30 C
Nha Trang
Thứ sáu, 25 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 34

Làm sao để vượt qua hai thái cực Cứng nhắc và Buông thả?

0

Có thể các bạn ở đây đã từng nghe tới câu chuyện Đức Phật ví con đường trung đạo như sợi dây đàn. Sợi dây ấy không quá căng cũng không quá chùng. Nó cân bằng nên phát ra âm thanh ổn định và êm ái.

Trước kia, tôi từng nghĩ rằng mình hiểu được câu chuyện minh họa này, nhưng nó chỉ thực sự thấm vào nhận thức khi tôi đi qua những trải nghiệm cực đoan trong đời sống. Hay nói cách khác, tôi đã rơi vào những tình huống được mô tả như sợi dây căng và sợi dây chùng mà Đức Phật đã từng nói tới. Có thể một số bạn ngoài kia cũng không tránh khỏi một trong hai trạng thái này nên tôi muốn chia sẻ về nó để chúng ta có cái nhìn rõ ràng về những gì mình nên làm để có được cân bằng trong cuộc sống. Trong bài viết này, tôi tạm gọi hai trạng thái cực đoan đó là cứng nhắc và buông thả. Cụ thể thế nào, các bạn cùng theo dõi.

Từ thuở nhỏ cho tới khoảng vài tháng trở lại đây, tôi thường sống với quán tính của một người ưa lập kế hoạch, sống theo nguyên tắc, lịch trình, ưa đào sâu vào mọi thứ. Một khi đã động tay làm việc gì thì luôn muốn làm nó xong ngay và thật hoàn hảo. Hầu như chuyện hình thành thói quen mới là không quá khó đối với tôi. Đồng thời, tôi cũng có những tham vọng và động lực lớn trong cuộc sống. Nhưng dần dà, quán tính này càng trở nên áp đảo cực đoan và nó biểu hiện trong tôi một sự cứng nhắc, khó đổi và khắt khe. Hễ có một chuyện gì đó chen ngang vào bản kế hoạch là tôi thấy bất an, khó chịu và dường như không thể chấp nhận nổi. Mặt tối của sự cực đoan này là tính bảo thủ, khó thích nghi, khó cảm thông và chống cự lại mọi sự biến đổi trong cuộc sống. Càng mang những quán tính này lâu dài, tôi càng cảm thấy căng thẳng, bức bách, không có sự ngơi nghỉ, thậm chí cảm thấy bị đe dọa bất an khi có những thay đổi đột ngột diễn ra. Trớ trêu thay, cuộc sống thì luôn đầy rẫy những sự biến đổi.

Cho đến một ngày nọ, khi thái cực cương cường kia đạt đỉnh, nó bỗng đảo cực thành một thứ đối lập. Tôi cảm thấy mình không còn muốn lập kế hoạch cho chuyện gì nữa, tầm nhìn hay định hướng cuộc sống tương lai của tôi suy giảm. Trong tôi có thái độ rằng: “Đến đâu hay đến đó, ngày nào biết ngày nấy” và phó mặc tất cả cho cuộc sống, còn bản thân mình thì trì hoãn chẳng làm gì cả. Sự tập trung của tôi giảm sút, rất khó để tôi có thể ngồi vào bàn và thực hiện công việc như mọi khi trong khoảng vài ba tiếng. Tôi muốn thư giãn, nghỉ ngơi, đặc biệt là ngủ nhiều hơn hẳn trước kia. Động lực và tham vọng trong cuộc sống dần biến mất. Trong trạng thái đó, tôi chỉ ước rằng mình không phải làm gì “nặng nhọc” cả, chỉ cần ngày ngày ở nhà dọn dẹp, nấu nướng, xem phim thôi, chẳng cần phải có một con đường sự nghiệp gì. Tôi đã ước sao có ai đó nuôi tôi cả đời như vậy. Lúc đó, tôi thấy mình mất hết ý chí sống, thậm chí mất luôn cả lòng tự trọng.

Nhưng may thay, trải nghiệm đó chỉ kéo dài khoảng vài tháng, đủ để tôi nếm trải và hiểu ra rằng nó và thái cực căng thẳng trước kia như hai mặt của một đồng xu. Khi bức bối cứng nhắc quá thì chúng ta có xu hướng muốn buông thả, phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Rồi đến khi buông thả quá mức thì ta lại thấy bất an xáo trộn và muốn xây dựng lại các cấu trúc và nguyên tắc, hoặc muốn dựa dẫm vào ai đó có được sự cứng cáp, ổn định đó. Tôi đã nhìn thấy nó như một vòng lặp vô tận không có hồi kết thúc, luẩn quẩn trong tự phụ và tự ti, căng cứng và uể oải, tham vọng và nhụt chí, nóng nảy và nguội lạnh,…

Có thể nói, những sự cực đoan luôn đi với nhau theo từng cặp. Chúng khiến cho một người phải chơi trò tàu lượn lên đỉnh rồi xuống đáy. Đi cùng với đó, tâm trạng của họ cũng không ổn định mà liên tục bị xáo động, hết vui sướng rồi lại buồn khổ, lao từ cực này đến cực kia. Người đó chẳng hề có được sự bình an trong tâm hồn, chẳng có phút giây nào hài lòng với cuộc sống. Đây chẳng phải là một sự trầm luân trong bể khổ hay sao?

Kể từ khi trải qua hai thái cực và hiểu được những mặt tối của chúng, tôi bỗng bừng tỉnh rằng con người chúng ta cần phải biết cân bằng hai kiểu năng lượng đó, như cân bằng sợi dây đàn, không để nó quá căng hay quá chùng. Khi ấy, những thái cực mới biểu lộ những mặt tích cực của nó, là sự kỷ luật và quy phục. Kỷ luật + Quy phục = Flow.

Lý trí, định hướng sống, các kế hoạch là cần thiết, chúng giúp một người có tâm thế vững chãi an ổn. Chúng giúp họ vươn lên, đứng thẳng và nhìn thẳng. Những cấu trúc tạo nên sự tự tin cho người đó và là điểm tựa vun đắp những giá trị sống của họ, sắp xếp cuộc sống của họ vào một trật tự. Đây là biểu hiện tích cực của nguyên lý dương.

Còn những sự nghỉ ngơi, trực giác và khả năng thích nghi cũng là một nửa quan trọng không kém. Chúng giúp một người có sự lạc quan, tận hưởng và khiêm nhường. Đôi tai người đó sẽ lắng nghe nhiều hơn, trái tim người đó sẽ mềm mại hơn. Những ân sủng cuộc đời tuôn chảy trong sự thư thái của tâm hồn của họ. Đây là biểu hiện tích cực của nguyên lý âm.

Khi dương lấn át âm thì sinh ra sự tiêu cực là tính cứng nhắc, khắt khe, bảo thủ và kém đức tin. Khi âm áp đảo dương thì sinh ra sự tiêu cực là tính nhu nhược, lười nhác, vô hướng và mê tín. Còn khi ai thái cực cân bằng thì cá nhân ấy được sống trong sự hòa hợp âm dương, một trạng thái bình an tự nhiên trong tâm hồn. Lúc này, lý trí của người đó sáng suốt quyết đoán, còn trái tim thì nhạy cảm linh hoạt. Tất cả đều rạng rỡ, hài hòa và êm ái.

Bình thường, nếu một người trải nghiệm sự phân bố không đồng đều của âm dương trong cuộc sống thì ắt sẽ nếm trải những tiêu cực đau khổ. Theo lý thuyết, người đó có thể luyện tập bổ sung thêm phần âm hoặc phần dương còn thiếu. Ví dụ như tập xây dựng kế hoạch nếu bản thân biếng nhác, hoặc tập thư giãn thả lỏng khi bản thân quá ôm đồm,…. Nhưng theo tôi thường thấy trong thực tế, để làm được việc này thì một người phải rất kiên trì nỗ lực thì mới thành công. Còn không, đa số mọi người đều phải trải nghiệm các điểm cực để hiểu ra mọi chuyện. Điều này có nghĩa là chúng ta giác ngộ thông qua việc nếm trải tận cùng đau khổ. Theo cách nói nghiêm khắc của dân gian, đây là trường hợp “thân lừa ưa nặng.” Còn tích cực hơn, theo cách nói của William Blake thì “Con đường của sự cực đoan dẫn tới cung điện của trí tuệ.”

[THĐP Translation™] 20 trích dẫn hay nhất từ William Blake: https://bit.ly/2Sf8mp4

Vậy nên trong hiện tại, nếu bạn đang ở trong những trạng thái chưa cân bằng, quá cứng nhắc hoặc quá buông thả, thì hãy hiểu rằng đây là những điều đang cần được chuyển hóa để bạn có thể trở nên một phiên bản hài hòa hơn. Hãy kiên nhẫn với chính mình, để ngụp lặn, quan sát, và hiểu ra bản chất của những thái cực đó. Chỉ khi nào tự mình hiểu ra, bạn mới có thể nhận thấy điểm cân bằng tự nhiên bên trong tâm hồn.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: Zohre Nemation Unsplash

💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

[THĐP Translation™] Tôi không cần biết bạn tâm linh như thế nào

0

Tôi không cần biết bạn tâm linh như thế nào. Bạn có thể đổ mồ hôi trong phòng xông hơi bao lâu. Bao nhiêu cú trip peyote hay ayahuasca bạn đã trải qua, bao nhiêu chế độ ăn kiêng bạn đã thực hành thành thạo, hay bạn có thể giữ tư thế con quạ tốt như thế nào. Tôi không quan tâm hành tinh nào rơi vào cung nào trên biểu đồ ngày sinh của bạn, hoặc thiền định của bạn “tĩnh lặng” như thế nào. Tôi không quan tâm bạn có bao nhiêu cục đá thạch anh, hay bạn đã bao lâu rồi không ăn đường, muối, gia vị hoặc tình dục, hay chế độ ăn của bạn thuần chay như thế nào.

Tôi muốn biết bạn có tính người như thế nào. Bạn có thể ngồi dưới chân người hấp hối mặc cho sự khó chịu không? Bạn có thể ở bên nỗi đau của mình hay của tôi mà không cố gắng khuyên nhủ, sửa chữa hay duy trì nó không? Tôi muốn biết rằng bạn có thể sống trong hiện tại bất kể bạn có rạng rỡ hoặc không, hay các luân xa của bạn có khai mở hoặc chưa. Bạn có thể giữ không gian yêu thương cho những người thân yêu của bạn trong sâu thẳm của sự chữa lành của chính bạn mà không cần phải ra vẻ?

Tôi không thấy ấn tượng dù bạn có tham gia bao nhiêu khóa đào tạo chữa lành online, dù bạn sống trong sa mạc, rừng rậm hay trong một chòi gỗ, hay bạn đã thành thạo nghệ thuật tantra.

Điều khiến tôi thích thú là đôi tay bận rộn, gieo trồng những gốc rễ. Rằng dù bạn có mệt mỏi thế nào, bạn gọi cú điện thoại đó, bạn lên chuyến bay đó, bạn yêu thương con cái bạn, bạn nuôi sống gia đình bạn.

Tôi không quan tâm dù bạn có thể thăng lên 5D, du hành thể vía, hay quan hệ tình dục ngoài cơ thể như thế nào. Tôi muốn xem bạn hòa nhập vào thực tại bình thường một cách tuyệt vời như thế nào với bí thuật độc đáo của mình, cách bạn tìm thấy vẻ đẹp và lòng biết ơn ở những thứ xung quanh mình, và bạn có thể hiện diện như thế nào trong các mối quan hệ của mình. Bạn nắm giữ những người bạn yêu thương trong một cuộc xung đột như thế nào? Bạn chịu trách nhiệm về phần mình như thế nào? Bạn cải thiện như thế nào?

Tôi muốn biết rằng bạn có thể có mặt và làm những điều khó khăn và thánh thiện trên Trái đất lộn xộn đẹp đẽ này. Tôi muốn thấy rằng bạn có thể chân thành, vững chãi và từ bi cũng hệt như bạn mạnh mẽ, máu lửa và hấp dẫn. Tôi muốn biết rằng ngay cả khi đang có được thành tích, bạn vẫn có thể lùi lại và đủ khiêm tốn để vẫn là một học trò.

Điều đẹp đẽ, gợi cảm và chân thực là bạn có thể tiếp tục chúc mừng những người khác cho dù bạn đã trở nên rất tiến bộ. Điều thực sự đáng khen là bạn có thể cống hiến bao nhiêu mặc dù bạn đã khiến bản thân được đủ đầy. Thành thật mà nói điều thực sự có giá trị là bạn có thể trở thành một con người tốt hơn như thế nào, trong một thế giới rất tâm linh-duy vật, và đu theo những kiểu trốn chạy mới vì “tự do”.

Nói tóm lại, tôi không quan tâm bạn dũng cảm như thế nào, làm việc năng suất như thế nào, nổi tiếng như thế nào, hay bạn đã giác ngộ như thế nào. Nói tóm lại, tôi muốn biết rằng bạn tốt bụng, rằng bạn đã sống thật. Tôi muốn biết bạn có thể thỉnh thoảng bước xuống bệ để hôn lên mặt đất và để cho tóc tai tay chân lấm lem bùn đất, và cùng tham gia khiêu vũ với tất cả chúng ta.

Tác giả: Taylor Rose Godfrey
Biên dịch: Prana

Photo by Mohamed Nohassi on Unsplash

💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Giác ngộ không phải là một con đường dành cho người yếu đuối

0

Giác ngộ không phải là một con đường dành cho những trái tim yếu đuối. Cuộc đời sẽ khiến bạn phải khiêm tốn. Bạn sẽ quỵ ngã nhiều lần, rất nhiều lần.

Những gì bạn nghĩ là mình biết đôi lúc sẽ tan biến không còn gì. Những hiểu biết sâu sắc nhất của bạn, những kinh nghiệm tuyệt hảo, sự nghiệp của bạn, đều có thể sụp đổ, tan vỡ. Đôi khi không một lời cảnh báo.

Bạn sẽ được yêu cầu bắt đầu lại, một lần nữa, lần nữa và lại một lần nữa. (Tôi đã nói rồi, đây không phải là con đường dành cho những trái tim yếu đuối.)

Bạn sẽ được nếm trải phúc lạc và niềm vui của cuộc sống, chắc chắn. Một ngày nào đó, chắc chắn bạn sẽ cười với sự đơn giản của sự tồn tại, tất nhiên!

Nhưng bạn cũng sẽ được yêu cầu đối đầu với những nỗi sợ sâu thẳm nhất, đối diện với bóng tối ở bên trong, đi vào những nơi có những sinh vật không có tình yêu cư ngụ. Bạn sẽ bước vào tận cùng của những khổ đau bạn chưa từng biết đến. Bạn sẽ rơi một tỷ giọt lệ cho những đứa trẻ lạc lõng bị bỏ rơi, bên trong và bên ngoài.

Bạn sẽ phẫn nộ lên đến tận mây xanh, giận bố mẹ, tất cả những người thầy đã làm bạn thất vọng, những lời nói dối, những người không có ở bên bạn khi bạn cần họ nhất. Có những ngày bạn sẽ run rẩy vì sợ hãi. Có những ngày dường như mặt đất sẽ nuốt chửng bạn vào và rồi lại nhổ toẹt ra.

Đôi lúc bạn nghĩ mình đã đi đến cuối con đường để rồi lại thấy mình ở vạch xuất phát chiết tiệt. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy như muốn bỏ cuộc. Đôi lúc bạn cảm giác như mình không tiến bộ một chút nào. Đôi lúc bạn sẽ nguyền rủa cái ngày bạn bước chân vào con đường này.

NHƯNG BẠN ĐANG CHỮA LÀNH. Đúng vậy.

Bạn đang trả nghiệp của hàng tỉ tỉ năm. Những hoàn cảnh nảy sinh từ sợ hãi đang dần biến mất. Bạn đang nhìn thấy cuộc sống một cách trần trụi nhất. Bạn trở về với bản tính tự nhiên của mình, về với Khu Vườn, về với sự hoang dại, nơi bạn được sinh ra.

Nó không luôn dễ dàng. Nó không luôn bình an.

Nó không phải là thứ tâm linh người ta bán cho bạn.

Nó không phải lúc nào cũng tràn ngập yêu thương, ánh sáng, niềm vui, sự tích cực và Ý thức thuần khiết không gián đoạn.

(Những thứ này chỉ là chiêm bao cho những đứa trẻ sợ hãi.)

Không, đây là một sự thức tỉnh thực sự. Bạn là một chiến binh của sự thật, mệt mỏi với những thứ nhảm nhí và những lời hứa giả dối, đang khóc lóc, nổi giận, cười đùa hướng vào sự toàn vẹn tuyệt vời, khủng khiếp như chính bạn là.

Những giấc mơ cũ đã tan vỡ nhưng bạn thì không. Những tiếng nói của sợ hãi, xấu hổ, và nghi ngờ vẫn có ở đấy nhưng giờ đây bạn lớn hơn thế.

Sẽ có những ngày bạn cảm thấy nhỏ bé, vâng, nhưng sẽ có những ngày bạn có thể giữ cả Vũ Trụ trong lòng bàn tay mình. Bạn đã trở nên điên loạn để được bình thường. Bạn đã rạn vỡ để được toàn vẹn, bạn đã đánh đổi sự an toàn cũ rích cho một chuyến phiêu lưu cuộc đời, và đã từ bỏ những giáo điều buồn tẻ cũ kỹ lấy sự rộn ràng của những gì chưa biết.

Bạn đang tìm thấy sự an toàn ngay cả trong những nơi đen tối nhất, vẻ đẹp ở những nơi cô đơn nhất và tình yêu ở những nơi mà bạn nghĩ đã bị bỏ rơi bởi tình yêu.

Bạn không bao giờ bị bỏ rơi bởi cuộc sống, bởi bạn chính là cuộc sống. Kể cả khi bạn có gục ngã, bạn vẫn hoàn toàn được nâng đỡ bởi những thế lực bất khả tư nghị.

Vậy thì sao? THÌ SAO! Bạn ngã, bạn làm mình bị thương. Bạn cảm thấy xấu hổ một lúc. Bạn lại khóc ra giấc mơ cũ kỹ của mình. THÌ SAO? Bạn khóc than cho những kỳ vọng rồi quay lại đối mặt với thực tại và nó chưa từng bao giờ tệ như bạn sợ.

Bạn gượng đứng dậy, phủi bụi, bước tiếp trên con đường.

Nói thật là, bạn chưa bao giờ rời bỏ con đường. Bởi con đường chưa bao giờ rời bỏ… bạn.

Bởi con đường tự hình thành dưới chân bạn, trong từng Khoảnh Khắc, với mỗi bước chân bạn bước đi hay dừng lại, hân hoan trong cuộc hành trình độc nhất của bạn, chúc mừng bạn đúng như con người bạn đang là hôm nay, cúi đầu trước mỗi thất bại và thành công của bạn.

Vậy, hãy bắt đầu lại, bạn ơi.

Hãy bắt đầu lại, và bước tiếp.

Tác giả: Jeff Foster
Biên dịch: Minh Ngọc
Hiệu đính: Prana – THĐP

Photo by Casey Horner on Unsplash

Bạn và Thiên Nhiên là một

0

Buổi sáng đi bộ dọc những con đường của thành phố Đà Lạt, tôi thường để ý nhặt nhạnh những hạt cây để mang về trồng. Không hiểu sao, các hạt giống có một sức hút kỳ lạ đối với tôi. Lúc thì tôi nhặt được hoa cánh bướm, hoa cúc mặt trời hay cúc vạn thọ, lúc thì nhặt được những hạt bồ công anh, cà chua bi, hay tía tô dại. Những hạt này đều vẫn còn trên cây và đang đợi ngày phát tán. Khi ra tới đường lớn, tôi nhặt được hạt của những loài cây thân gỗ cao to già cội.

Dù rằng rất vui vì nhặt được những hạt cây còn khỏe mạnh nhưng trong tôi bỗng nảy ra những ý nghĩ: Nếu không có ai nhặt về ươm mầm thì số phận của những hạt giống này, đặc biệt các cây gỗ lớn, sẽ đi về đâu? Vì nơi chúng rơi xuống đều là nền gạch hoặc nền bê tông. Đất ẩm ở đâu để cho chúng nảy mầm, để cho chúng phát triển những thế hệ mới? Phải chăng những cái cây trong thành phố không khác gì một người vô sinh hoặc bị triệt sản? Phải chăng những hạt giống tuyệt vời đang rơi vãi trên vỉa hè kia đang bị phung phí, đang sinh ra không để làm gì ngoài việc bị bỏ rơi, bỏ qua và hủy hoại. Trong khi đáng ra nó có thể trở thành một cái cây cao lớn, cho ra hàng trăm hàng ngàn hạt giống mạnh khỏe khác. Đáng lẽ ra, nó đã có thể tạo ra cả một khu rừng tươi tốt?

Bạn cứ nghĩ thử mà xem, chuyện này có khác gì với việc con người phung phí những nguồn lực trong cuộc sống của mình, coi thường, chối bỏ hay bất lực trong việc sử dụng những điều giá trị đang nằm ngay trước mắt? Đáng lẽ ra chúng ta đã trở nên duyên dáng, tự tin và tràn trề sức sống. Đáng lẽ ra, chúng ta có thể yêu thương, giúp đỡ và san sẻ niềm vui với nhau. Nhưng luôn có điều gì đó cản trở chúng ta trở nên như vậy, cản trở chúng ta nhận ra và sống một cuộc đời đáng sống.

Khi nhìn những hạt cây rụng la liệt trên nền đất cứng nhắc, tôi không khỏi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn người gieo giống trong Kinh Thánh. Đức Jesus đã kể rằng:

“Có một nông gia kia đi ra gieo giống. Trong khi gieo, một số hạt rơi bên đường đi, chim đáp xuống ăn hết. Một số rơi trên đất đá, có rất ít đất thịt. Hạt giống ấy mọc lên mau vì có ít đất cạn. Nhưng khi mặt trời mọc lên thì cây non chết héo vì rễ không sâu. Một số hạt rơi vào đám cỏ gai, gai mọc lên chèn ép cây non. Một số hạt rơi trên đất tốt, mọc lên và sinh hoa quả nhiều. Có cây ra một trăm hạt, có cây sinh ra sáu chục, có cây sinh ra ba chục. Ai có tai để nghe, hãy nghe cho kỹ.” (Mt 13:1-9)

Khi các môn đệ hỏi Ngài về ý nghĩa của các hình ảnh ẩn dụ trong này thì Đức Jesus đã giải thích rằng:

“Các con hãy nghe ý nghĩa của ngụ ngôn về nông gia. Hạt giống rơi bên đường đi nghĩa là gì? Hạt ấy như người nghe dạy về nước thiên đàng mà không hiểu. Kẻ ác liền đến cướp lấy hạt đã trồng trong lòng họ. Còn về hạt giống rơi nhầm chỗ đất đá thì sao? Hạt ấy giống như người nghe lời dạy liền vui nhận. Nhưng người ấy không để lời dạy ăn sâu vào trong lòng. Chỉ giữ một thời gian ngắn thôi. Khi khó khăn và bạo hành xảy đến do lời dạy thì họ liền bỏ cuộc. Còn hạt giống rơi nhằm cỏ gai nghĩa là gì? Hạt ấy giống như người nghe đạo nhưng lại để những lo âu đời này và cám dỗ của giàu sang cản trở khiến lời dạy không nảy nở và kết quả được trong đời sống người ấy. Còn về hạt giống rơi trên đất tốt là gì? Hạt ấy giống như người nghe đạo và hiểu nên có kết quả, một hột ra một trăm, sáu chục hoặc ba chục.” (Mt 13:18-23)

Các bạn có để ý thấy rằng thế hệ con người ngày nay sống cách xa thiên nhiên và Mẹ Trái Đất không? Chúng ta không còn tiếp xúc trực tiếp với mặt đất nữa, vì sự tiếp xúc đã bị cản trở bởi những công trình bê tông, những con đường nhựa phẳng lì. Cây cối ở những nơi đô thị cũng vậy. Chúng cô độc và vô vọng với giống nòi của mình.

Có thể ai đó sẽ nghĩ rằng điều này không có liên quan gì đến con người, chúng ta cứ việc sống với kỷ nguyên bê tông cốt thép, còn những cái cây, những hạt giống muốn ra sao cũng chẳng liên quan đến chúng ta. Nhưng không, đáng tiếc rằng mọi chuyện không diễn ra như vậy. Sớm hay muộn, bạn cũng sẽ nhận ra rằng thế giới bên ngoài chính là biểu tượng thể hiện thế giới bên trong của con người. Cái cây kia là sự lao động miệt mài của bạn, hoa trái kia là thành quả và niềm vui của bạn, và hạt giống kia là trí tuệ tiềm năng ẩn giấu trong bạn. Chưa hết, càng nhiều máy móc tân tiến, con người càng chai cứng lạnh lùng. Càng nhiều bê tông cốt thép, con người càng kém hấp thu trí tuệ. Càng xa rời mặt đất, con người càng sống hoang đường ảo tưởng. Những gì chúng ta làm với thiên nhiên chính là những gì chúng ta làm với chính mình.

Như trong truyện ngụ ngôn người gieo giống, một hạt rơi xuống nền đất cứng không nảy mầm được cũng là biểu tượng cho việc một trí tuệ, một ân sủng từ Trời rơi xuống lòng người mà không thể bén rễ nổi. Vì sao? Vì lòng dạ con người đã chai cứng, kháng cự và từ chối sự giao hòa cùng những trí tuệ thiêng liêng. Trong khi đó, mọi thứ trong thế giới hiện tượng đều là các câu lệnh được viết bằng ngôn ngữ biểu tượng. Và việc chúng ta xây dựng cuộc sống hay môi trường xung quanh ra sao chính là việc chúng ta đang tạo ra các câu lệnh để điều phối cuộc sống mà cá nhân mình đang trải nghiệm. Có thể nói, thế giới này là kết quả của tâm thức tập thể, tích hợp mọi hành động, suy nghĩ của con người. Cuối cùng tâm thức ấy ảnh hưởng đến từng người trong tập thể không chừa một ai. Thực tế là, chúng ta không chỉ chịu ảnh hưởng bởi nhận thức của bản thân mình mà còn của tất cả mọi người. Đồng thời, chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình mà còn đến cuộc sống của tất cả mọi người. Không ai có thể trốn tránh trách nhiệm xây dựng tập thể và cũng không ai có thể trốn tránh sự chi phối của năng lượng tập thể lên bản thân.

Vậy chúng ta có thể làm gì để thay đổi vận mệnh của bản thân, của thế giới? Câu trả lời không là gì khác ngoài việc đoàn kết với nhau, cùng tu dưỡng bản thân, và đặc biệt cùng trân quý và gìn giữ thiên nhiên. Chưa bao giờ tôi có một niềm tin mãnh liệt như bây giờ về tương lai của con người sẽ hướng đến, kỷ nguyên mới của chúng ta sẽ được sánh bước cùng thiên nhiên, tình yêu và hòa bình. Màu xanh tươi mát sẽ tràn ngập không chỉ bên ngoài, mà còn bên trong trái tim mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng, khi bạn lưu trữ và gieo trồng một hạt giống là bạn cũng lưu trữ và gieo trồng đức hạnh bên trong mình. Khi bạn chăm sóc một cái cây là bạn cũng đang chăm sóc sự mát mẻ tâm hồn và cổ vũ cho năng lực lao động của bản thân. Khi bạn ngắm một bông hoa là đang vun đắp niềm vui, khi bạn ăn một trái ngon là bạn đang thưởng thức thành quả và giá trị sống mà mình tích lũy. Và đặc biệt, khi bạn lan tỏa hạt giống là bạn đang lan tỏa sự sống và trí tuệ đến với thế gian.

Hãy cố gắng sống gần gũi với Thiên Nhiên và cùng Thiên Nhiên tạo nên những câu lệnh tốt đẹp cho cuộc sống của cả hai. Vì bạn và Thiên Nhiên là một.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: Markus Spiske on Unsplash


💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

[THĐP Translation™] Thuyết tiến hóa có giải thích được nguồn gốc của sự sống không?

0

Không.

Nếu xem xét một cách khách quan, chuyện có vẻ như là một vấn đề quan trọng này sẽ làm lung lay học thuyết Tiến hóa, bởi vì trong những định nghĩa chính yếu của sự tiến hóa có viện dẫn ADN khi mô tả về sự thay đổi tần suất của các allele* trong một quần thể, sự di truyền cùng với biến dị và nguồn gốc chung của muôn loài – tất cả những điều này chỉ là phỏng đoán chứ không hề khẳng định để giải thích nguồn gốc của một phân tử có khả năng tự sinh sản và sinh vật đơn bào đầu tiên.

*Alen là dạng cụ thể của một gen, có chức năng di truyền nhất định. Đây là một trong những khái niệm quan trọng hàng đầu trong Di truyền học, vốn được phiên âm từ thuật ngữ “allele” của tiếng Anh. Khái niệm “alen” và khái niệm “gen” nhiều khi có thể dùng thay cho nhau, nhưng thực ra là khác nhau. Thời Việt Nam Cộng hòa danh từ này được Ủy ban Quốc gia Soạn thảo Danh từ Chuyên môn dịch là di thể tương hình hay di thể đối vị. (Wiki)

Vấn đề của quá trình tiến hóa thời sơ khai của sự sống và sự lạc quan thiếu căn cứ của các nhà khoa học được bày ra bởi chính Richard Dawkins chứ không phải ai khác. Ông nêu ra những điều kiện đặc biệt trong lịch sử Trái Đất. Vào thời kì sơ khai, trên Trái Đất

“… không có sự sống, không có sinh học, chỉ có vật lý học và hóa học, và những chi tiết hóa học của Trái Đất lúc đó rất khác biệt. Gần như toàn bộ, dẫu không phải tất cả, các nghiên cứu được đưa ra bắt đầu với thứ được gọi là nồi súp nguyên sinh – một nồi nước canh nghèo nàn gồm những chất hữu cơ đơn giản ở dưới biển. Không ai biết được nó đã xảy ra như thế nào, nhưng bằng cách nào đó không hề vi phạm những định luật vật lý và hóa học, một phân tử đột nhiên nảy sinh đặc tính tự sao chép – một “cỗ máy” sao chép (replicator). Điều này giống như một vận may hiếm có… Kì quái làm sao, nó thực sự đã xảy ra… [và] chỉ xảy ra đúng một lần… Hơn thế, theo như những gì chúng ta biết, nó có thể chỉ đã xảy ra trên một hành tinh duy nhất trong số hàng tỉ tỉ hành tinh trong vũ trụ này. Dĩ nhiên có nhiều người nghĩ chuyện này thực sự đã xảy ra trên rất rất nhiều hành tinh, nhưng chúng ta hiện chỉ có bằng chứng cho thấy nó đã xảy ra trên một hành tinh mà thôi, sau một khoảng thời gian trong vòng nửa tỉ đến một tỉ năm. Cho nên vận may mà chúng ta đang xem xét này có thể khó xảy ra đến mức xác suất nó xảy ra tại một nơi nào đó trong vũ trụ trong một năm bất kì có thể chỉ thấp bằng một phần tỉ tỉ tỉ. Nếu nó thực sự đã xảy ra trên một hành tinh duy nhất trong vũ trụ, đó phải là hành tinh của chúng ta – bởi chúng ta đang ngồi đây bàn luận về nó.”

— Richard Dawkins, Climbing mount improbable (1996) W.W. Norton, New York, trang 282 – 283, phần nhấn mạnh (in nghiêng) thuộc nguyên tác)

“Không ai biết được nó đã xảy ra như thế nào, nhưng bằng cách nào đó không hề vi phạm những định luật vật lý và hóa học, một phân tử đột nhiên nảy sinh đặc tính tự sao chép – một cỗ máy sao chép” – điều đó nghe giống như một lời giải thích khoa học hay một niềm tin mù quáng? Tôi đoán là chúng ta phải nên tin vào điều đó, bởi Richard Dawkins đã nói vậy.

“Sau thất bại của từng đó nỗ lực [để giải thích nguồn gốc sự sống], khoa học đã bị đặt vào tình thế khá hổ thẹn khi phải giả định nhiều học thuyết về nguồn gốc sự sống, điều mà khoa học không thể chứng minh. Sau khi chỉ trích các nhà thần học vì sự phụ thuộc của họ vào thần thoại và phép màu, khoa học lại thấy mình ở một vị trí không ai mong muốn của việc phải tự chế ra câu chuyện thần thoại cho riêng mình, cụ thể là giả thuyết cho rằng những điều không thể chứng minh được sau nhiều nỗ lực là có thể xảy ra ngày hôm nay đã thực sự xảy ra trong thời đại nguyên sinh.”

— Tiến sĩ Loren C. Eiseley [cố Giáo sư ngành Nhân chủng học, Đại học Pennsylvania], The immense Journey (TD: Cuộc hành trình mênh mông), trang 199 (tái bản năm 1957, New York, NY: Vintage, 1946)

Những gì chúng ta biết, về tất cả những gì chúng ta biết, là trước mốc 4 tỉ năm về trước, sự sống có lẽ không tồn tại trên Trái Đất. Bề mặt của hành tinh lúc đầu nóng chảy, và kể cả khi nó nguội dần, nó bị các tiểu hành tinh và sao chổi bắn phá. Tất cả những gì có khả năng tồn tại chỉ là những hóa chất đơn giản. Nhưng vào khoảng 3.8 tỉ năm trước, những trận bắn phá kết thúc, và sự sống đột nhiên nảy sinh. Hầu hết những nhà khoa học nghĩ “tổ tiên chung của muôn loài” – cơ thể sống được cho là khởi nguồn của mọi sinh vật trên hành tinh này – xuất hiện vào khoảng 3.6 tỉ năm trước. Trái với câu chuyện về sự tiến hóa điển hình mà ta vẫn được kể, tại thời điểm đó không có nhiều yếu tố xác suất (chủ yếu là thời gian) để kết quả này gần như chắc chắn xảy ra hay tối thiểu là có chút ít khả năng. Không, sự sống không nảy sinh qua hàng tỉ niên đại thời gian, mà tương đối là chỉ sau một đêm…

“…hiện giờ chúng tôi đang có cái chúng tôi tin là bằng chứng thuyết phục cho sự sống trên Trái Đất 3800 nghìn triệu năm [trước đây]. Điều này đưa giả thuyết về Nguồn gốc của Sự sống trên Trái Đất xuống còn một phạm vi rất hẹp … hiện giờ chúng tôi đang nghĩ, bằng các khái niệm địa hóa học, tới khả năng sự sống xuất hiện tức thì…”

— Tiến sĩ hóa học C. Ponnamperuma, trích trong F. Hoyle và C. Wickramasinghe, Evolution from Space (1981) (TD: Tiến hóa từ Không gian)

“Chúng ta còn rất ít thời gian giữa việc phát triển các điều kiện thích hợp cho sự sống trên bên bề mặt Trái Đất và nguồn gốc của sự sống. Sự sống không phải là một sự ngẫu nhiên phức tạp yêu cầu một khoảng thời gian to lớn để biến điều hầu như không thể thành điều gần như chắc chắn. Thay vào đó, bởi tất cả tính phức tạp của nó, sự sống có lẽ đã xuất hiện nhanh chóng ngay khi có thể.”

— Tiến sĩ sinh học S. J. Gould, “An Early Start” (TD: Một sự Khởi đầu Sớm). Natural History, Tháng hai, 1978)

Tuy nhiên nguồn gốc của một phân-tử-có-khả-năng-tự-sao-chép chẳng phải là “vận may kì quái” duy nhất mà ta phải giải quyết. Có một khoảng cách giữa một phân tử có khả năng tự sao chép (DNA) và ngay cả những thực thể sống đơn giản nhất: động vật đơn bào nguyên thuỷ. Một khoảng cách có vẻ như ngày càng tăng lên:

“Các nhà khoa học hiện cho biết, tổ tiên chung kì bí của tất cả sự sống trên Trái Đất có lẽ là phức tạp hơn những gì ta đã nghĩ – một cơ thể sống tinh vi với cấu trúc phức tạp.

Tổ tiên chung cuối cùng của mọi loài, hay LUCA (last universal common ancestor) là sinh vật được các nhà nghiên cứu gọi là tiền thân của tất cả những sinh vật sống. Nhiều thông tin về LUCA vẫn còn là một bí ẩn – nhiều người nghĩ rằng nó chỉ phức tạp hơn một hỗn hợp ban sơ với thành phần là những phân tử, một nồi súp hóa học mà từ đó sự tiến hóa dần dần xây dựng nên những hình thái phức tạp hơn. Một số thậm chí còn tranh luận liệu nó có phải là một tế bào hay không. [Những học thuyết về sự sống đầu tiên của Trái Đất]

Giờ đây, sau nhiều năm nghiên cứu về đặc tính từng bị phớt lờ của vi sinh vật, các nhà khoa học cho rằng tổ tiên chung cuối cùng của mọi loài thực sự rất phức tạp, và có thể được thừa nhận như một tế bào…

Tổ tiên chung cuối cùng của mọi loài có lẽ phức tạp hơn cả những sinh vật đơn giản nhất đang sống ngày nay.”

(“Tổ Tiên Của Mọi Thực Thể Sống Tinh Tế Hơn Ta Nghĩ” – LIVESCIENCE)

“Các nhà nghiên cứu sinh học tế bào giờ đây nhận ra rằng một tế bào sống chứa đựng hàng trăm nghìn những bộ phận phức tạp khác nhau, như các loại protein động cơ (motor protein) hợp lại để tạo nên “bộ máy” phức tạp nhất trong Vũ trụ – phức tạp hơn cả siêu máy tính phức tạp nhất được chế tạo bởi Cray. Sau một thế kỉ nghiên cứu, giờ đây chúng ta cũng nhận ra rằng, sinh vật nguyên sinh nhân thực từng được cho rằng chỉ đơn giản như một chén gelatin vào thời kì của Darwin thực ra lại phức tạp hơn rất nhiều so với tế bào nhân sơ. Hơn thế, sinh học phân tử đã chứng minh rằng cấu trúc cơ bản của tế bào … về bản chất là giống nhau trong mọi cơ thể sống trên trái đất, từ vi trùng cho đến loài thú… Xét về mặt cấu trúc sinh hóa cơ bản … không cơ thể sống nào có thể được xem như là nguyên thuỷ hay là tổ tiên của một cơ thể sống khác, và cũng không tìm ra được một vết tích thực nghiệm nhỏ nhất nào của một trình tự tiến hóa trong số tất cả những tế bào vô cùng đa dạng trên trái đất.”

— Tiến sĩ hóa sinh Denton, Michael. 1986. Evolution: A theory in crisis (TD: Sự tiến hóa: Một lý thuyết đang trong khủng hoảng). Adler and Adler, Bethesda, MD., p. 250)

“Cội nguồn sự sống là một trong những vấn đề hóc búa nhất của khoa học, nhưng nó cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Nghiên cứu về nguồn gốc của sự sống đã phát triển thành một lĩnh vực sinh động liên ngành, nhưng nó thường bị các nhà khoa học khác xem xét với thái độ hoài nghi hay thậm chí là chế giễu. Thái độ này có thể hiểu được và theo một nghĩa nào đó có lẽ là hợp lý, tiết lộ một bí mật “xấu xí” hiếm khi được nhắc đến: Mặc dù đã mang lại nhiều kết quả khi được đánh giá trên tiêu chuẩn đơn giản của việc vươn tới (hay thậm chí gần đạt đến) mục đích sau cùng, lĩnh vực nghiên cứu cội nguồn sự sống là một thất bại – thậm chí ta vẫn chưa có được một mô hình chặt chẽ hợp lý, nói gì đến một kịch bản được xác thực về sự xuất hiện của sự sống trên Trái Đất. Dĩ nhiên, điều này không phải do thiếu nỗ lực thực nghiệm hay lý thuyết, mà là do khó khăn và tính phức tạp đặc biệt của bản chất vấn đề. Sự nối tiếp các bước cực kỳ khó xảy ra là điều thiết yếu đối với nguồn gốc của sự sống, từ sự tổng hợp và tích lũy nucleotide cho đến nguồn gốc của sự dịch mã; thông qua sự nhân lên của xác suất, những điều này khiến cho kết quả cuối cùng như thể một phép lạ.”

— Tiến sĩ sinh học phân tử Eugene V. Koonin, The Logic of Chance: The Nature and Origin of Biological Evolution (TD: Logic của xác suất: Bản chất và Nguồn gốc của sự Tiến hóa Sinh học) (Upper Saddle River, NJ: FT Press, 2011), 391.)

Tác giả: Jim Cakalic
Biên dịch: Nô Bi Tin
Hiệu đính: Hoài Thanh, Prana
Photo: GANJIRO KUMA


💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Năng lượng là tất cả những gì bạn cần

0

(Trích) Hiển nhiên rằng, với mỗi chương trình khác nhau thì cần một ngưỡng năng lượng khác nhau để vận hành. Giống như bạn chạy chương trình word, exel thì không hao tổn nhiều năng lượng như bạn chạy chương trình đồ họa hay một game bắn súng hạng nặng, trong cùng một khoảng thời gian.

• • •

Cuộc đời là một cỗ máy khổng lồ. Điều này không yêu cầu niềm tin của bạn, nhưng nếu bạn có thể một lần tin tưởng và thử hình dung, một góc nhìn mới sẽ mở ra trong cuộc sống của bạn và nó sẽ thể hiện sự hữu ích không hề nhỏ.

Tất cả những gì bạn nhìn thấy, xúc chạm, sử dụng, phản ứng, như cơ thể, xúc cảm, tâm trí, nghề nghiệp, người yêu, tiền lương cuối tháng,… bất kể thứ gì hữu hình có thể đọc tên, đều là các chương trình nằm trong cỗ máy cuộc đời. Có thể nói, cỗ máy ấy quá to lớn, phức tạp, đa chiều và mang hình thù lạ lẫm để có thể gợi cho bạn một ý tưởng về nó. Nhưng hãy cố gắng hình dung cuộc sống này là một cỗ máy khổng lồ đang hoạt động như bao cỗ máy khác.

