27 C
Nha Trang
Thứ năm, 12 Tháng chín, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Vừa Nhắm Mắt, Vừa Mở Cửa Sổ – Nguyễn Ngọc Thuần

Feartured image: Mọt Sách

Đã nhiều hơn một lần tôi nhấc lên rồi lại đặt xuống cuốn sách này trong mỗi lần đi daọ phố để tìm chút cảm hứng mới từ những cuốn sách lạ, nhưng lần này, khi tìm kiếm một cuốn sách cho lũ trẻ vùng cao, tôi quyết định lật kĩ hơn những trang sách, đưa mắt qua đôi ba dòng chữ nổi lên giữa phông chữ xanh lè ở trang bìa:

“Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không…”

Đặt nhẹ cuốn sách vào giỏ, tôi chỉ ước giá mà mình có thể ngồi bệt xuống, cắm đầu vào những trang sách của Nguyễn Ngọc Thuần và ngấu nghiến nó. Và có lẽ một khoảng thời gian (một vài ngày gì đó), tôi mới giành đủ thời gian để làm việc đó. Lật từng trang sách của “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ.” và mỉm cười mãn nguyện theo đúng kiểu “Ơ rê ca, đây là cuốn sách giành cho ta.”

Cuốn sách có lẽ được viết để tặng trẻ con nhưng thật ra mà nói, những mẩu truyện trong cuốn sách dành cho tất cả, người già, người hơi già, và cả những người trẻ như chúng ta đây. Cuốn sách cuốn quanh những câu chuyện trong một ngôi làng nhỏ, của một cậu bé mà tôi đại khái đoán được là Hiếu Trí Dũng. Một cậu nhóc mới mười tuổi, nhưng những gì nó kể, những gì nó học được, cả những gì nó cảm nhận được, có lẽ đủ để bạn dùng đến tận cuối đời. “Ai bảo chỉ người lớn mới có thể học những điều nhẹ nhàng từ cuộc sống? Trẻ con cũng học được rất nhiều.” Tôi đã lướt qua những câu chữ này ở đâu đó trong cuốn sách và tôi thấy đúng, còn hơn thế nữa, tôi ghen tị với đứa trẻ mười tuổi tên Dũng ấy. Tôi học được rất nhiều từ cậu nhóc.

Bài học về sự tự hào: Chúng ta có quyền tự hào về bất cứ chúng ta có

Tự hào về cái tên thật dài vì bố muốn có đủ dũng, thông minh, và cả chữ hiếu trong cái tên của cậu bé. Tự hào vì “Không có gì đẹp bằng cái tên của mình. Một cái tên là một tình thương lớn.”

Tự hào vì chiếc răng khểnh đáng yêu, bởi chiếc răng này là “điều kỳ lạ riêng” của nó, mà không ai trên đời có được.

Tự hào vì mình có đủ hai bàn tay với mười ngón, hai bàn chân nhỏ xíu, chứ không như chú Hùng thiếu một ngón hay ông Tư mất cả hai bàn chân hai bàn tay.

Tự hào vì khả năng không ai có của nó là sờ thử và đoán được tên của tất cả các loài hoa trong vườn, là cách nó nhớ được hết tất hương hoa và đoán trúng tên, rồi cách đoán được khoảng cách một cách chính xác. Uầy, tất cả đều đáng tự hào lắm ý chứ.

Bạn thấy không? Chúng ta chẳng cần tự hào về điều gì đó quá to lớn cả đâu, chúng ta ai cũng có quyền tự hào về những thứ thật nhỏ kiểu như này thôi:

“Bạn có biết bơi không?

Không tôi không biết bơi…

Bạn có biết đếm đến mười không?

Không, tôi không biết đếm đến mười …

Bạn có thể viết tên bạn không?

Không, tôi không biết viết tên mình…

Nhưng này, tôi biết chơi yo-yo!”

Bạn có biết như vậy là đáng tự hào nhường nào không? Bạn chẳng cần cố gắng để trớ thành ai đó, hãy là chính bạn, tự hào với những gì bạn có, vậy là điều tuyệt vời nhất rồi, bạn có biết không?

Tôi còn học được bài học niềm vui, niềm vui từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống, niềm vui cũng rất dễ kiếm tìm. Niềm vui từ những món quà lạ mắt vào sáng sớm tới lớp. Niềm vui vì được nhắm mắt, mở cửa sổ và hít hương hoa trong vườn.

“Mỗi người đều tìm thấy một niềm vui riêng thuộc về mình, nhưng cũng có những niềm vui chung thuộc về tất cả. Niềm vui đó như một sợi dây đàn, chạm vào thì nó ngân lên cả nhà và thế là ta vui.”

Đơn giản nhỉ? Ừ, chỉ cần đơn giản thế thôi mà.

Và quan trọng hơn cả, tôi học được bài học yêu thương, yêu thương những người lạ mặt, yêu thương những người gần gụi với mình nhất; và hơn cả là bài học về tình người.

“Tôi kể chuyện này cho bố nghe. Bố nói:

–         Đó mới là điều bí mật. Trong mỗi người bạn đều có một bí mật và một món quà, đùng chưa? Khi biết món quà của ai, ta sẽ yêu người đó mà không yêu những người khác. Khi nhận một món quà không biết ai gởi, con sẽ yêu tất cả những người con quen.Vì biết đâu, một trong số họ đã gởi món quà đó, chúng ta không nên biết người lạ mặt để làm gì cũng là một điều hay…”

Từng trang sách thấm đượm tình người từ một đứa trẻ.

“Con sẽ cho ông ngón út. Con kể bí mật này cho ông nhé, trong mười ngón tay, con thương nhất là ngón út. Nó là ngón thiệt thòi nhất, bé tí. Nó yếu nữa. Ông thấy không, nó nhúc nhích rất chậm, vậy mà lâu lâu con còn cắn nó một cái. Nhưng mà thôi, con cho ông mười ngón.”

“…Ông chỉ việc kêu lên “bàn tay ơi lấy cho tui cái bánh”. Thế là bàn tay sẽ chạy đến lấy cho ông ngay.”

Cách đứa trẻ yêu thương những người xung quanh nó thật là diệu kì quá! Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh thủ thỉ tâm tình với cô giáo rằng cô đi đôi guốc cao gót màu xanh sẽ đẹp hơn đôi guốc màu hồng, và rằng con thích cô đi đôi màu xanh. Cảm giác thích thú khi ngồi trong lớp, và tận hưởng việc có một ai đó, đang làm điều gì đó chỉ vì bạn nói như vậy. Bạn hiểu đấy, cảm giác đó tuyệt vời biết làm sao.

Cách đứa trẻ cảm thương, buồn và tìm cách chia sẻ với chuyện cô Hồng, vợ chú Hùng, mất đi bé Thương cũng thật đặc biệt. Nó hỏi mẹ liệu rằng chuyện nhờ cô Hồng đan nón có giúp cô bớt buồn không, rồi chuyện tặng một đóa hoa dại đẹp nhất cho Hồng. Khi buồn, cho dù bạn có mạnh mẽ ra sao, vẫn muốn có một ai đó bên cạnh, một ai đó hiểu và một ai đó quan tâm bạn, có phải vậy không?

Tôi biết so với tác phẩm, những bình luận này quá nhỏ bé, nhưng tôi lại không thể ngừng suy nghĩ nhiều hơn một chút về chuyện sẽ viết một chút gì đó về cuốn sách. Cuốn sách này, chẳng thể đưa bạn quay lại tuổi thơ, mà đúng hơn là sẽ chẳng có bất cứ thứ nào có thể đưa bạn quay lại những năm tháng ấy, nhưng quan trọng, nó sẽ khiến lòng bạn nhẹ tênh chẳng vì điều gì đặc biệt.

Khép lại những trang sách cuối cùng, vất vưởng trong đầu tôi những suy nghĩ về câu nói còn xót lại sau cùng:

“Bố tôi vẫn nói, khi một người thương yêu của ta ra đi, cũng giống như chúng ta cắt lìa từng khoảng trời trong trái tim mình. Đó là một khoảng trời rất rộng mà ta hít thở hàng ngày.

Ta được nuôi sống.”

Và bây giờ, thay vì nghĩ vẩn vơ vói những điều tôi vừa nói, hãy đáp nó sang một bên hoặc vứt nó ra khỏi suy nghĩ của bạn, kiếm quyển sách, đọc và cảm nhận nó theo cách riêng của bạn và để được thèm thuồng tuổi thơ của “Trí Dũng” như tôi.

 

Như Nhiên


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,820Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI