất khác nhau.

Đối với tôi yêu thương không phải là điều khó khăn, vì ta đã dám yêu thì không có lí do gì lại không có người để ta trao đi tình yêu. Thật ra, không mong chờ điều gì từ người mà mình yêu thương mới chính là vấn đề, phần lớn người ta đau khổ vì điều này. Vì đau khổ mà họ đi tìm kiếm bản chất của tình yêu, mục đích là đối phó với nó. Thế là trong khi tìm kiếm, họ vô tình đọc được bài viết này, và khó chịu vì sự lòng vòng của nó.

Tôi viết thật là dài dòng nhưng rất muốn nói với ai đó, một cách chân thành, rằng tình yêu nằm ở hành động, không nằm trong tiểu thuyết, không nằm trong lập luận. Muốn biết tình yêu là gì thì cứ yêu thôi, yêu đi rồi bạn sẽ tìm thấy những thứ na ná như tình yêu, những thứ đó chính là nền tảng để rồi một ngày nọ, ai kia  bước vào cuộc đời bạn và bỗng nhiên bạn sẽ hiểu được lí do vì sao những kiểu tình cảm loại đó chỉ là na ná mà thôi. Yêu đi (dù cho đó là tình đơn phương đi chăng nữa), có thể bạn sẽ đau vì tình cảm của mình bị chà đạp, nhưng bạn đã dám yêu thì phải dám chịu trách nhiệm.

 

Quyên Quyên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

34 BÌNH LUẬN

  1. Em sẽ còn làm anh nhói đau khi nghĩ về tới lúc nào đây. Đã rất lâu từ cái ngày anh chấp nhận bước ra khỏi cuộc đời em rồi mà, làm ơn trả tim đây, xin đừng bóp nó nữa…

  2. Phải rồi, có những cuộc tình đã qua đi để rồi khi nhìn lại tôi tự hỏi liệu thật sự rằng trước kia mình đã yêu họ ư? Đã có những khi tôi cảm thấy mình thật giả dối và bội bạc. Nhưng cuối cùng thì tôi nhận ra rằng, tình yêu vốn dĩ cũng chỉ là tình cảm của con người, mà con người thì luôn thay đổi, huống chi là tình cảm. Để hiểu thế nào là yêu thật khó. Thật buồn cười khi tôi đã từng hỏi người yêu của mình rằng họ có cảm thấy tôi yêu họ hay không?

  3. Bạn nói đúng Love phải là động từ, chứ đừng là I want to love.Đơn giản thôi. Please, I love everything- I love everywhere. như thế bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc.

  4. Tôi rất tán thành với những quan điểm của bạn về những điểm không phải là tình yêu. Con người ta mãi tìm kiếm những thứ tình cảm hoặc những mẫu người mà họ tư tưởng. Với tôi, tình yêu như một đường con đường mà hai tâm hồn vô tình cùng đi chung. Không một ai có thể hiểu được những tình cảm không lời của bạn, trừ khi chính họ có cùng cách nhìn nhận như bạn. Cùng cách nhìn nhận ở đây không có nghĩa hai bạn phải là hai con người giống nhau. Bạn ở một hoàn cảnh, người ta ở một hoàn cảnh, cuộc đời đưa đẩy, và vô tình hai bạn có cách nhìn nhận như nhau. Làm sao mà bạn có thể ép một người hay cố gắng giải thích cho họ cái mà bạn đang thấy.

  5. Nhiều người trẻ mải miết đi tìm tình yêu nhưng khó quá bạn nhỉ ? Làm sao biết về tình yêu khi chưa trải nghiệm nhưng lại chẳng thể trải nghiệm về tình yêu khi chưa biết. Nếu phải biết về tất cả những thứ không phải tình yêu, những thứ na ná kia thì con người ta phải chấp nhận đau nhiều lắm, liệu đến khi tình yêu đến thật có đủ sức tỉnh táo mà biết được không ? Nó như một cái gì đó thoáng quá trong đời mà mình không biết, không nhận ra mà để trôi mất.

  6. Tôi thích bài viết này, đúng hơn là tôi thích tâm tình của tác giả khi viết bài viết này. Tôi có một chút buồn vì tôi thấy sự bế tắc trong lối đi, sự nhắm mắt thiêu thân hay đâm đầu mù quáng. Không biết đường đi thì làm sao ta dìu dắt người khác, ta dẫn họ đi đâu, có hạnh phúc không? Bất câu bài học nào cũng đều có giá phải trả,tình yêu cũng vậy, nhưng trả phí đắt hay hời, trả bao nhiêu đây, không biết sao còn dám đâm đầu!

    • cám ơn bạn rất nhiều, tôi cảm thấy gần như được an ủi khi đọc comment của bạn.
      Có lẽ tôi viết bài này không phải để chỉ dẫn cho người mà để người chỉ dẫn cho mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI