26 C
Nha Trang
Thứ ba, 8 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Về sự cần thiết phải có một tôn giáo chính thống ở Việt Nam

Tôi là người không thuộc phe phái nào, cũng không phải là người truyền giáo, mục đích của tôi không phải làm lợi cho bất cứ thành phần chính trị hay tôn giáo riêng biệt nào, mà là cho tất cả mọi người. Với kiến thức còn hạn hẹp và cách hành văn rông dài có thể gây khó đọc cho nhiều người, nhưng hi vọng sẽ giúp đỡ cho bất kỳ ai khi đọc nó sẽ tìm ra được hướng đi cho chính mình.

Về cơ bản, con người không thể sống thiếu tín ngưỡng mang tính giáo điều, trong những tín ngưỡng mang tính giáo điều, tín ngưỡng đáng khuyến khích hơn cả là niềm tin tôn giáo. Và cũng dễ nhận thấy rằng không có xã hội nào thịnh vượng lên được mà không có cùng chung tín ngưỡng. Lịch sử đã chứng minh, và không như chúng ta vẫn lầm tưởng, ở những thời điểm hưng thịnh của một xã hội nào đó, chính tôn giáo chứ không phải là sự sự phục tùng ngoan ngoãn của người dân đối với một sự cai trị chuyên chế nào đó khiến nó thịnh vượng.

Sự vô tín ngưỡng là điều đột xuất, chỉ có niềm tin tôn giáo mới là trạng thái bất biến của nhân loại. Việt Nam là một trong những đất nước có ít niềm tin vào tôn giáo nhất trên thế giới. Ở đây mọi người hầu hết là vô tín ngưỡng, hoặc có niềm tin theo tôn giáo một cách không chính thức. Chúng ta cứ tưởng rằng khi nhìn hàng ngàn người chen chúc nhau đi chùa đầu năm, đầu tháng thì chứng tỏ đất nước có một niềm tin tôn giáo mãnh liệt lắm, và cũng ngỡ khi hầu hết các làng quê Việt Nam đều có xây đựng ít nhất một cái chùa thì hẳn tôn giáo phát triển thịnh vượng trên mảnh đất này.

Nhưng tôi nhận thấy càng ngày con người Việt Nam càng tách rời xa tôn giáo. Trên gương mặt những con người này, tôi không thấy có sự thỏa mãn hay sự yên bình như những người dân tộc khác. Tôi đã quan sát thấy điều đó, họ bước ra từ cổng chùa hay nhà thờ như thể chỉ muốn ra khỏi nơi đó càng nhanh càng tốt. Nhịp sống hối hả, chạy theo nhu cầu vật chất đang làm chết mòn dân tộc ta, sống mà chưa được bình an, chết cũng chưa được yên nghỉ. Dân tộc ta bước ra ngoài thế giới mà không có sự chuẩn bị nào phù hợp cho chính mình, chúng ta chỉ nắm bắt cái bề nổi của dân tộc khác mà quên đi cái sâu xa bao đời của họ, ta nhập một lô lốc các thứ từ bên ngoài mà rồi vẫn chưa thỏa mãn.

Thiếu vật chất ta có thể bán tài nguyên đi và mua về dễ dàng nhanh chóng, nhưng thiếu tinh thần, dù có tiền chưa chắc ta mua nổi. Chủ nghĩa duy vật có những ý nghĩa và tính đúng đắn của nó, nhưng tôi lại thấy vô vàn những điều làm tôi thấy chúng nguy hại. Nếu hệ thống đó có chút gì là hữu ích cho con người, tôi nghĩ rằng đó có thể là tạo ra ở con người một ý thức khiêm nhường về bản thân mình. Với dân tộc nào cũng vậy, chủ nghĩa duy vật là một căn bệnh nguy hiểm cho tinh thần con người; nhưng cần đặc biệt biết sợ nó khi nó xuất hiện ở quốc gia mà con người còn thiếu thốn vật chật bởi vì khi đó nó kết hợp tuyệt vời với những tật xấu trong tình cảm con người rất phổ biến trong nhân dân quốc gia đó.

Tôi thấy mọi người khắp quanh tôi luôn lo lắng, kêu gào, từ người già cho đến đứa trẻ. Tôi nghe tiếng người già luôn chửi bới thời thế, lầm bầm những chuyện khiến họ phải suy nghĩ, từ chuyện con cái đối xử với họ không ra gì, đến chuyện nhà bên làm được nhà to hơn. Tưởng đùa hóa ra tuổi của họ vẫn còn sự đố kỵ. Tôi nghe tiếng những bà vợ kêu than với nhau về đức ông chồng hay nhậu nhẹt, ông chồng thì viện cớ buồn nên phải nhậu. Tôi cũng nghe những chàng thanh niên mới lớn thất tình buồn bã, kêu gào, than khóc tưởng như có thể chết.

Xa hơn, tôi nghe vô số những bà nội trợ kêu than thực phẩm kém chất lượng, đắt đỏ. Người tiêu dùng kêu toàn dùng phải hàng giả, hàng nhái. Xã hội ai cũng kêu gọi muốn được dân chủ, công bằng… tiếng kêu vọng khắp tứ phía, lúc nào tôi cũng nghe thấy, và ai ai cũng đều biết, đều nghe thấy. Bên cạnh đó, tôi lại cũng nghe được những tiếng cười khắp nơi, họ cười vì một phi vụ thực hiện thành công, họ cười vì được gặp mặt mọi người, họ cười vì họ được gào thét hát hò thỏa thích… nhưng có vẻ nụ cười của họ sẽ tắt ngấm sau những cuộc vui đó.

Trở lại với đời thường, họ lại than khóc, kêu gào, lạc lối. Hai cảm xúc trái ngược đó của họ cứ lên xuống nhịp nhàng, bất ổn, họ không có sự an bình nào thực sự, luôn cảm thấy thiếu một thứ gì đó mà không định nghĩa được. Có một điều chắc chắn, họ thiếu niềm tin, bởi họ chẳng biết tin ai. Ông chính khách nói: “Hãy tin tôi, anh sẽ có sự công bằng,” người bạn nói:”Hãy tin tôi và cho tôi vay tiền,” nhưng rốt cuộc mọi người đều lừa dối họ, họ đâm ra ngày càng nghi ngờ hơn, họ lạc lối, mất phương hướng. Và họ tiếp tục kêu gào, đau khổ, họ cúi đầu xuống đất chứ không ngước lên trời, khuôn mặt họ thêm khắc khổ.

Có một thứ có thể đánh tan nghi ngờ của họ, có một thứ để họ có thể đặt trọn niềm tin mà không bao giờ sợ bị lừa dối, đó là tôn giáo thuần túy. Tại sao tôi gọi là tôn giáo thuần túy? Thuần túy ở đây nghĩa là tôn giáo mà không phải chịu liên minh với bất kỳ một thế lực nào, bởi khi liên minh với các thế lực khác nhau, tôn giáo chỉ có thể tạo ra những liên kết tốn kém, tôn giáo chẳng cần đến chúng mà vẫn sống, nhưng khi đi phục vụ chúng thì tôn giáo lại có thể chết.

Bởi tôn giáo là niềm tin, chúng ta nên xây dựng một tôn giáo cho chính chúng ta để dựa vào, và rằng, thà tự huyễn hoặc và tin là tôn giáo là đúng đắn thì cũng chẳng mất mát gì nhiều đâu; nhưng đau khổ biết bao khi tự huyễn hoặc mình và tin rằng tôn giáo đó là giả dối. Chính những học giả lại là người có nhiều nghi ngờ về vấn đề tôn giáo, những ai có một ít triết học thường rời xa tôn giáo, còn những ai nhiều triết học lại quay trở về với tôn giáo. Có rất nhiều trường hợp ví dụ về câu nói này nhưng xin để mọi người tự tìm hiểu.

Xin nhắc lại về ý trên, ta thường thấy vào các ngày đầu năm, ngày lễ có vô số người tập trung đi lễ ở các chùa, đền lớn, tôi xin nhấn mạnh chữ lớn này để chỉ ra một vài điểm phi tôn giáo mà rất nhiều người vẫn hiểu nhầm. Điều sai lầm quan trọng nhất mà mọi người mắc phải, đó là đi chùa cầu tài lộc, phải nói hầu hết mọi người đi chùa, lễ Phật chỉ mong cầu tài lộc, nhưng xin nhắc cho là Phật không thể ban tài lộc cho mọi người, Ngài chỉ có thể ban cho con người sự an bình trong tâm họ mà thôi. Tôi thiết nghĩ nếu Phật có thể ban vật chất cho họ, chắc Ngài sẽ không cho bừa bãi bởi vật chất là thứ sẽ nảy sinh lòng tham trong mỗi con người, “vật chất quyết định ý thức” nhưng ý thức sẽ quyết định đời sống.

Điểm phi tôn giáo tiếp theo là quan niệm đi lễ chùa này thiêng hơn chùa kia, chùa có nhiều người đi ắt sẽ linh ứng hơn, đó cũng là một quan niệm sai lầm, bởi Phật đối với chúng sinh là ngang bằng, và chúng sinh cũng không nên coi một ông Phật được đúc bằng vàng sẽ đẹp hơn một ông Phật gỗ bình thường. Mọi người tìm Phật ở đâu xa mà không biết Phật chính trong tâm mình, đã bị quá nhiều thứ cám dỗ và nhục cảm che mờ mất, họ cứ tìm, tìm mãi mà không thấy, cuối cùng họ đau khổ và chết dần chết mòn. Trên là những quan điểm nhầm lẫn tai hại ở đất nước ta, ngoài ra có thể kể đến vô số những điểm khác như trải tiền tràn lan trong nhà chùa, đốt vàng mã vô tội vạ, trừ tà giải hạn … đó chỉ là những tín ngưỡng gây hại, xin khẳng định lại, đó là phi tôn giáo.

Từ những lập luận trên, tôi cho rằng Việt Nam cần có một tôn giáo chính thống. Tất nhiên chúng ta cho tự do tôn giáo và han chế tối đa sự xung đột giữa các tôn giáo, có hai nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của tôn giáo: đó là sự chia rẽ và sự dửng dưng. Từ những chiêm nghiệm, suy ngẫm về những phong tục tập quán của người Á Đông, với những tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên, bản chất con người Việt Nam, tôi mạnh dạn đề xuất một tôn giáo chính thống cho Việt Nam đó là Phật giáo, có thể nhiều người sẽ sẽ phản đối ý kiến của tôi.

Trước hết, đó là ý kiến của tôi được đúc rút từ sự nghiên cứu sâu sắc về thực trạng xã hội chúng ta hiện nay, và cả những kiến thức tôi tìm hiểu được ở các tôn giáo khác nhau. Tôi thực sự muốn một xã hội được tự do tôn giáo, các tôn giáo khác như Kitô giáo vẫn nên được phát triển, sẽ không có chuyện hạn chế và xung đột, mọi người có thể nghiên cứu và chọn cho mình một tôn giáo phù hợp với mình nhất. Bởi đa số dân nước ta là phi tôn giáo, không có bất cứ một niềm tin nào, nhiều người chết mà chưa hề được sống.

Phật giáo có những điều kiện để hưng thịnh lại ở nước ta, mọi người chỉ cần quan tâm và thực hiện đúng đắn với những lời dạy của Phật. Hiện nay tôi thấy trong các tỉnh phía Nam có các khóa tu trong chùa trong vài ngày hoặc vài tuần, đó là những việc làm rất hay, sau khi về tôi tin chắc tâm họ sẽ bình an hơn chút ít, còn để muốn bình an thực sự họ cần thường xuyên tu hành hơn, cũng như thường xuyên tin ở Chúa đối với đạo Kitô. Một đất nước muốn bình an, thì chính con người trong đất nước đó phải luôn cảm thấy bình an. Một đất nước không cần thiết phải có một nửa dân số tu hành xuất gia, mà chỉ cần một nửa dân số đó tu hành tại gia một cách đúng đắn thì đất nước đó cũng trở nên thịnh vượng, chỉ cần một nửa các nhà lãnh đạo có tâm thực hướng thiện tôi tin nhân dân của đất nước đó sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.

Tôi không muốn xảy ra một cuộc cách mạng đẫm máu, cũng không muốn lật đổ một chế độ nào đó, bởi khi cái suy nghĩ trong con người vẫn con u mê, tăm tối, những cuộc cách mạng xảy ra chỉ đắm chìm trong máu và nước mắt. Cái hại sẽ nối tiếp cái hại, cái xấu vẫn duy trì, con người vẫn đau khổ, luôn cảm thấy không đủ, không thỏa mãn, cái tôi muốn thực sự chỉ là một cuộc cách mạng về tâm linh.

Tôi sẽ vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp khi chúng ta thực sự có niềm tin vào tôn giáo. Tuy là có những vọng tưởng được cho là không thực tế nhưng điều đó vẫn có khả năng xảy ra, và tôi tin chắc chắn nó sẽ thực hiện được nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi. Khi đó tôi sẽ nghe thấy tiếng cười đùa vô tư của các cụ già, tiếng yêu thương của các cặp vợ chồng, con người nhường nhịn nhau trong các vụ tranh chấp. Tôi sẽ nhìn thấy trên ánh mắt ngời sáng của mọi người những hi vọng, niềm tin mãnh liệt. Tôi sẽ cảm nhận được vô vàn tình thương yêu đồng loại. Người bán hàng trước khi bán một món hàng đều nghĩ món hàng sẽ lợi ích hay độc hại với đồng bào của mình. Người lãnh đạo sẽ tận tâm cho đất nước, nhân dân chứ không chỉ cho riêng mình. Người cha sẽ yêu thương con của mình và cả những đứa trẻ khác. Trên tất cả, mọi người đều cảm thấy bình an và cùng ngẩng đầu nhìn lên trời cao với khuôn mặt hạnh phúc.

Trong bài viết sử dụng nhiều từ tôi muốn, có lẽ cái bản ngã trong tôi vẫn còn nhiều, nhưng đó là những điều tôi muốn cho tất cả mọi người, không chỉ là cho riêng mình. Tôi chưa phải là một Phật tử đúng nghĩa, nhưng tôi tin có Phật. Tôi chưa phải là một tín đồ Kitô giáo, nhưng tôi nhận thấy sự hiện diện của Chúa. Và những vị đó đang mỉm cười với tôi.

 

[*Featured image: Ram Dass, Be here now]

 

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

11 BÌNH LUẬN

  1. Trước hết mình cũng muốn bày tỏ một số ý kiến bản thân về tôn giáo ở việt nam. Xét về đạo Phật, nếu như bạn nào có tiếp xúc nhiều với triết học phương Tây hoặc các triết lý sống mà đã trải nghiệm qua rồi thì chắc hẳn khi đụng đến Phật giáo thì không còn cảm thấy nó là một tôn giáo nữa. Mà chính xác hơn nó là môn “triết học”, mình cũng đã từng đọc qua và cảm nhận qua chút ít, nên mới có một số hiểu biết được. Nếu bạn nào có đọc qua quyển “Diamond Sutra” được đích thân nhà sư giảng dạy bằng tiếng Anh thì sẽ cảm thấy được nó rất lợi hại. Thế nhưng, mình thấy một điều là ở Việt Nam thông thường các nhà sư ít giảng dạy cho người ta hiểu về triết học thực sự của Phật giáo mà chỉ nói đại khái về những vấn đề “tu tâm tích đức, sống lương thiện làm người” những thứ này có vẻ như khá áp đặt gò bó và không đáng tin (đối với những người trải nghiệm cuộc sống khổ cực). Điều đó khiến cho là một số người sẽ tin mù quáng như “đi lễ chùa nhiều sẽ càng được nhiều tài lộc”. Chính vì thế đó là hiện trạng ở Việt Nam thường thấy (ở nước khác thì mình không biết lăm). Mình thấy việc truyền đạo phải bắt nguồn từ việc dạy triết học trước thì mới hiệu quả. Đó chỉ là những quan điểm bày tỏ riêng của mình thôi không có ý gì cả nhé! Ah nhân đây mình cũng muôn gửi các bạn trang web về triết học phật giáo rất hay (đúng bản chất triết học của Phật) Link: http://duylucthien.wordpress.com/
    Nếu bạn nào có hứng thú với triệt học thì đây không thẻ nào bỏ qua được !

  2. Một dân tộc minh triết cần được hướng dẫn bởi sự minh triết. Tiếc là suốt lịch sử VN không có những triết gia để dẫn lối cho dân tộc, chúng ta chỉ biết du nhập đủ loại văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo mà không thấy được tính nhất quán của các nền văn minh đó là tôn giáo và tín ngưỡng dẫn hướng cho dân tộc thoát khỏi sự ngu muội.

    Rồi khi được du nhập CHXH, chúng ta lại bị nhồi nhét cái triết thuyết mới : Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng, rồi chúng ta mãi loay hoay trong một đám hổ lốn đủ loại triết thuyết, một mặt thì xã hội đòi duy vật, nhưng mặt khác thì lại cầu thần khấn phật để cầu xin đủ loại ?

    Nếu tác giả muốn áp dụng quốc giáo cho VN, thì Phật Giáo phải quay về đúng nghĩa của nó, chứ hệ thống hiện tại thì theo mình nghĩ nó là 30% Phật + 70% Lão thì đúng hơn.

  3. “Bạn không cần phải có tôn giáo mới có đạo
    đức. Nếu bạn không thể phân biệt được giữa đúng và sai thì bạn đang không có lương tâm chứ không phải tôn giáo.”
    — Kane Bailey
    Mình nghĩ tác giả nên suy nghĩ một chút về câu nói này 🙂

  4. Mình lại ko đồng tình về ý kiến thống nhất một tôn giáo như thế, đạo nào
    cũng có cái hay của nó theo đạo thì tốt thôi dạy bạn làm người tốt hơn
    nhưng đừng tín ngưỡng quá. Cái gì quá nó cũng không tốt vậy. Một xã hội
    đẹp thì từng cá nhân phải tốt, hình thành từ đạo đức lối sống ý thức,
    không thể bình phẩm về cái xấu của người ta suốt được bản thân mình sống
    tốt đã thì mới mong xã hội sẽ bớt dần những tiêu cực đi thôi. tất cả từ
    cái tâm của mình tôn giáo giúp mình hướng thiện nhưng theo mình nghĩ
    nếu mê tín quá nó lại là một tiêu cực đáng lo ngại đấy ví như một vài
    người ( xin lỗi nha chỉ là một số người mình được thấy thôi à) đi chùa
    nhiều, đọc kinh thánh nhiều mà họ vẫn đâm ra đố kỵ vẫn ích kỷ cho bản
    thân tính toán chi li với người khác mình thấy thật sự thì ko đáng, còn
    một số trường hợp họ biểu tình sẵn sàng đánh chiến làm tổn thương người
    khác để bảo vệ tôn giáo cho mình như bạo động vậy nhất thiết phải có
    chiến tranh sao. Tình yêu thương giữ con người với con người với loài
    vật và thiên nhiên nếu trong bản thân mình tự rèn được tự bản thân mình
    tốt được thì một cái cây tốt mới mong cả khu rừng tốt được. Gia đình
    mình theo đạo nhưng bản thân mình lại ko tin về đạo nhưng mình vẫn tôn
    trọng đấy thôi vì mình lại hướng về triết học khoa học nhiều hơn vì bản
    thân mình học khoa học mà 🙂

  5. Mình lại ko đồng tình về ý kiến thống nhất một tôn giáo như thế, đạo nào cũng có cái hay của nó theo đạo thì tốt thôi dạy bạn làm người tốt hơn nhưng đừng tín ngưỡng quá. Cái gì quá nó cũng không tốt vậy. Một xã hội đẹp thì từng cá nhân phải tốt, hình thành từ đạo đức lối sống ý thức, không thể bình phẩm về cái xấu của người ta suốt được bản thân mình sống tốt đã thì mới mong xã hội sẽ bớt dần những tiêu cực đi thôi. tất cả từ cái tâm của mình tôn giáo giúp mình hướng thiện nhưng theo mình nghĩ nếu mê tín quá nó lại là một tiêu cực đáng lo ngại đấy ví như một vài người ( xin lỗi nha chỉ là một số người mình được thấy thôi à) đi chùa nhiều, đọc kinh thánh nhiều mà họ vẫn đâm ra đố kỵ vẫn ích kỷ cho bản thân tính toán chi li với người khác mình thấy thật sự thì ko đáng, còn một số trường hợp họ biểu tình sẵn sàng đánh chiến làm tổn thương người khác để bảo vệ tôn giáo cho mình như bạo động vậy nhất thiết phải có chiến tranh sao. Tình yêu thương giữ con người với con người với loài vật và thiên nhiên nếu trong bản thân mình tự rèn được tự bản thân mình tốt được thì một cái cây tốt mới mong cả khu rừng tốt được. Gia đình mình theo đạo nhưng bản thân mình lại ko tin về đạo nhưng mình vẫn tôn trọng đấy thôi vì mình lại hướng về triết học khoa học nhiều hơn vì bản thân mình học khoa học mà 🙂

  6. đã khẳng định tôn giáo không nên nhập nhằng với những thứ khác thì hãy để nó thuần túy đi, khi đạo phật trở thành quốc giáo, liệu nó có còn “thuần” được ? Vấn đề ko nằm ở tôn giáo, vấn đề nằm ở giáo hữu, và thực sự mà nói, cho dù là thần thánh hay bất kì ai, khi ta còn mong chờ đc cứu rỗi từ bên ngoài mà ko phải bên trong, chừng ấy ta còn đau khổ dài dài

  7. “Bởi đa số dân nước ta là phi tôn giáo, không có bất cứ một niềm tin nào, nhiều người chết mà chưa hề được sống.”

    Em không đồng ý với câu này, có thể giải thích rõ không ạ?

  8. Cần lắm một niềm tin. Tôi cũng rất thích triết lý Phật giáo, tôi hay đi chùa nhưng hình như chưa bao giờ lạy Phật. Tôi đến chùa để xem các tăng, ni tu ra sao. Sự thật đau lòng! Còn niềm tin Phật giáo của những Phật tử không chính thức thì như tác giả đã nói. Thực sự nghiên cứu về các tôn giáo lớn trên thế giới, bạn sẽ thấy một sự xa hoa.
    Việt Nam mình có Phật giáo Hòa Hảo, phát triển từ phái Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật thầy Tây An, là một tôn giáo dân tộc mà tôi nghĩ gần gũi để mọi người bắt đầu một niềm tin.

  9. tên tác giả khiến mình rất thích thú, đó là 1 cái tên trọng trách, hy vọng tác giả sẽ viết nhiều hơn, chứ không phải là anh Hộ
    p/s: tác giả “muốn” nhiều, không biết đã bao giờ nghĩ đến “cần” chưa?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,840Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI