📌 Bài dịch đã được đăng tải trong tạp chí Aloha volume 11. Mua tạp chí Aloha (sale 50% off – 500k/24 volumes) ➡️ bit.ly/THDPmembership
Ngày 3 tháng 10 năm 2016, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinskađã trao giải thưởng Nobel Y học cho Yoshinori Ohsumi vì những khám phá của ông về cơ chế của sự tự thực bào (autophagy).
Autophagy là gì? Từ “autophagy” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, auto có nghĩa là “tự”, và phagein, có nghĩa là “ăn.” Như vậy theo nghĩa đen, từ này có nghĩa là tự ăn chính mình. Về cơ bản, đây là cơ chế của cơ thể nhằm loại bỏ tất cả các tế bào đã suy thoái (bào quan, các protein và màng tế bào) khi không còn đủ năng lượng để nuôi dưỡng nó. Đây là một quy trình có quy định và trật tự nhằm đào thải và tái tạo các thành phần của tế bào.
Một quá trình tương tự được biết đến nhiều hơn với cái tên Apoptosis hay còn được biết đến là sự chết rụng tế bào được lập trình. Các tế bào, sau một số lần phân bào nhất định sẽ chết. Nghe có vẻ rùng rợn, nhưng đây là một quá trình thiết yếu trong việc duy trì sức khoẻ tốt. Giả dụ, bạn sở hữu một chiếc xe hơi. Bạn rất yêu chiếc xe này. Bạn có nhiều kỉ niệm đẹp gắn với nó. Bạn thích chạy chiếc xe này. Nhưng sau một vài năm, nó bắt đầu nhìn có vẻ xuống cấp. Sau vài năm nữa, nhìn chiếc xe không còn tuyệt như lúc ban đầu. Bạn phải chi trả hàng ngàn đô la cho việc bảo dưỡng xe mỗi năm. Nhưng lúc nào nó cũng trục trặc. Vậy liệu có nên giữ nó lại khi nó chẳng khác gì một đống sắt phế liệu? Tất nhiên là không rồi. Thế nên bạn sắm ngay một chiếc xe mới trông ‘ngon’ hơn.
Điều tương tự cũng xảy ra trong cơ thể người. Các tế bào trở nên già nua. Tốt hơn là chúng nên bị đào thải khi không còn hữu ích. Nghe có vẻ rất tàn nhẫn, nhưng cuộc sống mà. Đó là quy trình của Sự chết rụng tế bào, các tế bào được định đoạt trước sẽ chết sau một khoảng thời gian nhất định. Giống như sau một khoảng thời gian, bạn bán chiếc xe cũ kỹ mặc cho nó có hoạt động được nữa hay không. Bạn mua một chiếc xe mới và bạn không còn phải lo lắng về khả năng hỏng hóc của nó trong những lúc quan trọng nhất.
Autophagy – Thay mới các thành phần tế bào
Một quá trình tương tự cũng xảy ra ở cấp độ hạ-tế bào. Bạn không nhất thiết phải thay mới toàn bộ chiếc xe. Đôi khi, bạn chỉ cần thay pin, bỏ cái cũ và sắm cái mới. Quá trình này cũng xảy ra trong các tế bào. Thay vì phá huỷ toàn bộ tế bào (apoptosis), bạn chỉ muốn thay mới một vài thành phần trong nó. Đó là quá trình autophagy, phá huỷ và thay mới các thành phần của tế bào. Màng tế bào, bào quan cũ và các thành phần khác của tế bào có thể bị loại bỏ bằng cách được gửi đến lysosome (tiêu thể) – một bào quan chứa các enzyme để phân huỷ proteins.
Autophagy được đề cập lần đầu tiên vào năm 1962 khi các nhà nghiên cứu nhận thấy có một sự tăng lên trong số lượng tiêu thể ở các tế bào gan chuột sau khi truyền glucagon. Nhà khoa học đạt giải Nobel Christian de Duve đã đặt ra thuật ngữ autophagy. Các thành phần tế bào bị tổn thương và các protein không còn hữu dụng sẽ bị chỉ định và vận chuyển đến các tiêu thể để tiêu huỷ.
Đóng vai trò chủ chốt trong sự tự thực bào là một loại kinase có tên gọi: mammalian target of rapamycin (mTOR: giữ vai trò chính trong sự tăng sinh và phát triển tế bào, và xử lý truyền tín hiệu phân tử của tế bào từ môi trường của chúng). Khi mTOR được giải phóng, nó ức chế autophagy, và khi ngưng hoạt động, nó sẽ thúc đẩy quá trình này.
Điều gì kích hoạt Autophagy?
Thiếu hụt chất dinh dưỡng là yếu tố chính kích hoạt autophagy. Nên nhớ glucagon là một loại hormone trái ngược với insulin. Nó như trò chơi “Ngày Ngược” của trẻ con. Nếu insulin tăng, glucagon giảm. Ngược lại, nếu insulin giảm, glucagon tăng. Khi chúng ta ăn, insulin tăng và glucogon giảm. Khi chúng ta không ăn (fasting) thì insulin sẽ giảm xuống, đồng nghĩa việc glucagon tăng lên. Việc glucagon tăng kích thích quá trình autophagy. Trên thực tế, nhịn ăn (tăng glucagon) tạo điều kiện lý tưởng nhất thúc đẩy autophagy.
Đây thực chất là một hình thức làm sạch tế bào. Cơ thể chúng ta xác định các bào quan đã không còn đạt chuẩn và quyết định tiêu hủy chúng. Chính sự tích luỹ tất cả những thành phần già nua này có thể là nguyên nhân dẫn đến sự lão hoá.
Nhịn ăn thực sự còn nhiều lợi ích hơn là chỉ kích thích autophagy. Nó có 2 tác dụng tốt: Thông qua việc thúc đẩy autophagy, chúng ta loại bỏ sạch sẽ các protein và thành phần tế bào đã thoái hóa. Đồng thời, nhịn ăn còn kích thích hormone tăng trưởng, giúp cơ thể bắt đầu sản sinh ra các thành phần mới. Chúng ta thực sự đang tạo điều kiện để cơ thể đổi mới toàn diện.
Bạn cần loại bỏ cái đã cũ trước khi trang bị những cái mới. Hãy nghĩ về việc nâng cấp gian bếp nhà bạn. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc tủ vôi xanh cổ lỗ sĩ như những năm 1970, hẳn nhiên bạn cần phải dẹp bỏ nó trước khi đặt một chiếc tủ mới vào. Thế nên, quá trình phá hủy (loại bỏ) cũng quan trọng như việc tạo ra những thứ mới. Nếu bạn chỉ đơn giản là cố nhồi nhét những chiếc tủ mới vào mà không dẹp bỏ những cái cũ, thì mọi thứ trông thật kém hấp dẫn. Vì vậy, việc fasting theo một khía cạnh nào đó có thể đảo ngược quá trình lão hoá, bằng việc đào thải những tế bào cũ và thay thế chúng bởi những tế bào mới hơn.
Một quy trình được kiểm soát nghiêm ngặt
Autophagy là một quy trình được kiểm định cao. Nếu nó hoạt động một cách điên cuồng, mất kiểm soát, thì thật tai hại, vì thế nó phải được kiểm soát một cách cẩn thận. Trong tế bào ở động vật có vú, sự suy giảm tổng số axit amin là một tín hiệu mạnh cho autophagy, mặc dù vai trò của từng loại axit amin là rất khác nhau. Tuy nhiên, nồng độ plasma amino acid chỉ dao động chút ít. Tín hiệu của axit amin và yếu tố tăng trưởng / tín hiệu insulin được xem là hội tụ trên con đường của mTOR – đôi khi còn được gọi là bộ điều chỉnh chính của tín hiệu dinh dưỡng.
Vì vậy, xuyên suốt quá trình autophagy, các thành phần đã cũ trong tế bào được phân giải thành các axit amin thành phần (các khối tạo dựng cơ bản của proteins). Điều gì sẽ xảy ra với các axit amin này? Trong giai đoạn đầu của quá trình nhịn ăn, nồng độ axit amin bắt đầu tăng. Các axit amin sản sinh trong quá trình autophagy được cho là sẽ được vận chuyển đến gan tiếp đó để tạo glucose. Chúng cũng có thể bị phân hủy thành glucose thông qua chu trình axit tricarboxylic (TCA). Hoặc khả năng thứ ba là các axit amin này sẽ kết hợp tạo thành proteins mới.
Hậu quả của việc tích trữ nhiều proteins già nua trong cơ thể có thể thấy ở hai tình trạng: Bệnh Alzheimer (AD) và ung thư. Alzheimer liên quan đến việc tích tụ các proteins bất thường – hoặc amyloid beta hoặc Tau protein khiến tắc nghẽn hệ thống não. Thế nên cũng hợp lý khi nói rằng quá trình autophagy với khả năng bài trừ các proteins xấu có thể ngăn chặn sự phát triển của AD.
Điều gì vô hiệu hoá autophagy? Ăn uống. Cả glucose, Insulin (hay sụt giảm glucagon) và proteins đều làm ngưng quá trình tự làm sạch cơ thể này. Không cần một lượng lớn. Chỉ cần một lượng nhỏ axit amin (leucine) có thể chặn đứng quá trình autophagy. Vì vậy cơ chế autophagy chỉ có thể được kích hoạt khi thực hành fasting – một điều không thể tìm thấy ở các chế độ ăn kiêng hay việc giới hạn calories đơn giản thông thường khác.
Tất nhiên bạn phải giữ được mức cân bằng. Cơ thể bạn sẽ gặp vấn đề nếu autophagy diễn ra quá nhiều hoặc quá ít. Nó nhắc chúng ta nhớ đến vòng xoay tự nhiên của cuộc sống – feast (tiệc tùng) và fast (nhịn ăn), chứ không phải chỉ liên tục kiêng cữ ăn uống. Điều này sẽ cho phép cả sự tăng trưởng của tế bào trong quá trình ăn, và làm sạch tế bào trong quá trình fasting – cân bằng. Cân bằng là nghệ thuật của cuộc sống.
Tác giả: Bác sĩ Jason Fung
Biên dịch: Mai Nguyen
Hiệu đính: Prana
📌 Mua tạp chí Aloha (Giảm giá dịp Tết Canh Tý – 500k/24 volumes) ➡️ bit.ly/THDPmembership
📌 Volume 1, 2, 3 Free! (Click here)
📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
- Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
Người nhận: Vũ Thanh Hòa
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
Số TK: 0451000409314 - Chuyển tiền qua Paypal
Người nhận: Huy Nguyen
Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2