Chào bạn
Trong thời gian còn trẻ mình đã đi khắp Việt Nam để tìm học về thiền định, tâm linh và ý nghĩa cuộc sống. Năm 2014 mình đã dừng chân và sống ở thành phố Đà Lạt khoảng 2,5 năm.
Thời gian đó mình có duyên ghé thăm CLB Aikido Phù Đổng – do thầy Sơn phụ trách. Mình được học với thầy trong 1 thời gian ngắn, dù chưa thể lĩnh hội hết ý nghĩa tinh tủy trong bộ môn này nhưng những yếu tố cốt lõi mình đã nắm cơ bản.
Hôm nay mình xin chia sẻ đến bạn vì sao các bộ môn võ thuật, nghệ thuật lại tác động trực tiếp đến quá trình chữa lành cơ thể, phát triển khả năng thiền định, tâm linh của chính mình.
1. Vậy Aikido là gì?
Bộ môn Aikido (còn được gọi là Hiệp Khí Đạo) do tổ sư Morihei Ueshiba sáng lập tại đất nước Nhật Bản vào những năm 1920. Ông tạo ra bộ môn võ thuật này dựa trên các yếu tố nền tảng như võ thuật, triết học và tín ngưỡng tâm linh.
Triết lý trong võ thuật Aikido bao gồm:
- Ai – Sự hòa hợp, hòa quyện
- Ki – Sự chuyển động của khí lưu trong cơ thể và thế giới xung quanh
- Do – Đạo, con đường dẫn đến kết quả
Aikido không chỉ giúp các bạn khỏe mạnh về thể chất, học được kĩ thuật võ tự vệ bản thân mà còn cảm nhận được bản chất về năng lượng, hòa hợp với tự nhiên. Tương tự như Thái Cực Quyền của Trung Hoa lấy vòng tròn làm tâm chuyển động. Nguyên lý thực hành Aikido cũng có điểm tương tự.
Ví dụ, khi bạn đang sống trong cuộc sống, bỗng có điều gì đó tác động đến cơ thể bạn bạn như 1 con người / hoàn cảnh / sự kiện, lúc này nhờ quá trình thực hành 1 thời gian dài cơ thể bạn tự đưa ra các phản ứng:
- Cảm nhận hướng năng lượng đang chuyển động đến mình
- Phân biệt tính chất năng lượng gì, tốt hay xấu
- Kết hợp kỹ thuật võ thuật để đón dòng chảy năng lượng và trả về cho đối tượng.
- Suốt quá trình bạn không hề tạo ra 1 năng lượng nào làm tổn thương đối phương mà vẫn tự bảo toàn bản thân cũng như xoay chuyển cục diện.
Do đó hầu như võ sinh Aikido hiếm khi tạo ra những va chạm, chấn động làm tổn thương lẫn nhau như những bộ môn võ khác, chủ trương hòa hợp với các cá thể xung quanh bạn, không làm hại ai và cũng không để ai hại mình, biết tự bảo vệ bản thân khi cần thiết.
2. Các trường phái Aikido ở Việt Nam
Hiện tại ở Việt Nam có khá nhiều trường phái Aikido khác nhau. Mình sẽ đề cập đến 1 số trường phái quan trọng và phổ biến nhất mà bạn có thể tìm học:
- Aikikai (chính tông Aikido Nhật Bản)
- Tenshinkai (chi nhánh Aikido Việt Nam)
- Yoshinkan
- Yoseikan
- Aiki Jujitsu
Mình may mắn được thầy Sơn dạy cho trường phái Akikai, sau đó trải nghiệm cả Tenshinkai. Còn rất nhiều hệ phái khác nhưng ít phổ biến, bạn có thể tự tìm hiểu thêm nhé.
3. Aikido và Thiền định có những điểm gì giống nhau?
Trong Aikido có rất nhiều trường phái khác nhau, mỗi chi nhánh có những định hướng khác nhau:
- Aikikai Nhật Bản chú trọng về khả năng cảm nhận, lĩnh hội bản chất trước sau đó mới đi vào thực hành kĩ thuật.
- Tenshinkai Việt Nam thì ngược lại – để phù hợp cho nền văn hóa người Việt, các sư tổ đầu tiên đã cải biên và ưu tiên thực hành kỹ thuật trước sau đó đi dần vào cảm nhận.
Tương tự như trong quá trình tìm hiểu về thiền định, bạn sẽ thấy có rất nhiều trường phái thực hành thiền khác nhau, có thể gom tất cả về 2 hướng đi chính:
- Chú trọng kĩ thuật – hướng dẫn bạn cách ngồi thiền từ khi bạn mới bắt đầu (giống như hệ thống Tenshinkai)
- Chú trọng bản chất – chia sẻ bản chất về thiền định để bạn lĩnh hội trước khi đi vào thực hành (giống như hệ thống Aikikai)
Mỗi con đường có cái hay của riêng nó, phù hợp với nhu cầu, khả năng và giai đoạn thực hành của từng đối tượng. Mình có duyên với con đường lĩnh hội về bản chất Aikikai, mình mượn 1 câu của thầy chia sẻ đến các bạn:
“Khi bạn đã đi qua con đường cảm nhận về bản chất rồi, khi đó việc học và thực hành kỹ thuật dễ hơn rất nhiều”
4. Aikido tác động đến cơ thể như thế nào?
Khi mình được học với thầy và các bạn, mình nhận thấy chính quá trình va chạm, tập luyện, cảm nhận liên tục, khiến cho giác quan cảm nhận (ý thức) gia tăng nhanh chóng.
Khi ý thức tăng lên, việc bạn cảm nhận về tình trạng sức khỏe, cảm xúc, tinh thần của bản thân hay các cá thể xung quanh … dần trở nên rõ ràng hơn.
Quá trình tự nhận thức này giúp bạn nhận ra cơ thể mình đang có những đau đớn, mệt mỏi, ức chế hay còn thiếu sót những nhu cầu sống nào chưa được đáp ứng, từ đó bạn nhận biết để có thể tự chăm sóc cho mình.
Việc bạn tập luyện các bộ môn dưỡng sinh như võ thuật, nghệ thuật – bản chất là bạn đang đáp ứng cho những lớp nhu cầu:
- Thể chất – Rèn luyện sức khỏe cơ thể khỏe mạnh, bền bỉ
- Thể cảm xúc – Nuôi dưỡng niềm vui, sở thích cá nhân
- Thể ý thức – Nuôi dưỡng trí tuệ, khả năng nhận biết ngày càng sáng suốt hơn
Quá trình bạn tiếp xúc với những bộ môn bạn yêu thích sẽ trực tiếp tác động vào các lớp nhu cầu trong bạn, quá trình này giúp cơ thể được an vui, thư giãn và ngày càng trở nên nhạy cảm hơn, đồng thời cũng giúp cho việc bạn thực hành thiền trở nên sâu sắc hơn.
5. Áp dụng Aikido vào trong Thiền định
Khi tập võ với thầy, mình cảm nhận được thầy như 1 ngọn núi bao la, bát ngát. Cảm giác như đứng trước tự nhiên bao la, dù cố gắng thế nào vẫn bất lực, không thể lay chuyển được thầy.
Thầy từng nói: “Mạnh à, thầy thấy em gồng cứng quá, em cần thả lỏng mình nhiều hơn. Khi em thả lỏng, sức mạnh đến từ toàn bộ cơ thể chứ không chỉ đến từ một bộ phận em ạ.”
Thời gian đó mình chưa có kinh nghiệm được những gì thầy nói, mình luôn ghi nhớ câu nói đó, nhiều lần mình muốn nói với thầy: “Thầy ơi, em cũng muốn thả lỏng lắm nhưng em không biết làm cách nào cả”.
Suốt nhiều năm sau đó, mình vẫn mang theo câu nói của thầy, vừa thiền định, vừa chiêm nghiệm, đúc kết tìm câu trả lời làm cách nào để có thể thả lỏng cơ thể và cảm nhận được những kinh nghiệm như thầy?
Sau rất nhiều thời gian cuối cùng mình kinh nghiệm được vấn đề:
- Khi bạn có thể chấp nhận tất cả những vết thương bên trong cơ thể bao gồm những mệt mỏi, muộn phiền, lo lắng, bất an … khi đó cơ thể bạn tự nhiên thả lỏng, thư giãn, tĩnh tại.
- Việc bạn chấp nhận được tất cả những căng thẳng đang chạy ngầm bên trong cơ thể mình … điều này giúp tâm bạn an định vì bạn thực sự cảm nhận được chính mình đang như thế nào, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thả lỏng bản thân mình.
- Khi cơ thể được chấp nhận toàn bộ tất cả các tính chất của nó mà không bị phán xét, cơ thể bạn dần trở nên ngưng tụ, hợp nhất. Dần dần bạn nhạy cảm hơn, cảm nhận được những dòng chảy năng lượng vô hình chuyển động xung quanh.
- Lúc này bạn để toàn thể cuộc sống chảy qua cơ thể để bạn lĩnh hội trạng thái con người và thiên nhiên trở nên hòa hợp, thống nhất – đó chính là đích đến của Aikido và cũng là đích đến của Thiền Định.
6. Tổng kết
Thiền định và Aikido giống như các con đường khác nhau nhưng cùng chung đến 1 điểm đến. Vậy nên nếu có dịp hãy dành thời gian trải nghiệm thêm những bộ môn võ thuật, nghệ thuật bạn yêu thích bạn nhé.
Quá trình này làm cho kinh nghiệm sống của bạn ngày càng trở nên sâu sắc, lắng đọng hơn. Từ đó giúp cho việc nhận ra được kinh nghiệm bản chất về thiền định, tâm linh trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Cám ơn bạn đã đọc bài chia sẻ. Hẹn gặp lại bạn ở bài viết kỳ sau.
Tác giả: Kiều Mạnh
Photo by Nando García | Unsplash
⭐ Join THĐP Discord: https://discord.gg/thdp
💪 (NEW – VERSION 2) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC: https://bit.ly/cnnofapver2
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB: https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club: https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha: http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục tất cả nội dung Aloha volume 1-27: http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes: http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE: http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP: http://bit.ly/donateTHDP