(2545 chữ, 10 phút đọc)
Tôi, một kẻ ngông cuồng với đạo, thường muốn tìm ra lỗ hổng trong lời nói của những kẻ sùng đạo để khinh miệt đã vô cùng hài lòng khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách nổi tiếng được cho là ẩn chứa triết lý Phật Giáo Đại thừa. Tưởng rằng đây sẽ là một tác phẩm văn học cổ sẽ rất khó đọc nhưng không, lời lẽ của tác giả rất hiện đại xong lại rất minh triết. Những chú thích rõ ràng giúp người đọc dễ hiểu và dễ đón nhận tác phẩm.
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh nhân vật Siddhartha là con trai của một Bà La Môn (tên gọi của những nhà vương giả, quyền quý thời ấy) sống trong thời kỳ của Đức Phật. Chàng trai từ thuở nhỏ đã anh tú, thông minh, sáng suốt và luôn đi trước các bạn cùng trang lứa một bước. Đồng thời bên cạnh Siddhartha còn có Govinda – một người bạn thân luôn ngưỡng mộ và đi theo Siddhartha.
Dù rằng Siddhartha dường như đạt được mọi điều giỏi giang hơn người nhưng vẫn luôn khao khát trong lòng muốn đi tìm chân lý, muốn biết được Đại Ngã.
Chàng rủ người bạn thân đến gốc cây để nhập định, ngồi thiền, luyện tập đọc tiếng “Om” toàn vẹn. Rồi chàng lại cùng người bạn ấy đi theo những nhà tu khổ hạnh, khao khát được làm sa môn đi tìm chân lý. Sau ba năm đi theo những nhà tu khổ hạnh, Siddhartha lại tự mình nhận ra một điều rằng những việc anh làm như tuyệt thực, luyện thở, những bài tập tự hành hạ thể xác mình chỉ là để chạy trốn trước tự ngã, tự làm mê muội trong chốc lát giữa nỗi đau đớn, giày xé của cuộc đời.
Sau đó không lâu, hai người bạn nghe được tin có vị thánh nhân đã giác ngộ, người toả hào quang, miệng luôn nở nụ cười, điềm đạm, an nhiên. Cả hai cùng lên đường tìm gặp, lúc này đây Govinda người bạn ấy đã đi theo làm đệ tử của Đức Phật còn Siddhartha cúi chào tạm biệt và đi tiếp con đường của mình vì chàng không muốn đi con đường của Đức Phật.
Trong một đoạn trò chuyện với Đức Phật, Siddhartha đã nói: “Giáo pháp của Phật, của Đấng Giác Ngộ hàm chứa rất nhiều, dạy rất nhiều, rằng phải sống ngay thẳng, tránh điều ác. Nhưng giáo pháp trong sáng ấy, đáng tôn kính ấy thiếu một điều: nó không chứa đựng sự bí nhiệm những gì Đức Thế Tôn, người duy nhất trong hàng trăm nghìn người, đã tự chứng nghiệm. Chính vì thế con lại tiếp tục du hành.” Siddhartha sợ rằng chàng sẽ biến đạo pháp, biến sự quy y, biến lòng kính yêu Ngài, biến tăng đoàn thành bản ngã của chính mình.
Liên hệ với ngày nay, đoạn này phản ánh đúng thực trạng của xã hội qua hàng ngàn thế kỷ rằng con người luôn mù quáng tin vào thánh thần, cúng bái lễ lộc, mặc trên người bộ quần áo lam, quy y Tam Bảo nhưng tâm hồn mãi không thể an tịnh, đạt được giải thoát. Tất cả chỉ là giả dối.
Sau khi bái chào Đức Phật, Siddhartha đến một dòng sông, nhìn màu xanh của trời, vàng của nắng, đỏ, tím,… Chàng quan sát và không hề phán xét. Chàng lắng nghe dòng sông chảy, tiếng chim hót và chàng nhờ người lái đò chở sang bên kia sông để tiếp tục cuộc du hành của mình.
Siddhartha gặp Kamala – một ả điếm và chàng xin nhận Kamala làm cô giáo dạy cho chàng thú hoan lạc đê mê của nhục dục, chỉ cho chàng cách để giàu sang phú quý.
Chàng đến phố thị, lướt qua những kẻ giàu sang, nghèo đói, trộm cướp với tư cách là một người quan sát. Quan sát mọi sự trên thế gian này, cuộc đời đưa đẩy chàng bắt đầu dấn thân vào vòng truỵ lạc. Nhờ những gì học được từ các sa môn mà chàng trở thành người giỏi giang, thông minh, coi việc kiếm tiền như trò chơi. Đôi lúc chàng nghe thấy tiếng vọng xa xăm trong thâm tâm nhưng rồi lại vội vụt tắt. Chàng chìm đắm trong cờ bạc, đưa mình từ một kẻ tài giỏi lắm tiền bậc nhất thành một kẻ cờ bạc, đàn điếm bậc nhất rồi cuối cùng thành kẻ bê tha bậc nhất.
Tôi cũng đồng tình với từng câu chữ của cuốn tiểu thuyết này. Chúng ta muốn giác ngộ, tự thân ta phải chứng nghiệm mọi điều. Giác ngộ, niết bàn không thể dạy qua sách vở, kinh kệ, không thể truyền tải bằng ngôn ngữ. Chúng ta phải thật sự trải qua mà không cần thiết có người thầy nào.
Siddhartha đã được học từ nhỏ rằng lạc thú thế gian chẳng phải điều tốt lành, nhưng chỉ là học thôi, chàng đã đi, đã tự mình dấn thân vào bẫy luân hồi và chàng cảm thấy may mắn vì đã được trải nghiệm. Đúng thế, trải nghiệm mới mang lại cảm giác rõ nhất, thật nhất. Chúng ta cũng vậy, không thể chỉ đọc sách, đọc kinh, ngồi thiền mà có thể giác ngộ. Ta phải trải qua hỉ, nộ, ái, ố; phải sống như một kẻ vô công rồi nghề, tiếp đó lại sống như một kẻ xa hoa bậc nhất, sống và đội hàng trăm lớp mặt nạ để biết chúng nhơ nhớp, xấu xa đến đâu, phải biết tận gốc rễ của cuộc đời này nhàm chán và vô nghĩa tột đỉnh.
Và rồi chàng mới bừng tỉnh cơn mê, chàng thấy mình trông thật khốn khổ. Nhớ lại ngày từng là một cậu trai quyền quý, thông minh, ngày mình từng là một sa môn khổ hạnh, từng đến học cách làm tình với Kamala, từng là một lái buôn giàu sang tiền tiêu như nước và giờ đây tất thảy đều như một giấc mộng.
Siddhartha đến bên dòng sông ngày ấy, ngủ quên và gặp lại người bạn năm xưa Govinda đệ tử của Đức Phật Cồ Đàm. Govinda không nhận ra anh nhưng khi anh vừa bừng tỉnh đã nhận ra ngay người bạn năm nào của mình. Govinda vẫn vậy, đi du hành và khất thực khắp nơi. Cả hai đã già đi nhiều. Và tôi thấy được ở đoạn này Govinda có vẻ hơi khinh thường Siddhartha vì ăn mặc quần áo sang trọng giống như người phàm tục. Govinda chào tạm biệt anh và lại tiếp tục đi, đi để mong có thể tìm được giác ngộ, tìm được ánh sáng chân lý.
Tôi đang liên tưởng đến những người tu hành tự cho rằng mình là bậc trí giả, hơn người thế tục. Một số thầy tu bây giờ luôn tự cao tự đại, tự thần thánh hoá bản thân vì được người đời gọi bằng thầy, cung kính bái lạy, rơi vào tự ngã. (Phần này tôi tự liên tưởng chứ không phải ý tác giả muốn khắc hoạ hình ảnh Govinda là người như tôi nói ở trên).
Sau khi chào tạm biệt Govinda, Siddhartha nhớ lại ngày nào mình đã được người lái đò chở qua dòng sông này. Chàng lại một lần nữa gặp người lái đò. Có vẻ như câu “đời người luôn gặp nhau hai lần” quả đúng với câu chuyện trên. Với bộ quần áo lộng lẫy, chàng đã phải cố gợi lại cho ông lái đò nhớ về người sa môn năm nào đi ngang đây mà ông đã không lấy tiền. Siddhartha quyết định ở lại với ông vì thấy mình được học hỏi nhiều từ ông. Người lái đò luôn lặng lẽ chở khách qua sông, sống chung với dòng sông và lắng nghe dòng sông phát ra tiếng “Om” mỗi ngày. Siddhartha thấy mình được học từ dòng sông rất nhiều, tiếng dòng sông nói chuyện, tiếng dòng sông cười và mọi thứ tiếng khác. Anh ngắm nhìn dòng sông, màu xanh lục của nó, những đường nét tựa pha lê trong bức vẽ đầy bí ẩn ấy. Tiếng nói trong sâu thẳm con người anh biến mất từ lâu giờ đã quay trở lại. Anh ở lại với người lái đò, ngày ngày cùng nhau làm việc.
Có vài lời đồn đại về hai vị thánh nhân, thức giả sống bên bờ sông nhưng khi đến diện kiến họ chỉ thấy hai người lái đò kiệm lời, dường như người câm. Vậy đấy, bậc giác ngộ chẳng cần phải hoa mỹ, toả hào quang hay tự mãn. Họ chỉ sống trông có vẻ như những kẻ khốn khổ tột cùng nhưng họ hài lòng và vui sướng.
Siddhartha còn học được ở người lái đò cách lắng nghe. Lắng nghe nhiều hơn là nói, điều ấy ông cũng học từ dòng sông. Lắng nghe tiếng “Om” toàn thiện. Khi ta nói nhiều, đầu ta chạy nhiều suy nghĩ và lại đánh mất sự quan sát. Ta học cách lắng nghe nhiều hơn, lắng nghe những âm thanh, những điều tâm sự giãi bày của người khác, lắng nghe những suy nghĩ của mình, lắng nghe tim mình đập, từng dòng máu nóng chảy dọc cơ thể.
Vì vậy tôi không ưa những kẻ sùng đạo luôn nói quá nhiều. Rõ ràng việc nói ấy chẳng đem lại lợi ích gì, mà chính việc nói ấy đã chẳng hề đúng như những gì mà ta được biết, như việc đạt được trạng thái cao siêu của thiền, như rằng ta phải thế này thế kia để đến gần với từ bi, với Niết bàn. Thay vào đó sao mỗi người không tự trau dồi bản thân, lắng nghe và quan sát.
Dòng sông cũng dạy cho ta chẳng có thời gian nào hiện hữu cả. Dù cho qua bao nhiêu năm tháng đi nữa thì dòng sông vẫn ở đấy, vẫn êm đềm trôi, nước chảy đi khắp nơi rồi lại trở về nguồn. Duyên sanh, duyên khởi, duyên đến Siddhartha lại gặp lại Kamala, lần này còn dắt theo một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy chính là con trai chàng. Kamala – người Siddhartha yêu thương hết mực chết trên tay chàng.
Con trai họ được sống trong nhung lụa từ bé, ương ngạnh không thể giáo huấn dù chàng đã mềm mỏng yêu thương nó cỡ nào. Đoạn này ta thấy được tình phụ tử còn vượt trên cả mọi loại tình cảm của con người. Nó gấp đôi vì nó bao gồm cả tình yêu dành cho Kamala. Nhưng rồi lại một lần nữa người lái đò kia lên tiếng, hãy nhớ lại ngày anh rời bỏ cha anh vào rừng làm sa môn, cha anh cũng đã đau khổ thế nào. Đấy là nghiệp báo, là vòng luân hồi đầy đau khổ. Ông lái đò nói:
— Anh đã quên mất câu chuyện người con trai Bà La Môn mà anh từng kể cho tôi nghe ở chỗ này rồi ư? Ai đã che chở cho sa môn Siddhartha trước vòng tục luỵ, trước tội lỗi, tính tham lam và lòng điên rồ? Chính là lòng ngoan đạo của người cha, lời khuyên răn của người thầy. Người cha nào, vị thầy nào có thể ngăn nổi chàng trai ấy sống cuộc sống của mình?
Tôi đã lại học được ở đây một bài học mà chính tôi cũng đã từng trải nghiệm, mẹ tôi cũng thế và tất thảy mọi người đều thế. Chẳng ai có thể tránh khỏi những tội lỗi, tự vấy bẩn mình, tự uống chén đắng và tự tìm ra đường đi cho mình. Và chẳng có lời dạy bảo nào có thể ngăn cản một đứa trẻ, những lời dạy bảo suy cho cùng đều vô nghĩa. Chúng ta nghĩ rằng răn dạy con cái, nói những điều đau khổ chúng ta đã trải qua hòng giúp con cái có thể tránh né được những điều ấy mà bước đi trơn tru hơn. Nhưng rồi chúng sẽ vẫn lại gặp những điều ấy và cả những điều khác nữa thì mới có thể trưởng thành. Cho dù chúng ta có yêu thương nó, tha thiết giúp đỡ nó để nó có thể thoát khỏi khổ sở, đau đớn và thất vọng, có chấp nhận chết vì nó mười lần thì cũng chẳng thể mảy may gánh đỡ được định mệnh của nó.
Anh đau đớn, khổ sở nhìn đứa con trai của anh ra đi. Chặng đường thoát khổ của anh chỉ còn một chút nữa thôi là vẹn toàn. Ông lái đò cả đời bên dòng sông ấy đã từ biệt Siddhartha để đến cõi Niết Bàn. Ông ấy đã giác ngộ.
Siddhartha lại một lần nữa gặp Govinda người bạn thân hữu thời niên thiếu của anh, người luôn đi bên cạnh anh. Govinda vẫn đang mải miết đi tìm, đi tìm mục đích ấy, tìm giác ngộ, tìm cõi Niết Bàn và rồi đến già cỗi và khô rục vẫn còn u mê đau khổ. Govinda cầu xin người bạn hãy cho anh một bài thuyết pháp, cầu xin hãy dẫn đường chỉ lối cho anh. Nhưng Siddhartha biết rằng ngôn ngữ là không thể đủ, sự thật mà được nói ra thì chúng chỉ còn một nửa. Chàng biết điều bí nhiệm mà năm xưa chàng đã rời bỏ Đức Phật để đi tìm ấy.
Hermann Hesse khắc hoạ hình ảnh nhân vật Govinda quá đỗi tội nghiệp. Cả đời phụng sự và tu tập, đi tìm chân lý nhưng con đường càng đi càng mụ mẫm tối mịt. Đoạn kết cuối cùng tác giả không nói rằng Siddhartha đã giác ngộ hay đến Niết Bàn mà chỉ mô tả mọi hình dáng, cử chỉ và nụ cười hệt như Đức Phật.
Trong mỗi con người chúng ta ai cũng tiềm ẩn là một vị Phật. Chúng ta cũng có thể là Đức Phật dù cho không đi con đường của Ngài. Cuốn tiểu thuyết này tuy mỏng nhưng mỗi câu văn đều mang những triết lý sâu sắc không hề thừa mứa một chữ nào. Nó dạy bảo những điều ta chưa biết, nhắc nhở những điều ta lãng quên. Ôi còn bao điều tôi thấy được qua quyển sách này nhưng lại chẳng thể nhớ nổi hết mà viết vào đây. Nên dù có xem review này vẫn chẳng thể nào đủ ý mà cuốn sách muốn nói cho chúng ta, nếu bạn thích hãy tự đọc và nghiền ngẫm nó. Đây là cuốn sách tôi chắc rằng mình sẽ phải đọc đi đọc lại nhiều để có thể hiểu thấu nó hơn.
Lời cuối cùng em xin cảm ơn tác giả Hermann Hesse, cảm ơn người chị thân yêu Ni Chi đã tặng em cuốn sách, cảm ơn dịch giả Lê Chu Cầu đã dịch cuốn sách một cách toàn vẹn để em có thể được đón nhận và lĩnh hội những bài học đắt giá từ cuốn sách tuyệt vời này.
Tác giả: Bà Năm
*Featured Image: Thành Trung
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2
Bài viết rất hay. Mình chắc chắn sẽ đọc cuốn này. Cảm ơn bạn <3