Hiển nhiên rằng, với mỗi chương trình khác nhau thì cần một ngưỡng năng lượng khác nhau để vận hành. Giống như bạn chạy chương trình word, exel thì không hao tổn nhiều năng lượng như bạn chạy chương trình đồ họa hay một game bắn súng hạng nặng, trong cùng một khoảng thời gian. Hoặc trong đời sống hàng ngày, để chạy chiếc xe máy Honda thì không tốn nhiều nhiên liệu như chạy tên lửa Falcon 9 của Elon Musk. Nên với những thực tại cao cấp của cuộc đời, để có thể kích hoạt và duy trì chúng, bạn không cần gì khác ngoài năng lượng, rất rất nhiều năng lượng.

💎 [THĐP Translation™] Tư duy như Elon Musk

Hãy thử nói xem, trong hiện tại, cuộc đời của bạn đang chán chường, mệt mỏi? Công việc bạn làm đang không như ý? Sức khỏe của bạn không được ổn định? Bạn kém tập trung và thường xuyên bất mãn? Lý do chẳng phải bạn không thông minh, bạn không cố gắng, hay bạn không gặp thời vận. Lý do duy nhất đó là bạn có ít năng lượng, bạn không đủ nhiên liệu để chạy những thực tại chất lượng mà mình mong muốn. Nó có thể là một cuộc đời tràn đầy đam mê hứng khởi, một nghề nghiệp sản sinh nhiều ý nghĩa sống, một lòng tự tin vào bản thân, hay một ý chí sắt đá kiên cường… 

Có những người nghe nói về Luật Hấp Dẫn và ngày ngày ngóng trông cầu ước để được toại nguyện, nhưng họ không biết rằng ý đồ của họ, sự ước mong của họ, kế hoạch của họ đều không phải là thứ trực tiếp giải quyết vấn đề. “Chuôi dao” ở đây là ngưỡng năng lượng mà họ đang sở hữu. Nó có đủ để hiện thực hóa những ước mơ đó không? Nó có đủ để vận hành một thực tại có đồ họa tinh tế và rực rỡ không? Đó là những câu hỏi mà một người cần đặt ra, về “nguồn lực” của chính bản thân mình, trước khi anh ta mơ mộng về một điều gì đó. Giống như trước khi muốn mua một cái nhà, hay mở một quán café, tối thiểu, bạn cũng cần nhận định được số vốn mình đang có trong tay.

Nếu sự nhận định này bị bỏ qua thì sao? Câu trả lời là những ước mơ cũng mãi mãi chỉ là ước mơ. Bạn sẽ xác định sai điểm trọng tâm, sai công việc ưu tiên. Bạn sẽ chạy theo và cố gắng cân bằng những yếu tố ngoại cảnh, cố gắng kiểm soát và uốn nắn chúng trở thành hình dạng như mình mong ước. Trong khi đó, nội lực hay năng lượng cần thiết để kích hoạt thực tại ấy thì vẫn không được vun đắp, thậm chí còn bị phung phí nhiều hơn vào những chuyện chẳng liên quan. Giống như một thanh niên có một cái máy tính đời cũ dùng 10 năm sắp sập, nhưng cậu ta vẫn cố chạy game săn quái vật phiên bản nặng đô mới nhất (cùng 30 ứng dụng khác chưa tắt) và mong rằng mình sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi đánh boss level cuối. Không, điều này là huyễn hoặc và điên rồ. Cái máy đó sẽ sớm được về chầu ông vải và cậu ta sẽ sớm được nếm mùi thất vọng.

Vậy rốt cuộc, năng lượng đến từ đâu?

Để một cái máy bình thường, như điều hòa, nồi cơm hay máy sấy tóc,… hoạt động, bạn cần cung cấp năng lượng đến từ lưới điện. Còn để cỗ máy cuộc sống hoạt động, bạn cần cung cấp năng lượng từ ý thức của chính mình.

Khi ngưỡng năng lượng của một người dâng cao, các thực tại tốt đẹp hơn sẽ tự động mở khóa (unlocked), hoặc những sự hỗ trợ để đi tới thực tại đó sẽ được cung cấp kịp thời, ví dụ như các mối quan hệ, các thông tin, các sự kiện cần thiết,…

Chưa kể, một người càng neo sự chú ý ở bên trong chính mình, người đó sẽ càng mạnh. Có những bậc đạo sư cấp cao có thể thay đổi không chỉ chính mình mà còn cả môi trường xung quanh. Họ tỏa ra ánh hào quang rực rỡ, thu hút mọi người và muông thú; họ biến đổi được tâm tư và thái độ của những người họ tiếp xúc; họ khuất phục đám đông đôi khi chỉ bằng việc hiện diện,… Tất cả những gì họ làm đều đến từ nội lực tự thân. Trong khi đa phần con người không có sự tu tập thì không nhận ra được tiềm năng to lớn của bản thân, người đó thậm chí không thể kiềm chế và điều tiết được chính mình.

Trong cuộc sống, câu hỏi rằng “bạn cần bao nhiêu năng lượng” và “khi nào các ước mơ của bạn sẽ thành tựu” sẽ không thể được trả lời bằng văn bản. Khi thời khắc tới, thực tại đó sẽ hiển lộ và bạn sẽ tự biết câu trả lời thông qua cảm nhận, hay trực giác. Vậy nên trong quá trình, một người chỉ có thể kiểm soát được một việc duy nhất, đó là bản thân lưu trữ năng lượng như thế nào.

Tuy nhiên, có không ít người lầm tưởng việc sướng vui trong những kích thích là một cách để kiến tạo và lưu trữ năng lượng. Họ tìm đến những trò giải trí, những loại thuốc, những mối quan hệ để có thể cảm thấy hân hoan, thích thú. Và họ nghĩ đó là biểu hiện của năng lượng dồi dào. Tiếc rằng không phải vậy, đó là biểu hiện của năng lượng giải phóng, năng lượng thiêu đốt. Cuộc sống càng nhiều kích thích, một người sẽ càng trở nên yếu ớt và mệt mỏi. Tôi nói vậy không có ý rằng bạn đừng nên gọi điện về nhà trò chuyện với gia đình, hay bạn hãy bỏ quách người yêu hiện tại đi để có bình an. Ý tôi muốn nói đó là bạn đừng nên tìm kiếm năng lượng hay hạnh phúc ở thế giới bên ngoài, mà hãy nhận ra nó ở bên trong chính mình.

Năng lượng thực sự đến từ sự ý thức và bình an nội tâm. Đây là tiền đề để hiện thực hóa những ước mơ, những hoài bão, những hành động đúng đắn, vì đất lành thì chim đậu, an cư thì lạc nghiệp. Hay nói cách khác, nội lực của mỗi cá nhân chính là thứ sẽ làm sống dậy những thực tại tương ứng. Dòng nội lực ấy chảy trong thân thể con người, thấm vào từng tế bào và sự vận động, khiến cho thể lực của họ được sung mãn dẻo dai, khiến cho mọi việc làm của họ được tỉnh táo dứt khoát. Nó chảy trong ánh mắt họ, thấm vào trong thế giới mà họ quan sát ngắm nhìn, khiến cho thế giới ấy lộ ra những bí mật và vẻ đẹp diệu kỳ. Nó chảy trong tâm tư họ, thấm vào từng suy nghĩ và khiến những suy nghĩ trở nên sáng suốt và tràn đầy cảm hứng. Dòng chảy ấy đi đến đâu, thế giới bừng sáng lên đến đó. Bất kể những ước mơ còn nằm trong bóng tối cũng sẽ được chiếu rọi thức giấc.

Đây chính là cách cỗ máy cuộc đời vận hành, dựa vào năng lượng nội tại của bạn. Nói theo một cách khác, bạn có thể dịch chuyển cả thế giới nếu bạn đủ mạnh. Nhưng để có được nhiên liệu sức mạnh ấy, bạn phải nối được chính mình vào Cội Nguồn Năng Lượng. Và cội nguồn ấy không ở đâu xa ngoài tâm hồn và ý thức của bạn.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: Eneko Uruñuela on Unsplash

Về nỗi sợ chết — Sâu thẳm của sự thấu ngộ là một cái tôi hành động trong ý thức

0

Dù chúng ta là ai, đến từ đâu, ngôn ngữ, màu da và chủng tộc khác nhau như thế nào, chúng ta đều có chung một nỗi sợ – sợ cái ta chưa biết.

Vậy làm sao để từ một cái chung ấy ta có thể gắn kết sâu sắc hơn với nhau? Có lẽ sợi dây kết tinh từ nỗi sợ cái chưa biết, chính là điều chúng ta đang cần. Trong tất cả những thứ ta chưa biết, cái chết luôn là hiện tượng ám ảnh mọi người. Ngoại trừ Phật, Jesus Christ, Krishna, thần Shiva, hoặc các bậc huyền môn thấu ngộ như Osho, Krisnamurti, Rumi…, thì hầu như ai cũng ít nhiều đều tìm cách lãng tránh cái chết.

Một điều chắc chắn rằng là chúng ta thường làm mọi thứ để tránh đi cái ta sợ hơn là cái ta muốn. Quả vậy, cái chết luôn là thứ khiến cho con người ta trở nên uỷ mị và sợ hãi.

Với góc nhìn ấy, ta biết rằng, mọi rắc rối mà ta đang đối mặt đều phát sinh từ nỗi sợ của bên kia sự sống. Ta sợ thứ không hiện hữu, và thế là ta dành thời gian hiện hữu để tìm bản chất thật của thứ không hiện hữu. Và khi ta có một câu trả lời khả dĩ, ta không biết làm gì tiếp theo với câu trả lời ấy, ta đâm ra hoảng loạn. 

Trong tâm thái lơ lửng ấy, bản ngã của ta cần một điểm tựa. Nếu may mắn tìm đúng điểm Trung Tâm, ta sẽ có cảm thức an toàn vĩnh viễn. Hiện tượng tìm về trọng tâm, cội nguồn gốc rễ của sự sống này được các bậc thầy tâm linh như Osho gọi là “điểm hội tụ”. Trong thế giới của Tantra, việc tìm về điểm Trung Tâm là một trong những phương pháp thiền hiệu quả dành cho một ai đó muốn trở nên thấu ngộ và tìm thấy Chân Ngã. Chúng ta sinh ra với một điểm hội tụ nhưng thường không biết về nó, do đó luôn cần đến rất nhiều con đường dẫn ta đến cánh cửa mở ra ánh sáng soi rọi nhận thức ấy.

Nếu không may tìm sai điểm Trung Tâm, ta sẽ trở nên điên loạn – kiểu điên mà các thiên tài thường hay gặp phải, chúng là cái điên của một tâm trí thông minh nhưng bị dồn nén quá nhiều nỗi sợ. Phân tâm học của phương Tây gọi đây là hiện tượng “tri thức hoá”. Trong mô hình định vị tính cách của Freud, bạn cần nhìn nhận bản ngã như là một phần đối mặt với thực tế. Nó rất yêu sách. Nó luôn đòi hỏi ta đáp ứng các nhu cầu bốc đồng, nổi loạn, trong khi siêu ngã (super-ego) muốn ta hướng đến đạo đức và lý tưởng. 

Lo âu, sợ hãi là tín hiệu cảnh báo cho bản ngã nhận diện được thực tế đang bất ổn theo cách nó không mong muốn. Vậy nên, tri thức hoá là một chiến thuật phòng vệ tâm lý do bản ngã sản sinh nhằm xoa dịu cảm giác lo âu, sợ hãi. Có thể hiểu, nếu bạn nhận thức được rằng con người ai rồi cũng phải chết, cơ chế phòng vệ trên buộc bạn phải ra sức tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến cái chết.

Theo cùng cái chết luôn là sự sống. Vậy nên, con người muốn lĩnh hội hết mọi tri thức về sự sống nhằm sáng tạo ra sự sống với mục đích là hạn chế đối mặt với cái chết. Nỗi sợ cái chưa biết khiến ta nhìn nhận bản chất thật của thế giới theo hướng rất chi li và bi quan. 

• • •

Có thể thấy, để giúp con người không rơi vào tình huống mộng mị ấy, các triết gia khắc kỷ đã đưa ra vài phương pháp giúp ta trở nên bình tĩnh hơn khi họ diễn tập về cái chết. Họ thoải mái bàn luận với chúng ta về một kết thúc êm đẹp cho một cuộc đời viên mãn, bằng một hệ thống lập luận chặt chẽ về thứ ta nên có ở đời này, thay vì theo đuổi những thứ phù vân. Họ nỗ lực giúp ta không cảm thấy bị số phận lừa phỉnh. Trên hết là vì họ là những cá nhân có hiểu biết sâu sắc ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tâm lý học. 

Họ hiểu rằng một cá nhân phiền não với cái chết là vì họ sợ những điều diễn ra sau cái chết, một số cá nhân khác thì sợ đã sống một đời sai lầm khi chưa đạt được những thứ có giá trị trong đời, nếu cái chết đến, nó sẽ chấm dứt tham vọng đạt được và sở hữu những thứ giá trị đó của họ. 

Vì chúng ta sợ cái chết nên chúng ta sợ luôn việc sống. Ta không thật sự Sống. Ta chỉ tồn tại trong trạng thái sợ hãi mọi thứ ta chưa biết và, ta quên luôn cả việc ta có thể học cách nhận biết về bản chất thật của Sự Sống, ta quên luôn việc nhận biết trạng thái hiện hữu nguyên thuỷ của chúng ta là tại điểm Trung Tâm. Ta quên mất điểm Trung Tâm này như cách một chiếc lá quên việc mình là một phần của nhánh, của cành, của thân, của rễ cây.

Các triết gia khắc kỷ còn thường khuyên bạn rằng, đừng trông mong gì về việc hưởng thụ thành quả khi thực hiện bất cứ hành động nào. Khi không trong mong gì vào đó bạn không còn bị trói buộc vào thế giới bên ngoài, bạn thoải mái bước vào thế giới bên trong. Thế giới chứa đựng điểm hội tụ – sợi dây kết nối nhân loại với sự sống. Nó chính là cội rễ. 

Đức Krishna trong Chí Tôn Ca đảm bảo rằng:

“Sau khi từ bỏ mọi tham luyến với thành quả lao động của mình, lúc nào cũng mãn nguyện và độc lập, anh ta sẽ không còn thực hiện hành động vì thành quả, dù luôn làm đủ mọi công việc. Người nào hành động chẳng toan tính việc hưởng thụ thành quả lao động, người đó là bậc trí huệ.”

Người trí huệ luôn là người ý thức rõ được điểm hội tụ của con người. Thế nên, Krishna mới bảo rằng nếu hành động với hiểu biết về bản chất siêu việt của Đấng Tối Cao, linh hồn ta sẽ được giải thoát.

Sống để thưởng thức Sự Sống mới là điều loài người chúng ta đáng được hưởng. Chúng ta hiện hữu trên hành tinh này là để thưởng thức cái đẹp, cái tinh khôi của vạn vật. Thông qua đó, ta sẽ thấu ngộ được sự thuần khiết nguyên thuỷ của chính giống loài chúng ta. Bên trong tâm thức của một người thấu ngộ luôn là tình yêu và lòng trắc ẩn với đồng loại. Khi ta yêu, ta mới có thể hoà quyện và tan chảy vào nhau. Đại dương rồi sẽ tan vào giọt nước như cách mà Vũ trụ sẽ tràn ngập trong ta khi linh hồn ta tự do.

“Bạn không phải là một giọt nước trong đại dương. Bạn là cả đại dương trong một giọt nước.” — Rumi

 Vậy nên, sâu thẳm của sự thấu ngộ là một cái tôi hành động trong ý thức.

Tác giả: VRSP

Biên tập: THĐP

Photo by Zhuo Cheng you on Unsplash

💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Cuộc đời là bữa tiệc buffet

0

Tôi yêu các món ăn và đã từng có ước mơ rằng mình sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới bằng kinh khí cầu và thưởng thức tất cả những đặc sản nơi mình đặt chân. Dựa vào nguồn cảm hứng ấy, trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến chuyện ăn uống. Cụ thể, tôi sẽ không nói đến thực phẩm sạch hay các chế độ ăn kiêng, mà nói đến một ý tưởng rằng: Cuộc đời là bữa tiệc buffet.

Bạn hãy ngồi lại một phút và thử tưởng tượng về điều này. Tất cả mọi thứ xung quanh bạn, tất cả mọi thứ bạn có thể tiếp xúc và ý thức, chúng đều là các món ăn. Hãy cố gắng tưởng tượng rằng bạn được Thượng Đế mời đến một bữa tiệc thịnh soạn và choáng ngợp với đồ ăn trải dàn khắp tầm mắt. Thậm chí, chúng chất ngập đến tận lỗ mũi, là không khí bạn hít thở; chúng đầy dưới chân, là mặt đất bạn bước đi, chúng đầy bên vành tai, là các âm thanh bạn nghe thấy, chúng phủ khắp thân thể, là áo quần bạn đang mang; chúng đầy trong lồng ngực, là những xúc cảm bồi hồi; chúng ngập trong tâm trí, là những suy nghĩ, lý tưởng hay các gu thời trang và hình mẫu người yêu,… Hãy nhìn xem, đồ ăn la liệt ở tất cả mọi nơi. Bạn đang ở trong một bữa tiệc hoành tráng nhất có thể tưởng tượng trong đời.

Chưa hết, các món ăn được trưng ra, như đã nói, không phải đồ thiu thối cặn bã, mà luôn luôn mới mẻ và sống động. Ví dụ, cái cây đằng sau vườn, nó luôn lớn lên và đơm hoa. Thời tiết xung quanh cũng xoay vần, lúc mưa lúc nắng. Mây trên trời cũng chẳng bao giờ đơn điệu, nào là xám đen, nào là hồng phấn, lúc thanh mảnh, lúc cuộn trào. Rồi những món tâm tư bên trong bạn cũng liên tục được làm mới trong từng khoảnh khắc, nào là buồn khổ, nào là phấn khích, vui vẻ, hồi hộp, u sầu; nào là suy nghĩ về chuyện trả tiền nhà cuối tháng, nghĩ về một lời ngợi khen của người xung quanh, nghĩ về chuyện ngày mai ăn gì, nghĩ về lúc mình đẻ được đứa con thứ bốn. Hãy nhìn xem, bữa tiệc cuộc đời này mới sống động và tươi mới làm sao. Như một buổi buffet với vô hạn món, chúng được đặt trên một dây chuyền chuyển động để có thể đảm bảo rằng bạn luôn được tiếp xúc với một món mới tinh, không bao giờ trùng lặp.

Bạn vẫn đang tưởng tượng như những gì tôi đang mô tả chứ? Tốt lắm. Mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đó. Các món ăn được bày biện công phu la liệt khắp nơi đến từng chi tiết nhỏ. Chúng chỉ chờ đợi được bạn đánh chén, hoặc đơn giản hơn là được bạn chú ý. Từ ngay gần trước mắt hay xa tận chân trời, chúng cũng kêu gọi bạn rằng “Xin chào, tôi ở đây này, hãy ăn tôi đi, hãy nuốt một miếng tôi đi!” Mọi thứ đều muốn cuốn hút sự chú ý của bạn. Bạn check điện thoại 51 lần 1 ngày, bạn cáu gắt với người hàng xóm 3 phen hàng tháng, bạn cười 10 lượt với những meme hài trong vòng chưa đầy 1 tiếng lướt web, bạn nghĩ về ví tiền của mình 7 lần mỗi tối,…

Chúng ta cứ tưởng rằng được đặt vào trong một bữa tiệc buffet với đồ ăn ngập tràn thì ai cũng vui sướng. Nhưng không hề. Lòng tham và sự mất tự chủ khiến bạn buộc bản thân phải ăn hết tất cả mọi thứ trong một lúc, khiến bạn phải gắp thật nhiều, nuốt thật nhanh, khiến bạn phải đưa mắt tìm kiếm các món mới để không bị bỏ lỡ, thậm chí khiến bạn phải trốn chạy khỏi bữa tiệc thịnh soạn ấy để lấy lại sức lực. Bữa tiệc Thượng Đế mời bạn đến trở thành một gánh nặng, nó đã biến thành một sự tra tấn năng lực hấp thu của bạn. Cuộc đời dâng lên một món mất ví tiền, bạn nuốt không trôi, bạn nôn ói ra những sự bất mãn và tiếc nuối. Rồi nó lại trao cho một món máy bay trì hoãn, bạn không tài nào nuốt nổi, bạn lại mửa ra một sự cáu giận và bực bội. Bữa tiệc này có vẻ như quá tải so với bạn.

Bạn đã nghĩ rằng mình cần phải là người chiến thắng, mình cần phải ăn hết tất cả mọi thứ. Xã hội đã dạy bạn như thế, luôn phải là người thành công, người mạnh mẽ, người xuất sắc, người thông minh, người đứng đầu. Nhưng không ai dạy bạn rằng bạn không nhất thiết phải là như vậy, hoặc chưa cần là như vậy ngay lúc này. Bạn có thể nhấm nháp các món đồ được dâng lên, bất kể chúng có hương vị lạ lẫm và kỳ dị thế nào. Bạn có thể thưởng thức chúng trong khả năng của mình. Cắn một miếng nhỏ và xem xét mùi vị. Nếu không thích, bạn không cần phải nuốt chúng. Nhiều khi, bạn chưa kịp nếm xong món đó thì chính nó đã biến đổi trong miệng bạn rồi. Vậy làm sao một người với mục tiêu ăn hết tất cả lại có thể chịu đựng nổi sự liên hoàn của thức ăn?

Trong khi, một người sống với mục tiêu chỉ nếm thử hoặc ăn dần tùy theo sức lực, lại chẳng hề thấy chút áp lực nào.

Nếu việc chạy bộ vào 6h sáng là quá khó để thực hiện, bạn có thể giảm nó xuống còn là thức dậy vào 6h sáng và đeo giày. Nếu việc đọc 100 trang sách trong 1 ngày là quá khó, bạn có thể giảm nó xuống còn 1 trang 1 ngày. Nếu việc chấp nhận lời nói của người khác là quá khó, bạn có thể giảm nó xuống là chỉ đơn thuần lắng nghe. Cũng như vậy, với các món ăn trong bữa tiệc cuộc đời, bạn không nhất thiết phải nuốt hết tất cả. Mọi thứ mời gọi và lôi cuốn bạn, nhưng không ép bạn phải tham gia. Bạn muốn thưởng thức món nào là tùy ý, bạn muốn dành bao nhiêu sự chú ý cho chúng là tự nguyện, miễn sao bạn còn nhớ rằng mình là người có quyền lựa chọn, mình là khách mời.

Với thái độ ấy, bạn hãy nhìn xem, không phải một điềm gở, mà là một tin mừng, rằng bạn đang hiện diện ngay giữa một bữa tiệc thơm ngon thịnh soạn. Thậm chí bạn có thể ngủ gật ở đó nếu muốn mà không lo bữa tiệc ấy sẽ tan rã. Khi thức giấc, chỉ cần với nhẹ tay, bạn đã chạm vào một cái bánh kem nhỏ. Chiếc bánh đó thật hoàn hảo, thật tuyệt vời làm sao. Bạn tận hưởng nó vì bạn biết rằng mình không nhất thiết phải ăn những món còn lại vẫn đang chờ đợi. Bạn nhấm nháp nó vì bạn biết rằng mình không nhất thiết phải nuốt chửng. Bạn không hề có áp lực về thành tích, bạn không hề lo sợ về mất mát, bạn không bị hối thúc, không bị xao động, không bị phân tâm. Giữa muôn vàn khả năng lựa chọn, bạn đang thưởng thức một chiếc bánh tí hon. Rồi sau khi ăn xong, bạn lại có thể thử một ly nước cam. Nếu thấy no, bạn dừng lại, ợ một cái và nghỉ ngơi, quan sát cả buổi tiệc ấy vận động, chiêm ngưỡng sự hùng tráng và vi diệu của những guồng quay. Bạn chẳng bao giờ phải sợ đói, chẳng bao giờ phải sợ nghèo, và chẳng bao giờ phải sợ cô đơn. Vì bạn luôn được ở giữa bữa tiệc hoành tráng mà Thượng Đế đã ưu ái thỉnh mời.

Hãy tưởng tượng mà xem, trông bạn có giống một bà tiên hay một ông hoàng không nào? Khi biết tất cả đã được lo liệu đến tận chân răng và bạn luôn có quyền lựa chọn, việc duy nhất bạn cần làm chỉ là khoan thai tận hưởng. Vậy nên, đừng bỏ lỡ bữa tiệc tuyệt vời này như bao người khác. Đừng bỏ lỡ nó, bạn của tôi!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Ảnh: Kelly Jean on Unsplash

💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Nếu bạn nhạt nhẽo thì hãy nhạt nhẽo một cách duyên dáng (Phần 2)

0

Nếu bạn nhạt nhẽo thì hãy nhạt nhẽo một cách duyên dáng: https://bit.ly/37zQoVu

Giờ thì bạn đã biết mình thuộc nhóm người tẻ nhạt như thế nào. Bước tiếp theo, tôi tin chắc là các bạn đang tò mò về một phương pháp chữa lành hoặc chuyển dịch cấp độ.

Trước khi đi vào chi tiết, hãy nhận biết một cách rõ ràng, dù bạn ở nhóm nào, điều bạn cần làm là ý thức được tính hai mặt của một vấn đề. Nghĩa là, tẻ nhạt tầm thường, dù là nhóm không ai mong muốn được xếp vào, nhưng ở một góc nhìn khác, lợi điểm của chúng vẫn là bước đệm để bạn có cơ sở đi sâu hơn vào nội tại. Có thể gọi đó là cánh cửa mở ra nhận thức về tâm thức của một cá thể. 

Ngược lại, nếu bạn đã ở vị trí của nhóm tẻ nhạt khác thường, ảo tưởng về tri thức là thứ sẽ ngăn cản bạn đạt đến một cấp độ nhận thức cao hơn nữa. Nó cho bạn cảm giác thoả mãn về những điều bạn tưởng rằng chỉ mình bạn đang có, chỉ mình bạn mới hiểu. 

Bạn biết về các loại hạt cơ bản và phản hạt của nó trong vật lý lượng tử. Ai đó hỏi bạn các hạt đó có ích gì cho đời sống tâm linh? Bạn sẽ trả lời ra sao? Bạn có thể kể vanh vách về lịch sử của của thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, về cuộc đời của Tào Tháo, của Hitler, của Alexander, của Napoleon…nhưng điều bạn vừa kể đó có đóng góp gì cho tâm thức của nhân loại?

Sự thật là chỉ cần ai đó nói rằng thứ bạn đang có đó thật ra là chẳng giá trị gì, bạn sẽ hụt hẫng. Tâm bạn không thể tĩnh lặng nếu bất kỳ ai giày vò bản ngã hiếu chiến của bạn với những lời lẽ coi khinh như vậy.

Thế nên, xin hãy nhớ rằng: Tâm trí càng biết nhiều thì tâm hồn lại càng hạn hẹp. Vậy nên. Cứ bình tĩnh!

• • •

Giờ thì bạn có thể gọi tẻ nhạt tầm thường và khác thường là nhóm những người không chuyên và chuyên. Ở giữa, tẻ nhạt bình thường là điểm giao nhau giữa chuyên và không chuyên. Với những người không chuyên, khả năng nắm bắt những thứ mới mẻ sẽ rất sáng tạo. Ở họ, mục tiêu thường rõ ràng, họ tập trung toàn bộ niềm yêu thích vào thứ họ chưa biết bằng góc nhìn cởi mở. Trong tâm thế của kẻ ngu sẵn rồi, người đó có nhiều khả năng trở nên sáng láng. Và thế là họ có nhiều góc nhìn giúp họ chuyển đổi năng lượng từ tiêu cực sang tích cực một cách dễ dàng.

Còn với những người chuyên, điều đó khó có khả năng thành hiện thực. Bởi, một khi là chuyên gia, điều gì sẽ xảy ra cho kỹ năng của họ, nếu ai đó cho họ một góc nhìn khác mới mẻ hơn? 

Sự hạn hẹp ở tâm hồn là thứ ngăn họ đến với một ý tưởng mới mà ở đó, có nhiều khả năng ý tưởng đó lật đổ hệ thống logic chặt chẽ mà họ đang có. Nó khiến một người trở nên phòng thủ.

Điều này có thể đi đến một kết luận khách quan rằng: Mọi cấp độ đều có liên hệ mật thiết với nhau. Chúng là những phản ứng dây chuyền, không ngừng lan toả. Thứ này dẫn đến thứ kia, thứ kia dẫn đến thứ nọ. 

Để không rơi vào trạng thái ảo tưởng tri thức, khi nhận xét một điều gì đó, ta phải hiểu thấu đáo về nó. Đừng vội định giá bất kỳ cấp độ nào chỉ bằng một khoảng suy tư ở bề mặt. Những rắc rối nảy sinh từ một bộ óc định kiến chưa bao giờ là lợi điểm cho sự “nhàm chán duyên dáng” mà chúng ta cần cả.

Thế nên, đừng e ngại! Dù bạn ở bất cứ cấp độ tẻ nhạt nào, bạn vẫn là một cá thể sinh động luôn sở hữu những chất liệu sẵn có để chuyển dịch mình thành một người nhàm chán mà duyên dáng.

Điều quan trọng ở đây là, khi bạn đã can đảm khoanh vùng những mặt hạn chế của mình rồi, thì việc sửa chữa nó chỉ là việc sớm muộn. Tôi dám chắc điều đó. Và tôi đảm bảo luôn rằng để thực sự nhàm chán một cách duyên dáng bạn cần vượt thoát ra khỏi cả ba cấp độ ấy. Bằng cách nào?

Trước tiên, cần phân biệt được cơ chế hoạt động của nguồn năng lượng tiêu cực.

Năng lượng tiêu cực xảy ra từ những trói buộc, mà khi bị trói buộc, bạn sẽ rơi vào trạng thái bối rối. Không một ai có thể đưa ra quyết định đúng đắn trong sự bối rối được cả.

Lúc này đây, bạn không biết mình nên làm gì? Chọn gì? A hay B?  Nếu là A thì A có thật sự ổn không? Còn B, lỡ chọn B thì mình lại bị lỡ mất A. Trước tình huống đó, để không sai lầm bạn cần ai đó giúp bạn lựa chọn. Và khi bạn chọn theo mong muốn của người đó, bạn sẽ có cơ hội đổ tội lên họ. Còn không, bạn cứ thế mà ôm một nỗi sợ mơ hồ về kết quả ở thì tương lai.

Bạn sẽ không bao giờ được bình yên ở giữa hai thái cực “tốt” – “xấu”. Bạn phải phụ thuộc vào một ví dụ bên ngoài để hiểu được thứ mà bản thân mình đang là. Nếu tốt, bạn vui; nếu xấu, bạn đau khổ. Bạn chưa sẵn sàng thoải mái với cả cái xấu và cái tốt của mình. Thế thì, duyên dáng làm sao được.

Chính vì thói quen ưa chỉ trích, ưa bình phẩm khi chưa có góc nhìn cởi mở và thấu đáo, ta mới dễ rơi vào trạng thái mà Sigmund Freud gọi là đè nén tâm lý nảy sinh từ thái độ cự tuyệt mọi quan điểm.

Một cá nhân tẻ nhạt tầm thường nếu đã sáng suốt, nhận thức được rõ cơ chế phòng vệ tâm lý này rồi, họ sẽ tự nguyện rũ bỏ nó. Đó là hành động can đảm. Can đảm hiểu mình đang mắc phải những thói tật gì để rồi từ đó cải thiện nó.

Khi bạn hạn chế phán xét người khác, tự ắt bạn sẽ thôi khắt khe với những yếu điểm của mình. Nếu bạn ngừng đòi hỏi một người phải trở nên như thế nào, bạn cũng làm điều tương tự với bản thân.

Hãy chấp nhận bản thân một cách trọn vẹn cả tốt lẫn xấu ẩn bên trong tâm hồn mình. Bạn phải hiểu bạn đang tồn tại dựa trên sự đối nghịch. Hãy quên mọi hiểu biết mà mình đang có đi! Đón nhận nhiều góc nhìn khác nhau bằng tâm hồn rộng mở, công bằng, khách quan, bạn sẽ thấy mình không còn bị giằng co bởi thứ bạn phải là nữa. Khi ấy, vấn đề về quan điểm sẽ không còn gây ra mâu thuẫn. Nếu đã không còn mâu thuẫn, tâm hồn duy lý của bạn sẽ không cần phải bận rộn cho những nhận định.

Khi bạn đã hiểu được tâm trí, bạn sẽ không cần dùng đến ngôn ngữ nữa. Bạn bắt đầu ưa thích sự tĩnh lặng. Đó là một hiện tượng duyên dáng. Bạn, dù ở cấp độ nào, cùng có thể chuyển hoá nó một cách linh hoạt.

Sẽ thật vui, nếu tôi biết bạn đang có những trăn trở này và mong muốn vượt thoát khỏi chúng. Hiển nhiên, tôi và bạn đều cần đến quá trình để phục hồi, sau đó mới có thể đạt trạng thái chuyển hoá linh hoạt được. Nhưng tôi tin bạn sẽ hiểu, sẽ nhận biết được nó có ích.

Tác giả: VRSP

Biên tập: THĐP

Photo by Jordan McGee on Unsplash

💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

Tôi đã thay đổi như thế nào sau 3 tháng sống ở Đà Lạt

0

Tôi chưa từng có ý định nhìn lại xem mình đã thay đổi thế nào sau 3 tháng từ Hà Nội tới sống ở Đà Lạt. Quả thực tôi đã hơi bối rối khi có một người bạn hỏi về điều đó. Một chút lo lắng xen lẫn buồn phiền dâng lên trong lòng. Tôi không biết sẽ phải viết gì. Những dự định dang dở, những mảng tối trong con người mình làm tôi thấy rối rắm. Nhưng khi tôi trầm ngâm đưa mắt nhìn ra ban công, một niềm hân hoan bất chợt ánh lên. Nhìn những cành lá rung rinh trong gió, tôi bỗng nhận ra những sự thay đổi trong cuộc sống của mình. Và bây giờ tôi muốn kể nó cho bạn cùng nghe.

Đầu tiên phải kể đến sự nghiệp trồng cây của tôi. Niềm yêu thích cây cối đã không còn dừng lại ở việc thả tim cho các bài viết trên facebook mà tôi đã bắt tay tạo dựng khu vườn nhỏ của riêng mình. Mới đầu, tôi rất sợ làm sai nhưng sự hướng dẫn, khích lệ, tâm thế thích khám phá và thử nghiệm của một người bạn đã giúp tôi cũng có nguồn năng lượng tích cực như thế. Và tôi đã không hối hận vì đã bắt đầu. Những giờ phút làm vườn khiến tôi cảm thấy vui vẻ, thư thái. Chỉ cần tôi chịu để ý thì cây cối luôn biết cách làm tôi bất ngờ và cảm phục. Mỗi khi nhìn mầm cây đội đất chui lên, hay sự biến đổi, sinh sôi nảy nở của cây lá hoa trái, tôi đều phải thốt lên rằng “Cây giỏi nhỉ”.

Việc trồng cây đã mở ra trong tôi biết bao điều mới lạ. Dần dà nó làm thay đổi cách nhìn, suy nghĩ và hành vi của tôi. Nếu không gieo hạt, chắc hẳn tôi đã không bị thu hút bởi các hạt hoa ven đường. Nếu không trồng và chăm cây, tôi đã không có thêm những niềm vui nho nhỏ trong việc nấu ăn bởi tôi biết sẽ có những cây rau mới mọc ra từ những gốc rau bỏ đi. Cây cối sẽ được “bữa ngon” từ nước vo gạo, đất sẽ được che phủ nhờ những vỏ lạc, vỏ ngô. Tôi cũng sẽ không biết được hoa cúc nút áo bền kinh khủng đến vậy. Một tháng rưỡi rồi hoa vẫn chưa tàn. Trước đây khi đi đường ở Hà Nội, tôi thấy nó không thật đẹp khi được đặt cạnh các loài hoa khác trên những gánh hàng rong. “Hoa gì mà trông chẳng mềm mại”, tôi thầm nghĩ. Nhưng tôi đã thay đổi cách nhìn về em ý trong một lần đi chơi Thung lũng Vàng. Khi ngồi xuống để ngắm nghía thật kĩ, tôi thấy cấu trúc của nó không chỉ đẹp mà còn rất hút mắt. Và mặc cho việc tôi thấy lá của nó không ấn tượng nhưng tôi vẫn quyết tâm rước một cây về nhà. Một khi đã yêu thì sẽ chấp nhận cả những điều không hoàn hảo ở đối phương, “Yêu nhau yêu cả đường đi” là vậy đó. Cứ như thế, ban công nhỏ của tôi giờ đây đã xanh ngát xanh.

Nhờ trồng cây, ý thức bảo vệ môi trường của tôi tăng thêm một bậc. Tôi chỉ mua những món đồ mà bản thân thực sự cần chứ không mua do phát sinh nhu cầu từ việc giảm giá. Tôi tập thói quen sử dụng khăn vải để lau tay, lau bàn, lau bếp thay vì dùng giấy ăn. Trước khi định bỏ đi một thứ nào đó tôi từng cho là rác, tôi đều tự hỏi xem liệu nó có thể làm được gì nữa. Nào là vỏ hộp sữa chua có thể dùng để ươm hạt hay đựng những miếng chanh, trái ớt cắt dở trong tủ lạnh. Nào là túi zip đựng nguyên liệu làm bánh có thể dùng để lưu giữ hạt hoa. Nào là vỏ chuối có thể dùng để bón đất. Tôi cũng hạn chế sử dụng túi nilon nhất có thể. Mỗi khi đi chợ, tôi mang theo giỏ cói và túi nilon được giữ lại từ những lần mua hàng trước đó. Có lần, sau khi đã đi giày và khóa cửa, tôi mới nhớ ra mình chỉ mang giỏ mà quên túi nilon. Sau vài giây đắn đo, tôi đã quay lại để lấy. Điều này khiến tôi cảm thấy rất vui vì đã vượt qua sự lười biếng của mình để làm được điều nhỏ bé có ích. Có lẽ lần sau ông Trời sẽ thử thách tôi hơn khi để tôi đi xuống thêm 3 tầng lầu nữa rồi mới nhắc nhẹ rằng “Ê nhỏ, quên túi kìa!”

Và cuối cùng, tôi đã xây dựng một số thói quen tốt để chăm sóc bản thân. Ban đầu, tôi đi bộ mỗi ngày để rèn cho mình tính kỉ luật và có được sự dẻo dai. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng việc được hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn mây trời cùng cảnh sắc ven đường khiến tôi yêu thích việc đi bộ. Bầu trời khi thì trong vắt, có khi được tô điểm bởi những vùng mây muôn hình muôn vẻ. Ven đường lúc nào cũng ngập tràn cỏ cây, hoa lá reo vui, vẫy gọi làm cho mỗi bước chân đi cũng xốn xang theo. Buổi tối ở đây có rất nhiều sao sáng, đến mức một đứa cận nhẹ và không đeo kính như tôi chẳng cần phải nheo mắt để thấy chúng đang lấp lánh.

Không chỉ đi bộ mỗi ngày, tôi còn tập thể dục tại nhà. Tôi đã tự lựa chọn một bài tập trên youtube “dễ ăn”, phù hợp với mình thay vì tập những bài mà chỉ dựa trên lời người khác bảo rằng “Tốt lắm, tập đi”. Nhờ vậy tôi có thể thực hiện được nó hàng ngày trong 1 tháng rưỡi – khoảng thời gian lâu nhất mà tôi có thể duy trì một bài tập. Tôi cũng dành thời gian để chăm sóc da một cách “trung thực” hơn. Trước đây, tôi đã không làm gì kể cả khi da bị khô và bong tróc mà chỉ thực hiện bôi trét cứu cánh khi sắp có dịp đi du lịch, đi ăn cưới hay đi hội họp. Tôi tập mỉm cười nhiều hơn khi một mình bởi trong cuốn sách Tư duy nhanh và chậm, Daniel Kahneman đã viết “mỉm cười có xu hướng khiến bạn cảm thấy vui vẻ”. Tôi thấy khá lí thú khi đọc được điều này và đã thực hành theo. Nếu bạn cũng thử, chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên về hiệu quả của nó đấy.

Bên cạnh việc săn sóc cơ thể, tôi cũng bồi đắp thêm cho tâm hồn mình bằng việc rèn luyện thói quen đọc sách mỗi tối. Một phần để kéo mình ra khỏi những rắc rối, phiền não do mình tự tạo ra và một phần để dễ dàng đi vào giấc ngủ. Những thói quen ấy giúp tôi yêu bản thân hơn và cảnh giác với những suy nghĩ nuông chiều/hành hạ bản thân mình bằng cách xem phim hay các chương trình giải trí xuyên màn đêm mỗi khi có chuyện bất như ý.

Nhưng tôi biết những trải nghiệm ấy chưa đủ để khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Chừng nào tôi còn hướng ra bên ngoài, chưa thành tâm sửa mình thì chừng ấy tôi còn chưa an ổn. Nhưng tôi cũng biết mình luôn khát khao để sống tốt hơn và nếu chỉ tập trung nhìn vào những yếu kém của bản thân mà không nhận thấy những thay đổi dù nhỏ ấy đang tiếp thêm cho tôi động lực thì tôi sẽ dễ nản chí và bị nhấn chìm trong những con sóng tiêu cực.

Cảm ơn Đà Lạt đã luôn ưu ái tôi. Cảm ơn người bạn đã thật lòng quan tâm tôi. Cảm ơn tôi đã không bỏ lỡ cơ hội để nhìn lại chặng đường 3 tháng qua, trân trọng những gì mình đã làm, bớt mơ hồ về bản thân và biết mình nên làm gì tiếp theo. Hy vọng những ai còn đang loay hoay như tôi cũng sẽ gặp được những cơ duyên giúp mình kiên trì bước tiếp trên con đường đi đến hạnh phúc đích thực. Chỉ cần bạn thực sự muốn gieo những hạt giống tốt lành, sẵn sàng để thay đổi và không ngần ngại bắt tay vào hành động thì ắt sẽ được cuộc đời nâng đỡ. Và tôi tin rằng những hạt giống ấy luôn có sẵn trong mỗi con người.

Tác giả: Mộc Hương


💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP