27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sự lựa chọn giữa cao đẳng và đại học

Featured Image: Fadelf Kuzins

 

Đứng trước ngưỡng cửa của sự lựa chọn giữa cao đẳng hay đại học, hiển nhiên ai cũng chọn đại học rồi, khỏi cần bàn. Vì “đại học ”bản thân hai từ ấy từ xửa từ xưa đã là niềm mơ ước của tất cả mọi người khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa kể các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình kèm theo. Ở đây tôi chỉ đề cập đến ranh giới chơi vơi giữa trượt đại học và đỗ cao đẳng. Nếu bạn còn đang băn khoăn có nên đi học cao đẳng hay ở nhà ôn tiếp một năm nữa để thi đại học và phải đỗ bằng mọi giá mới thôi, thì tôi xin kể lại câu chuyện của chính mình cách đây 15 năm.

Khi ấy cũng như bạn bè cùng thời, tôi ấp ủ bao nhiêu ước mơ, hy vọng về một thế giới rộng lớn, tươi đẹp sau cánh cổng trường đại học. Trong đầu óc tôi chỉ đại học mới có được điều đó, đơn giản là vì chả thấy ai nói sau cánh cổng trường cao đẳng bao giờ. Thế là, với một tâm niệm duy nhất là đỗ đại học và chỉ đại học mà thôi nên năm đầu tiên làm hồ sơ dự thi, tôi tự tin, kiêu hãnh tuyên bố không thi cao đẳng, thà trượt một năm đại học còn hơn là đi học cao đẳng.

Chắc tuyên bố ấy “hoành tráng” quá, nên tôi “trượt cái oạch”. Thiếu nửa điểm thôi nhưng trượt vẫn là trượt, chẳng ai bảo cái đứa ấy trượt mà vẫn giỏi cả. Một năm đau khổ, oán hận đầy mình, đóng cửa học hành, không dám ngẩng mặt nhìn ai. Đến năm thứ hai thi đại học, bắt đầu biết “sợ”, thôi thì cứ thi thêm cao đẳng cho chắc, mặc dù chẳng mặn mà gì. Buồn thay lại trượt, tuy điểm năm sau có cao hơn năm trước tí ti. Ôi chao lúc này “sức đã cùng lực đã kiệt”, mơ ước duy nhất là đi học, đi học và chỉ đi học mà thôi. Đúng lúc ấy trường cao đẳng mà tôi luôn “hạ bệ” trong suy nghĩ có giấy gọi. Như chết đuối vớ được cọc, tôi vội vã làm thủ tục nhập học, không còn dám so đo hơn kém nữa.

Nhưng có một thực tế là suốt những năm học ở đó, tôi vẫn luôn mặc cảm với từ cao đẳng. Đi đâu, nhỡ có ai hỏi: “Cháu học trường gì?” Thôi thì cứ nói chung chung là sư phạm, ai biết đấy là đại học hay cao đẳng, chẳng may đôi lúc cũng có người truy tìm đến ngọn nguồn gốc rễ lại hỏi tiếp “Thế cháu học sư phạm ở đại học hay cao đẳng?” Trời ạ, nói dối thì hổ thẹn với lương tâm mà nói thật thì sao khó khăn thế, cứ lý nha lý nhí. Nào chỉ có thế, ngồi giữa một đám bạn cũ toàn đỗ đại học , bọn nó khoe trường tao thế này trường tao thế kia mà mình chẳng dám mở miệng khoe gì về trường mình. Thấy nó cứ ngài ngại làm sao ấy. Thậm chí tôi còn thấy cái mác sinh viên hơi cao xa quá so với mình.

Mặc dù thời gian học ở trường cao đẳng tôi luôn cố gắng nằm trong số những người nổi bật. So với các bạn học cùng lớp thì tôi có vẻ tự tin, năng nổ hơn một chút. Tôi dần khám phá ra mình có khả năng ăn nói lưu loát trước đám đông, nếu thời học sinh tôi luôn bị động, rụt rè, lo sợ khi bị gọi bất chợt thì bây giờ hoàn toàn ngược lại, bất kể lúc nào tôi cũng có thể trả lời lưu loát, rõ ràng những suy nghĩ của mình. Thậm chí tôi còn cho đó là cơ hội thể hiện bản thân, để khẳng định mình với mọi người. Thật lạ! Nhưng chẳng phải tôi bỗng dưng thông minh, tài giỏi hơn đâu, chẳng qua là tôi thấy mạnh dạn, tự tin hơn trong một môi trường vừa sức. Bỏ qua tất cả những yếu tố mà cao đẳng còn thua kém Đại học như trình độ giảng viên, cơ sở trang thiết bị, giáo trình… thì đây là điều mà tôi thấy may mắn vì đã học cao đẳng.

Điều hay ho thứ hai nữa là khi mấy đứa bạn thân của tôi thi đỗ đại học ngay năm đầu, ra trường thì tôi cũng ra trường vì đại học học những 4 năm, còn cao đẳng chỉ học có 3 năm thôi. Thế là tuy chậm hơn so với điểm xuất phát nhưng thời gian về đích là như nhau. Đến khi vác đơn xin việc, chúng tôi cùng đậu công chức như nhau. Bạn tôi dạy cấp 3, còn tôi dạy cấp 2, không sao đều là giáo viên cả mà,đều là ăn lương tập sự như nhau, và cũng chẳng ai hơi đâu đi so sánh khập khiễng kiểu như giáo viên cấp 3 chắc chắn phải giỏi hơn giáo viên cấp 2, vì mỗi cấp học có một đặc thù khác nhau. Đến lúc này, tôi mới phần nào vơi đi những mặc cảm giữa cao đẳng và đại học.

Trong thời gian đi làm tôi vẫn giữ vững phong độ thời sinh viên nghĩa là cố gắng để mình không đứng phía sau. Kết quả là công việc đã không phụ lại tâm huyết của tôi. Là giáo viên dạy giỏi, được học sinh yêu mến, đồng nghiệp nể trọng, như thế có thể tạm coi là một thành công nho nhỏ rồi.
Tôi viết bài này không nhằm mục đích đề cao cao đẳng mà chỉ dùng kinh nghiệm bản thân để khuyên một ai đó đừng vì cái sự “oai hão” mà để tuột mất cơ hội của bản thân. Cao đẳng hay Đại học không quan trọng mà quan trọng là bạn đã học được gì ,đã làm việc như thế nào sau khi ra trường. Chất lượng công việc mới là vấn đề mấu chốt quyết định sự thành bại của bạn chứ không đơn thuần là sự đánh giá về bằng cấp.

 

 Phương Liên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. câu chuyện của cô như cho em có thêm 1 niềm tin vào cuộc sống phía trước, bất cứ đi theo con đường nào chỉ cần cố gắng là sẽ được. Nhưng cô ơi, khi mà xã hội bây giờ luôn cần có tấm bằng đại học hay hơn thế nữa, và đôi khi người ta luôn lo sợ đại học ra trường tìm việc luôn còn là 1 điều chông chênh, thì cao đẳng lựa chọn của chính bản thân em bây giờ , luôn làm cho em đi cảm thấy bâts an

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI