Featured Image: Clivez
Tờ rơi quảng cáo đối với doanh nghiệp là hình thức quảng cáo khá đơn giản, rẻ tiền và tương đối chính đáng đối với các doanh nghiệp nhỏ chưa có điều kiện tiếp cận với các hịnh thức quảng cáo cao cấp hơn như internet, báo, tạp chí, truyền hình… Đối với sinh viên và những người chưa có việc làm, đây là hình thức mưu sinh không cần trình độ và dễ dàng tiếp cận. Vấn đề là chúng ta, những người nhận tờ rơi ứng xử như thế nào khi đã nhận chúng.
Tờ rơi quảng cáo được phát cho ai?
Phát tờ rơi quảng cáo ở các trung tâm thành phố như là chuyện thường ngày ở huyện. Mỗi sáng đi làm từ nhà đến công ty hoặc chiều từ công ty về nhà, ai trong chúng ta ít nhiều cũng vài lần nhận được các tờ rơi quảng cáo tại các giao lộ có đèn xanh đèn đỏ. Đây là nghề các bạn sinh viên hoặc những người chưa có việc làm kiếm thu nhập trong thời buổi kinh tế khó khăn chưa biết đến bao giờ mới phục hồi trở lại. Bài viết không bàn về vấn đề xử phạt với hình thức quảng cáo phát tờ rơi mà nói về ứng xử của người nhận tờ rơi như thế nào?
Đối với doanh nghiệp mới thành lập, để khách hàng biết đến thì hình thức phát tờ rơi quảng cáo là khá dễ dàng với chi phí chấp nhận được bên các hình thức quảng cáo cao cấp khác. Tổng chi phí in 1000 tờ quảng cáo 1/2A4 khoảng 400.000đ và chi phí thuê phát tờ rơi là 20.000 đ/giờ. Với hình thức này, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí dành cho quảng cáo. Cá nhân tôi thấy hình thức quảng cáo này là chính đáng và rất cần thiết đối với doanh nghiệp nhỏ.
Người phát tờ rơi sẽ không thể biết được ai có nhu cầu đúng sẩn phẩm mình đang quảng cáo. Các bạn sẽ phát cho bất kỳ ai dừng xe gần mình nhất trong thời gian từ 30 – 60 giây đèn đỏ. Cho nên khi phát là cho tất cả mọi người càng nhanh càng tốt. Ai có nhu cầu sản phẩm thì giữ lại nhưng phần nhiều tôi thấy là không có nhu cầu. Điều đó dẫn đến câu chuyện về ứng xử với tờ rơi quảng cáo của những người không có nhu cầu.
Chúng ta, những người không có nhu cầu nên ứng xử thế nào?
Tôi thấy có rất nhiều người cứ nhận tời rơi xem xong không có nhu cầu là xả ngay xuống đường xuống đường hoặc nhét bất kỳ chỗ nào trên xe mà chỉ cần chạy qua đèn đỏ là bay luôn xuống đường. Thế là xảy ra tình trạng xả rác vô tội vạ tại các giao lộ có người phát tờ rơi. Tôi thấy khá nhiều người ăn mặc rất đẹp và nghiêm chỉnh, thể hiện là người có trình độ nhưng khi nhận tờ rơi đọc xong vẫn vô tư ném luôn xuống đường. Chúng ta thử tưởng tượng, sau khi các bạn phát tờ xong sẽ để lại một giao lộ với đầy tờ rơi quảng cáo dưới mặt đường sẽ có hình ảnh xấu như thế nào đối với các du khách người nước ngoài? Hơn nữa, toàn bộ TP. HCM hoặc các thành phố lớn trong cả nước có bao nhiêu giao lộ đang được phát tờ rơi. Mỗi tối các công nhân vệ sinh đô thị sẽ làm công việc cực nhọc để quét sạch các giao lộ chúng ta đã vô tình xả rác.
Ứng xử với tờ rơi trong trường hợp này là một biểu hiện của ứng xử với môi trường, với nếp sống văn minh nơi đô thị. Chúng ta có nhiều cách để ứng xử văn minh hơn với tời rơi quảng cáo như:
- Chúng ta có thể chọn không nhận tờ rơi quảng cáo
- Hoặc nếu đã chấp nhận tờ rơi quảng cáo thì hãy giữ lại; nếu không có nhu cầu về sản phẩm thì hãy bỏ vào thùng rác.
Có như vậy chúng ta mới góp phần vào việc giữ gìn môi trường sống xanh-sạch-đẹp phù hợp với nếp sống văn minh nơi đô thị. Chúng ta hãy thể hiện mình là người văn minh trong những tình huống nhỏ mỗi ngày.
Lê Thanh Trông
Khi nhận tờ rơi thì mình thường bỏ vào túi hoặc cặp luôn, như thi thoảng vẫn bỏ xuống đường vì mình biết là những người thuê sinh viên phát tờ rơi họ thường căn cứ vào số tờ rơi trên đường để đánh giá kết quả công việc (thế có lạ không chứ).
Mình ko thích nhận tờ rơi vì ko có nhu cầu đọc thông tin đó, nên luôn luôn từ chối nhận tờ rơi
Tôi hiện đang là sinh viên và đi học bằng xe máy hàng ngày, cũng qua nhiều địa điểm phát tờ rơi, và tôi đồng tình với tác giả. Người Việt Nam chúng ta luôn có thói quen ỷ lại, trong tiềm thức của họ, đường xá cũng chính là bãi rác, họ có thể vô tư vứt xuống đường những gì họ cho là không cần thiết, vì họ nghĩ rằng người lao công sẽ tới và dọn dẹp chúng.
Những người vứt rác xuống đường theo tôi quan sát được đa số là những cô chú U40 – 50 hoặc là những thanh thiếu niên thuộc dạng ít ăn học. Cứ 10 người được phát tờ rơi thì 8 – 9 người vò lại và vứt xuống.
Chúng ta cũng nên thông cảm cho những người phát tờ rơi, việc họ phải đứng nắng hàng tiếng đồng hồ và còn bắt họ mời tờ rơi thì có lẽ là hơi quá đáng. Nên nhớ rằng, chúng ta có thể không nhận, nhưng khi nhận rồi dù không cần thiết chúng ta hãy cho chúng vào giỏ, vào túi rồi xử lý sau.
Người Việt Nam luôn tự hào rằng mình thông minh, nhưng ý thức lại chẳng bao giờ tỷ lệ với thông minh. Nền giáo dục quốc dân có lẽ đã thất bại trong việc dạy làm “người”. Bằng chứng là trong 12 năm học, tôi chưa bao giờ được dạy về văn minh cộng đồng cả, những môn Đạo đức, Giáo dục công dân nếu có thì cũng chỉ là những mối quan hệ giao tiếp, nội bộ, về tình thương trong gia đình… Vả lại trên TV, tôi chưa bao giờ thấy họ đề cập gì đến tờ rơi hay văn minh đường phố cả, những chương trình nhảm nhí ngày càng nhiều, a dua theo các nước phương Tây, nào là The Voices, The X-Factor, nhưng chưa có chương trình nào là mang tên The Human cả.
Còn 1 vấn đề nữa, đó là ở Việt Nam thái độ khi phát tờ rơi, rất… lạnh lùng như quăng đống rác vào mặt người nhận vậy. Mình có đọc câu chuyện bên Nhật thì thấy khi phát cả người phát và người nhận đều rất vui vẻ cúi đầu cảm ơn lẫn nhau, không khí rất thoải mái chứ không “căng thẳng” như ở Việt Nam!
Tốt nhất là đề thêm câu: “Hãy bỏ vào thùng rác nếu bạn không cần dùng” 🙂
liệu người nhận có phải ai cũng biết đọc tiếng việt 🙂