Tôi sẽ kể cho các bạn nghe vì sao và cơ duyên nào đẩy đưa tôi trở thành “anh hùng bàn phím”.
Những ngày qua khi mà đất nước đang chìm trong những tin tức không mấy tốt đẹp về chủ quyền biển đảo. Trong bầu không khí như vậy thì những người đang sống và làm việc trên mảnh đất hình chữ S (và cũng có thể là đang ở hải ngoại) này có nhiều cách khác nhau để bày tỏ thái độ quan điểm của mình, trong đó đa phần chọn thể hiện ý kiến thông qua “bàn phím” như một lựa chọn tối ưu và thuận tiện nhất.
Thế là họ bị gán cho cái danh từ “anh hùng bàn phím”
“Anh hùng bàn phím” là khái niệm đã quá quen thuộc mà cộng đồng mạng giành cho những người đưa ra các ý kiến đi ngược với đa số trên internet một cách quyết liệt hùng hồn trên mức cần thiết. Nhưng người phê phán luôn cho rằng các tay đưa ra các ý kiến trái chiều dư luận đó (hoặc là trái cái bụng của mình) chưa làm được gì hoặc chưa nói được gì nhiều ngoài thực tiễn ngoài chuyện múa tay trên bàn phím.
Theo tôi nói như vậy không đúng, việc thể hiện chính kiến của mỗi cá nhân được xem như là quyền tự do ngôn luận của mỗi người. Chúng ta không thể phán xét người khác rằng chỉ núp sau bàn phím mà không làm được gì cho đất nước cả, nếu như vậy thì cũng có một loạt các anh hùng khác chỉ biết nói mà không làm được gì mà tôi có thể kể ngay ra như “anh hùng tivi” (mấy anh này chuyên chém gió qua tivi, nói cho lắm vào mà đâu cũng vào đó) “anh hùng radio” “anh hùng xài bút” (đánh giá về mấy anh này buồn cười lắm, tùy theo góc nhìn mà phán xét việc các anh ấy làm thì có thể phong cho anh ấy làm “chiến sĩ thông tin” “kẻ bẻ cong ngòi bút” “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” hay tệ hơn là “bồi bút”) …
Tất cả các loại anh hùng trên thì chẳng ai bêu rếu hay mạt sát họ cả , chỉ có duy nhất “anh hùng bàn phím” là được ăn cả đống gạch mỗi khi nêu ra chính kiến của mình! Thế nhưng vì sao mọi người vẫn cứ thích thể hiện chính kiến của mình lên trên internet dù bị mạt sát thậm tệ như vậy?!
Theo tôi có lẽ là vì:
- Một là thông thường chúng ta muốn phát biểu một điều gì thì quan trọng nhất là cần có người nghe, nếu không có internet, không có mạng xã hội thì cao lắm bạn hét thiệt to thì chỉ trong cái hẻm bạn đang sống nghe được là cùng. Nếu muốn nhiều người nghe được hơn nữa thì có thể ra ngã 4, ngã 5, ngã 6, bùng binh hay cầu vượt gì đó để khoe giọng. Nhưng tin tôi đi, chẳng ai nghe bạn đâu vì tiếng ồn xe cộ đang phát ra dư sức bóp nghẹt những âm thanh chực chờ trào ra từ cuống họng của bạn.
- Hai là sự quan tâm của người nghe, khi bạn phát biểu một vấn đề gì đó muốn thu hút khán thính giả của mình thì rõ ràng là bạn và họ cần phải có chung những mối quan tâm. “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” , tôi tin rằng bạn ra sao, quan điểm của bạn là gì, thì các friends của bạn trên mạng xã hội cũng dễ dàng có cùng chính kiến như vậy. Thật vui khi vấn đề mình nêu ra được nhiều người ủng hộ bằng like, bằng share chứ không phải là bằng gạch.
- Ba là mức độ thuận tiện, khi muốn trình bày một điều gì thì phải có một dịp nào đó mà khán thính giả tề tựu lại đông đủ nghe diễn giả trình bày. Cảm ơn mạng xã hội đã xóa nhòa khoảng cách về không gian, về thời gian để cho những điều muốn nói trở nên gần nhau hơn.
- Bốn là về quy trình thủ tục, sống ở đất nước này thì chắc hẳn ai cũng biết rằng muốn nói một điều gì đó, muốn trình bày một vấn đề gì đó. Thì phải hợp thức hóa là nhân dịp này dịp nọ, phải thực hiện cơ chế “xin cho” tại cơ quan này, tổ chức kia chờ cho họ đồng ý hoặc “tác động” để họ đồng ý thì mới có cơ hội. Nhưng với mạng internet thì không, chả cần ai cho phép cả, bạn thích, bạn nói vì đó là quyền tự do của bạn.
- Năm là về tính trách nhiệm, như đã nói trên khi tiến hành các thủ tục thì thường bị gắn kèm với hai tiếng “trách nhiệm” cho những gì mình nói. Vì vậy nếu lỡ có phát ngôn đi ngược lại với “cộng đồng mạng”, hay cố gắng chứng minh mình là kẻ dị giáo giữa thời đại này mà mang lại nhiều điều bất lợi cho bản thân thì chỉ cần nêu ra lý do là: “Tui đâu biết, tui có làm đâu, chắc thằng nào mạo danh tui hay hack tài khoản của tui nó làm á! ” Thế là xong!
Vậy đấy, với 5 lý do trên thì đã thấy rõ lợi ích không thế chối cãi được của bàn phím để giúp con người ta nói lên được chính kiến của mình. Mãnh lực của nó lớn đến mức mà từ người trẻ tới người già, từ kẻ học nhiều đến người học ít, từ anh trí thức hay là anh nông dân đều khó mà thoát khỏi cái ma lực ghê gớm của việc dùng bàn phím để “bình” thiên hạ. Cái ma lực ghê gớm đó cứ chực chờ trào lên khiến người ta không thể ngồi yên khi xung quanh xảy ra chuyện. Thông qua bàn phím ta có thể tả xung hữu đột, đánh đông dẹp bắc trên khắp các mặt trận từ chuyện ở Việt Nam sang chuyện ở Mỹ, từ lĩnh vực kinh tế vĩ mô sang chăn nuôi trồng trọt.
Tuy nhiên nói như thế nào và nói ra sao để khi mình trở thành anh hùng trong mắt người này nhưng lại không trở thành thằng cặn bã trong mắt người khác thì có lẽ cần một dịp khác để bàn kỹ hơn về vấn đề này.
Tạm kết!
Kid
Hình như bạn nhầm lẫn khái niệm ” anh hùng bàn phím ” .
“Anh hùng bàn phím ” không phải ám chỉ những người đưa ra ý kiến trái với số đông hay trái với dư luận ,hay đơn thuần bị ăn gạch khi phát biểu ý kiến .
Nếu bạn nói được và làm được thì sẽ không phải là anh hùng bàn phím