Albert Eisntein từng nói “Hãy kể chuyện truyện cổ tích cho trẻ em nếu muốn chúng trở nên thông minh.” Theo mình câu nói này chỉ cho thấy sẽ thật là không sáng suốt nếu lúc nào cũng làm theo lời khuyên của các thiên tài.
Có lẽ, các câu truyện cổ tích là một trong những bằng chứng tốt nhất cho quan điểm rằng lịch sử là câu chuyện của những người đàn ông. Lịch sử trong tiếng Anh là history, chứ không phải là herstory – it is his story, not her story.
Đó là những câu chuyện diễn ra trong chế độ phụ hệ. Ở đó, hầu hết các nhân vật chính hay những người hùng hiếm khi nào là các nhân vật nữ. Đó là thường là câu chuyện về những chàng trai ở hiền gặp lành được Trời thương Bụt giúp; hay là câu chuyện về những chàng trai thông minh hoặc có khả năng trừ ma diệt quỷ lên đường giải cứu công chúa & trở thành phò mã. Hoặc là câu chuyện về những chàng Hoàng Tử đi kiếm vợ.
Rõ ràng, đó là những câu chuyện dành cho các bé trai. Trong thế giới cổ tích, câu chuyện về các nhân vật nữ thì it ỏi về số lượng, buồn chán & thụ động về cốt truyện & tính cách.
Điển hình là câu chuyện Tấm Cám, được xem là câu chuyện cổ tích hay nhất thế giới. Và đây cũng là câu chuyện có nhiều văn bản tương đồng nhất trên khắp thế giới. Ước tính, tổng cộng có khoảng 1.500 câu chuyện tương tự nhau xoay quay motif của Cinderella. Mình thì chẳng hiểu tại sao nó lại được xem là hay nhất trong khi nó chỉ là câu chuyện về một cô gái hiền lành chỉ biết khóc, chờ đợi người khác giúp đỡ & cuối cùng may mắn lấy được hoàng tử.
Câu chuyện về Nàng Tiên Cá thì cũng chẳng khá hơn. Đó là một câu chuyện tuyệt vọng – một cô gái đánh mất tất cả vì đặt nhầm niềm tin vào một chàng hoàng tử bá vơ.
Bạch Tuyết & Bảy Chú Lùn – câu chuyện về nàng công chúa xinh đẹp chạy trốn & chờ đợi chàng hoàng tử của mình.
Hình ảnh các cô gái trong truyện cổ tích hầu như chỉ là các cô gái xinh đẹp, hiền lành, hay hát múa & chờ đợi chàng Bạch Mã Hoàng Tử đến cưới mình. Cuộc sống của họ là chuỗi của những nhẫn nhục & chờ đợi. Hạnh phúc của họ phụ thuộc vào việc xuất hiện của một chàng trai nào đó. Số phận của họ là bị chèn ép, bị giam giữ & được giải cứu.
Đó là những câu chuyện phiến diện & buồn chán cho các bé gái.
Đáng nguy hiểm là người ta vẫn kể những câu chuyện cổ tích đó. Các cô bé lớn lên với một cái la bàn sai lệch về cuộc sống hình thành từ những câu chuyện đó. Và rõ ràng, cô bé cũng chẳng hề có một hình mẫu nào để hướng đến và làm theo.
Những nhân vật nữ trong những câu chuyện cổ tích hiện đại thì khác – như cô bé Boo dũng cảm trong phim Monster Inc, công chúa Rapunzel xinh đẹp, thông minh & mạnh mẽ trong phim Tangled hay cô bé Merida bướng bỉnh trong phim Brave. Hay nhân vật nữ mà mình thích nhất là cô bé Hermione trong Harry Potter.
Đó là những câu chuyện của những cô gái mạnh mẽ & thông minh nỗ lực hết mình để đi tìm hạnh phúc. Họ không hề đóng vai phụ trong cuộc sống của mình bên cạnh những chàng trai khác & tự quyết định cuộc sống của chính mình chứ không chờ đợi ai đó đến giải cứu.
Đó là những câu chuyện nên kể cho các bé gái. Chúng sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, giúp hình thành một thế giới quan đúng đắn & lạc quan.
Khi cảm thụ 1 truyện cổ tích, hãy gắn nó vs thời điểm nó ra đời, bạn sẽ nhận ra, suy nghĩ của bạn ở hiện tại ko hề hợp vs thời xưa, suy nghĩ của bạn ở thời điểm đó có thể bị coi là ngông cuồng và phản loạn Bạn thân mến, bất cứ điều j cũng nên nhìn 2 mặt, ko hẳn truyện cổ tích là phiến diện và buồn chán đâu, bạn đã từng đọc bài học về Lọ Lem trong cách dạy của ng Mỹ chưa, họ dạy con trẻ những điều tốt và nhận ra điều chưa tốt trong mỗi nhân vật để sửa chữa. Đó mới là cách dạy đúng đắn. Hãy nghĩ thoáng hơn và tích cực hơn nhé 🙂
Mình rất thích ý tưởng ” câu chuyện dành cho những chàng trai, không phải cho những cô gái ” của tác giả, nhưng không biết liệu tác giả có vin vào điều đó mà gượng ép bài viết của mình ? Những nhân vật nữ trong truyện cổ tích ngày xưa theo tác giả là ” chỉ biết khóc “, ” chờ đợi người khác đến giải cứu”. ” bị chèn ép”…Theo mình truyện cổ tích dù xưa hay nay vẫn có cái hay cái dở, vấn đề là độc giả khai thác ở khía cạnh nào. Theo như quan điểm của tác giả về tính cách của những nhân vật nữ trong truyện cổ tích như thế thì những nhân vật nam nào có khá khẩm gì hơn. ” Ông lão đánh cá và con cá vàng” cũng chỉ là một câu chuyện về một người chồng nhu nhược, chăm chăm nghe lời vợ đến nỗi mất đi cơ hội quý giá có được từ lòng tốt của mình. Còn truyện ” Cây khế ” thì sao? Một bên là người anh tham lam, không kể chi đến tình máu mủ ruột rà, một bên là người em khờ khạo, không biết tranh đấu cho quyền lợi của mình, và để lòng tốt của mình bị lợi dụng… Nếu cứ khai thác một cách phiến diện như thế thì thiết nghĩ truyện-cổ-tích-cũng-không-hề-an-toàn-cho-những-bé-trai.
chuẩn vãi :v
Mình ủng hộ quan điểm của tác giả trong bài viết này . Tuy nhiên cũng
không cho là ” các cô bé lớn lên với một cái la bàn sai lệch về cuộc
sống hình thành từ những câu chuyện cổ tích đó” . Mỗi câu chuyện cổ tích
đều chứa những giá trị nhân văn nhất định , và Albert Eisntein đã không
sai khi cho rằng “Hãy kể chuyện truyện cổ tích cho trẻ em nếu muốn
chúng trở nên thông minh.” Vấn đề là thời đại thay đổi thì tư tưởng con
người cũng sẽ thay đổi và điều đó sẽ được phản ánh trong những câu chuyện cổ tích thời hiện đại như chúng ta đã biết.
Việc tư tưởng của một sản phẩm văn
học nào đó không còn đúng hay không còn hợp thời đó cũng là chuyện bình
thường. Hãy cứ trân trọng những giá trị nhân văn còn lại của nó và cũng
đừng cho rằng nó có ” sự nguy hiểm ” hay ” đó là những câu chuyện phiến
diện & buồn chán cho các bé gái “. “Nguy hiểm, phiến diện & buồn
chán” hay không là do cái cách chúng ta hướng dẫn thế hệ trẻ đánh giá ,
nhìn nhận mà thôi !
Mình cảm thấy. Các nhân vật nữ trong các câu chuyện bạn nói hầu hết đều vô cùng dũng cảm.
Tấm, và Cinderella đều là những cô gái vô cùng chăm chỉ, và luôn nỗ lực. Chỉ tiếc là. Xã hội thu nhỏ của họ. Bất công. Vì thế, những câu chuyện mới đem tặng các cô gái một thứ, à, đó không hẳn là thần, tiên, bụt gì đâu. Đó là hy vọng. Mình cảm thấy, hình như bạn hơi may mắn. Nên bạn có vẻ coi thường sự may mắn thì phải.
Đối với mình, mình luôn cảm thấy đau xót cho nàng tiên cá. Mình nói thật. Vì nàng quá dũng cảm. Và chân thành. Và quá giàu đức hy sinh. Andersen, kể chuyện thực, bạn ạ, đôi khi ông ấy chẳng kể chuyện cổ tích.
Mình thích cách bạn nói về lòng dũng cảm, tự tin và ước mơ của những cô gái. Vì thế mình cũng rất thích các phiên bản cổ tích của Walt disney. Ở đó, nàng tiên cá bé nhỏ, khao khát những điều mới mẻ, khao khát yêu thương. Và cô ấy đánh đổi. Có hạnh phúc thật sự nào không đánh đổi bởi đau thương. Và Cinderella, quay trở lại, giúp em gái hờ có tình yêu đích thực.
Mình ko xem nhiều phim, đọc thật nhiều truyện cổ tích. Nhưng mình thích nhất nhân vật Jasmine. Và mình chẳng thấy có gì đáng nguy hiểm, khi xây dựng niềm tin cho trẻ thơ vào thế giới. Có thế giới nào, nhiều lạc quan bằng những câu chuyện cố tích? Doremon, cũng là một câu chuyện cổ tích, theo cảm nhận của mình.
Bạn ạ, thực ra, nhân vật hoàng tử trong những câu chuyện cổ tích, không phải là nhân vật chính. Họ sinh ra, đã là hoàng tử. Có thể họ gặp chút khó khăn để đi tìm tình yêu của mình. Nhưng rất nhiều truyện cổ tích, người ta, gửi gắm vào người con gái.
Bạn, hãy sống thật mạnh mẽ nhé.
Cảm ơn bạn, vì bài viết.
Tôi rất bất ngờ khi bạn có tựa như vậy, Tôi nghĩ rằng sẽ tìm thấy ở bạn điều gì mới mẻ lắm. Nhưng tôi cho rằng bài viết của bạn có phần như một nhát gừng nhỏ. Văn học dân gian Việt Nam nói chung dành một chỗ đừng đáng trân trọng cho người phụ nữ, và thể loại truyện cổ tích nói riêng cũng góp phần làm nên tính cách đặc trưng của người nữ Việt. Nói chung, đó là một đề tài cần phương pháp nghiên cứu và góc nhìn toàn diện hơn.
Cảm ơn bạn nhiều!
Quan điểm của bạn có phần đúng nhưng mình không đồng ý hoàn toàn. Ví dụ như chuyện nàng tiên cá, nghiên cứu kỹ thì mình không nghĩ đó chỉ đơn giản là một câu chuyện tuyệt vọng về nàng tiên cá đặt niềm tin vào hoàng tử. :).
Ngược lại mình thấy đấy là câu chuyện mở ra nhiều hy vọng đấy chứ. Tóm lại, những câu chuyện cổ tích chả có vấn đề gì cả, vấn đề là ở cách nhìn nhận và giải thích của mỗi chúng ta thôi.
theo mình sự thật thà, dũng cảm, tốt bụng và 1điều quan trọng cái thiện luôn chiến thắng cái ác là những giá trị cốt lõi mà các câu chuyện cổ tích mang lại cho các em nhỏ, đừng phũ nhận điều đó, đừng chỉ trích nó sẽ làm lệch hướng bọn trẻ
Chào bạn, mình thật ngạc nhiên khi thấy bạn mất công khảo mô- típ Tấm Cám mà không biết được rằng Tấm từ thụ động chuyển sang chủ động trong cuộc sống của mình, đến mức kết thúc truyện Tấm Cám đến giờ còn bàn cãi… TCT ra đời khi xã hội đã phân chia giai cấp, và theo lẽ đó, những người em út, người con riêng… đều có thể là chàng trai hay cô gái… Nhìn chung, bạn có thể ko cần đọc TCT cho con mình nghe, nhưng bé sẽ sớm đọc TCT như 1 cách tiếp cận tự nhiên của lứa tuổi.
Cá nhân mình nhìn theo chiều hướng cân bằng. Các câu chuyện cổ tích kể cả cho nó có chiều hướng xây dựng một hình mẫu cho các bé gái noi theo thì điều đó cũng rất tốt. Xã hội con người sẽ ko thể tồn tại, lịch sử loài người chả thể dài nếu như chỉ có mỗi người đàn ông. Vai trò của người phụ nữ từ xưa đến nay ko phải là lao ra ngoài đường, chui vào những khu vực nguy hiểm mà vài trò của họ là phải ở những nơi thật sự an toàn để nuôi dưỡng thế hệ tương lai của con người.
Góc nhìn của Bạn là góc nhìn của một người trẻ với xu hướng của thời thế, nơi những cô gái cần phải mạnh mẽ, thông minh, can đảm tự làm chủ số phận của bản thân như Merida hay Hermione. Nhìn lại các hình mẫu nữ giới trong một tiến trình lịch sử thông qua phim ảnh cho thấy xã hội đã phát triển ở mức độ nào.
Tuy nhiên Chuyện cổ tích bản thân nó không đặt ra mục tiêu là xây dựng hình mẫu cho thế hệ sau noi theo, nó thể hiện những trói buôc. những lề thói, và bên cạnh đó là ước mơ, khát khao của con người có thể là trong cả một giai đoạn lịch sử nhất định. Bạn có thể thấy những hình mẫu trong chuyện cổ tích không còn phù hợp với thực tại, vậy thì chỉ cần không noi theo hình mẫu đó, chỉ cần sau này nhắc nhở con cháu bạn không noi theo, nhưng không có nghĩa là nó không còn những giá trị đáng trân trọng khác cần được học hỏi. Vì thế đừng nên vội vàng kết luận “Đó là những câu chuyện phiến diện & buồn chán cho các bé gái.”.
Cảm ơn vì Bài viết và Góc nhìn của Bạn 🙂