Featured Image: Skaty Boy
Có những thứ trường học không dạy bạn nhưng những trò chơi sẽ…
Giả sử chúng ta đang trong một không gian phẳng chơi trò ném bóng, tôi yêu cầu bạn ném trái bóng vào một bức tường có sẵn trước mặt, ồ tất nhiên bạn sẽ ném trúng dễ dàng. Sau đó tôi lấy ra một chiếc khăn bịt mắt bạn lại và yêu cầu bạn ném lại vào bức tường đã được đặt xa hơn, hơi khó một chút nhưng bạn vẫn làm được. Tốt lắm. Thế rồi tôi đổi chiến thuật, không chỉ bịt mắt mà còn xoay bạn 10 vòng, lúc này bạn hoàn toàn mất phương hướng, nhưng bức tường vẫn còn ở đó. Chắc chắn bạn sẽ rất khó khăn để ném trúng trái bóng vào bức tường, nếu như không nói là cực kỳ khó khăn. Nhưng dù khó, bạn vẫn có thể, nếu chiếu theo lý thuyết của môn xác suất thống kê.
Ồ, vậy thì tôi sẽ giở chiêu cuối cùng. Bạn sẽ bị bịt mắt, tôi sẽ không xoay vòng bạn nhưng chỉ đơn giản là tôi cất bức tường đi, đơn giản thế thôi, và yêu cầu bạn ném trái bóng. Khi bịt mắt bạn vẫn thử ném nhưng tôi biết đó là một việc làm vô nghĩa. Bạn sẽ không bao giờ ném trúng bóng vào bức tường, vì đơn giản là chẳng có bức tường nào ở đó cả. Nếu tôi giở khăn bịt mắt ra và cho bạn biết sự thật về bức tường. Bạn có tức giận ném trái bóng vào mặt tôi vì một trò chơi vô nghĩa? Hay cười phá lên và cho tôi là điên khùng? Có thể lắm.
Giờ hãy liên tưởng rằng trò chơi ném bóng chính là trò chơi cuộc sống, bức tường nơi bạn ném bóng vào chính là mục tiêu của cuộc đời bạn. Bạn cần phải có bức tường mới ném được bóng, cũng như bạn buộc phải có mục tiêu thì mới có ngày được nếm cảm giác của sự thành công. Cuộc đời chúng ta là những nỗ lực để ném quả bóng trúng đích, nếu không có đích thì biết ném bóng vào đâu? Trong khi sống trong đời thực, để cản trở bạn trên con đường đạt mục tiêu, cuộc đời sẽ không chỉ bịt mắt hay xoay vòng bạn, mà nó còn đá vào đít hay dội lên người bạn những gáo nước lạnh cóng… Bạn không chỉ phải ném bóng mà cuộc đời sẽ ném trăm ngàn thứ đáng ghét vào người bạn nữa.
Thật khó hình dung đúng không? Nhưng không đâu, tôi xin cam đoan với bạn đó chính xác là những gì đang xảy ra bên ngoài cuộc sống thực của chúng ta mỗi ngày. Để là người chiến thắng, thật ra vô cùng đơn giản, hãy mặc kệ hoặc chống trả lại những thứ cuộc đời ném dô bạn, nhưng hãy làm mọi cách để chắc chắn rằng, bức tường không bị biến mất. Chỉ cần bức tường luôn còn đó, bạn vẫn có thể hoàn thành trò chơi cuộc đời, đó là đạt được những gì bạn mong muốn.
Nào giờ ta cùng chơi xếp hình, à không, ghép hình
Giờ bỏ qua trò ném bóng bạo lực khó nhằn, chúng ta chuyển qua chơi trò ghép hình cho nhẹ nhàng tình cảm nhé. Bạn biết trò này mà đúng không? Ghép những mảnh ghép nho nhỏ lại với nhau sao cho chúng ăn khớp tạo nên một bức tranh tổng thể. Giờ nếu tôi đố bạn ghép một bức tranh với vài chục mảnh ghép và có kèm sẵn một bức tranh mẫu ở bên, hẳn bạn sẽ ghép chúng một cách dễ dàng. Chắc chắn rồi. Rồi tôi lại muốn bạn ghép một bức khác, hàng trăm mảnh ghép và vẫn cho bạn một bức tranh mẫu.
Chà gay go đây, bạn sẽ mất kha khá thời gian nhưng tôi tin bạn vẫn có thể hoàn thành được nó. Ok, giờ thì khóc đi, khi tôi yêu cầu bạn ghép một bức tranh với hàng ngàn hàng triệu mảnh ghép, nhưng sẽ không cho bạn bức tranh mẫu nữa. Giờ bạn tính sao? Bỏ cuộc hay ném cho tôi một cái nhìn tội nghiệp cho kẻ điên khùng không tưởng? Đáng đời lắm, thấy quái nào mà bạn hay tôi hay bất cứ ai có thể ghép được một bức tranh khổng lồ khi không có bất cứ một gợi ý nào như là bức tranh mẫu ở bên. Chính xác là sao có thể ghép một bức tranh trong khi không ai biết bức tranh đó trông như thế nào?
Lại một lần nữa, xin khẳng định đó không phải là trò nhảm nhí. Nếu như bạn có thể thấy rằng đó là cách mà rất nhiều người trong số chúng ta đối xử với cuộc sống, với tương lai của chính mình. Ghép một bức tranh khi không có hình mẫu cũng chính là sống một cuộc sống mà không hề có mục tiêu nào cả. Bạn không biết tương lai mình trông như thế nào thì làm sao bạn có thể tạo được nó? Mỗi ngày trôi qua, mỗi việc bạn làm, mỗi giây phút bạn sống trên đời chính là một mảnh ghép.
Cuộc đời bạn cũng giống như một bức tranh ghép khổng lồ mà bạn vẫn đang ghép lại mỗi ngày. Làm sao có thể hoàn thành bức tranh khi chính bạn cũng không biết nó trông ra sao? Thật là một công việc đau đầu, càng tiếc hơn khi bạn lại lôi mình dô mớ lòng bong những mảnh ghép này, loay hoay, hoang mang và tức giận khi không có bức tranh mà quên béng đi khả năng thực tế của mình. Đó là bạn có toàn quyền quyết định tự vẽ nên bức tranh mẫu của riêng mình. Giờ hãy ngồi lại mà tưởng tượng, mà tạo ra bức tranh bạn muốn thấy và bắt đầu ghép đi thôi. Không ai có thể ngăn cản bạn làm điều đó, không ai cả.
Hãy tự xây một bức tường của riêng mình để thoải mái chơi ném bóng. Hãy tự vẽ bức tranh mẫu để tha hồ chơi trò ghép hình. Hay nói toẹt ra, hãy đặt mục tiêu và lên kế hoạch cho chính cuộc sống của mình chứ đừng sống trong mơ hồ nữa. Bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mình có thể đạt được cho mà xem.
“Mục tiêu” đã ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của những sinh viên trường Yale?
1953, Trường Đại học Yale đã tiến hành một cuộc nghiên cứu khảo sát kéo dài tới 25 năm về vấn đề ảnh hưởng của mục tiêu đối với cuộc đời, các đối tượng nghiên cứu là những sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường đều tương đương về những điều kiện như học lực, trí tuệ. Một câu hỏi đơn giản được đặt ra cho họ:” Mục tiêu cuộc đời của bạn là gì?” Chỉ có 3% trong số các sinh viên tham gia khảo sát là có mục tiêu rõ ràng và viết nó ra giấy, 13% có mục tiêu nhưng không viết ra và 84% còn lại thì không có mục tiêu gì cả.
25 năm sau, đại học Yale tiếp tục khảo sát tình hình thu nhập của cả 3 nhóm trên. Ngạc nhiên làm sao, thu nhập của từng người trong nhóm 3% đều cao gấp 32 lần trung bình cộng của 2 nhóm còn lại. Cụ thể là nhóm 13% có thu nhập bình quân gấp đôi người thuộc nhóm 84%; nhóm 3% có thu nhập bình quân gấp 10 lần so với 97% còn lại. Chi tiết hơn về cuộc sống nhóm những người không có mục tiêu đang phải sống trong một cuộc sống không như mong muốn, nếu không muốn nói là tồi tệ. Nhóm những người có mục tiêu mơ hồ không thể viết ra thì sống ở tầng lớp trung lưu hạng tầm còn nhóm những người có mục tiêu cụ thể, rõ ràng và dài hạn đã trở thành những người đi đầu tiên phong trong những lĩnh vực họ theo đuổi.
Bạn đã vẽ bức tranh cho cuộc đời mình?
Đấy, nhiêu đó lý do có đủ để bạn hạ quyết tâm đặt ra một mục tiêu cho riêng mình? Có thể nói, đặt mục tiêu, đó là cách đơn giản nhất để bạn cho chính bản thân mình một cơ hội đạt được những điều bạn mong muốn. Cho chính bạn cơ hội để vượt xa những người bình thường khác. Thế giới này đã quá chật chội bởi những người bình thường rồi, bạn có cơ hội để không bình thường nữa, để vượt trội hơn người khác thì tại sao lại từ chối?
Bạn muốn tương lai sẽ trở thành một người như thế nào? Bạn muốn cuộc sống của mình mai này sẽ ra sao? Ngôi nhà bạn muốn ở sau này trông tuyệt chứ? Hãy tưởng tượng đi. Hãy mong muốn đi. Hãy ước ao đi. Nếu như ngay cả việc tưởng tượng đến tương lai của mình mà bạn cũng còn không làm được, hay không muốn làm, vì lười biếng. Thì thật xin lỗi nhưng tôi phải nói rằng, bạn sẽ chẳng làm được trò trống gì cả. Không! Bạn không thể thờ ơ với cuộc sống của chính mình như vậy.
Rất nhiều người trong chúng ta vẫn luôn tin vào số phận và cho rằng mọi thứ trên đời đều đã được sắp đặt, được an bài và ta không có cách nào để thay đổi được số phận cả. Theo tôi thì, con người ta hoàn toàn có thể tự tạo nên số phận của mình, tự tạo nên cuộc sống mà ta mong muốn, theo cách chủ động, chứ không phải hoàn toàn bị động như mọi người vẫn nghĩ. Những người thất bại trong cuộc sống thường tìm cách đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh, và số phận là một trong những thứ bị người ta đem ra đổ lỗi nhiều nhất. Thực chất chỉ là để thanh minh cho sự yếu kém và hèn nhát của bản thân mà thôi.
Số phận là một thứ mơ hồ và chỉ tồn tại trong tâm trí, nên khi đổ lỗi cho số phận, chẳng ai còn có thể bắt bẻ gì và người ta dễ dàng cảm thấy thoải mái hơn. Thật tội nghiệp cho “số phận” vì thường nó luôn bị gán cho những điều xui rủi, không may mắn trong cuộc đời. Người ta ít khi nói “số phận thằng đó thật giàu có” mà thường chỉ nói “số phận ông kia thật khổ”… Tất cả chỉ là một cách đổ lỗi mà thôi.
Người nghèo nhất thế giới là người không có nổi một ước mơ
Chính vì bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, nên hãy làm sao cho xứng đáng. Và cách đơn giản nhất để chịu trách nhiệm về nó, là hãy bắt đầu bằng ước mơ của bạn. Ước mơ về tương lai, ước mơ về thế giới, ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc. Một trong những điều tuyệt vời của ước mơ, đó là nó hoàn toàn thuộc về bạn, bạn có quyền xác định, có quyền thay đổi, có quyền ích kỉ khi chỉ ước cho riêng mình, có quyền tham lam khi mong muốn tất cả những điều tốt đẹp nhất trên thế giới mà chẳng ai làm gì được bạn cả. C
hẳng ai đánh giá, chẳng ai có quyền chê cười hay phê phán. Và nhất là chính vì ước mơ là thứ chưa xảy ra, nên không một ai dám nói với bạn rằng nó là không thể. Người ta có thể nói dối về quá khứ nhưng không thể thay đổi nó. Thế nhưng người ta lại hoàn toàn có thể nói mọi thứ về tương lai mà không ai dám nói rằng họ nói dối cả. Và tương lai là thứ người ta hoàn toàn có thể thay đổi được. Nên hãy cứ ước mơ đi. Ai dám nói điều bạn mơ ước sẽ không bao giờ xảy ra, hãy ném cho họ một ánh nhìn thương hại và quay đi, không phải đi luôn mà là đi tìm cách chứng minh cho họ thấy, rằng họ đã sai. Cảm giác làm cho một người thừa nhận họ đã sai là một cảm giác khá tuyệt vời!
Ước mơ là thứ miễn phí và công bằng. Bất cứ ai cũng có quyền được mơ, được ước và quyền được biến ước mơ thành hiện thực. Chứng ta không phải là những cô Tấm hay Lọ Lem, chúng ta càng không thể đòi tiên hay bụt giúp phẩy đũa biến ước mơ của ta thành sự thật. Giờ đây, ta là cả hai. vừa là người nói lên điều mơ ước và cũng chính là người thực hiện chúng, biến chúng thành sự thật. Ta là bà tiên, ông bụt của chính mình.
Nhưng ước mơ không thôi thì chưa đủ
Tuy nhiên, bạn có ước mơ thôi thì chưa đủ. Hãy biến nó thành một mục tiêu hữu hình. Điều này cũng giống như bạn dùng đống gạch để xây lên bức tường, dùng bút chì để vẽ lên bức tranh tương lai của bạn. Đừng bao giờ chỉ dừng lai ở việc “ước mơ”. Mục tiêu là thứ còn quan trọng hơn cả ước mơ nữa. Có sự khác biệt rất lớn giữa mơ ước và mục tiêu. Ước mơ là thứ tuyệt đẹp, một viễn cảnh hào nhoáng nhưng vô hình không thể nắm bắt. Chỉ có ước mơ mà không có mục tiêu cũng giống như việc bạn chơi ném bóng và ghép hình mà bị bịt mắt vậy. Bạn sẽ dễ dàng bị lạc lối trong hành trình tìm đến cái đích của sự thành công.
Một mục tiêu cụ thể sẽ dẫn đường cho bạn như một ngọn đèn hải đăng trong đêm tối thênh thang trên biển. Khi mà bạn biết nơi mình muốn đến, biết hướng đi nhưng đi mãi vẫn không nhìn thấy bờ. Khi mà đi mãi bao quanh bạn vẫn là biển rộng và đêm tối mịt mùng, viễn cảnh một vùng đất trù phú tốt tươi không thể làm bạn thôi hoang mang và lo lắng. Lúc này một tia sáng le lói xuất hiện, là một ngọn hải đăng chỉ đường, cho bạn biết bạn đang rất gần nơi cần đến, cho bạn biết ở đó là đất liền. Mục tiêu chính là thứ cụ thể đó, là thứ ánh sáng hải đăng cho bạn sự tự tin và năng lượng, cho bạn niềm tin và sức mạnh diệu kỳ đi về nơi bạn hằng mong muốn.
Bài viết “xác định đúng trọng tâm cuộc đời, và ta sẽ không bao giờ còn cảm thấy chông chênh” tôi đã giới thiệu cho bạn một trong những cách đặt trọng tâm cuộc sống, đó là đặt vào những nguyên tắc sống đúng đắn và nó sẽ không bao giờ khiến bạn phải hối hận. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không chọn một trọng tâm chỉ với mục đích nó không làm mình hối hận. Thay vào đó tôi sẽ đặt trọng tâm cuộc sống mình vào đây. Vào ước mơ, mục tiêu và chiến lược cuộc đời của chính mình. Tôi sẽ làm mọi điều xoay quanh trọng tâm này, tất nhiên với một lương tâm trong sạch, trong những nguyên tắc sống đúng đắn. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng mình sẽ đạt được điều mình mong muốn, dù cho nó là điều gì.
Có quá nhiều thứ muốn nói đến chủ đề này nhưng hình như bài viết lại dài quá rồi, tôi nên dừng lại thôi
Nếu có phần tiếp theo, tôi sẽ chỉ cho bạn cách biến ước mơ thành mục tiêu như thế nào. Và chính xác việc xác định được mục tiêu cuộc đời sẽ mang lại cho bạn những sức mạnh gì để đạt được điều bạn mong muốn. Để rồi hi vọng bạn cũng sẽ sống thật hạnh phúc trên hành trình tìm kiếm những giá trị cuộc sống này.
Phi Tuyết
Follow.cảm ơn nhiều
Cảm ơn chị Phi Tuyết rất nhiều! 🙂
Bạn Phi Tuyết có ở Hà Nội không mình mời cafe:)
cám ơn bạn nhưng ghi sổ cho mình nhé
khi nào ra HN lại sẽ thông báo ạ
mình mới ỏ HN cả tuần hồi cuối tháng 5 hihi
Cảm ơn chị Phi Tuyết đã chia sẻ. Em đã yêu thích chị ngay từ bài ” Tuổi 24…” rồi vì em nhìn thấy chính mình ở trong đó. Những bài viết sau của chị cũng vậy. Em ko muốn sống một cuộc sống tầm thường. Bản thân em cũng đã đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và cố gắng hoàn thành mỗi ngày. Nhưng em vẫn chưa xác định đc mục tiêu dài hạn của mình vì em ko biết đam mê của mình là gì.
Em cũng rất mong phần viết tiếp theo của chị (nếu có)
P/s: câu từ lủng củng mong chị thông cảm (văn em kém do bị nhồi văn và 1 phần em ko thích)
ồ chị chả thấy lủng củng tí nào
tự tin lên bạn
^^
Cũng như Salazar điều đầu tiên là lời cảm ơn chân thành gửi tới Phi Tuyết, điều thứ 2 là mong chờ phần tiếp theo của câu chuyện. “Thế giới này đã quá chật chội bởi những người bình thường rồi”.
Cám ơn bạn Phi Tuyết đã chia sẻ. Thực sự mình rất chờ mong phần tiếp theo (nếu có) của bạn bởi vì đã có rất nhiều bài viết, sách vở nói về tầm quan trọng của mục tiêu/ ước mơ. Nhưng mấy ai biết mục tiêu/ ước mơ của mình sau 5 năm, 10 năm, 20 năm là gì và mình sẽ trở thành người như thế nào. Tôi đã từng vẽ ra mục tiêu của cuộc đời rất rất nhiều lần, rồi có những thứ đã đạt được, nhưng có những thứ lại rơi vào lãng quên mà khi nhìn lại nó đã trở thành những thứ đáng tiếc nuối nhất trong cuộc đời. Và cuối cùng, tôi luôn tâm niệm rằng “thành công là một hành trình, không phải một đích đến” (trích trong Phan Thiên Ân – người giầu nhất thế giới) và chỉ cần chúng ta không bao giờ bỏ cuộc, thì rồi ai cũng sẽ đến đích, chỉ có điều, chậm hơn người khác mà thôi.