28 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sự Đơn Độc là Đích Đến Cuối Cùng

Vậy thì nguyên nhân gốc rễ ở đây là gì? Đó là tâm trí chúng ta không chịu được sự đơn độc. Hay nói khác hơn là chúng ta không được rèn luyện để chịu đựng sự đơn độc. Đây là vấn đề lớn mà không chỉ người bị trầm cảm, mà cả người “bình thường” đều gặp phải.

• • •

Tâm trí chúng ta không chịu được sự đơn độc

đơn độc

Khi tôi trò chuyện với một người anh bị trầm cảm gần chục năm thì nhận ra một vấn đề rất lớn là hầu hết mọi người khó ở một mình, không làm gì và không giao tiếp với ai.

Trước đây anh là một đầu bếp cho một nhà hàng, là một người hoạt bát, có vợ và một bé gái xinh xắn. Nhưng từ lúc anh bị trầm cảm thì vợ chồng anh đã ly dị, vợ anh giành quyền nuôi con. Bây giờ anh không có gì cả ngoài việc “chiến đấu” với căn bệnh này. Hàng ngày anh phải đi nhặt ve chai để kiếm sống.

Anh nói rằng từ lúc anh bị trầm cảm thì không có bạn bè hay ai khác để trò chuyện, thực ra điều này cũng khiến cho bệnh tình của anh không thuyên giảm được.

Vậy thì nguyên nhân gốc rễ ở đây là gì? Đó là tâm trí chúng ta không chịu được sự đơn độc. Hay nói khác hơn là chúng ta không được rèn luyện để chịu đựng sự đơn độc. Đây là vấn đề lớn mà không chỉ người bị trầm cảm, mà cả người “bình thường” đều gặp phải.

Thông thường tâm trí con người luôn luôn tìm kiếm những gì ở bên ngoài, nhất là những người có tâm lý hướng ngoại (extraversion). Họ sẽ luôn tìm kiếm sự giao tiếp xã hội chủ yếu là để thể hiện cái tôi (ego) của mình. Điều này vô tình tạo nên sự phụ thuộc vào cái bên ngoài, nên khi ở một mình họ sẽ có cảm giác cô đơn, trống trải khiến cho tâm trí của họ không thể chịu nổi.

Một người hướng ngoại có thể sẽ không nhận ra được giá trị của việc ở một mình là như thế nào vì họ mải mê chạy theo các mối quan hệ bên ngoài, tìm kiếm những thú vui (dopamine) từ những cuộc trò chuyện, những bữa tiệc, những sự đánh giá từ bên ngoài hơn là nhìn vào bên trong họ.

đơn độc

Đây có thể là một điều nguy hiểm đối với tinh thần họ, vì nó có thể gây ra mất cân bằng trong sự phát triển tâm lý.

Tương tác xã hội không phải là chìa khoá cho cảm giác cô đơn

Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của tương tác xã hội đối với sức khỏe tinh thần của con người trong thời đại ngày nay (thời đại mà smartphone và internet đang chiếm ưu thế).

Nhưng việc phụ thuộc vào tương tác xã hội cũng là một vấn đề cần lưu ý của tâm trí con người. Khi bạn quá phụ thuộc vào nó, bạn sẽ khó thích nghi với một cuộc sống đơn độc.

Bạn nên nhớ rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng có sự tương tác với thế giới bên ngoài, hãy nghĩ đến một lúc nào đó bạn trở nên già nua và bệnh tật, không có ai xung quanh để trò chuyện thì tâm trí bạn sẽ như thế nào? Hay là khi bạn bị một căn bệnh (hoặc tai nạn) khiến cho bản thân không thể đi lại được, hoặc không thể giao tiếp được thì sẽ ra sao?

Nếu bạn không học cách sống một mình thì tinh thần của bạn sẽ dễ dàng bị suy sụp và khó có thể hồi phục được.

Chuẩn bị cho “trầm cảm”

đơn độc

Ai trong chúng ta cũng đều có “nguy cơ” bị trầm cảm. Cho dù bạn là một CEO, một vận động viên marathon, một nghệ sĩ, một diễn viên, hay một nhân viên văn phòng thì có thể một lúc nào đó bạn sẽ phải đối diện với một cơn trầm cảm dù nặng hay nhẹ.

Và cảm giác cô đơn là một trong những “triệu chứng” phổ biến của trầm cảm.

Cảm giác cô đơn là một dấu hiệu cho thấy rằng đã đến lúc bạn cần phải nhìn vào bên trong chính mình để cân bằng lại cuộc sống. Đây có thể là sự mất cân bằng giữa đời sống tinh thần bên trong và sự “sở hữu” (vật chất, khả năng, tri thức, danh tiếng, địa vị, gia đình, tình cảm,…) bên ngoài. Khi bạn bị trầm cảm thì cảm giác cô đơn này sẽ nhân lên gấp nhiều lần so với lúc thông thường.

Việc chấp nhận và thực hành sống trong đơn độc là một bước chuẩn bị cần thiết cho bạn có thêm khả năng đối phó với cơn trầm cảm của mình.

Bạn sẽ chết một mình

Không có gì chắc chắn hơn là cái chết sẽ đến với tất cả chúng ta.

Bạn sẽ phải đối diện với cái chết một mình. Sẽ không ai có thể đồng hành cùng bạn để trải nghiệm chung cái chết này. Không ai có thể giúp bạn, cái chết là một con đường độc hành, bạn phải trải nghiệm nó một mình.

Học cách chấp nhận và thực hành sống trong sự đơn độc cũng là một bước chuẩn bị cho hành trình xa hơn của cuộc đời bạn. Đó là hành trình đi qua cái chết.

Làm sao để học cách sống một mình?

Chúng ta thường hay nghe đến những lời khuyên như: “Con người là động vật xã hội, và chúng ta cần giao tiếp để sống khoẻ mạnh, chúng ta cần phải chiến đấu với sự cô đơn bằng cách cải thiện các mối quan hệ xã hội, cải thiện khả năng giao tiếp của mình.”

Nhưng điều này là sai lầm khi bạn muốn chiến đấu với một thứ vô hình như cảm giác cô đơn. Làm sao bạn có thể chiến đấu với nó nếu bạn không thấy được sự hiện diện của nó? Làm sao bạn có thể chiến đấu với sự ảo tưởng của chính mình? Đừng chiến đấu, hãy chấp nhận nó như một phần trong cuộc sống của mình.

Hãy chủ động đối diện với cuộc sống đơn độc thay vì chờ đợi nó đến. Hãy đối diện với cảm giác cô đơn của chính mình.

Thiền định là một cách thực hành để bạn có thể đối diện với cảm giác cô đơn này trong sự nhận biết. Khi bạn đi vào trạng thái định (samadhi) thì đó cũng giống như bạn đang đi vào cái chết của bản ngã. Ở đó bạn có thể “diễn tập” đối diện với cái chết một mình. (Bản thân người viết vẫn chưa trải nghiệm được điều này)

Hãy trải nghiệm mọi thứ một mình: đi du lịch một mình, đi ăn một mình, xem phim một mình,… và nhận biết được cảm giác cô đơn khi nó đến. Cảm giác đó có phải là thực không? Hay chỉ là từ những suy nghĩ của bạn tạo nên cảm giác đó? Hay do những niềm tin sai lầm bên trong bạn?

Hãy cảm nhận điều đó trong sự nhận biết và bạn có thể sẽ có câu trả lời cho riêng mình.

Viết nhật ký mỗi ngày cũng là một cách để rèn luyện đón nhận sự đơn độc. Khi viết nên những dòng suy nghĩ, những cảm xúc bạn có thể dễ dàng đối diện với cảm giác cô đơn của chính mình.

Tập những môn thể thao “một mình” như đi bộ hay chạy bộ và tận hưởng không khí trong lành có thể giúp chúng ta xua tan đi những năng lượng tiêu cực và tăng cường sự kết nối với thiên nhiên.

Khi bạn tạo lập được những thói quen “một mình” này thì não bộ có thể sẽ tự điều chỉnh theo đó và cảm giác cô đơn sẽ giảm dần theo thời gian.

Tôi tin rằng trở nên cô độc là bản chất tự nhiên của con người như Osho đã nói: “Sự đơn độc là bản chất của bạn; Bạn được sinh ra một mình, bạn sẽ chết một mình.” Và mỗi người dù là người hướng nội hay hướng ngoại cũng nên chấp nhận và trân trọng sự đơn độc. Vì cuộc sống là vô thường, bạn không thể biết trước được tương lai của chính mình. Việc đón nhận sự đơn độc là một thực hành quan trọng để chuẩn bị tinh thần cho những nghịch cảnh trong hành trình của cuộc đời này.

Và nên nhớ rằng tất cả chúng ta đều phải chết một mình.

Tác giả: Hùng Thế Hiển

(Bài viết được tác giả đăng vào THĐP’s Discord)

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,880Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI