Photo: Matthew Cooper
Truyện cổ tích dù cho có vượt thời gian đến đâu, suy cho cùng cũng giống như một sinh thể: Có sinh thành và phát triển. Sự phát triển ấy phụ thuộc vào biến động tâm lý con người trong từng thời đại. Cá nhân người viết chỉ xin được mạn bàn về sự khác nhau ấy qua một motif cụ thể: Motif “Nụ hôn của tình yêu đích thực”.
“Chàng ngắm nhìn không rời mắt, rồi cúi xuống hôn nàng. Chàng vừa đụng môi thì công chúa Hồng Hoa bừng tỉnh. Nàng mở mắt nhìn chàng trìu mến.”- Nàng công chúa ngủ trong rừng, truyện cổ tích Grim
“- Chỉ có hành động của tình yêu đích thực mới có thể làm tan chảy được trái tim băng giá.
-Hành động của tình yêu đích thực ư?
– Có lẽ đó là nụ hôn đích thực.” (phim Frozen)
“Nụ hôn của tình yêu đích thực” sẽ hóa giải phép thuật nơi nàng công chúa xinh đẹp hay hoàng tử bị biến thành xấu xí, đưa nàng/chàng trở lại và hai người sẽ sống hạnh phúc đến trọn đời. Motif này thường được xếp ở cuối mỗi câu chuyện cổ tích cũ, nó làm cho câu chuyện đúng chất cổ tích, nghĩa là thỏa mãn hoàn toàn ước mơ hạnh phúc của con người trong đời sống thực. Từ những truyện cổ tích “ngày xưa” như: “Nàng công chúa ngủ trong rừng” “Người đẹp và quái vật” “Hoàng tử ếch” “Nàng Bạc hTuyết và bảy chú lùn”… Đến những câu chuyện “ngày nảy ngày nay” như: “Chuyện thần tiên ở New York” “Frozen”… Đều khiến các em nhỏ lẫn người lớn vui sướng.
Truyện cổ tích, có đâu chỉ là thế giới của trẻ nhỏ đúng không các bạn? Nó mở ra một miền đất thần kỳ nơi mỗi bé gái đều mơ thành công chúa, mỗi bé trai sẽ trở nên dũng mãnh… Rồi bé gái lớn lên thành cô thiếu nữ xinh đẹp mang trong mình khát vọng tìm được chàng “bạch mã hoàng tử” của mình. Những bé trai bé gái của họ lại lớn lên và họ sẽ lại được sống với cái ước mơ đó của mình trong thế giới của con trẻ…
Nhưng!
“Nụ hôn của tình yêu đích thực” trong truyện cổ tích xưa giống như một định mệnh, nó là sự “khẳng định”, một phần thưởng cho những con người xứng đáng. Truyện cổ tích ngày xưa luôn là sự mơ ước của con người khi hiện tại còn nhiều bất công ngang trái, hoàng tử chỉ cần chống lại các thế lực xấu xa, chỉ cần vượt qua chông gai là quá đủ chứ không cần sự thử thách trong tình yêu nữa. “Định mệnh” vì hai người vốn chưa bao giờ gặp gỡ, chưa một lời thề hẹn. Vậy mà họ vẫn tìm được và tìm đúng nhau giống như sinh ra đã là của nhau vậy. Họ không phải vất vả để tìm nhau giữa biển người.
– “Tôi vẫn không thể hiểu được làm sao mà cô có thể yêu được một người mà cô chưa quen biết?
– Bởi vì tôi nhìn thấu trái tim chàng.” (phim Chuyện thần tiên ở New York)
“Nụ hôn của tình yêu đích thực” trong truyện cổ tích ngày nay lại là một quá trình, kèm theo đó là sự nhìn lại. Đó là sự “kiểm chứng”
“Quá trình” bởi trong truyện cổ tích hiện đại, các nàng công chúa (rất lạ ở chỗ toàn các công chúa) đã từng coi mình có những định mệnh như thế, những định mệnh chỉ mới xảy ra trong một ngày mà trở thành giấy chứng nhận của cả đời. Nhưng rồi cuộc sống đẩy họ vào những tình huống thử thách, buộc họ phải bộc lộ cá tính và cảm xúc của mình, nghĩa là họ – những nàng công chúa xa xôi, trở nên gần gũi với cuộc sống của ta hơn bao giờ hết.
Họ tiếp xúc với nhiều hơn một người, lâu hơn một ngày và nhiều hơn một cung bậc cảm xúc. Thế nên tình yêu đến với họ muộn hơn và họ thường không nhận ra được đó là tình yêu cho đến khi họ thực hiện nụ hôn kiểm chứng. Thế nên mới có chuyện tình yêu họ chọn không hào nhoáng như chàng hoàng tử xa lạ kia nữa. Và khi con tim lẫn lý trí giúp họ nhận ra cũng là lúc họ “nhìn lại” để từ chối chàng hoàng tử trong mơ trước kia. Trong trường hợp này “nhìn lại” giống như một sự khước từ vậy. Truyện cổ tích hiện đại như “Chuyện thần tiên ở New York” đã khước từ chàng- hoàng- tử- một- ngày ấy thông qua chính nụ hôn của nàng Giselle xinh đẹp.
“Tôi vẫn mơ về một nụ hôn của một tình yêu đích thực… thứ mang lại hạnh phúc mãi mãi”- Giselle
Thế nên bạn à!
Trong cuộc sống tồn tại cả tình yêu sét đánh lẫn tình yêu mà con người cần một hành trình dài để nhận ra. Khi bạn chắc chắn nhìn thấu trái tim ai đó thì hãy mạnh dạn đến với họ. Nhưng khi bạn không tin tưởng vào bản thân mình bạn rất dễ ngộ nhận trong tình yêu. Lúc đó bạn cần thời gian để kiểm chứng như các nàng công chúa hiện đại trên. Hình ảnh thực của người đó có thể không lung linh như bạn tưởng nhưng lại khiến bạn vững tin cả đời. Những lúc đó kể cả khi bạn đã yêu, đã đính hôn với ai đó cũng không quan trọng nữa, quan trọng là bạn có đủ dũng cảm để thực hiện một “nụ hôn của tình yêu đích thực” hay không thôi.
Nụ hôn đó vừa là nụ hôn khám phá, vừa là nụ hôn kiểm chứng và đương nhiên, nó vẫn sẽ là nụ hôn đầu tiên của mối tình mãi mãi của bạn. Đừng vội vã trao “nụ hôn của tình yêu đích thực” của bạn khi bạn đang âu sầu, tức giận hay sợ hãi… vì nếu trao nhầm là bạn một lần mất đi niềm tin vào tình yêu.
Bạn à, hãy nghe bằng trái tim nhưng hãy hành động. Hãy tìm hiểu nhau trước khi tiến tới hôn nhân, hẹn hò nhau, nói chuyện với nhau và cả biết lắng nghe nhau nữa. Bởi chúng ta có thể là những nàng công chúa nhưng hoàng tử bây giờ… hiếm lắm. Hãy dùng motif này để kiểm chứng tình yêu của bạn nhé.
“Cách để thay đổi gã thô kệch này là gắn kết hai người với nhau.”- Frozen
P/s: Hãy cho trẻ con đọc truyện cổ tích và xem truyện cổ tích để nuôi dưỡng trong các bé một thứ tình yêu đích thực bạn nhé… Vì có những câu chuyện sẽ theo ta cả cuộc đời…
Hai Yan
mình nhận thấy bài viết thiếu tính logic
@phần 1 và phần 2 không đối lập mà tác giả lại thêm từ “nhưng” để nối
@mình cũng chưa hiểu định nghĩa “truyện cổ tích ngày nay” là như thế nào
@qua tiêu đề bài viết, mình chưa thự sự thấy rõ nội dung toàn bài, thường bài viết nghị luận (ở đây tác giả nêu lên quan điểm đánh giá của mình) thì tiêu đề phải thể hiện rõ nội dung, ý kiến của tác giả.
@”hãy nghe bằng trái tim nhưng hãy hành động” theo mình hiểu là hành động dựa theo cảm xúc, còn “sự kiểm chứng trước khi hôn nhau” lại là hành động của lý trí, hai cái này đối lập nhau.
đó là một ý kiến của mình, rất mong nhận được sự phản hồi của tác giả
Chào bạn!
– từ “Nhưng” của mình không mang nghĩa đối lập mà muốn nhấn mạnh, chuyển ý
– Khái niệm TCT là 1 khái niệm chung, nhưng chúng ta thường hiểu đó là những caai chuyện viết từ “ngày xưa”. Và vì ko có khái niệm cho TCT hiện đại nên mình đã lấy thời gian hiện tại làm cơ cở, và mình nhớ đã cho vào ngoặc “TCT ngày nảy ngày nay”- những câu chuyện với motif cũ nhưng mang hơi thở cs hiện đại .
– Bài viết của mình vốn không có tiêu đề, nhưng admin đã chỉnh sửa nhằm nhấn mạnh ý. Bởi mình ko muốn biến bài này thành 1 bài nghiên cứu, cái mình muốn rút ra là ở phần cuối của bài.
– Nghe bằng trái tim nhưng hãy hành động. Hành động cụ thể thì lý trí sáng tỏ và soi đường cho trái tim. Còn mình không dùng “sự kiểm chứng trước khi hôn nhau” bạn nhé. 🙂
Mình thấy không những hoàng tử hiếm, công chúa cũng hiếm không kém đâu ^^
ờ, vì mình là phụ nữ nên mình thấy hoàng tử rất là rất là hiếm -_-.
lớn to đầu nhưng vẫn thích coi nhiều phim hiện đại theo motip Hoàng Tử-Lọ Lem, thấy hay mà =))
Mình học được nhiều từ chính những câu chuyện tưởng như đơn giản ấy bạn ạ :)))